TÌNH XUÂN
Tiết đông giá lạnh đã qua,
mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
Sơn hà nở rộ hoa tươi
và mùa ca hát vang trời về đây (Dc2, 11-12).
Thế là một mùa xuân nữa lại về. Đối với người Việt Nam, mùa xuân có nhiều ý nghĩa: Mùa xuân khởi đầu một năm mới với những điều mới. Mùa xuân là mùa đoàn tụ, để rồi: dù đi Trung ra Bắc vô Nam, ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình. Mùa xuân mang bình an đến cho mỗi người qua lời chúc may lành. Mùa xuân nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Mùa xuân mang đến tình thương, tình thương Thiên Chúa tuôn đổ trên quê hương đất nước, trên gia đình và trên từng người, tình thương của cha mẹ dành cho con cái; tình thương của mỗi người dành cho người thân yêu, của bạn bè dành cho nhau. Quả thật, mùa xuân là mùa của tình thương.
Mùa xuân tình Chúa
Mùa xuân thứ nhất đã khởi đầu tại vườn địa đàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sáng tạo khu vườn tuyệt diệu để gia đình nguyên tổ cư ngụ và sinh sống. Ở đó, hai ông bà nguyên tổ hưởng một mùa xuân vĩnh hằng bên Đấng Tạo Hóa. Ở đó, bao nhiêu điều mới lạ mở ra: làn suối róc rách chảy đêm ngày, đàn chim líu lo không ngớt, những đóa hoa đua nhau khoe sắc…. Ở đó, ông bà sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả làm nên mùa xuân, mùa xuân đầu tiên của loài người, một mùa xuân tràn trề hạnh phúc.
Thế nhưng đau đớn thay, nguyên tổ đã phá hủy mùa xuân ấy, khi hai ông bà đã phạm tội bất tuân. Cùng với tội lỗi, muôn vàn bất hạnh nảy sinh. Tình trạng ảm đạm của mùa đông giá lạnh, mùa hè oi bức đổ xuống trên con người. Nhưng, với tình thương bao la, Thiên Chúa đã không muốn con người phải sống trong tình trạng ấy mãi mãi. Người đã hứa ban cho con người một mùa xuân khác, đó là mùa xuân cứu độ.
Đức Giêsu đến trần gian, khai mở kỷ nguyên mới. Một mùa xuân mới đã về. Ở đó, con người tìm lại được bình an, hạnh phúc đã mất. Con người lại hòa mình với những đóa hoa tươi sắc, với tiếng chim hót, tiếng suối reo… của mùa xuân để chúc tụng Đấng yêu thương và cứu độ con người.
Mỗi năm mùa xuân về, chúng ta lại có dịp nghĩ về những mùa xuân, về Đấng là Chủ của mùa xuân. Chúng ta nghĩ về tình thương Thiên Chúa đã tuôn đổ trên vũ trụ kể từ ngày khai thiên lập địa. Chúng ta nghĩ về tình thương Thiên Chúa chan chứa trên quê hương chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Chúng ta nghĩ về tình thương Thiên Chúa tràn trề trên gia đình và mỗi người chúng ta, với biết bao nhiêu ơn lành chúng ta nhận lãnh trong cuộc đời, và trong một năm đã qua. Đó là gia đình bình an, hạnh phúc, con cái ngoan hiền; là sức khỏe dồi dào, công việc ổn định; là niềm vui, tình thương người người dành cho ta… Bởi vì: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,17).
Hòa mình với cảnh sắc đất trời đang vào xuân, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời cảm tạ vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta trong một năm đã qua.
Mùa xuân tình người
Xuân về, lòng người rộn rã lạ thường. Những người công nhân qua một năm xa xứ tìm kế mưu sinh, bây giờ hối hả trở về với gia đình, nơi có cha mẹ già và những người thân. Các bạn sinh viên, sau một năm miệt mài học tập, giờ đây vội vã trở về quê nhà đón mùa xuân mới. Những người cha, người mẹ đang từng giây từng phút mong ngóng những người con trở về sau một năm xa cách. Quả thật, mùa xuân là mùa đoàn tụ, đoàn tụ gia đình, làng xóm, xứ đạo. Những ngày trong năm, gia đình, làng xóm vắng lặng bao nhiêu, thì ngày xuân lại rộn rã bấy nhiêu. Trong gia đình, con cái thường về quây quần bên cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo cách đặc biệt. Trên đường làng, thấp thoáng những tà áo mới tung bay trong gió xuân. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cầu chúc nhau năm mới phúc lộc an khang. Người người dành cho nhau những nụ cười rạng rỡ với tay bắt mặt mừng thắm thiết. Tất cả làm nên mùa xuân, mùa xuân nghĩa tình.
Quây quần bên nhau trong ngày xuân mới, những câu chuyện dường như không dứt. Mọi người kể cho nhau những niềm vui, chia sẻ những nỗi buồn của năm qua, mừng nhau thêm một tuổi. Con cái mừng tuổi cha mẹ. Cháu chắt mừng tuổi ông bà. Ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu. Anh em bạn bè mừng tuổi nhau. Với người Công giáo chúng ta, những lời “mừng tuổi” không phải “lời nói gió bay”, nhưng nó còn mang một ý nghĩa thánh thiêng, đó là những lời nguyện ước, là lời cầu xin Đấng là Chủ Tể thời gian thực hiện lời chúc của mình cho cha mẹ, ông bà và anh chị em. Những lời chúc đó vang lên trong tâm tình yêu thương mà mọi người thực sự dành cho nhau.
Mùa xuân, mùa khởi đầu một năm mới. Mùa xuân là dịp để làm mới tình cảm giữa người với người. Tình cảm ấy có thể phai mờ vì một năm tất bật với công ăn việc làm. Tình cảm ấy có thể bị sứt mẻ vì những hiểu lầm, xích mích. Tất cả sẽ được làm mới lại bằng những lời tha thứ, những chén rượu nghĩa tình. Cử chỉ hòa giải sẽ mang lại bình an và phúc lộc cho năm mới, và tình người thêm thắm thiết keo sơn. Vâng, mùa xuân là mùa hòa giải và thứ tha.
Xuân đã về, nhưng đâu đó có những người không được hưởng niềm vui ngày xuân. Đó là những trẻ em lang thang trên đường phố, thiếu một gia đình, một mái ấm để đoàn tụ. Đó là những gia đình nghèo, phải lo kiếm ăn từng bữa, nên chẳng biết xuân đang qua. Đó là những người bệnh, đang phải chống chọi với những đau đớn mà không biết tết đã về. Đó là những người vô gia cư, những người gặp rủi ro hoạn nạn, những người sống xa gia đình… Mùa xuân, chúng ta hãy nghĩ đến họ trong lời cầu nguyện, trong những việc làm cụ thể để mang đến cho họ chút ít niềm vui. Các Huynh đoàn chúng ta thường thi hành sứ vụ tông đồ bằng công tác bác ái từ thiện. Có lẽ, dịp tết đến xuân về là thời gian thuận tiện hơn cả để chúng ta thể hiện lòng bác ái của mình đối với anh chị em chúng ta. Chúng ta mang đến cho họ, không chỉ những món quà xuân, nhưng chúng ta còn mang cho họ tình Chúa, tình người. Đó cũng chính là lời tạ ơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong ngày xuân mới.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một mùa xuân. Xin Người thực hiện lời chúng ta cầu chúc cho nhau và giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày trong năm mới theo đúng thánh ý Người, để một năm trôi qua, chúng ta lại cùng nhau hát lên rằng: “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Người gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65, 12).
Joseph Trần, OP.