Yêu là cho đi
“Cho là cho đứt cho không. Chẳng mong nhắc tới, chẳng trông báo đền”. Anh chị em trong Gia Đình Truyền Tin thân mến! Nhân dịp Mừng Lễ Truyền Tin, Bổn Mạng của Gia Đình, kỷ niệm 19 năm ngày thành lập Nhóm phục vụ những người khuyết tật Giáo xứ Thánh Đa Minh Ba Chuông, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ sau với các bạn :
Tôi đọc tin tức trên mạng, được biết hơn nửa thế giới vẫn còn thiếu cơm ăn áo mặc. Tự nhiên tôi thấy buồn, nhưng rồi tự nhủ : đó là thực tại của cuộc sống, mình chẳng nên buồn làm chi và mình đâu có can hệ gì! Dầu sao, mình làm được gì trước những thực trạng đau buồn này? Rồi tôi giật mình tự hỏi phải chăng đây là tâm trạng của tổng trấn Philatô khi thấy các kỳ lão nhất định đòi giết ông Giêsu? “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27:24).
Philatô cảm thấy kinh hãi trước một đám đông cuồng nhiệt. Philatô cảm thấy bối rối trước những lời căn dặn của vợ mình. Philatô cảm “thấy chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay” (Mt 27:24). Ông nhủ mình : đó là thực tại của cuộc sống, mình chẳng nên buồn!
Chúng ta không muốn trách Philatô, vì hầu như Philatô là nạn nhân của lịch sử. Nhưng chúng ta không thể không học lấy một bài học trước thảm kịch Chúa Giêsu bị đánh đòn và vác thập giá. Nếu chúng ta không muốn đóng đinh Chúa Giêsu lần thứ hai, thì chúng ta không thể là Philatô thứ hai.
Chúa Giêsu nói : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Làm sao chúng ta có thể xoa dịu tâm hồn một em bé thiếu vắng tình cha mẹ? Làm sao chúng ta có thể cung cấp lương thực cho hàng triệu người đói nghèo? Thật vậy, chúng ta được kêu mời “đồng tâm, đồng cảm và đồng hành” với Chúa Giêsu như Mẹ Maria. Đây là tâm tình của Mẹ trên con đường theo Con mình lên núi Canvê. Mẹ không thể thay đổi quyết định của Philatô. Mẹ không kêu trách đám đông hay trốn bỏ cảnh tang thương của Con mình khi Con bị tra tấn và khinh chê. Mẹ không lấy nước rửa tay. Mẹ “đồng tâm” với Chúa Giêsu trong sứ mạng cứu độ nhân loại vì Mẹ chấp nhận mầu nhiệm đau khổ trong chương trình của Chúa Cha. Mẹ “đồng cảm” với Chúa Giêsu trong sự bất lực trước những chọn lựa sai lầm của các môn đệ, của anh em đồng hương và của tổng trấn Philatô. Mẹ thấu hiểu sự cô đơn, ruồng bỏ và cay đắng của Chúa vì Mẹ sẵn sàng “đồng hành” với Ngài. Mẹ bằng lòng chịu chế giễu là Mẹ của một tội nhân. Nhìn bề ngoài, Mẹ đã không làm gì được để yên ủi hay để bớt nỗi khổ của Chúa, nhưng tâm tình “đồng tâm, đồng cảm và đồng hành” của Mẹ là nghĩa cử cao đẹp và thương mến nhất mà Mẹ có thể dành cho Con của Mẹ trong những giờ phút đau thương dữ dằn nhất. Tất cả là vì yêu!
Cũng giống như Mẹ, tình yêu của Thánh Maria Madalêna dành cho Chúa Giêsu không phải là tình yêu chợt đến rồi đi, không phải là tình yêu bốc đồng hay nông nổi, cũng không phải là thứ tình yêu nam nữ bình thường. Tình yêu ấy âm thầm nhưng mạnh mẽ, luôn ấp ủ trong lòng và khiến Thánh luôn theo sát Thầy Giêsu. Tình yêu ấy kéo dài liên tục từ khi biết Thầy Giêsu cho đến lúc Thầy chịu thương khó và chết vì nhục hình.
Tình yêu là vậy. Tình yêu giúp Thánh vượt qua mọi trở ngại có thể có để đến được với người mình yêu. Tình yêu không làm Thánh, dù là phụ nữ với bản tính yếu đuối và nhút nhát, e sợ bầu khí u ám của nghĩa trang khi trời còn mờ tối. Tình yêu không làm Thánh ngần ngại trở ra khu mộ lần thứ hai để làm cho bằng được những gì mình muốn. Tình yêu đã được bù đắp, công khó đã được ân thưởng, Thánh là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại được thấy Chúa Phục Sinh. Thánh là chứng nhân đầu tiên của sự kiện Phục Sinh và cũng là người đầu tiên được Đức Kitô Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng ấy.
Thánh Phaolô đã nói rằng : “Cho đi thì có phúc hơn nhận lãnh”. Nếu chúng ta gặp những người nghèo khổ, đau khổ mà ngoảnh mặt đi và tự nhủ : “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” thì chúng ta đang đóng đinh Ngài. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm điều gì lớn lao, vĩ đại nhưng Ngài mong chúng ta chạnh lòng thương khi gặp một em bé bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, bị la mắng vô lý, bởi vì Ngài cũng đã bị vu oan. Ngài muốn chúng ta nhịn một câu nói nặng với người anh em, vì Ngài đã bị đám lính chửi thề ngạo mạn. Ngài mong chúng ta nâng đỡ và thêm lời cầu nguyện cho những người anh em xấu số vì Ngài đã cần đến Simon để vác thập giá đỡ cho Ngài. Ngài mong chúng ta giảm bớt những cuộc tiêu khiển để chúng ta có tiền giúp đỡ người nghèo, bởi vì trên đường sỏi đá đến Golgotha, Ngài đã ước ao nhìn thấy những khuôn mặt của các môn đệ dõi theo Ngài để an ủi tâm hồn tan nát của Ngài.”
Các bạn quý mến, Nhìn về Thánh Maria Madalêna, chúng ta ngưỡng mộ chị và xin cho mình ơn được thêm tình yêu với Chúa và tha nhân. Chúng ta đã yêu nhưng chưa đủ mạnh, nên cần xin thêm tình yêu ấy. Có thêm tình yêu, chúng ta sẽ bất chấp mọi trở ngại để tìm gặp Chúa qua những biến cố của đời thường. Có tình yêu ấy, chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài tình yêu thương của Chúa nơi những người khổ đau mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày, ngay bên cạnh chúng ta. Có tình yêu ấy, chúng ta sẽ là những Maria Madalêna khác, sẽ thao thức, sẽ khao khát kiếm tìm Chúa. Có tình yêu ấy, chúng ta sẽ thấy Chúa nơi mọi người xung quanh đang ngày đêm mỏi mòn cần đến chúng ta.
Hôm nay nhân dịp Gia Đình kỷ niệm 19 năm ngày thành lập nhóm. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria ban muôn ơn lành hồn xác đến cho toàn thể Quý vị ân nhân, thân nhân xa gần, quý cộng đoàn trong và ngoài Giáo Xứ và đặc biệt là sự quan tâm của Cha Giám Tỉnh, Cha Bề Trên Chánh Xứ, Quý Cha cùng toàn thể Quý Tu sĩ Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Đa Minh. Chúng con cũng mong quý vị tiếp tục cầu nguyện và cộng tác giúp đỡ cùng đồng hành với Gia Đình Truyền Tin chúng con trong thời gian sắp tới và trong tương lai, để chúng con thực hiện tốt sứ mạng phục vụ Chúa qua tha nhân, nơi những con người khổ đau, bất hạnh.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Tâm, OP.
Nội san mừng 19 năm