CN 27 B: Hôn nhân được Thiên Chúa chúc lành


Hôn nhân được Thiên Chúa chúc lành

St 2: 18-24; Hr 2: 9-11; Mc 10: 2-16

Lm. Jude Siciliano, OP.

(Học viện Đaminh chuyển ngữ)

Kính thưa quý vị,

CN 27 B: Hôn nhân được Thiên Chúa chúc lànhVấn đề ly dị mà các Pharisêu đặt ra cho Đức Giêsu không nhằm mục đích tranh luận để nghiên cứu hay chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng thánh Máccô cho chúng ta thấy họ đang thử Đức Giêsu. Vấn đề này đã được bàn đến từ lâu, thậm chí trong suốt Sách Thánh. Chúng ta đọc thấy trong Sách Đệ Nhị Luật rằng:

“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà và…” (Đnl 24, 1-3).

Vấn đề trên không khiến cho một chuyên viên Giáo luật bận tâm xem xét giáo huấn này cởi mở thế nào để giải thích và tranh luận. Ví dụ, cái gì đã làm nên “điều chướng”, hay việc “ghét bỏ nàng” có nghĩa là gì? Có nhiều tranh luận khác nhau xoay quanh giáo huấn này theo nghĩa đen, lời giải thích này cụ thể nói đến việc không chung thủy như là căn cớ cho việc ly dị. Một lối giải thích rộng hơn được một số người có thẩm quyền đặt ra, đáng chú ý là Hillel. Trường phái tư tưởng này cho phép cho phép chỉ cần một lý do bình thường cũng có căn cớ để ly dị. Chẳng hạn người phụ nữ không giỏi nấu ăn; hay vô tình làm cháy nhà – những việc như thế có nên là căn cớ để li dị hay không?

Những cuộc tranh luận như thế chẳng khác gì chẻ sợi tóc làm tư, nhưng những tranh cãi đó liên quan đến vấn nạn xã hội quan trọng: khi nào thì được phép ly dị? Ly dị không phải đơn thuần là vấn đề riêng tư, nhất là trong một cộng đồng sống khép kín. Hơn nữa, vì ly dị thường ảnh hưởng đến những đứa con và quyền lợi của chúng, một cuộc tranh luận về ly dị quả không phải là đơn giản. Có thể chúng ta nghe từ nhiều khía cạnh khác nhau rằng, người phải chịu đau khổ về việc ly dị chính là người phụ nữ và những đứa con.

Trong nền văn hóa của Đức Giêsu, một hôn lễ bền vững và tốt đẹp là điều tối quan trọng đối với phụ nữ, vì họ không có tài sản riêng và cũng không thể tự mình mưu sinh. Vì thế, một người phụ nữ đã có gia đình thì được chu cấp cho cả mình và con cái. Vì thế, luật pháp chống lại việc ly dị nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em khỏi bị những tính khí nông nổi thống trị và lấn lướt. Người vợ bị ruồng rẫy thì đồng thời cũng bị “đuổi ra khỏi nhà”. Đâu là sự bảo vệ mà nền văn hóa gia tộc đông phương dành cho người nữ và con của cô ấy? Cây ấy sẽ sống thế nào nếu ngay chính gia đình của mình cũng không, hoặc không thể đón cô về nhà? Có bao giờ quý vị thắc mắc tại sao những cô gái điếm lại thường xuyên được nhắc đến rong Tin Mừng không?

Chúng ta đang ở trong một nền văn hóa tân tiến với rất nhiều bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em. Thế nhưng chúng ta vẫn còn sống trong một thế giới bị đổ vỡ, và ai mà chẳng biết những bà mẹ đã bị ly dị phải chật vật để nuôi dạy con cái mà không hề có sự giúp đỡ của người chồng cũ?

Đoạn Tin Mừng không chỉ nói về việc ly dị mà còn cho biết tình tiết về các môn đệ Đức Giêsu đang cố ngăn cản người ta đem trẻ em đến với Thầy mình. Hơn nữa, ngoài tình thương mà Đức Giêsu dành cho trẻ em, Người còn dùng cơ hội đó mà nhân danh những người dễ bị lên án nhất trong xã hội – mà trong bối bản văn, không chỉ bao gồm trẻ em, chưa được pháp luật công nhận, mà còn cả những phụ nữ bị ly dị nữa. Trong lời phát biểu của Đức Giêsu chống lại việc ly dị, Người vẫn theo cách thông thường bảo vệ người nghèo và những người dễ bị lên án nhất trong xã hội.

Đức Giêsu khẳng định hôn nhân lý tưởng và cũng nói rằng người đàn ông ly dị vợ rồi đi tái hôn là điều sai trái, vì như thế là bất công đối với phụ nữ bị ruồng rẫy. Người còn giảng dạy về sự bình đẳng của cả vợ chồng trong hôn nhân. Chúng ta nghe điều lý tưởng mà Đức Giêsu đã đặt ra cho chúng ta trong đời hôn nhân. Chẳng ai cần phải đi tìm một nhà thống kê xã hội để biết về sự đổ vỡ trong hôn nhân ở đất nước chúng ta ra sao. Ngày nay người ta cũng ghi nhận về mức độ kết hôn thấp ở Hoa Kỳ – khoảng 51% người lớn ở độ tuổi trên 18, so với 70% vào năm 1960 (Phân tích của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew).

