CN 04 Chay B: Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta


Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta

Ga 3,14-21

Lm. Jude Siciliano, OP.

Anh Em Nhà Học Đaminh chuyển ngữ

 

CN 04 Chay B: Thiên Chúa không bỏ rơi chúng taKính thưa qúy vị,

Một ngày nọ tôi đã ký tên dưới lá thư để gởi cho những người bạn. Nhưng tôi phân vân mình nên kết thư như thế nào đây? Không biết nên viết “cầu chúc bạn may lành,” “chúc bạn bình an và thân ái,” hoặc “người bạn thân mến, Jude” có được không? Chắc chắn một điều là không thể viết “trân trọng”, vì dù gì đây cũng là những người bạn. Nếu đó là lễ Giáng Sinh thì tôi đã viết “Giáng Sinh vui vẻ.” Nếu là Phục Sinh, tôi viết: “Mừng lễ Phục Sinh!” Nhưng lại không phải là ngày lễ lớn để cho chúng ta liên hệ tới niềm vui và hân hoan. Đó lại là mùa Chay. Tôi không chúc mừng được, nhưng tôi muốn ký vào lá thư của tôi rằng, “Mùa Chay hạnh phúc”. Ngay cả người bạn biết rõ về tôi cũng nghĩ rằng có một điều gì đó là lạ. Nhưng giữa quí vị và tôi, sao mình lại không “Chúc Mùa Chay hạnh phúc” được nhỉ?

Tôi biết rằng chúng ta hay liên tưởng đến mùa Chay như một mùa “u sầu và ảm đạm.” Bàn thờ, cung thánh đều để trơ trọi và những bức tường nhà thờ không trang trí như muốn diễn đạt những ý nghĩ không vui. Ngày xưa, thậm chí chúng ta phủ tấm vải tím trùm lên các bức tượng để thêm phần trang nghiêm của mùa Chay như thế này. Tôi lấy làm vui mừng với những nhà thờ mà tôi đến giảng không còn phủ những tấm khăn như vậy nữa. Suốt mùa Chay tôi thích rảo quanh nhìn các khuôn mặt thân thiện của những người bạn đồng hành của tôi trong suốt hành trình bốn mươi ngày chay tịnh, tôi xem họ như những vị thánh. Họ đi trước tôi và chờ đợi tôi. Đời sống yêu thương và hy sinh của họ dành cho xóm làng nhắc nhở tôi về ý nghĩa của mùa Chay, vì thế tất cả cuộc đời Kitô hữu chung qui là tinh thần sống như vậy. Thể theo truyền thống Công giáo, tôi mời gọi họ trong Mùa Chay này cùng tôi cầu nguyện cho chính mình và cho những người bạn đồng hành trên hành trình đức tin.

Trở lại câu hỏi mà tôi đã nêu ra: sao chúng ta không ký vào một bức thư hay email với lời “Mùa Chay Hạnh Phúc?” Sao chúng ta không nghĩ rằng mùa Chay là mùa hạnh phúc, hay ít nhất là mùa của niềm vui? Làm sao chúng ta có thể nói thế? Hãy đọc Sách Thánh và nghe bài Tin Mừng của Thiên Chúa được công bố cho chúng trong Ngôi Lời.

Sử Biên Niên quyển 2 được viết trong thời kỳ phục hưng (khoảng năm 520-400 tr. CN) sau thời kỳ lưu đày ở Babylon. Sách Sử Biên Niên (không rõ tác giả) khuyên toàn thể dân chúng rằng, nếu họ muốn duy trì một cộng đoàn đức tin kiên vững, thì họ nên giữ việc thờ phượng cộng đồng và duy trì một đời sống đức tin thanh sạch. Tác giả cảnh báo với họ rằng những tàn lụi mà họ hứng chịu không phải do sức mạnh quyền lực của Babylon, cho bằng những suy đồi đạo đức trong dân chúng. Toàn bộ cộng đồng, kể cả những người lãnh đạo tôn giáo cấp cao nhất, đều chịu trách nhiệm về sự sa sút của đất nước mình và cả việc phá hủy Đền Thờ. Việc thực hành tôn giáo đã bị “ô nhiễm” và không thể tránh khỏi sự sụp đổ.

