Bài giảng của đức thánh cha Gioan XXIII
nhân lễ tuyên phong Martino de Porres lên bậc hiển thánh[1]
Tâm hồn của Chúng tôi và của mọi người tin vào Chúa Kitô đang hồi hộp chờ đợi biến cố quan trọng là công đồng Vaticanô II, bởi vì tất cả đều hy vọng rằng nhờ đó mà Nhiệm Thể Chúa Kitô là Hội thánh sẽ nhận được một năng lực mới để trở nên trẻ trung. Vào lúc này, mọi nỗ lực và hoạt động của Chúng tôi đều nhắm vào đó, bởi vì Chúa Cứu thế đã uỷ thác cho Chúng tôi điều khiển và hướng dẫn hiền thê tinh tuyền của Người ở dưới thế. Vì lý do đó, nghi lễ long trọng đang diễn ra tại đền thờ thánh Phêrô xem ra hướng đến mục tiêu ấy một cách đặc biệt, bởi vì khi ghi danh một con người danh tiếng và nhân đức phi thường vào sổ các thánh trên trời, Chúng tôi muốn chứng tỏ cho thấy rằng không có gì đáng trông mong nơi công đồng hơn là thúc đẩy các con cái Giáo Hội sống cuộc đời thánh thiện hơn.
Qua tấm gương của đời mình, thánh Martino cho thấy rằng chúng ta có thể đạt được ơn cứu độ và sự thánh thiện bằng con đường mà Chúa Kitô đã dạy, đó là: nếu tiên vàn chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và thứ đến, nếu chúng ta yêu mến kẻ thân cận như chính mình[2].
Vì thế, trước hết, ngay từ khi còn nhỏ, Martino đã yêu mến Thiên Chúa là Cha nhân hiền của mọi người, với những cử chỉ ngây thơ và giản dị, mà chắc chắn là chính Thiên Chúa không thể không hài lòng. Sau đó, khi đã gia nhập Dòng Đa minh, Người đã bừng cháy lòng sốt mến đến nỗi, không chỉ một lần, đang khi cầu nguyện thì tâm trí đã được tách rời khỏi mọi sự việc và ra như đã được nhấc bổng lên trời. Người ghi khắc trong tâm khảm những lời quả quyết của thánh nữ Catarina Siena: “Yêu người yêu là chuyện đương nhiên. Ai lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu thì có thể nói được là đã trao một ly nước cho Đấng Tạo Hoá”[3]. Khi suy đến Chúa Kitô đã chịu cực hình vì chúng ta, đã mang lấy tội lỗi chúng ta lên cây gỗ[4], thì Người đã cháy lòng yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, và khi chiêm ngắm những hình khổ dữ dằn của Chúa thì Người không thể cầm mình được và đã khóc dầm dề. Người cũng yêu mến đặc biệt bí tích Thánh Thể, Người năng đến nhà tạm cách kín đáo để thờ lạy Chúa lâu giờ, và Người tìm cách lãnh nhận bí tích này cách thường xuyên. Ngoài ra Người yêu mến Đức Trinh nữ Maria cách lạ thường, và đối xử như một người mẹ thân tình.
Ngoài ra, vâng theo lời Thầy chí thánh dạy bảo, thánh Martino đã yêu thương anh em với đức mến sâu xa, nảy sinh từ đức tin trung kiên và tinh thần khiêm nhu. Người yêu mến anh em, bởi vì Người quý trọng họ như là những con cái của Chúa và anh em của mình. Thậm chí Người còn yêu thương anh em hơn chính mình, bởi vì do lòng khiêm tốn, Người nhận thấy họ là những kẻ lương thiện và và tốt lành hơn bản thân mình. Người đã yêu thương tha nhân với tấm lòng quảng đại xứng với những bậc anh hùng Kitô giáo.
