Ngồi xuống chiếc ghế bành bằng da trong hành lang của một thương xá (Shopping mall) sang trọng, nhìn đồng hồ đã hơn một giờ trưa. – Chà! Thế là tôi đã đi sắm quà Giáng Sinh trong khu thương xá mênh mông hun hút này gần ba tiếng đồng hồ, đôi chân mỏi như thầm biết ơn, ngả người vào lưng ghế chính tôi cũng tự cám ơn mình đã “nghĩ ra” giây phút nghỉ ngơi kỳ thú này.
Bây giờ mới có dịp nhìn ngắm, quan sát khung cảnh huy hoàng rực rỡ mà những nhà thưong mại đã bỏ công ra trang hoàng trung tâm ba tầng lầu khổng lồ bằng hàng ngàn ngàn ngọn đèn muôn mầu, rải rác là những cây thông Giáng Sinh được trang điểm lộng lẫy và đẹp như mơ. Tuy vậy, cái “hồn” của thương xá vẫn là sự tấp nập của những người đi mua sắm như tôi. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có chừng trên mười ngày lễ lớn: Ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), Ngày Lễ của Tình Yêu (Valentine’s Day), Ngày Của Mẹ (Mother’s Day), Ngày Của Bố (Father’s Day), Ngày Lễ Độc Lập (Independence Day) v…v. Nhưng Mùa Giáng Sinh đã vượt xa những ngày lễ trên, suốt một tháng trời trước ngày lễ, từ cơ quan Bưu điện đến các tiệm buôn bán lẻ, những nhà sản xuất, và nghành giao thông như hàng không, xe hàng , xe lửa v…v.. đều phải tăng cường thuê thêm nhân viên để cung ứng nhu cầu của mọi người trong dịp lễ. Cái đó nghĩ cũng dễ hiểu, ngày lễ của Tình Yêu thì chỉ mua quà cho người yêu, ngày Của Mẹ, của Bố chỉ mua quà cho mẹ, bố..nhưng Giáng Sinh là ngày lễ duy nhất được khắp nơi trên thế giới, từ những nước giầu có hùng mạnh đến các quốc gia nhỏ bé nghèo nàn trong rừng sâu, từ Âu sang Á từ Bắc xuống Nam, đâu cũng đều cùng đón mừng, và mọi người đều tặng quà cho “mọi người”: tặng bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp , hàng xóm, người làm vườn cho mình, người phu đổ rác trong khu mình, bác đưa thư của xóm mình ở v…v.
Ngồi nghỉ chân nơi đây giữa một dòng người lườm lượp đi mua sắm, nhìn họ tôi thấy sự mệt nhọc của mấy giờ đi bộ như có cánh bay đi. Già có, trẻ có, người sang, người nghèo, đủ mọi sắc tộc, tất cả đều có chung một mục đích đẹp tuyệt, đó là “ tìm quà cho người mình yêu mến”, ai cũng khệ nệ dăm bẩy túi đồ, cười cười, nói nói, hoặc mệt phờ như tôi, nhưng chắc chắn trong lòng thì ấm và thơ thới.
Giữa lúc đang ngắm cảnh “ông đi qua bà đi lại” vui mắt này, tôi chợt im lặng chú tâm, vì từ trong hệ thống âm thanh của thương xá vang lên bản nhạc mà tôi ưa thích nhất đó là bài “Cậu Bé Đánh Trống” (The Little Drummer Boy của Davis-Onorati- Simeone)(1) Bản nhạc tưởng như một bài ca vui, nhưng theo tôi đó là một ca khúc đơn sơ tuyệt vời lột tả được tinh thần xuống thế của Chúa Hài Đồng, mỗi lần nghe là một lần nghẹn ngào trong tim:
… “Chúa Hài Đồng
Con là một Bé nghèo như Chúa
Con không có quà qúi giá mang đến tặng Chúa
Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?
Mẹ Maria gật đầu.
Con bò và con trừu thì giữ nhịp
Còn Bé chơi trống với hết cả tài nghệ cho Chúa nghe
Pa-răm păm păm păm
Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé .”
Chúa nằm trong máng cỏ nghèo nàn nơi một hang đá phong phanh trời đông giá. Tôi ngồi đây giữa một thương xá sang trọng, ấm cúng, nhộn nhịp, huy hoàng và như mọi người cùng nhau chi phí 10 tỉ Mỹ kim sắm quà. Thực ra chẳng có điều gì sai khuấy, vì làm điều tốt cho người thân yêu cũng là ý Chúa muốn.
Tôi lẩm cẩm tự hỏi, trong suốt cuộc đời cho đến hôm nay, không biết đã làm gì để Chúa “mỉm cười” chưa?! Tôi không có câu trả lời!
Nhưng ngay giờ phút này, tôi có một Điều Uớc Giáng Sinh cho chính mình, đó là cái “Mỉm Cười” mà cậu Bé đánh trống đã có.
———————-
(1) THE LITTLE DRUMMER BOY
(Davis-Onorati-Simeone)
Come they told me (pa-rum pum pum pum)
A newborn King to see (pa-rum pum pum pum)
Our finest gifts we bring pa-rum pum pum pum
To lay before the King
So to honor Him (pa-rum pum pum pum)
when we come
Little Baby (pa-rum pum pum pum)
I am a poor boy too (pa-rum pum pum pum)
I have no gift to bring (pa-rum pum pum pum)
that’s fit to give our King
Shall I play for You? (pa-rum pum pum pum)
On my drum
Mary nodded (pa-rum pum pum pum)
The ox and lamb kept time (pa-rum pum pum pum)
I played my drum for Him (pa-rum pum pum pum)
I played my best for Him
Then He smiled at me (pa-rum pum pum pum)
Me and my drum
Tác giả Nguyễn Đức Cung