Một số lý do của sự giảm sút về tỉ lệ hôn nhân là tình trạng sống chung như vợ chồng, những trào lưu làm mẹ đơn thân. Thêm vào đó, số lượng người phụ nữ không lập gia đình chẳng bao lâu sẽ vượt qua số lượng phụ nữ lập gia đình. Vì cứ hai đôi kết hôn thì có một đôi ly dị. Những người theo dõi các thống kê này cho rằng, cần có một chương trình giáo dục về sống hôn nhân để đẩy mạnh tính vững bền và chất lượng hôn nhân. Các giáo xứ và trung tâm giảng thuyết trong tuần này cần quan tâm đến sáng kiến và chương trình sẵn có nơi giáo sứ, giáo phận và cộng đoàn địa phương dành cho những người chuẩn bị sống đời hôn nhân, hoặc những người cần tư vấn hôn nhân, hay những nạn nhân của đời sống hôn nhân cần được giúp đỡ.

Câu trả lời của Đức Giêsu cho những người Pharisêu không bàn về tính hợp pháp của việc ly dị cho bằng bàn về nguồn gốc linh thiêng của hôn nhân được thiết lập trong sách Sáng Thế. Lập trường của Người, được nói đến trong bối cảnh của thế giới Người đang sống là sự cảm thương dành cho những ai thiếu thốn, và tái khẳng định về sự thánh thiêng trong đời sống hôn nhân.

Bối cảnh mà trong đó Đức Giêsu đang nói thì khác xa với thời đại chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cảm nhận được sự phẩm vị mà Người đã ban cho nhân loại, đó là chúng ta được Thiên Chúa trân trọng và yêu thương. Như Patricia Sanchez phát biểu trong một ấn bản gần đây về “Nguồn mạch Giảng Thuyết,” (một nghi thức bao gồm “Việc cử hành: Nghi Thức Phụng vụ Tổng Quát,” trang 2, tháng 10/2012) như sau:

“Dù thế nào đi nữa, khi mỗi người có thể duy trì mối quan hệ lâu dài với một người khác thì chẳng có lý do gì để phán xét hoặc kết án họ. Trái lại, như Đức Giêsu, khi chúng ta có động lòng trắc ẩn và biết quan tâm đến người khác, thì chúng ta mới dám tin tưởng vào lương tâm trong sáng của họ và biết trân trọng những quyết định đúng đắn mà họ đã đưa ra. Ngăn cản không cho những người đau khổ nhất nhận được sự trợ giúp trong cộng đoàn đức tin không chỉ là bất nhân, mà còn trái với gương mẫu do Đức Giêsu thiết lập và nghịch với Tin Mừng mà Người rao giảng.”

Để củng cố lập trường của mình, Đức Giêsu dẫn đưa thính giả đến đoạn đầu sách Sáng Thế và những trình thuật tạo dựng. Trước hết Người trích câu Kinh Thánh nhấn mạnh về giá trị bình đẳng của người nam và người nữ. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Câu trích thứ hai từ sách Sáng Thế, trong bài đọc một, nói đến người phụ nữ như là trợ tá cho người nam. Có một sự hỗ tương lẫn nhau như được mô tả trong tham chiếu này (Xc St 2,18).

Hai bản văn trích từ sách Sáng Thế mô tả người nam và người nữ đều bình đẳng trước mặt Chúa và và bình đẳng trong tương quan với nhau. Không một động vật nào có thể trở thành tác nhân đối tác cho con người. Nên biết rằng, không phải người nam tạo nên người nữ, mà chính Thiên Chúa mới là Đấng tạo nên người nữ. Thậm chí người đàn ông còn không biết quá trình tạo dựng phụ nữ xảy ra như thế nào; vì lúc bấy giờ người đàn ông đang chìm trong “giấc ngủ sâu”. Chính Thiên Chúa là Đấng thực hiện. Phải chăng người phụ nữ thấp kém hơn vì được dựng nên từ xương sườn của đàn ông? Chẳng thấp kém gì hơn đàn ông cả, vì đàn ông cũng được dựng nên từ bụi đất mà thôi.

Diane Bergant (cuốn “Giảng lễ” – Preaching the New Lectionary: Năm B”) cho thấy rằng sự liên kết “xương và thịt” (c.23) là cách thức tiêu biểu để diễn tả tính toàn thiện – như “thân xác và linh hồn”. “Xương” ám chỉ sức mạnh; “thịt” nói đến sự mềm yếu. Vì thế, người đàn ông thấy mình bình đẳng trong người nữ; một con người hoàn thiện, một sự hoàn toàn phù hợp với mình.

Tác giả sách Sáng Thế không phải viết về một tường trình tạo dựng mang tính lịch sử được chứng kiến tận mắt, nhưng tác giả đã tập trung vào mối tương quan, nhấn mạnh ở câu kết, “cả hai thành một xương một thịt”. Điều quan trọng của một lòng trung thành hoán đổi như thế của đàn ông trong thế giới cổ đại quả không thể bị xem thường. Bởi lẽ, trong một xã hội gia trưởng, người phụ nữ được xem là người phối ngẫu duy nhất phù hợp để thiết lập một gia đình mới.

 

Để lại một bình luận