Trở Về Với Cha
(câu chuyện người con hoang đàng)
Trong năm 1999, năm dành cho Thiên Chúa Cha, đi đâu người ta cũng thấy trưng bày bức tranh “Người Con Hoang Ðàng” của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17.
Ðây là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông. Ông muốn ký thác vào đó cái nhìn cuối cùng của ông về cuộc sống đầy sóng gió của mình. Ông chính là người con hoang đàng trong bức tranh nổi tiếng này, tất cả những người biết tiểu sử của ông đều mô tả ông như một thanh niên kiêu hãnh, tự hào về tài năng và săn đuổi tất cả những gì mà thế giới có thể cống hiến cho.
Ông là một con người ham mê lạc thú đến đỗi dửng dưng với những người xung quanh, và một trong những quan tâm chính của ông là tiền của. Ông hái ra nhiều tiền, nhưng ông cũng phung phí nhiều tiền và cuối cùng mất hết tất cả. Một phần lớn năng lượng của ông đã phải tiêu hao về những việc tranh tụng lâu dài về tiền của. Những bức chân dung tự vẽ về mình cho thấy ông là một con ngươì đói khát danh vọng, lạc thú, cách ăn mặc sang trọng và lòe loẹt. Tuy nhiên, tiếp theo giai đoạn thành công và giàu có ngắn ngủi ấy là một chuỗi những thất bại trong giai đoạn đọa đày, tai họa và phiền muộn.
Năm 1635, người con trai của ông tên là Prubertus qua đời; ba năm sau đến lượt người con gái đầu tiên của ông là Cornelia cũng ra đi; hai năm sau đó, chính người vợ của ông cũng từ giã cõi đời. Ông phải sống cảnh gà trống nuôi con với một đứa con trai là Titus vừa mới được chín tháng tuổi. Họa vô đơn chí. Sau khi vợ chết, ông toàn gặp khổ đau và thử thách. Một cuộc tình bất hạnh với bà vú nuôi của Titus đã để lại cho ông thêm hai đứa con khác. Trong những năm sau đó, mặc dù các nhà sưu tầm và giới phê bình nghệ thuật nhìn nhận tài năng của ông, tiếng tăm của ông cũng đã bắt đầu đi xuống.
Năm 1656, ông mắc vướng vào những vấn đề tài chính đến độ cuối cùng ông đành phải trao tác quyền cho các chủ nợ, bao nhiêu tác phẩm và nghệ thuật của ông đều bị đem ra bán đấu giá. Nhưng cũng chính trong giai đoạn này mà ông đã bắt đầu nhìn lại bản thân và cuộc đời để rồi ký thác cái nhìn ấy trong bức tranh nổi tiếng “Người Con Hoang Ðàng”. Rembrandt quả thực đã nhận ra ông như người con hoang đàng phung phí trong Tin Mừng.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Bức tranh “Người Con Hoang Ðàng” đã được Giáo Hội làm biểu trưng cũa năm thứ ba (năm 1999), trong ba năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000. Với bức tranh “Người Con Hoang Ðàng” của Rembrandt đã làm nổi bật một thứ ánh sáng kỳ lạ cho gương mặt cũng như đôi tay của người cha trên thân thể người con. Tuy ăn mặc rách rưới, người con cũng được phủ đầy một vùng ánh sáng xuất phát từ người cha. Ðây chính là cái nhìn của Rembrandt về phẩm giá con người.
Trong thời ăn chơi sa đọa, người con hoang đàng là chính ông, ông chỉ biết có mỗi một thứ ánh sáng. Ðó là ánh sáng hào nhoáng của tiền của, danh vọng, lạc thú trần tục. Ông đã đánh giá con người dựa trên những thứ ấy. Giờ đây, khi rách rưới trắng tay, nhà danh họa mới chợt nhận ra phẩm giá đích thực của con người. Phẩm giá ấy không lệ thuộc vào những hào nhoáng trần tục, mà xuất phát từ chính Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng con người theo và giống hình ảnh của Người. Nghèo nàn, đần độn và xấu xí đến đâu, mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này cũng đều mang một phẩm giá cao trọng, là bởi vì không những được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa lại còn mang tước vị là con cái của Ngài.
Trở về với cha trước tiên có nghĩa là ý thức và đón nhận lại cái phẩm giá cao trọng mà mình đã đánh đổi với những hào nhoáng của thế trần.
Lạy Chúa là cha nhân từ, xin tha thứ cho chúng con, vì biết bao phen chúng con đã chối bỏ Chúa để chạy theo những giả trá của thế gian.
Xin cho chúng con luôn cảm nhận được vòng tay ôm ấp của Chúa và ý thức được phẩm giá cao trọng của mỗi người chúng con. Amen.
nguồn: R. Veritas
Ngọc Nga sưu tầm
* Tranh trên là Bức tranh “Người Con Hoang Ðàng” của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17. |