Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta
Mc 1: 29-39
Lm Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp.
Có thể người đọc sách thánh hôm nay sẽ yêu cầu các phụ huynh lấy tay bịt tai con mình lại trước khi nghe đọc bài sách Gióp. Chắc chắn đây là một bài đọc bi thảm, (“…số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề… mắt tôi sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”). Những người lớn như chúng ta khi nghe đọc bài sách này liệu đến cuối bài đọc chúng ta cũng sẽ thưa như thường khi “Tạ Ơn Chúa” ? Điều đó có xa lạ với chúng ta khi chúng ta nghe tin dữ ?
Khi bi kịch ập xuống trên một ai đó, đôi lúc họ sẽ phải thốt lên “Tôi đã làm gì khiến Chúa phạt tôi thế này ?” Đó là cách phản ứng tự nhiên và nó gắn liền với một lối phản ứng xa xưa mà con người thường tỏ ra cách này hay cách khác. Những tôn giáo trước đây từng nói “các thần linh đang phạt chúng ta”. Rồi họ đốt lên một đống lửa và hiến tế một người để các thần linh bỏ qua.
Những người nói vài câu đạo đức rởm thường chẳng giúp được gì khi đối diện với những nỗi đau quá sức chịu đựng. “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”. “Chúa chẳng đời nào lại thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta”.
Sách thánh hôm nay trình bày cho chúng ta nhân vật Gióp bi thảm. Ông là người rộng lượng và có một gia đình lớn. Ông dường như mất tất cả: con cái, tôi tớ và của cải. Để khiến cho tình trạng tệ hại hơn, ông còn mắc một chứng bệnh ghê tởm, và ngồi trên đống phân súc vật. Đau buồn đã khiến cho tâm hồn ông tan nát. Ai dám nói mình đau khổ hơn Gióp ? Người khôn ngoan thời đó có lẽ đã cho rằng chắc hẳn ông đã làm điều gì đó rất xấu nên mới bị phạt nặng như thế. Nhưng thực ra ông có làm gì ác đâu; ông là một mẫu người vô tội nhưng phải chịu khổ.
Những người bạn đến an ủi ông. Họ nhất định cho rằng ông đã phạm tội và khuyên ông hối cải. Nhưng Gióp xác quyết sự trong sạch của ông. Ông than trách ngày ông sinh ra và chờ đợi mỏi mòn đến khi chết. Thậm chí ngay cả vợ của Gióp cũng không chấp nhận sự quả quyết của ông và thúc giục ông “hãy trách cứ Thiên Chúa và chết đi!” Thái độ phản kháng hợp lý khi không có niềm hy vọng trong những hoàn cảnh khốn cùng của chúng ta là tìm đến cái chết.
Gióp ngờ ngợ rằng tìm kiếm những lý do giải thích cho những đau khổ thực ra chẳng đưa mình tới đâu. Ông cũng không nghe theo lời đề nghị của vợ ông vì dù cho ông có phải mất mát và đau thương thì ông cũng nhất quyết không rời xa Chúa. Thế nên ông quan qua Chúa để bày tỏ những phàn nàn của mình. Đức Chúa không đáp lại để giải quyết những khốn khổ mà ông đang phải chịu, nhưng nói đến những hữu hạn của con người và uy quyền của Thiên Chúa. (“Lời Đức Chúa phán dạy”, các chương 38-41 là áng thơ uy hùng về vương quyền của Thiên Chúa)
Cũng như Gióp, chúng ta muốn có câi trả lời cho những vấn nạn quan trọng trong cuộc sống. Gióp đã nhượng bộ Thiên Chúa uy nghiêm và bí ẩn mà ông từng chiến đấu với. Mối tương quan của ông với Chúa ngày càng khắng khít và sâu đậm hơn. Nhưng sách Gióp không khép lại với câu trả lời chắc chắn cho những vấn nạn về sự khổ. Cùng với Gióp, chúng ta cũng bị bỏ lại trong mầu nhiệm và được mời gọi để tin tưởng.
Chúng ta trở lại với bài Tin mừng và thật không dễ gì tìm được câu trả lời cho những vấn nạn mà Gióp và chúng ta đặt ra. “Câu trả lời” mà chúng ta nhận được là chính Đức Giêsu. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đề cập đến những khúc mắc và thiếu thốn của chúng ta. Người nhanh chóng cho chúng ta biết Thiên Chúa đã đáp lại những thiếu thốn của chúng ta trong sứ vụ của Người, bằng cách trước hết chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ của Phêrô và những người “ốm đau, bệnh tật và trừ quỷ”.
Có những thắc mắc đối với những người thời Đức Giêsu và vì thế, trong con mắt loài người, những việc chữa lành này không khiến cho Người trở nên độc nhất. Khi Người đi cầu nguyện, Simon và những người bạn của ông “đi tìm Người”. Những môn đệ đầu tiên này có lẽ đã xem Đức Giêsu như một người tuyệt vời – có khả năng chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền của con người. Họ cho rằng mình đã nắm được vận may, một tương lai tươi sáng với Đức Giêsu đang chờ đón họ. Họ đi tìm Đức Giêsu vì họ muốn nhiều phép lạ nữa được thực hiện ở đây. Nhưng Đức Giêsu bảo họ là phải đi đến các làng khác nữa. Họ phải bỏ lại sau lưng những niềm phấn khởi mà Đức Giêsu khơi lên nhờ việc chữa lành và sự nổi tiếng mà họ được chia sẻ với Người. Người còn nhiều việc phải làm và họ còn phải học hỏi nhiều hơn nữa.
Trong suốt Tin mừng Maccô, Đức Giêsu thường xuyên bị hiểu lầm, nhất là từ phía các môn đệ. Trong khi Người là người trị bệnh và trừ quỷ, các ông và cả chúng ta luôn thắc mắc “Những việc lạ lùng đó cho chúng ta biết gì về Người ? Những việc đó nói vì về Thiên Chúa, nhất là trong những khía cạnh đau khổ và thiếu thốn ?” Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ nhận thấy một người kỳ lạ. Khi chúng ta cùng lên đường với Người qua Tin mừng Maccô, lắng nghe giáo huấn của Đức Giêsu và chứng kiến những công việc phi thường của Người, liệu chúng ta có đón nhận Thiên Chúa cứu độ mà Đức Giêsu đang tỏ bày cho chúng ta? Liệu chúng ta có còn trung thành và hy vọng nơi Thiên Chúa, dù giữa những góc khuất của cuộc đời?
Tất cả những chứng cứ chẳng là gì cho đến sau khi Đức Giêsu chết và sống lại. Nếu Người đã thực hiện những việc lạ lùng, chết và trỗi dậy, rồi về với Chúa Cha thì qua Người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm cuộc sống của Người như đã được tỏ lộ.
Trong Đức Giêsu và qua những phép lạ Người thực hiện chúng ta nhận ra rằng vương triều của Thiên Chúa đã tan vở trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta nhận ra trong Đức Giêsu rằng dù chúng ta không tìm được câu trả lời cho những khốn khổ mà chúng ta và thế giới này đang gánh chịu, thì những khốn khó đó cũng không phải là những hình phạt Thiên Chúa giáng trên chúng ta vì những sai trái chúng ta đã trót phạm. Đức Giêsu mặc khải cho ta biết sự quan phòng và chữa lành của Thiên Chúa luôn hiện hữu giữa chúng ta. Điều này giúp chúng ta hy vọng dù chúng ta không có được câu trả lời cho vấn đề đau khổ, chúng ta cũng chắc chắn rằng ma quỷ cuối cùng cũng sẽ thua cuộc và rằng qua Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn ở cạnh chúng ta.
Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua nhiều khổ cực, giống như Gióp, Người không bỏ cuộc nhưng luôn hy vọng nơi Chúa khi Người phải đối diện với lực lượng quỷ thần. Vì Đức Giêsu, chúng ta cũng hy vọng và mong chờ sự phục sinh vào cõi vĩnh hằng. Không như những lời an ủi của Gióp, Đức Giêsu bày tỏ một bản tính đích thực của Thiên Chúa cho chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn yêu thương, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta khi chúng ta chịu đau khổ và buồn phiền.