THÊM MỘT CHÚT VĂN HÓA
Nằm ở nhà xứ, cả đêm cứ phải nghe tiếng kèn Nam ò e và những tiếng trống, tiếng mõ kiểu nhà chùa kèm theo bài khóc mướn. Làng bên có đám tang. Biết ngay đó là đám tang của bên lương (theo cách nói quen thuộc của người bên đạo chúng ta). Thật não nuột và lạnh lùng thêm giữa mấy ngày rét đậm.
Sáng sớm nay đám tang khởi hành khiêng quan tài đi ra nghĩa địa. Một đám bà con giáo dân mình vừa đi lễ sáng về. Họ gặp phải đám tang này. Hầu hết chỉ nhìn nhìn rồi đi qua. Có vài người cao tuổi lẫn trung tuổi khi đến gần quan tài thì ngả mũ ra và cúi đầu xuống. Tức là bái chào người quá cố lần cuối cùng như một lời từ biệt. Rồi tất cả cùng đi qua.
Thôi thì cuộc đời con người cũng chỉ có thế. Chẳng phải lương hay giáo thì cũng phải khiêng ra nghĩa địa mà chôn. Ay thế mà người ta vẫn hay quên cái chân lý căn bản xưa nay: thân tro bụi sẽ trở về bụi tro. Va coi như chết là hết, người chết thì nào có biết gì nữa mà kính với chả tôn.
Chào hỏi là một phép xã giao lịch sự. Lại là một nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Khi còn sống gặp gỡ nhau thường hay chào hỏi, chuyện trò râm ran này khác… Không còn tương quan ấy nữa tức là người rưng nước lã với nhau hay là chưa quen biết. Chẳng ai nói chào hỏi nhau khi đã chết, mà người ta thường nói : đến viếng xác hoặc đi thăm đám tang. Ay vậy mà tại sao người ta lại bày đặt một vài cử chỉ chào tạm biệt hay vĩnh biệt người quá cố. Chẳng hạn hành động của mấy người nói trên. Bản thân mình nghĩ đây là hành động đẹp, đầy ý nghĩa, đáng trân trọng, giầu tính văn hóa nhân bản và kèm theo chiều kích tâm linh nữa. Nói gì thì nói, mình vẫn ca ngợi người có hành động như vậy. Đúng ra, đây là người có văn hóa. Thực tế, được biết mấy ông bà già nhà quê ấy chẳng có văn hóa là bao. Nhiều người mới hết cấp một phổ thông. Nhưng đã có lần, một thầy giáo được báo chí ca ngợi cũng vì đã có một hành động như thế khi đi ngang qua đám tang. Thầy giáo ấy cũng chỉ là một dân thường, một người khác đạo với chúng ta.
Trao đổi chuyện này với một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông nhận định một cách sâu sắc rằng vấn đề tâm linh của tôn giáo rất ảnh hưởng đến nét đẹp trong văn hóa và xã giao hằng ngày. Qủa thật, cử chỉ có rất nhiều tương quan với trạng thái tâm hồn; tự thân nó rất có thể là một hành động giống như một tập quán trong lãnh vực tâm lý.
Hãy cho nhau vài cử chỉ đẹp trong cuộc sống để thấy đời đáng sống. Hãy hàn gắn lại tương quan để cho sự chia ly hoặc ly biệt đỡ đau buồn, luyến tiếc. Hãy tạo nhịp cầu cảm thông bằng cõi lòng chân thành nhất. Hãy gia giảm cho cuộc sống tăng thêm hương vị cho dẫu thấy đời chẳng đáng sống. Hãy xác tín vào cõi linh thiêng của hồn bất tử để gửi gắm cho nhau một nụ cười, ánh mắt, nhịp tim, hơi thở…như một sứ điệp vô hình của phận người.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn