Chúa nhật 23 B: Ep-pha-tha… Hãy mở ra

 

Ep-pha-tha… Hãy mở ra

 

 

Chúa nhật 23 B: Ep-pha-tha… Hãy mở raKhiếm thính là gì? Xin thưa, khiếm thính còn gọi là điếc, là mất thính giác hoàn toàn, không nghe được chút nào hoặc giảm sút nhiều về mặt thính giác, nghe không rõ.

Theo thống kê của bệnh viện phụ sản Hà Nội, cứ 12.000 trẻ sinh ra trong một năm thì có gần 4% em bị khiếm thính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số 4% đó, không ít trường hợp điếc vĩnh viễn và số còn lại là nghe không rõ âm, rõ tiếng.  

Trong số trường hợp điếc vĩnh viễn, buồn thay! hai người cháu gái của tôi cũng rơi vào trường hợp này.

Dù đã sớm chữa trị, nhưng hai cháu vẫn không thể nghe được và dĩ nhiên giọng nói của hai cháu ồ ồ còn tệ hơn người bị ngọng.  Đã có lần tôi tự nghĩ, phải chi hai cháu gái của tôi được diễm phúc như anh chàng vừa điếc vừa ngọng được kể trong Phúc Âm thánh Máccô, thì tốt quá.

Vâng, câu chuyện anh chàng vừa điếc vừa ngọng được  thánh Máccô kể như sau: khi “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh” thì bỗng nhiên có một số đông người đến vây quanh Ngài. Người ta đến để xin Ngài chữa bệnh.

Đây không phải là lần đầu tiên sự kiện này xảy ra. Chỉ mới hôm trước, hôm “Đức Giêsu … đến địa hạt Tia” (Mc 7, 24), một vùng đất của dân ngoại,  dù Ngài đã kín đáo “vào một nhà nọ”, nhưng vẫn không thoát khỏi đôi mắt của một người đàn bà.

Người đàn bà đó “có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giêsu… (bà ta) liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà”. (Mc 7, 25-26). 

Thoạt tiên, Đức Giêsu không có ý định cứu chữa, nhưng trước những lời van xin thống thiết và trước sự đối đáp khôn ngoan của bà ta, Đức Giêsu động lòng trắc ẩn, vì thế Ngài không thể từ chối lời nài xin đó.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã cứu chữa con bà ta, với chỉ một lời nói: “Bà cứ về đi”. Lạ lùng thay! khi bà ta “về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất” (Mc7, 30).

Còn hôm nay, người ta đem đến Đức Giêsu một bệnh nhân “vừa điếc vừa ngọng”.  

*****

Những hôm vừa qua, trên youtube, cư dân mạng, từ sửng sốt dẫn đến xúc động, chỉ vì một đoạn video clip với tựa đề “Silence of Love” (tạm dịch: Tình yêu thầm lặng).

Câu chuyện xoay quanh hai cha con trong một gia đình.  Người cha bán hàng rong tần tảo nuôi con đi học. Ông ta luôn tự hào về đứa con đáng yêu và xinh xắn của minh.

Vì bị khiếm thính bẩm sinh, ông ta không thể nói và nghe như người bình thường mà chỉ có thể giao tiếp bằng đôi tay của mình. Điều đó khiến cho giữa cô con gái và ông ta như có một sự ngăn cách vô hình.

Cô con gái ao ước cha mình giống như những người cha bình thường khác để không còn bị bạn bè trêu trọc và cô ta không còn phải xấu hổ mỗi khi đến trường.

Trong ngày sinh nhật của con, người cha mua bánh và chuẩn bị những lời chúc đầy yêu thương. Nhưng than ôi! đó lại là ngày cô con gái của ông ta đã tự cắt gân tay để tự tử.

 

Qua câu chuyện này, có thể thấy, sự khiếm thính không chỉ làm cho người khiếm thính đau khổ mà ngay cả người thân của họ cũng khổ đau.

Bạn… bạn còn nhớ những ngày đầu tiên tị nạn trên đất Mỹ! Ngôn ngữ bất đồng, cố gắng nói tiếng Anh nhưng người ta không hiểu, cố gắng nghe họ nói nhưng cũng chẳng hiểu gì. Vâng, thật ngô nghê vì những âm giọng phát ra ồ ề và những động  tác chỉ chỏ ra dấu, có khác gì như người câm điếc nói chuyện với nhau.

Nhớ lại điều này để chúng ta cảm thương cho những người vừa điếc vừa ngọng, họ chỉ biết ú a ú ớ mà không ai hiểu mình đang nói gì.

Vâng, hãy trở lại câu chuyện trong Phúc Âm. Không nói, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu,  Đức Giêsu đã cảm thương như thế nào khi người nhà của anh chàng vừa điếc vừa ngọng xin Ngài “đặt tay trên anh”.

Câu chuyện được kể tiếp rằng,  Đức Giêsu liền “kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông…”, với một động tác giản dị, Ngài “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”, và giống như lần chữa quỷ ám cho con gái của một phụ nữ gốc Phênixi xứ Xiri,  lần này Đức Giêsu cũng chỉ nói một lời : “Ep-pha-tha – Hãy mở ra!”.

Kỳ diệu thay!  “Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mc 7, 35).

Một phút tâm tình và suy tư…

Hôm nay, đọc xong câu chuyện này, chúng ta có cảm nhận gì?

Vâng, đa số các linh mục, khi giảng đề tài này, đều kết thúc bằng một câu hỏi, hỏi  rằng “mỗi chúng ta có giống như người vừa điếc vừa ngọng trong câu chuyện này không?”

Có lẽ, sẽ có nhiều người bực bội và tự nghĩ, sao “ông nội” này lại hỏi như thế!  Cả ngàn người trong nhà thờ có ai câm điếc ngọng nghịu đâu? Vả, nhỡ có người câm điếc thật, nếu họ được “phiên dịch” câu hỏi này, làm sao tránh khỏi sự mặc cảm nơi họ!

Ôi! Lạy Chúa. Chẳng có vị linh mục nào khi đặt câu hỏi này, lại không giải thích thêm rằng, “tôi không nói đến sự điếc và ngọng thuộc về thể xác nhưng muốn nói đến căn bịnh điếc và ngọng thuộc về tâm linh”.

Adam và Eva đâu có điếc và ngọng về thể xác. Nhưng chỉ vì một phút xao lòng nghe những lời vớ vẩn của satan, đôi tai của ông bà hóa điếc, “điếc tâm linh”, nên thính giác của ông bà mất khả năng tiếp nhận lời Chúa đã phán dạy, đồng thời phản ứng phụ của căn bệnh điếc xảy ra nơi ông bà. Đang nói năng lưu loát, ông bà trở  nên ngọng nghịu. 

Hãy nhớ lại xem, khi Chúa tìm đến gọi và hỏi “Ngươi ở đâu”.  Ôi thôi! ông bà đã ngọng nghịu thốt lên  “Con nghe tiếng Ngài… con sợ hãi … vì con trần…. như nhộng”. Tệ thật! “con…trần… truồng…”  (St 3,10).

Từ dòng dõi Adam và Eva, chúng ta cũng đã ngụp lặn trong sự câm điếc tâm linh.

Đừng ngạc nhiên mà hãy tự hỏi, bằng cách nào con sâu nằm trong trái táo? Chẳng phải nó đã đẻ trứng trước trên những nụ hoa!

Vì thế, không phải tự nhiên mà thánh Phaolô khẳng định “Mọi người đều phạm tội… Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không… chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa” (Rm 3, 10-11).

Không có lương tri, không kiếm tìm Thiên Chúa, đó chính là mần mống của căn bệnh  câm-điếc-tâm-hồn.

Vậy, điều đáng sợ hôm nay,  không phải là sợ điếc thể lý. Với tiến bộ của y học và khoa học, máy trợ thính và computer như là một công cụ hữu ích cho những người khiếm thính thể lý. Nhờ thế mà đã có người khiếm thính trở thành giáo sư, nhạc sĩ, thậm chí là linh mục.

Chúng ta hãy đọc bản tin dưới đây, tuy đã cũ, nhưng không vì thế mà không còn tính thời sự.  Bản tin viết rằng, “ BOSTON 23/05/09. – Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá của Tổng Giáo Phận Boston, Đức Hồng Y Sean P. O’Malley đã truyền chức Linh Mục cho sáu tân chức trong đó có một vị bị câm điếc và một người Việt Nam

Các tân chức được thụ phong hôm nay là các tân Linh Mục: Israel Rodriguez, Huy Nguyễn, Sean Maher, David Gunter, Shawn Carey, và Frank Camp. Đặc biệt tân Linh Mục Shawn Carey là người bị câm điếc bẩm sinh và là vị Linh Mục câm điếc thứ 11 của toàn Giáo Hội Hoa Kỳ”. (nguồn : vietcatholic.net)

Vâng, điều đáng sợ hôm nay, chính là nền văn minh của thế kỷ 21 này, nó lại làm cho nhiều người “khiếm-thính-tâm-linh”. Nó tái diễn khung cảnh vườn Eden năm xưa, lại là những tiếng nói rủ-rỉ-rù-rì: hãy tự do luyến ái, hãy ủng hộ phò-lựa-chọn, Thiên Chúa có đấy nhưng ông ta đã chết rồi…

Chưa hết! Hãy nhìn xem, cơn lũ hồng thủy của tham lam và ích kỷ, của đam mê và dục vọng đang cuồn cuộn quyến rũ và mời gọi con người, hỏi sao con người không điếc sự công bằng và bác ái, điếc tình yêu thương, điếc nhân phẩm cũng như nhân cách con người!

Chúng ta cũng đừng quên rằng, còn một căn bệnh câm điếc khác đang làm băng hoại nền tảng gia đình. Đó là căn bệnh “câm điếc hôn nhân”.

Người ta đã làm một thống kê, trong 5000 cặp vợ chồng, trung bình họ chỉ nói chuyện với nhau khoảng 12 phút/ngày trong tám năm đầu chung sống. Sau 8 năm… than ôi! Hình như họ không có chuyện gì để cùng nhau tâm sự, hình như họ không có thời giờ để mà cùng nhau cất tiếng ca: “cho dù rừng hay núi di đi, cho dù biển cạn nước sông trôi, ta vẫn yêu thương  nhau mãi mãi”.

Đổ vỡ gia đình, ly thân, ly dị cũng từ đây…

*****

Hai cô cháu gái câm điếc của tôi nay đã trưởng thành. Hai cháu không còn ngơ ngơ ngác ngác mỗi khi phải tiếp xúc với thế giới chung quanh. Hai cháu đã có thể lái xe hơi vi vút trên khắp các đại lộ ở California .

Còn người cha khiếm thính trong câu chuyện “tình yêu thầm lặng”, ông ta vẫn hạnh phúc bên người con gái của mình.

Ông ta, sau khi phát giác cô con gái tự tử, đã ẵm người con yêu dấu chạy tới bệnh viện. Nhờ ông ta cho máu, cô con gái đã tỉnh lại. Nằm trên giường bệnh, cô con gái càng thấm thía và thương người cha không hoàn hảo của mình.

Ông ta tuy câm điếc thể lý nhưng không câm điếc tình yêu thương. Ông ta tuy khiếm thính thể lý nhưng không khiếm thính tâm hồn.

Thế nên, đừng thẹn thùng khi chúng ta tự hỏi: “tôi có tai mà như điếc, có miệng mà như câm?”.  Và cũng đừng ngại ngùng, nếu chúng ta có…

Hãy chạy ngay đến cùng Giêsu và hãy nói cùng Ngài rằng “Lạy Chúa xin mở môi tôi ca ngợi tình thương của Ngài. Ngài ơi! Xin mở tai tôi nghe lời hằng ban sức sống”.

Đừng quên, khi tôi cất tiếng ca-ngợi-tình-thương-của-Chúa, thì cũng hãy “mở tay tôi nối liền vòng tay kẻ nghèo…mở tay tôi đón về người thân cô thế”.

Bởi có như thế, chúng ta mới có thể chứng minh rằng, tôi thật sự không mắc căn bệnh khiếm-thính-tâm-linh, câm-điếc-tâm-hồn.    

Bởi có như thế, chúng ta mới xứng đáng được Đức Giêsu đặt tay lên và nói “Epphatha – Hãy mở ra”.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận