Cn 3 mùa Vọng B : Làm Chứng Cho Ánh Sáng

 

 

Cn 3 mùa Vọng B : Làm Chứng Cho Ánh Sáng
Gioan 1: 6-8, 19-28

Lm. Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp.

Cn 3 mùa Vọng B : Làm Chứng Cho Ánh SángNhững tín hữu am hiểu Tân Ước thì sẽ hiểu ngay bài đọc Isaia hôm nay. Trong Tin Mừng Luca (4,14-30), Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai của mình trong hội đường ở Narareth. Người được mời đọc và giải thích Sách Thánh. Thánh Luca kể, khi người ta trao cho Người sách ngôn sứ Isaia, “Người mở ra, gặp đoạn chép rằng…”. Có vẻ như Đức Giêsu cố ý chọn đoạn sách ngôn sứ Isaia này. Sau khi đọc xong, Người ngồi xuống và ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Và đây có lẽ là bài giảng ngắn nhất mà Đức Giêsu từng giảng cho họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21).

Nghe lời tiên báo của ngôn sứ Isaia hôm nay, những người Kitô hữu chúng ta, không thể không liên hệ lời ấy với Đức Giêsu. Chọn cách này làm khởi đầu sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy Người tự ý thức về mình ra sao. Người tự nhận mình trong vai trò của một người tôi tớ. Người sẽ không cai trị bằng quyền lực, nhưng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi bằng sự bất lực của một người nô lệ vốn sẽ chịu đau khổ.

Có lẽ điều mà các độc giả Kitô hữu ít biết đến là một cụm từ rất ấn tượng đối với các anh chị em Dothái của chúng ta. Vị ngôn sứ, như Isaia cho biết, đến để “công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”(6,2). Người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ đến để công bố một Năm Hồng Ân cho những người đang sống cảnh tha hương và những ai bị cầm tù. Năm Hồng Ân là năm vĩ đại nhất trong tất cả những năm Sabát. Cứ mỗi bảy năm thì có một năm Sabát, nhưng phải bẩy lần năm Sabát thì mới có một Năm Hồng Ân – nghĩa là mỗi 49 năm.

Suốt năm Sabát, đất đai không được canh tác; các nô lệ được trả tự do và nợ nần được xóa. Còn suốt Năm Hồng Ân, đất đai phải được trả lại cho những chủ đầu tiên. Vì thế, những người chủ đất nghèo, những người đã phải bán đất của mình trong lúc cơ cực, sẽ được nhận lại đất của mình. Sẽ không có sự tích lũy của cải hay những mảnh đất lớn được thuê hàng loạt (Isaia sẽ nói gì về sự phân cách giữa người rất giàu và những người khác trong đất nước chúng ta – tỉ lệ 1% và 99%?). Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi Năm Hồng Ân hầu như không bao giờ được cử hành ở Israel.

Nhưng Năm Hồng Ân dần dần có liên quan đến khoảng thời gian lý tưởng tương lai khi Đấng Mêsia đến và hoàn trọn những hy vọng mỏi mòn. Hãy hình dung phản ứng của những người trong hội đường khi Chúa Giêsu công bố bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia và thêm vào lời công bố ngắn gọn của Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Những thính giả của Đức Giêsu có lẽ đã nghĩ Người bị điên hoặc quá táo bạo khi dám quả quyết về mình như thế. “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ” (4,28?). Thế rồi, thánh Luca cho chúng ta biết, họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực (4, 29).

Chúng ta chưa từng biết đến kinh nghiệm được xóa bỏ nợ nần tài chính, hay xé bỏ những văn tự thế chấp trong thời chúng ta -điều đó chẳng khác thường sao! Nhưng chúng ta tin Đức Giêsu đã hoàn thành lời ngôn sứ của Isaia. Chúng ta không cảm thấy hy vọng và niềm vui mà đoạn văn của vị ngôn sứ gợi lên hay sao? Ông đưa ra lời hứa với chúng ta rằng quá khứ có thể bị gạt sang một bên để khởi đầu một ngày mới. Những người sầu khổ sẽ được ủi an; tất cả được cho những kẻ khốn cùng. Ai có thể mang lại sự chữa lành và sự hồi phục mà chúng ta vẫn thường cố hết mình để đạt cho được, nhưng không thành công? Chỉ có Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu mới có thể và Người sẽ đến làm trổ hoa công chính. Khi nhận ra điều này, chúng ta chỉ có thể đáp lại bằng lời ca ngợi (“Vì thế, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân”).

Những vị ngôn sứ như Isaia và Đức Giêsu là những nhà cách mạng; cả hai đòi một sự thay đổi toàn diện trật tự xã hội. Đó không phải là điều mà những người có địa vị và những kẻ áp bức muốn nghe. Nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi họ muốn giết các ngôn sứ. Chúng ta, Giáo hội, được mời gọi để tiếp tực những gì ngôn sứ Isaia và Đức Giêsu đã thực hiện. Chúng ta phải loan báo Tin Mừng cho những kẻ tù đày và người bị áp bức, không chỉ bằng lời nói nhưng còn qua những việc chúng ta làm. Và vì đó, chúng ta cũng sẽ phải chịu những hậu quả. 

Qua ngôn sứ Isaia và Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đứng về phía Thiên Chúa, Đấng muốn tẩy trừ bất công và tất cả những gì làm khổ các thụ tạo của Thiên Chúa. Chủ đề Mùa Vọng này mang lại hy vọng cho sự biến đổi cá nhân và cộng đoàn, và đảm bảo rằng Thiên Chúa sẽ hoạt động với chúng ta khi chúng ta nỗ lực hoàn thành những gì mà ngôn sứ Isaia đã thị kiến và Đức Kitô đã đến thực hiện – sự công bình, việc chữa lành và sự bình an cho khắp thế giới.

