Nước Và Rượu Giao Hoà
Năm nay công ty thưởng bao nhiêu, là một câu thường được trao đổi giữa bạn bè trong những ngày cuối năm. Về mặt thiêng liêng, cũng có thể tự hỏi, Thiên Chúa đã ban thưởng cho chúng ta những gì trong năm nay. Đặt và trả lời câu hỏi này một cách nghiêm túc, giúp chúng ta nhận ra tình yêu bao la mà người Cha đã ân phát cho chính mình trong thời gian qua. Qua đó chúng ta biết cảm tạ và tôn vinh Ngài có chiều sâu và liên lỉ hơn.
Phần thưởng tường minh
Quan niệm trần thế thường nghĩ đến thưởng phạt là biểu hiện của tính công bằng. Trái lại, sự vô vị lợi phải luôn được nghĩ đến trong cuộc sống tâm linh. Thậm chí đó là một cuộc sống tâm linh hướng về người khác chứ không phải thu vén niềm vui của chính mình.Tuy nhiên để đạt tới mức độ “nhưng không” như thế các Kitô hữu cần quá trình tiệm tiến và ân sủng từ Trời cao.
Liên quan đến chủ đề thưởng này, đoạn Phúc Âm thánh Gioan mô tả phép lạ trong tiệc cưới Cana là một gợi ý hay. Vâng lời Mẹ Maria bảo “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”, các gánh nước và những giọt mồ hôi lao động của con người đã được Chúa Giêsu ghi nhận và thưởng công bằng cách hóa nước biến thành rượu ngon.
Dụ ngôn những nén bạc trong Matthêu 25, 14 cũng là một ví dụ có thể dẫn chứng về sự thưởng công của Thiên Chúa dành cho những ai nghe và thực thi lời Người. Ngài bảo với người nhận 5 nén và biết lao động cực nhọc để sinh lời 5 nén khác như sau “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”.
Thỉnh thoảng, chúng ta có thể làm việc đến kiệt sức nhưng thành quả của lao động vẫn là số không. Nhưng nếu biết lắng nghe ý định của Thiên Chúa dành cho mỗi cá nhân và làm lại công việc ấy theo ý của Ngài thì kết quả bội thu. Phúc âm thánh Gioan 21, 1 mô tả các môn đệ kéo lưới cả đêm nhưng không được con cá nào. Khi đó Chúa Giêsu lại bảo “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi”. Các ông vâng lời và không sao kéo lưới lên nổi, vì lưới đầy cá.
Phần thưởng đích thực
Người Kitô hữu đích thực không nhắm đến các giá trị vật chất hoặc các giá trị thuộc về thế gian nhưng lại hướng đến cuộc sống trên Trời. Cùng đích của người Kitô hữu là chính Chúa Kitô. Thánh Phaolô trong Corinto 3, 22 nói “dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng (Lc 10, 17) khi các môn đệ vui mừng vì họ có thể làm một vài chuyện lớn lao như chữa bệnh và khuất phục cả ma quỉ, thì Chúa Giêsu nói với họ “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Một đoạn khác Chúa Giêsu bảo với các môn đệ (Lc 22, 28) “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thấy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ítraen”.
Liên quan đến phần thưởng đích thực dành cho những ai suốt đời làm việc vì thánh ý Chúa, thánh Phaolo trong Rm 8, 17 nói “Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.”.
Lao động trong khoa học, kinh doanh muốn bay xa cần hành động quyết liệt, đam mê và dám mơ ước. Làm việc tâm linh cũng không ngoài qui luật trên, cộng thêm lời cầu nguyện chân thành để nhận các ân sủng khác, vì đích đến của những giọt mồ hôi này hầu được qui về Thiên Chúa.
Vài năm qua chúng con như những hạt mầm cô đơn, có lúc tưởng chừng như trơ trọi, biết chạy đến cùng Ngài để cuối cùng những nụ hoa lại khẻ đung trước gió xuân mới về.
Lạy Chúa, chúng con chỉ cố gắng gánh về những giọt nước lã. Xin Ngài hãy biến chúng thành những thùng rượu, là nguồn nước thiêng liêng nuôi dưỡng cho tất cả những ai chạy đến gần Ngài.
G. Tuấn Anh