Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng
Ở bên Tây phương, và có lẽ ở Việt Nam, những nhà lãnh đạo quốc gia, các tổng thống trước những chiến dịch chạy đua cho chiếc ghế của mình, đã luôn đưa ra những lời hứa sẽ cải thiện cuộc sống của xã hội, của mỗi người. Nhưng rồi đến cuối nhiệm kỳ của họ, chẳng mấy ai hoàn thành được những gì họ đã hứa. Cũng vậy, ngày nay, những cặp hôn nhân ly thân, ly dị, không còn là những hình ảnh lạ lẫm gì đối với chúng ta. Một trong những lý do để giải thích cho những vấn đề trên là ngày nay có vẻ như người ta không còn đặt nặng đến vấn đề khấn hứa nữa. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời hứa năm xưa của Đức Maria là ánh sáng soi cho ta thấy được sự tín trung của Thiên Chúa, sự sẵn sàng của Mẹ và sự nâng đỡ cho đời sống Kitô hữu của mỗi người.
Lời hứa trong Thánh ý Thiên Chúa
Lịch sử cứu độ là lịch sử của việc thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa với loài người ngay sau khi nguyên tổ Ađam – Evà bất trung với Thiên Chúa. Và rải rác trong từng trang Kinh Thánh, ta thấy rất nhiều lần Thiên Chúa yêu thương, hứa hẹn ban tặng nhiều ân phúc cho con người: Thiên Chúa chúc lành và hứa hẹn cho cụ Ápraham trở thành tổ phụ một dân đông đảo (St 12,1-3). Lời hứa ban đặc ân cho bà Sara, vợ Ápraham sẽ sinh con trai, dù bà đã cao niên (St 18,10). Chúa hứa ở bên cạnh ông Môsê giúp ông lãnh đạo, đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập (St 3,12). Người giao ước với dân Israel: họ sẽ là dân thánh, sở hữu riêng của Chúa (Xh 19,5-6). Lời hứa sẽ thiết lập cho vua Đavít một triều đại vững bền (2 Sm 7,16). Thiên Chúa nhậm lời cầu xin của tư tế Dacaria, hứa cho vợ ông tuy son sẻ mà vẫn sinh con (Lc 1,13). Chúa hứa với cụ già Simêon, ông sẽ không chết trước khi gặp Chúa Hài Nhi (Lc 2,26)…
Suốt ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô cũng không ngừng hứa hẹn với mọi kẻ Người ưu tuyển: Lời hứa với 4 môn đệ đầu tiên bước theo, rằng họ sẽ thành những kẻ chài lưới người (Mt 4:18). Đức Giêsu hứa với ông Phêrô và những kẻ theo Người “Họ sẽ được phần thưởng gấp trăm gấp bội ở đời này, đời sau” (Mt 19:28-29). Chúa hứa với Giakêu sẽ vào thăm nhà ông, ban ơn cứu độ cho gia đình Giakêu (Lc 19:5). Lời hứa với người trộm lành “anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng hôm nay” (Lc 23:43).
Thiên Chúa hứa và Người đã hoàn trọn lời hứa. Thiên Chúa cũng đang thực hiện lời hứa cứu độ của Người trên cuộc đời mỗi chúng ta.
Đức Maria với lời hứa “Xin Vâng”
Khởi đi từ lời hứa ban Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa hứa với nguyên tổ loài người, trải qua dòng lịch sử của Dân Thánh và nơi Đức Maria, lời hứa của Thiên Chúa được hoàn trọn. Nhưng từ giây phút xin vâng đó, cuộc đời của Đức Mẹ bắt đầu một chuỗi dài những khó khăn sẽ phải đối diện, như lời cụ Simêon đã nói tiên tri: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).
Lời thưa “Xin vâng” mà Đức Maria thưa lên với Thiên Chúa diễn ra trong một khung cảnh đơn sơ, không trống kèn, không người thân họ hàng chứng kiến, không người làm chứng; và vì lời hứa mà ngay đến thân phụ mẫu của Đức Maria cũng không biết, người chồng sắp cưới cũng không hay, nên viễn cảnh khó khăn mà Mẹ phải trải qua là điều chúng ta dễ dàng nhận thấy được, mà khởi đầu là ý định rút lui của ông Giuse.
