Hãy mở ra
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Lm. Jude Siciliano, OP.
(Học viện Đaminh chuyển ngữ)
Kính thưa quý vị,
Các sách Tin mừng không phải là những quyển sách du lịch xưa. Chúng không liệt kê các “thành phố nổi tiếng ở Galilê”, hay “những phong cảnh không thể bỏ qua ở Giêrusalem cổ”, hoặc “sơ đồ Đền Thờ Giêrusalem”. Việc ngắm cảnh hay lập bản đồ không phải là chủ đích của các sách Tin mừng.
Vì thế, khi một đoạn Tin mừng như hôm nay nói đến những địa danh trên đường đi của Đức Giêsu, thì người đọc sẽ thắc mắc: “Điều gì xảy ra ở đó vậy?” Tại sao thánh Máccô hay mô tả chi tiết các địa danh? Thực sự, ngài không giỏi trong việc miêu tả hành trình của Đức Giêsu. Đức Giêsu đang đi đến Biển Hồ Galilê, hướng về phía nam. Nhưng Máccô lại miêu tả Người đang đi về phía bắc để đến Siđôn, cuối cùng kết thúc hành trình ở Miền Thập Tỉnh.
Nếu xét như một người lập bản đồ thì thánh Máccô đã thất bại. Nhưng đó không phải là chủ đích của ngài – ngài là một người ghi chép Tin mừng. Thánh Máccô nối kết câu chuyện chữa lành hôm nay với câu chuyện trước đó, câu chuyện chữa lành con gái của người đàn bà Cannaan. Hai câu chuyện nói về việc chữa lành trong ranh giới miền Galilê. Thánh Máccô có một kế hoạch và đó không liên quan gì đến việc lập bản đồ – nhưng liên quan đến việc Thiên Chúa mở rộng vòng tay.
Hầu hết những người đương thời có lẽ giới hạn những hành động cứu độ của Thiên Chúa nơi những người Dothái. Nhưng Đức Giêsu chữa một người điếc và câm ở vùng Galilê. Đó là dấu cho thấy Dân Ngoại, những người không nghe biết gì đến Thiên Chúa của Israel, nay cũng được nghe Tin mừng, đó nhận Đức Giêsu và tuyên xưng “lớn tiếng” hành động cứu độ của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người.
Chúng ta nghe bài đọc trích sách Isaia hôm nay tiên liệu đến kế hoạch Thiên Chúa sẽ thực hiện: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được… miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Những hoạt động của Đức Giêsu cho thấy Người đang ứng nghiệm các lời ngôn sứ. Những người đương thời với Người có vẻ quan niệm hạn chế về hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, nhưng các ngôn sứ có một cái nhìn rõ ràng hơn về tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người – cả các người Dothái đạo đức cũng vậy. Khi Đức Giêsu mở tai và miệng cho người thanh niên để rồi anh có thể loan báo bằng lời và hành động ơn huệ của đấng Messia để mọi người có thể nói và nghe. Tự thân con người chúng ta quả thật là bất lực, nhưng Thiên Chúa đã bước vào khung cảnh của chúng ta – và như thế tạo nên một sự khác biệt.
Khi chúng ta bỏ qua sự nối kết giữa những gì Đức Giêsu làm và những gì Thiên Chúa thực hiện qua Người, thánh Máccô làm sáng tỏ điều này: “…rồi Người ngước mắt lên trời…” Không có sự tách biệt nào giữa công trình của Đức Giêsu và ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tôi thắc mắc không biết Đức Giêsu đã thầm thì điều gì trước khi Người chữa lành cho anh thanh niên? Có phải giống như điều chúng ta cảm thấy khi chúng ta ở cùng với một người đang đau khổ và chúng ta thể hiện cử chỉ cảm thông dành cho người ấy? Hay, Đức Giêsu thầm thì điều gì đó vì Người đang đối diện với ma quỷ và bệnh và vì thế cần một nỗ lực phi thường trong việc này của Người.
Khi Đức Giêsu nói với người thanh niên “Ephphatha – Hãy mở ra!” Thánh Máccô cho hay, ngay tức khắc “tai của anh mở ra và lưỡi như hết bị buộc lại”. Phép lạ là một sự hoàn trọn. Giờ đây người thanh niên có thể nói và nghe được, lắng nghe và giao tiếp. Nay anh có thể bước vào thế giới của con người với mức độ tròn đầy nhất. Nay anh có thể diễn ta vẻ đẹp của thế giới được tạo thành quanh mình. Nay anh có thể trả lời cho người khác vì, nhờ tác động của phép lạ, thánh Máccô nói với chúng ta, “anh ta nói được rõ ràng”.
