Thử Thách Tình Yêu trong Mùa Vọng

 

Thử Thách Tình Yêu trong Mùa Vọng


Thử Thách Tình Yêu trong Mùa VọngThiên Chúa dùng thử thách là công cụ để dẫn đưa con người, vốn tội lỗi và bất toàn đến gần với Ngài, một Đấng hoàn hảo và tinh tuyền. Thử thách còn là cơ hội để con người được tăng trưởng đức tin, qua đó ơn Chúa Thánh thần soi sáng và đổ xuống dồi dào hơn.

Trong cuộc sống đời thường, thử thách là một phương pháp để một cá nhân, đơn vị khẳng định chổ đứng của mình tại một độ cao là tương xứng. Ví dụ, một cá thế vượt qua kì thì đại học để từ đối tượng học sinh trở thành một đối tượng khác-sinh viên. Từ một thành viên thuộc bậc phổ thông trở nên thành viên thuộc bậc cao hơn – bậc đại học.

Thiên Chúa dùng thử thách để thanh luyện dân của Ngài. Ngược lại, Satan lại dùng phương thức cám dỗ để lôi kéo con người rời xa Thiên Chúa. Trong Lc 22, 31, Chúa nói ”Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”. Trong Khải huyền 2, 9 Gioan tường thuật “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó”.  

Chúng ta tạm chia sự thử thách của một Kitô hữu thường phải đối diện thành ba nhóm

Nhóm 1- Thử thách về đức tin

Trước khi được thụ hưởng một hồng ân, con người thường phải trải qua một thử thách khi được mời gọi bởi lời hứa. Hồng ân càng lớn lao thử thách càng khó khăn. Điển hình của sự thử thách về lòng tin là: Abraham được lệnh hiến tế đứa con trai duy nhất của mình trong Cựu ước. Trong Tân ước, đó là hình ảnh của đàn bà Canaan có con gái nhỏ bị quỷ ám được Chúa thử thách 03 lần, trước khi nhận được phép lạ, mà Thánh Matthêu kể lại trong chương 15, câu 21. Các thánh tử đạo là những chứng nhân anh dũng đã vượt qua thử thách thuộc nhóm một.

Nhóm 2-Thử thách về sự kiên định

Đây là thử thách thường gặp trong cuộc sống, vì sự tăng trưởng của đức tin cần có yếu tố thời gian. Các dấu lạ mà Thiên Chúa đưa tới cho một dân tộc hay một cá nhân cần tuân thủ các qui luật tự nhiên khác- vốn cũng được thiết lập từ Ngài. Chúa Giêsu nói rằng “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12, 24).

Trong Cựu ước, dân tộc Israel cần 40 năm trải nghiệm trong sa mạc trước khi về tới vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa. Đặc điểm của thử thách về sự kiên định là thời hạn cứ lùi mãi về tương lai, chúng ta có cảm giác như là phải chờ đợi trong vô hạn và bị bỏ rơi.

Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu cũng có lúc rơi vào cảm giác này. Trên thập giá, Ngài đã kêu cầu cùng Chúa Cha “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con” (Mt 27, 46). Thánh Gioan Thánh giá bảo rằng “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu trải nghiệm… Chính trong lúc cùng cực như thế, Chúa Kitô đã hoàn thành công trình kì diệu nhất”.

Đọc tiểu sử các Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Têrêsa thành Calcutta. . . chúng ta thấy có những thời điểm các Thánh phải vuợt qua thử thách thuộc nhóm 2-những thời điểm  được gọi là đêm tối của đức tin.

Nhóm 3- Thử thách về tình yêu

Từ thuở Sáng thế, Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người giống hình ảnh Ngài chỉ vì tình yêu. Sau khi con người phạm tội, Ngài đã sai Con Một xuống thế, chịu khổ nạn, chịu chết để con người nhờ đó mà được cứu rỗi cũng vì tình yêu. Một Thiên Chúa của tình yêu sẽ đòi hỏi những đáp trả vì tình yêu từ con người. Và những đáp trả này cần có những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục. Ngài yêu cầu con người từ bỏ việc tôn thờ: ngẫu tượng, vật chất, sắc dục và quyền lực. Những ai vi phạm được xem như kẻ “ngoại tình”.

Thánh Phêrô trước khi được trao quyển chăn dắt các chiên con, chiên mẹ, được Chúa Giêsu hỏi đến 03 lần câu hỏi về tình yêu mà Phêrô dành cho Thầy mình “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” (Ga 21, 15).

***

Vào mỗi mùa vọng, giáo hội lại ân cần, tha thiết kêu gọi những người con của mình hãy san cho bằng những ngọn núi cao, lấp đầy các hố sâu và chỉnh lại những lối đi quanh co. Nghĩa là giáo hội mong muốn chúng ta từ bỏ những tình yêu dành cho dương thế (tiền tài, quyền lực, sắc dục) để chuyển sang tình yêu dành trọn cho Thiên Chúa. Đây là những thử thách thuộc nhóm 3, nhằm kiểm định tình yêu của mỗi cá nhân dành cho Người Cha vẫn luôn một mực thương yêu và mong muốn chúng ta chuyển động về gần Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, muốn đến gần Ngài chúng con phải trả giá là những mất mát, đau đớn vì cuộc sống trần thế vốn cần nó. Xin Thần Khí trợ giúp sức mạnh, để chúng con từ những người được gọi trở thành những người được chọn. Từ những người sống tự do giữa thế gian thành những người tôi tớ của Thiên Chúa.

G. Tuấn Anh.

Để lại một bình luận