Và rồi cuộc đời dương thế của Đức Giêsu chỉ có 33 năm, nhưng đã mất hết 30 năm Người chỉ sống ẩn dật trong ngôi làng Nazareth. Ba mươi năm đó là những chuỗi ngày dài mà Đức Maria đã luôn “suy niệm trong lòng” về mầu nhiệm Nhập Thể của người Con. Lời hứa năm xưa mà sứ thần Gáprien đã nói: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33), cho đến giờ này, đã 30 năm rồi, vẫn chưa thấy thực hiện. Rồi suốt ba năm Đức Giêsu đi rao giảng Nước Thiên Chúa, thì viễn cảnh mà Mẹ gặp thấy toàn là những chống đối của giới lãnh đạo tôn giáo, sự bội tín của các môn đệ Đức Giêsu, lời xì xầm to nhỏ của bà con họ hàng… và đau khổ nhất là thời khắc Mẹ đứng dưới chân thập giá nơi treo xác Con yêu. Nhưng Mẹ Maria, Mẹ vẫn đứng đó, dưới chân thập giá, ôm xác con vào lòng và vẫn tiếp tục đồng hành với các môn đệ của Đức Giêsu.
Nhìn lại lời hứa của mỗi chúng ta
Cuộc sống của chúng ta, từ trong sinh hoạt Giáo hội đến đời sống thường ngày, không thiếu đó đây lời thề hứa được thể hiện:
Lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và lời đoan hứa từ bỏ ma quỉ và tội lỗi khi nhận Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức. Lời đoan quyết ăn năn dốc lòng chừa không tái phạm tội lỗi trong Bí tích Hoà Giải. Lời cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm của các tu sĩ khấn dòng. Lời hứa vâng phục Đức Giám Mục và các Đấng kế vị Ngài của tân chức Linh Mục trong nghi thức truyền chức. Lời thề nguyền chung thủy với nhau của đôi vợ chồng mới trong Bí tích Hôn Phối. Lời tuyên hứa khi tôi quyết định tháp nhập vào Dòng trong ơn gọi đoàn viên Đa Minh… và hàng trăm những lời hứa khác.
Mỗi lời hứa ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác nhau: trang trọng có, tầm thường có, giản dị cũng có. Nhưng thử hỏi người ta đã thực hiện những lời hứa đó như thế nào? Mỗi lời khấn hứa mà chúng ta trao ban cho ai đó là chúng ta đang gieo niềm hy vọng cho người được hứa ban. Vậy thì, hứa và thực hiện lời hứa là một cách chúng ta rao giảng Tin mừng, bởi lẽ truyền rao Tin mừng chẳng phải là trao bao niềm vui, niềm hy vọng đó sao ? Đời sống ngôn sứ của tôi không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thái độ giữ lời hứa của tôi.
Lời khấn hứa của chúng ta không chỉ trong tương quan với chính mình, với tha nhân, nhưng còn với Thiên Chúa. Lời khấn hứa của chúng ta không chỉ đơn độc một mình nhưng được liên kết trong Thiên Chúa, là Đấng cũng đã làm như thế: từ ban đầu, lịch sử Cứu độ là một lịch sử về một Thiên Chúa luôn giữ lời hứa: Người hứa với ông Nôe, hứa với tổ phụ Ápraham, hứa với ông Môsê… hứa với mỗi chúng ta.
Hôm nay lời hứa của chúng ta được đặt trong lý tưởng của Dòng: “Chiêm niệm và trao ban cho người khác điều mình chiêm niệm”, được sự đồng hành của Đức Maria “Xin vâng”, và cùng với sự chuyển cầu của Cha thánh Tổ phụ: “Cha có qua đời, thì sẽ làm ích cho các con hơn khi còn sống”.
Tạm kết
Thiên Chúa dựng nên ta, người không hỏi ý kiến của ta; nhưng để cứu chuộc chúng ta Người cần đến sự cộng tác của con người; Đức Maria là Nữ Tỳ đẹp lòng Thiên Chúa vì Mẹ đã hiệp thông vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa bằng cả một đời kiên trung sống lời thưa “Xin vâng” đó. Là con cái của Mẹ, chúng ta cũng đang được Thiên Chúa mời cộng tác vào công trình cứu chuộc nơi lời hứa mỗi lời hứa “Xin vâng” của chúng ta: qua Bí tích Rửa tội, qua lời tuyên thề trung thành trong phép Hôn phối, qua lời tuyên hứa của mỗi đoàn viên Huynh Đoàn, …
Jos. Duy Linh, OP