Người bào chữa những lỗi lầm của tha nhân; Người tha thứ những bất công phải hứng chịu, bởi vì Người nghĩ rằng mình đáng lãnh những hình phạt nặng nề hơn nữa vì những tội lỗi mình đã phạm. Người tìm hết cách để đưa những kẻ tội lỗi trở về đường ngay nẻo chính; Người ân cần chăm sóc những kẻ bệnh tật: cung cấp lương thực, áo quần, thuốc men cho những kẻ tật nguyền, tìm cách giúp đỡ những kẻ quê mùa, những người da đen và những đứa con lai, tức là những kẻ hồi đó ấy phải làm những công tác thấp hèn. Người được tặng biệt danh là “Martino bác ái”. Do đó thật đáng ghi nhận rằng Người đã thực hành những hướng đi nói được là mới mẻ vào thời ấy và đã mở lối tiên phong cho thời chúng ta. Vì thế đức thánh cha Piô XII đã đặt Người làm đấng bảo trợ các cơ quan xã hội của Cộng hoà Pêru[5].
Người đã hăng say dõi theo những con đường của Chúa Giêsu đến mức độ đạt tới nhân đức hoàn thiện, và đã hiến mình làm hy lễ đền tội. Theo tiếng gọi của Chúa Cứu Thế, Người đã tuyên khấn trong đời tu trì để tự ràng buộc mình sống đời thánh thiện trọn hảo hơn. Trong tu viện, Người không an phận với việc tuân thủ những gì mà lời khấn đòi buộc, nhưng Người còn vun trồng đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục cách toàn vẹn đến nối các đồng môn và bề trên coi Người như là hình ảnh hoàn hảo của nhân đức.
Cuộc đời thánh thiện nhân ái hiền hoà của Người lúc còn sống cũng như sau khi qua đời đã thu hút cảm tính của mọi người, thuộc mọi giai cấp và sắc tộc. Vì thế chúng tôi thấy có thể so sánh người con bé nhỏ của nước Pêru với thánh nữ Catarina Siêna, ngôi sao rạng rỡ của gia đình Đaminh được đặt lên bàn thờ cách đây năm thế kỷ. Cataria nổi bật vì đạo lý sáng ngời và tinh thần cương nghị; Martino vì đã chu toàn những hoạt động trên đời dựa theo những luật truyền của Kitô giáo.
Chư huynh đáng kính và các con thân mến. Như đã nói ở đầu bài giảng, chúng tôi thấy thật thích hợp khi ghi danh tánh Martino Porres vào hàng ngũ các thánh vào năm sắp sửa nhóm họp Công đồng. Bởi vì con đường thánh thiện mà Người đã đi và những nhân đức đã được chiếu sáng nơi cuộc đời của Người có thể coi là những hoa trái phúc lợi mà chúng ta mong đợi cho Hội thánh và cho nhân loại như là thành quả của Công đồng.
Vị thánh này, nhờ gương mẫu đức hạnh đã lôi kéo biết bao nhiêu người theo đạo; giờ đây, ba trăm năm sau khi qua đời, Người còn nâng cao tâm trí chúng ta về trời. Tiếc rằng không phải tất cả mọi người đều nhận ra giá trị quý trọng của những điều ấy, không phải ai ai cũng coi đó như là vinh dự; thậm chí, nhiều người buông theo khoái lạc và nết xấu cho nên đã khinh thường, coi những điều ấy như không có giá trị hoặc chướng tai gai mắt. Ước mong tấm gương của thánh Martino sẽ dạy cho họ biết dõi theo những nẻo đường Chúa đi, tuân theo những điều Chúa truyền thì thật là điều hạnh phúc tuyệt vời.
Chư huynh đáng kính và các con thân mến. Đó là những nét nổi bật của bức ảnh thánh Martinô. Hãy chăm chú ngắm nhìn và tìm cách bắt chước nhân đức cao siêu của Người trong cuộc đời của mình. Đặc biệt chúng tôi mời gọi giới trẻ ngày nay, hiện đang bị biết bao hiểm nguy vây bọc. Chúng tôi cũng ước mong cho dân tộc Peru thân yêu biết noi theo tấm gương vinh quang của Người, và sản sinh ra nhiều tấm gương đức hạnh và thánh thiện, nhờ lời chuyển cầu của thánh Martino Porres . Amen
[1] Dịch từ nguyên bản Latinh, đăng trong AAS 54 (1962) 306-309.
[2] xc. Mt 22,36-38.
[3] Thánh Catarina Siena, Thư số 8.
[4] xc. 1 Pr 2,21-24.
[5] Tông thư ngày 10/6/1945.