Đức Mẹ Fatima và những luận cứ của thánh Phaolô

 

Đức Mẹ Fatima và những luận cứ của thánh Phaolô

 


Đức Mẹ Fatima và những luận cứ của thánh PhaolôSuy niệm về những lần “hiện ra” của Đức Mẹ Maria sẽ dẫn chúng ta cùng quay về việc suy niệm sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu ở Tân Ước trong hai mầu nhiệm Phục sinh và Giáng sinh.

Tìm hiểu về sự “hiện ra” của Chúa Giêsu sau khi Ngài Phục sinh, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao Ngài không hiển thị vinh quang viên mãn ấy cho những người cứng lòng tin; cho nhóm Pharisiêu, cho các người lính đâm thấu cạnh sườn và lấy áo Ngài để bóc thăm; cho đám đông dân chúng đã từng la lên “đóng đinh nó đi, hãy tha cho Baraba”.

Tương tự, chúng ta cũng tự hỏi: lúc Hài Nhi Giêsu Giáng sinh, có rất nhiều tầng lớp trên đất nước Do Thái. Tại sao Thiên sứ không báo tin cho các nhà tiến sĩ luật; các nhà thông thái khác nói chung hay những người giàu có. Mà đối tượng được Thiên sứ chọn lựa để mạc khải tình yêu này là các mục đồng, một tầng lớp nghèo khổ và mù chữ.

Mặc dù Thiên Chúa đã dùng mặc khải rất nhiều lần dưới nhiều hình thức để con người có thể hiểu biết thêm các ý định của Ngài, nhưng xem chừng những mặc khải còn ẩn dấu với vỏ bên ngoài khiêm tốn.

Và năm 1917, tại đất nước Bồ Đào Nha, ba em bé chăn cừu tại làng Fatima lại hưởng được niềm hạnh phúc lớn lao khi được diện kiến với Đức Mẹ Maria 06 lần từ tháng 5-1917 đến 10-1917. Chúng ta có thể hỏi, tại sao Mẹ Maria không hiện ra với các lãnh tụ của nước Nga lúc bấy giờ?

Như thế có thể thấy mẫu số chung cho những người được Thiên Chúa chọn để đón nhận sự mặc khải “hiện ra” thường chỉ gồm những con người nghèo hèn đơn sơ và có tình yêu vào Thiên Chúa. Thánh Phaolo lý giải những thắc mắc và nhận định mà chúng ta vừa nêu trên rất rõ ràng trong 3 phần sau:

Tại sao Thiên Chúa không biểu lộ cho những người khôn ngoan

Ngài nói rằng, con người đã không dùng thông thái của mình để nhận biết Thiên Chúa. Khi lý giải tại sao Thiên Chúa không tỏ mình ra cho những người khôn ngoan (1 Cr 19) “Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”.

Tuy vậy, quy tắc trên vẫn có ngoại lệ và chúng ta tìm thấy ít nhất là hai lần trong Tân ước. Điển hình là hiện tượng Thiên Chúa mời gọi Phaolô – trước đó thánh Phaolô là một học giả có kiến thức uyên thâm. Trường hợp thứ hai, Chúa Giêsu kêu gọi Nicôđêmô – trước đó ngài là bậc thầy trong dân Do Thái.

Ân sủng đức tin dành cho những ai có đức mến

Chúng ta biết rằng đức tin là một trong 9 ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trình bày tiếp một ít bí mật về ân sủng này, một ân sủng nhưng không, nhưng không phải ai cũng có thể nắm lấy cơ hội, nếu chúng ta không yêu mến Ngài (1 Cr 2, 9) “Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”.

Hiểu biết ân huệ là nhờ Thần Khí

Thiên Chúa là thần trí, con người là nhục thể. Nếu không được sự dẫn dắt của Thiên Chúa con người không hiểu hay hiểu sai về những ân huệ mà Ngài ban cho và sự “hiện ra” của Đức Maria cũng là một trong những ân huệ ấy. Rất nhiều người nghe, chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp sự hiện ra của Đức Maria, nhưng không phải tất cả đều nhìn nhận vấn đề này dưới con mắt đức tin và ân phúc. Ngay cả thời của Chúa Giêsu, nhiều người được chứng kiến các phép lạ cả thể, nhưng họ vẫn cứng lòng tin đến mức Ngài ngạc nhiên. Thánh Maccô mô tả, “Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin” (Mc 6, 5). Thánh Phaolô lý giải về vấn đề này trong (1 Cr 2, 11) “Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.”

Sự hiện ra của Đức Mẹ Maria là một trong những “dấu lạ” của thời đại. Phản ứng với các dấu lạ này, có nhóm người cho rằng là lỗi thời, nhóm khác quá thích thú, trông chờ và trở nên cường điệu. Hai quan điểm thái cực đều cần né tránh. Nhóm một, khép lòng cứng đến mức khó tiếp nhận Lời. Nhóm hai, niềm tin đơn giản, khó vững chắc trước phong ba. Điều quan trọng là chúng ta tìm ra các bài học từ các dấu lạ để đốt lên  lòng mến, củng cố lòng tin trong chính mình và các những anh em khác.

Thông điệp của Đức Mẹ Fatima không chỉ dành cho 3 trẻ mà còn dành cho mỗi chúng ta, hãy ăn thống hối và quay về. Thông điệp mà giáo hội vẫn luôn ân cần, tha thiết mời gọi các Kitô hữu trong mỗi mùa vọng, mùa chay.

Lạy Mẹ Maria, chúng con là những kẻ tội lỗi, không đủ vinh dự như ba trẻ ở làng Fatima được diện kiến tường minh chính Mẹ. Nhưng xin cho chúng con được một lần nếm trải được ân phúc ấy dù chỉ là một phần nhỏ thôi. Amen.

G. Tuấn Anh

 

Để lại một bình luận