Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ
Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20
Lm. Jude Siciliano, OP
Học viện Đa Minh chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Sách Đệ nhị luật hôm nay mở đầu bằng cặp câu hỏi: “có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế? hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng ?” Có lẽ chúng ta nên đổi dấu câu sau hai câu này; không phải dấu hỏi nhưng đúng hơn là một khẳng định về sự kiện và phân vân. Chúng nên được chấm vài dấu chấm cảm, vì chúng bày tỏ sự kinh ngạc, sửng sốt. “Có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế!!! Hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng!!!” Những dấu chấm cảm còn tiếp theo, “có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc!!!” Không phải là những câu hỏi, nhưng là một lời tuyên xưng vui tươi về đức tin.
Thiên Chúa của chúng ta như thế nào? Đó là Đấng khơi lên biết bao dấu chấm cảm trong ký ức và cảm xúc của chúng ta. Ôi chao! Làm sao một kết luận như thế có thể định nghĩa về Thiên Chúa được? “Chao ôi!”
Mười Điều Răn và cách mà dân đáp trả lại những đòi hỏi ấy, mãi tới chương sau của Đệ nhị luật mới xuất hiện. Dân cần được nhắc nhớ rằng Thiên Chúa khoan dung độ lượng với họ và vẫn luôn trung tín. “Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa”. Chỉ một từ “Chao ôi!” Nay chúng ta biết phải làm sao để đáp lại Thiên Chúa khoan dung rộng lượng của chúng ta. Do đó, Điều Răn không chỉ là một bản liệt kê những điều không được làm, nhưng còn là sự đáp lại với Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm đến chúng ta, Đấng là sự che chở, hướng dẫn và sức mạnh của Chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta không phải là người lặng lẽ đứng ngoài quan sát, nhưng là Đấng lên tiếng “giữa ngọn lửa” và chúng ta đã nghe thấy và sẵn lòng đáp lại.
Trong thư Rôma, chúng ta được khích lệ tự tin quay lại với Thiên Chúa vì Thánh Thần đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta là con cái dấu yêu của Thiên Chúa. Hôm nay là đại lễ của sự tương quan – tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với chúng ta. Đó là mối tương quan duy nhất. Thánh Phaolô nói cho tín hữu Rôma biết họ không phải là những nô lệ khom lưng cầu xin lòng thương xót hay được để được nhận lời, nhưng họ là con. Đế quốc Hylạp và Rôma được xây dựng trên cơ cấu chủ-nô. Thử tưởng tượng xem tin này vui biết chừng nào đối với dân chúng, những người quá quen với việc làm nô lệ và sống giữa những người nô lệ, nay được nghe thánh Phaolô nói rằng chúng ta không phải là những người nô lệ, nhưng là dưỡng tử của Thiên Chúa. Làm sao chúng ta dám chắc điều này, nhất là khi chúng ta chưa cảm nhận được một tương quan khắng khít như thế với Thiên Chúa? Khẳng định đó là công trình của Thánh Thần. “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…” Lắng nghe tiếng của Thánh Thần trong chúng ta, đảm bảo với chúng ta rằng: “Ngươi là con yêu dấu của Thiên Chúa”.
Hôm nay, chúng ta không cử hành một giáo thuyết, nhưng là tâm điểm của đức tin: trong Đức Kitô chúng ta có một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, chúng ta là con Thiên Chúa và “đồng thừa tự với Đức Kitô”. Chúng ta không cần phải sợ một Thiên Chúa chung chung và xa xôi, vì Thiên Chúa là “Cha” của chúng ta, người cha đã đến cứu và nhận chúng ta làm con. Thư Phaolô nhắc chúng ta biết rằng trong mắt Thiên Chúa, chúng ta được xem như một nhân vị khác, “Chao ôi!”