Khi Đức Giêsu nói: “Hãy mở ra!” lập tức tai của anh mở ra và “lưỡi của anh như hết bị buộc lại. Đức Giêsu nói một lời và xảy ra đúng như vậy. Lời của Người cũng đang nói cho chúng ta và lời Người nói với người thanh niên Người cũng nói với chúng ta, “Hãy mở ra!” Với đôi tai mở chúng ta không chỉ có thể nghe được những lời của Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra nữa. Lắng nghe Lời Chúa biến đổi chúng ta.
“Hãy mở ra!” Những lời ấy mở ra cho chúng ta đến với ân sủng của Thiên Chúa khi chúng ta nghe những lời này cũng như mở ra cho chúng ta tất cả những nẻo đường Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong cuộc sống thường ngày – trong các tương quan và trong thế giới thọ tạo. Chẳng phải đó là điều bí nhiệm: người thấy và nghe Thiên Chúa trong chuyện nhỏ nhặt và thậm chí trong những biến cố vô nghĩa thường ngày đó sao?
Isaia tiên báo Thiên Chúa sẽ đến trong cuộc đời chúng ta để mở mắt người mù và tai kẻ điếc; để nâng dậy người què và làm cho người câm được ca hát. Đức Giêsu đã đến để mặc lấy trọn vẹn con người và tinh thần của chúng ta. Sau khi Đức Giêsu phục sinh Người trao cho các môn đệ nhiệm vụ tiếp tục công trình Người đã khởi sự. Chúng ta nay làm cho sự hiện hữu yêu thương của Thiên Chúa được trở nên hữu hình trên thế giới. Người ta cần thấy nơi chúng ta sự quan tâm chăm sóc cho những người thiếu thốn, và tất cả mọi thọ tạo, Đức Giêsu tiếp tục công trình của Người nơi chúng ta.
Chúng ta tự hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ người khác, những người bị xem thường, được lên tiếng và được lắng nghe? Tai chúng ta được mở ra và lời chúng ta được thêm sức mạnh nhờ Chúa, nay chúng ta cần phải trình bày cho những ai không được nhắc tới hay bị bỏ rơi để họ có thể được lắng nghe và được thấu hiểu.
Đức Giêsu thực thi lòng quan tâm của Thiên Chúa dành cho người nghèo. Tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta sẽ được tôn trọng và đón nhận như con cái Thiên Chúa – không hệ tại ở việc họ ăn mặc ra sao hay tình trạng tài chính thế nào. Những ngày này, khi các thành viên trong giáo hội chúng ta cảm thấy tình trạng rạn nứt tài chính trong việc giảm bớt chi tiêu, chúng ta bị cám dỗ tập quan tâm đến những “người có của” hơn là “kẻ trắng tay”. Thánh Giacôbê lưu ý chúng ta rằng một cộng đoàn Kitô hữu đích thực phải tôn trọng và đón nhận phẩm vị của từng người. Điều đó rõ ràng ngay trong Sách thánh, nhất là những bài đọc hôm nay, rằng Thiên Chúa chăm sóc và yêu thương người nghèo và, như người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cũng phải làm sao cho sự chăm sóc và yêu thương ấy được hiển hiện va cụ thể ngay trong thế giới ngày nay.
Isaia còn mô tả cả thiên nhiên cũng ăn mừng sự cứu độ của Thiên Chúa ngự đến. Nước sẽ vọt lên trong sa mạc. Nếu tai chúng ta mở ra với Lời Chúa, thì chúng ta cần phải lên tiếng thay cho thiên nhiên, vị tự nó không nói được, nhưng nó cũng được Thiên Chúa yêu thương và quan phòng.
Thiên Chúa không ra lệnh cho chúng ta phải làm những gì. Nhưng Thiên Chúa đến gần bên chúng ta và nơi Đức Giêsu, lời của Isaia được ứng nghiệm, “Hãy nói với những kẻ nhát gan, Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi, Đấng thưởng công phạt tội, đến để cứu độ anh em”.