Nếu đất nước còn hướng về Thiên Chúa, thì sách Biên Niên cho rằng, cuộc lưu đày bảy mươi năm ở Babylon đã không xảy ra. Tác giả muốn dân của mình bảo đảm rằng họ nhớ lại thời quá khứ để không còn lặp lại nỗi đau thương đó nữa.

Sử Biên Niên quyển hai nhắc nhở chúng ta trong mùa Chay rằng việc thờ phượng, cầu nguyện, tuân giữ kỷ luật không chỉ đơn thuần là những thực hành cá nhân. Chúng ta là một cộng đồng không chỉ biết hoán cải về những thất bại cá nhân, mà còn biết hoán cải những thất bại trong Giáo hội nữa. Tất nhiên, chúng ta không chỉ nói về những tai tiếng gần đây, mà còn những ví dụ khác về giáo hội xét theo tổng thể, và một cách nào đó, cộng đồng đức tin của địa phương chúng ta chưa sống theo lời mời gọi của Tin Mừng: cho kẻ đói ăn, giúp người đau yếu, thờ phượng chân thành, thực hành tha thứ, v.v…

Vậy, đâu là thông điệp “Mùa Chay Hạnh Phúc” ở đâu trong sách Sử Biên Niên quyển 2? Đó là khi Thiên Chúa nhìn thấy điều kiện khốn khó của dân chúng dưới ách nô lệ thì Người ra tay giải cứu họ. Thậm chí Thiên Chúa đã dùng một vua ngoại giáo Persia tên là Cyrô để thực hiện hành động giải cứu đó! Vì có người nói rằng, “Thiên Chúa có thể dùng tác nhân bên ngoài để giúp chúng ta.” Mặc dù hết lần này đến lần khác dân chúng lỗi phạm, “Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân Người.” Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi một dân bất trung dẫu cho họ có lãng quên Thiên Chúa của họ.

Thực sự, đó chính là “Mừng Mùa Chay” vì chúng ta được nhắc nhở rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, cũng chẳng bỏ rơi Giáo hội và Người vẫn hằng luôn yêu thương và tỏ dấu chỉ khoan dung đối với chúng ta. Mùa Chay là thời gian cho chúng ta thức tỉnh rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta đáp trả bằng cách quay về với Người. Những lời cầu nguyện và việc hy sinh mà chúng ta thực hiện trong mùa Chay này giúp chúng ta hoàn thành cuộc trở về này trọn vẹn hơn theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Trong huyền thoại cổ xưa, con rắn là biểu tượng của việc chữa trị. Quân Đàon Y Tế Hoa Kỳ có biểu tượng con rắn quấn trên một cây gậy. Trong sách Dân Số (21, 4-9), những người Do Thái trong sa mạc mệt mỏi về hành trình và phàn nàn chống lại Thiên Chúa qua việc phản đối ông Môsê và vì thế họ bị rắn cắn. Để chữa trị cho họ, ông Môsê bảo dân hãy nhìn lên con rắn trên gậy mà ông treo lên trước mặt. Ai làm như vậy thì được chữa lành.

Người dân chịu gian khổ trong suốt hành trình dài của họ nơi sa mạc, vì thế họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Khó khăn gian khổ cũng có thể khiến chúng ta như thế – cám dỗ chúng ta từ bỏ Thiên Chúa. Hoặc chúng ta có thể kết luận rằng, Thiên Chúa “ở tít trên cao” và Người cũng chẳng màng gì đến những “nỗi khổ bé nhỏ” của chúng ta, mặc dù những khốn khó đó không hề “bé nhỏ” đối với chúng ta! Chúng ta phải nỗ lực vì cố gắng hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm của đau khổ nơi chính mình hoặc nơi người khác.