Trong thế giới của chúng ta, việc chúng ta là ai phụ thuộc rất nơi quốc gia và nguồn gốc gia đình, những thành tích kinh tế và giáo dục. Những người nào đứng nhất sẽ được biết đến và kính trọng; những người chẳng có gì sẽ chỉ là thành phần của đại đa số thường dân. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được thực hiện bởi Thiên Chúa nơi Đức Kitô, trong sức mạnh của Thánh Thần. Là con Thiên Chúa, chúng ta được Thánh Thần tác động để sống căn tính của chúng ta: để nhìn người khác qua đôi mắt của Thiên Chúa, là anh chị em của ta.
Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta lưu tâm đến anh chị em chúng ta trong cộng đoàn Kitô hữu. Chung ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa và cảm thương chăm sóc lẫn nhau, không phải như những nô lệ khúm lúm làm theo mệnh lệnh, nhưng như “dưỡng tử”. Vì thế, chúng ta phục vụ không phải vì sợ hãi, hay bị ép buộc nhưng như con cái Thiên Chúa được đảm bảo chắc chắn về phận vị của mình trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô đảm bảo rằng là con cái Thiên Chúa, chúng ta “được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô”. Là người thừa kế, chúng ta mong chờ gia sản mà chúng ta chưa có. Niềm hy vọng đó kiện cường chúng ta để chúng ta có thể chịu đựng và vượt qua những khốn khó hiện nay.
Thời các môn đệ, các ngài cảm nghiệm được những xung đột giữa họ khi sứ vụ vượt ra khỏi khuôn khổ của những người Dothái để đi ra với thế giới Dân Ngoại. Chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự khi vươn ra với những nền văn hóa đa dạng và những kiểu giải thích đức tin cũng như thực hành tôn giáo của họ. tại sao chúng ta vượt qua những khó khăn và phải đón nhận những yêu cầu quá sức như thế? Vì lời Đức Giêsu trong Tin mừng Mátthêu là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Không có một nhóm nào trên thồ gian được gọi là “môn đệ hạng nhất”. Không nên có những phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác hay giàu nghèo. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận Phép Rửa của các môn đệ và được kêu gọi để thông dự trọn vẹn vào cộng đoàn Kitô hữu.
Làm sao các môn đệ biết được khi nào thì lời dạy của họ được những người nghe đón nhận? điều kiện tiên quyết ở giai đoạn này không phải là vấn đề giáo lý nhưng là thái độ luân lý. Những người được rửa tội và được nghe các môn đệ rao giảng thực hành những gì Đức Giêsu dạy các môn đệ: yêu mến Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu đó qua việc yêu mến người thân cận. Những gì chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính hôm nay không chỉ là tuyên xưng mang tính giáo lý, nhưng là sự xác quyết về Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch và tất cả cuộc sống của chúng ta được quy hướng về Ngài.
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu đưa chúng ta trở lại Galilê nơi các môn đệ đầu tiên được mời gọi. Khung cảnh diễn ra trên núi, cũng như những biến cố quan trọng khác trong sách thánh. Trong Tin mừng của Mátthêu, núi cao là nơi Đức Giêsu rao giảng, nơi Người biến hình và nay là lần hiện ra cuối cùng của Người.
Câu chuyện nghe giống như một trong những lần hiện ra sau phục sinh. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ; họ nhận ra Người va họ thờ lạy Người – “nhưng họ hoài nghi”. Rồi Đức Giêsu tuyên bố quyền năng của Người và lệnhcho các môn đệ: “…hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.
Phép rửa là cách mà những ai không được kinh nghiệm trực tiếp về Đức Giêsu nay có thể gặp gỡ Đức Kitô và được đưa vào trong cộng đoàn tín hữu. Tuyên tín trong phép rửa nhấn mạnh niềm tin Chúa Ba Ngôi của Giáo hội sơ khai. Sau khi rửa tội, các môn đệ còn phải giảng dạy. Hoán cải và thánh tẩy là quan trọng, nhưng không phải là những bước duy nhất trong tiến trình. Việc giảng dạy cũng cần thiết sau đó để những thành viên mới được hiểu sâu hơn về những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong đời họ. Tin mừng Mátthêu kết thúc với lời hứa của Đức Giêsu ở lại với các môn đệ, “cho đến tận thế”.