Cn 16 B : Hãy đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi
Mc 6: 30-34
Lm. Jude Siciliano, OP
(Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gòvấp)
Mới đây tôi nói với một người bạn rằng tôi có thể đi đâu đó vài ngày để tĩnh tâm. Bạn tôi là người đã có gia đình với ba đứa con, nói rằng: “tôi có thể đánh đổi tất cả mọi sự chỉ để được vài ngày trong thanh vắng!” Anh đã khiêm tốn nhắc tôi nhớ về những ưu mà tôi có trong một vài khía cạnh của đời sống mình. Điều đó cũng còn cho thấy đối với hầu hết mọi người cuộc sống hiện đại tất bật và cuồng nhiệt làm sao.
Cách đây vài tuần tôi có nghe trên rađiô một buổi phỏng tác giả quyển sách viết về việc làm thế nào để tạo ra những khoảng không mang tính nhân bản hơn và yên lặng hơn trong đời sống của chúng ta. Ông ấy nói, vợ của ông và hai con nhỏ cũng giống như hầu hết các gia đình ở Mỹ, lúc nào cũng “lo lắng, bận rộn”. Thậm chí khi cả gia đình cùng sum họp trong một căn phòng, thì vẫn có người đánh máy hoặc ra khỏi phòng để nghe và gọi điện thoại. Người cha nói: “chúng ta ở cùng nhau, nhưng chỉ hiện diện về mặt thể lý, chứ không phải như một gia đình. Chúng ta bị sao nhãng vì những thiết bị công nghệ, chúng giúp chúng ta giữ liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng lại khiến chúng ta không còn gắn bó với nhau nữa”.
Vì thế, ông và vợ quyết định tắt wifi trong nhà vào dịp cuối tuần. Thêm nữa, mỗi người trong nhà sẽ cất điện thoại di động vào tủ cho đến tối Chúa Nhật. Họ chỉ dùng điện thoại bàn để nhận những cuộc gọi quan trọng, nhưng không ai được phép dùng di động. Họ cũng không xem truyền hình. Lúc đầu họ không biết phải làm gì vì đã bị “ngắt” kết mọi nối. Nhưng không lâu sau họ bắt đầu biết kết nối với nhau. Họ nói với nhau nhiều hơn, cùng đi bộ với nhau, im lặng đọc sách trong cùng một căn phòng và, người cha cho biết: “chúng tôi quen với bầu khí yên lặng và thậm chí còn thích nó nữa!”
Tôi không biết có bao nhiêu gia đình dám thực hiện những bước đi quyết liệt như thế. Nhưng như anh bạn kia của tôi nói về niềm khát khao được sống thinh lặng, thì có vẻ như chúng ta cũng hiểu được phần nào lý do Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ của mình: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Điều khiến tôi thích thú trong câu truyện hôm nay là nó giúp chúng ta tránh huyễn hoặc về hoàn cảnh của Đức Giêsu và các môn đệ của Người. Hãy nhớ lại bài Tin mừng tuần trước, khi nào thì Đức Giêsu sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ? Máccô cho ta biết, “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (6,13). “Nhiều”. Có vẻ như một công việc hết sức vất vả, nên chẳng lạ gì Đức Giêsu muốn họ lánh ra một chỗ và nghỉ ngơi!
Đức Giêsu và các môn đệ đã mệt rã rời cũng chẳng được nghỉ. Dân chúng tuyệt vọng, họ đến nơi trước và chờ Đức Giêsu cũng như các môn đệ của Người tới. (Tin mừng Máccô là một chuỗi những cảnh tượng vội vàng, bận rộn nối tiếp nhau). Đức Giêsu thấy họ thiếu thốn và chăm sóc họ như người mục tử, vì “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.
Người mục tử là hình ảnh lặp đi lặp lại trong cả Tân Ước và Cựu Ước. Trong sách thánh bản Hippri, mục tử và vua có liên quan đến nhau. Israel khao khát mong chờ một vì vua mục tử như Đavít – nhưng họ luôn thất vọng. Giêrêmia phê phán Vua Giêđêkia và các vua khác giống như thế. “Khốn thay các mục tử…” Họ đáng lẽ ra phải quy tụ và dẫn dắt dân của Chúa, thì chính sự thờ ơ của họ làm cho đàn chiên phải thất lạc và tan tác. Hậu quả của sự lãnh đạo kém cỏi và sai lạc quả là khủng khiếp: Giêrusalem bị tàn phá và dân phải đi lưu đày.
Giêrêmia đưa ra lời hứa. Đức Chúa sẽ quy tụ đàn chiên và chăn dắt chúng. Đức Chúa sẽ giải cứu họ bằng cách gửi đến một người lãnh đạo công chính có tâm trí của Chúa. Những người đọc Tin mừng Máccô, nhất là bài đọc hôm nay, sẽ nhận ra một lần nữa rằng Thiên Chúa hoàn tất lời mà Ngài đã hứa với dân. Có nhiều việc phải làm – xưa cũng vậy và nay cũng thế. Đức Giêsu muốn nghỉ ngơi để tiếp tục sứ vụ, nhưng thực tế của cuộc sống lại không buông tha các ngài. Vì thế, các ngài chẳng có giờ mà nghỉ ngơi, suy nghĩ về sứ vụ của mình và những chỉ dẫn khác từ Đức Giêsu.
Nhưng tôi nghĩ, điều này vẫn đúng, tất cả chúng ta tìm cách làm thế nào để đi vào “sa mạc” của chính mình. Có thể là vài phút lặng lẽ trong xe hơi trước khi bước vào công sở; vài giây lặng lẽ trong sân mỗi khi ta đi bỏ rác vào buổi tối; khi đi bộ trong công viên; tắt truyền hình và ngồi lặng lẽ một chút; lắng nghe bản nhạc nào có thể giúp ta đi vào trong khoảnh khắc này,… Không phải tất cả những cố gắng đi vào nơi thanh vắng của Đức Giêsu đều thất bại, như chúng ta đọc thấy trong 1,35.45
Giêrêmia hứa một vị vua giống như Đavít sẽ “trị vì cách khôn ngoan”, người sẽ “thi hành điều chính trực công minh trong xứ sở”. Với Phép Rửa, mỗi chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục sứ vụ mục tử của Đức Giêsu – và nhiệm vụ đó sẽ rất khó khăn! Chúng ta thực thi điều đó mỗi ngày, bằng những cách thế thông thường trong việc dạy dỗ và làm gương cho con cháu. Quý vị có để ý Đức Giêsu Mục Tử đã làm gì ngay khi các ngài bước lên bờ và thấy đám đông đói khổ hay không? Người dạy dỗ họ.
Chúng ta không muốn con em mình có ý niệm sai lầm về Thiên Chúa, hay quan niệm chẳng ra gì trước mặt Chúa. Vì thế chúng ta phải dạy chúng. Nhưng chúng ta cũng cần thời gian suy gẫm để sống với Lời Chúa, để lời dạy của chúng ta không chỉ theo những suy nghĩ của mình cho bằng nói về chính Đức Giêsu Mục Tử.
Một số trong chúng ta tham gia một phần hay hoàn toàn vào trong cộng đồng giáo xứ của chúng ta. Những gì nói đến trên đây đúng cho tất cả chúng ta; chúng ta cần tìm cách để “chính anh em hãy lánh riêng ra” một lát hay một khoảng thời gian lâu hơn một chút, để nghe Lời Chúa muốn nói với mình, cũng như cho những người chúng ta được mời gọi để dẫn dắt bằng lời dạy của chúng ta. Với dòng cuối cùng: tất cả chúng ta đều được sai đi để chia sẻ những hiểu biết của mình về Đức Giêsu, những hiểu biết không phải chủ yếu tìm được trong sách hay giáo lý, nhưng là những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta với Đức Giêsu.
Trong Thánh Lễ này, chúng ta cũng như đàn chiên tan tác. Đức Giêsu, vị mục tử, quy tụ chúng ta từ khắp mọi nơi chúng ta sinh sống, làm việc mỗi ngày. Điều chúng ta cùng chia sẻ với nhau và kéo chúng ta về đồng cỏ này chính là đức tin, chúng ta được vị mục tử của mình chăm sóc chu đáo, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình Máu hằng sống của Đức Giêsu.
Vị Mục Tử thực hiện lại những gì xưa kia Người đã làm: Người sai chúng ta đi sau khi đã cho ăn no nê để quay lại chính những nơi chúng ta được mời gọi trở thành mục tử. Chúng ta không lên đường một mình, nhưng được tiếp đầy sinh lực của Thánh Thần – cùng một Thần Khí đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa trong đọan đầu của Tin mừng này (1,12-13), giúp Người chống trả cám dỗ và không bao giờ bỏ rơi Người khi Người đi ra chăn dắt đoàn dân đang ngóng chờ của Thiên Chúa.