Đau khổ dường như là một phần AND của điều kiện làm người, và chúng ta không phải khi nào cũng được lựa chọn. Nhưng Thiên Chúa thì có. Thiên Chúa có thể ra khỏi sự hỗn độn và tránh phải đau khổ. Hôm nay Tin Mừng là một lời nhắc nhở thêm cho chúng ta rằng Thiên Chúa không ở xa và ở trên nỗi đau của chúng ta, vì Người là Đấng yêu thương. “Vì vậy, Thiên Chúa yêu thương thế gian …” Những người yêu nhau lại cảm nhận được nỗi đau nơi người yêu của mình. Nếu một người nào đó mà chúng ta yêu mến bị tổn thương, như người bạn hữu, bạn đời hoặc con cái, thì chúng ta cũng cảm thấy đau đớn vậy.

Thánh Gioan cho ta biết, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để xét xử, nhưng là để cứu chúng ta. Đức Giêsu là người con trung thành của Thiên Chúa, Người đã rao giảng sứ điệp về tình yêu thương của Thiên Chúa. Người đã thi hành sứ điệp tình yêu đó đối với toàn thể nhân loại, ngay cả quân thù và cả những ai không nhận biết Người. Người mời họ ăn uống cùng bàn. Đức Giêsu không phải chịu bách hại và chết trên thập giá, nếu như Người ngừng việc rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Lẽ ra Đức Giêsu tránh xa đau khổ, lánh đi đâu đó một lúc, khi sự việc trở nên khó khăn thì có thể bỏ đi. Nhưng Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở lại để đối diện với sự đau khổ đó, thậm chí dẫu cái chết ngay trước mặt. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người với chúng ta qua cuộc đời của Đức Giêsu và qua cái chết của Người trên thập giá. Điều đó có nghĩa là: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người cho thế gian.”

Thập giá là một bất công lớn chống lại Đức Giêsu. Khi chúng ta nhìn thập giá với thái độ sùng kính và tôn trọng điều đó không có nghĩa là chúng ta đang tưởng niệm một công cụ thi hành án, nhưng ở nơi đó là sự tóm kết cuộc đời và sứ điệp của Đức Giêsu: ngay cả cái chết đáng sợ nhất cũng không thể làm Đức Giêsu thay đổi ý định mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta. Mùa Chay có thể giúp chúng ta lưu tâm đến nỗi đau khổ của thế gian. Nếu đây là “Mùa Chay hạnh phúc” với chúng ta là vì chúng ta nhớ lại Thiên Chúa ở với chúng ta, đặc biệt trong nỗi đau khổ và bị xa lánh và Người không ngoảnh mặt với chúng ta. Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả sự dữ, chúng ta là những con người cũng có thể chiến thắng những sự dữ đó và chiến thắng như vậy là để tôn vinh Đức Giêsu.

Như dân Do Thái trong sa mạc, chúng ta cũng mở mắt nhìn, nhưng không phải nhìn biểu tượng con rắn trên cây gậy, nhưng là nhìn Đức Giêsu trên thập giá. Khi nhìn về Người, chúng ta cảm nhận được sự chữa lành tội lỗi và nhận ra Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết dường nào. Trong ánh sáng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng lời đáp trả của Thiên Chúa đối với tội lỗi là sự dâng hiến cuộc đời. Chúng ta có thể làm được gì? Đừng đào sâu ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta nữa, và đừng phàn nàn với Thiên Chúa về nỗi khổ đau của thế gian nữa. Nhưng hãy nhìn Thiên Chúa thay đổi vị thế, Người chuyển đến ngay bên chúng ta. Lưu ý rằng, Thiên Chúa không chỉ làm những điều lành và tránh những điều xấu, nhưng Người còn muốn chúng ta đừng né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm, như Người đã không né tránh. Như Đức Giêsu, chúng ta chọn làm điều tốt và chống lại những điều xấu, bất cứ điều gì gây ra nổi khổ đau. Như Đức Giêsu, trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đón nhận thập giá, nhưng cũng chính trong thập giá đó, chúng ta sẽ khám phá ra gương mặt của Đức Giêsu thật rõ nét.

 

 

Để lại một bình luận