Người tôi tớ nói trong đoạn này đã được ban cho một ơn gọi phục vụ cộng đoàn nhân loại. Thần Khí Chúa là nguồn sức mạnh của người tôi tớ. Làm sao một việc như có thể được hoàn thành, nếu không nhờ việc xức dầu của Thần Khí Chúa? Thiên Chúa đã hoạch định Tin Mừng cho mọi người và Tin Mừng đó được thực hiện bởi tác nhân con người là Đức Kitô. Và bởi ai nữa? Bởi tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội nhân danh Đức Kitô và được Thần Khí của Người xức dầu. Điều mà ngôn sứ Isaia mơ ước và Đức Giêsu khởi đầu, thì chúng ta sẽ phải tiếp tục thực hiện.

Việc Đức Giêsu công bố một Năm Hồng Ân không phải là sự kiện có một không hai. Năm Hồng Ân cũng không đến bất ngờ đối với các thính giả của Người. Qua Đức Kitô, Năm Hồng Ân tiếp diễn trong hiện tại và nó diễn ra qua chúng ta. Qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta được sai đi để công bố Năm Hồng Ân.

Trong ánh sáng của tự do mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, làm cách nào chúng ta có thể trở nên khí cụ của đời sống mới cho người khác? Chúng ta đã có sức mạnh để mang lại tự do cho con người, trong gia đình của mình, trong đám bạn và đồng nghiệp bằng cách tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến chúng ta; bớt khắt khe với họ; nâng đỡ những ai đang nỗ lực muốn thay đổi. Chúng ta cũng có thể làm việc theo những chương trình giúp giải thoát con người khỏi sự nghèo đói, khỏi nghiện ngập và bất công. Chúng ta không chỉ được giải thoát. Hơn thế nữa, chúng ta được tự do để thực hiện mục đích ngay lành, loan báo Tin Mừng cho những người bị tù đày dưới bất cứ hình thức nào.

Tuần trước, ông Gioan Tẩy giả đã xuất hiện trong những câu mở đầu của Tin Mừng thánh Máccô. Hôm nay ông lại xuất hiện lần nữa, lần này ông được thánh sử Gioan mô tả. Khi những nhân vật quan trọng bước vào chính trường thế giới hay những cuộc tranh luận để được bầu vào chức vụ nào đó, chúng ta thường nghe họ thao thao về những thành tựu của họ. Chắc chắn thánh Gioan cũng xứng đáng và có thể đòi được ca ngợi, sau hết, chúng ta nói cho biết rằng: “Gioan được Thiên Chúa sai đến”.

Nhưng tác giả Tin Mừng có vẻ muốn giảm thiểu tầm quan trọng của Gioan Tẩy giả và giới hạn vai trò của ông. Trước hết, ông được mô tả không phải là “ánh sáng”. Sau đó, khi được các nhà cầm quyền Dothái hỏi: “Ông là ai?” Ông trả lời rằng “tôi không phải” như những gì người ta nghĩ. Ông không phải là Đấng Kitô, cũng chẳng phải là Êlia. Trong cuộc đời của mình, ông Gioan Tẩy giả đã thu hút một lượng người đáng kể và hăng say theo ông suốt đời. Vì thế, tác giả Tin Mừng đang cố gắng sửa mọi thứ cho thẳng, vì ngay khi sách Tin Mừng cuối cùng này được viết ra thì cũng có người xem Gioan cao trọng hơn Đức Giêsu. Sau hết, họ đã cho rằng, chẳng phải Đức Giêsu đã làm theo lời Gioan lúc chịu phép rửa của ông sao?

Mục đích của ông Gioan Tẩy giả là giới thiệu Đức Giêsu cho người ta biết và rồi nhường chỗ cho Người. Những người chất vấn ông không biết ông là ai. Qua Tin Mừng này, những vấn đề đặt ra cho Gioan thì cũng được đặt ra cho Đức Giêsu. Đức Giêsu sẽ kéo mọi người đến với Người, vì họ nhận ra nơi Người vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Những người khác cũng sẽ đặt ra cho Ngài nhiều vấn đề; không phải là những câu hỏi chất vấn, nhưng là những vấn đề nhằm dồn Người vào đường cùng. Người sẽ giải đáp những vấn đề của họ, nhưng tâm hồn khép kín và tâm trí của họ sẽ không mở ra để bước vào mối tương quan niềm tin với Ngài.

Mỗi chúng ta cũng có phận sự khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Giống như Gioan Tẩy giả, chúng ta phải dọn đường cho Đức Kitô. Trước hết, Người xếp chúng ta vào hàng chứng nhân của Người – “làm chứng về ánh sáng”. Chúng ta có nghĩa vụ làm chứng cho sự hiện diện của Người giữa chúng ta, đặc biệt là nơi những người nghèo và những người hèn mọn.

Chúng ta sẽ mừng sinh nhật của Đức Kitô trong hai tuần nữa. Nhưng lưu ý cách chúng ta đã quan tâm thế nào đến Người như một người trưởng thành trong những đoạn Tin Mừng của Mùa Vọng. Trong đó có một thông điệp: trước tiên chúng ta phải được Đức Kitô trưởng thành lôi cuốn và biến đổi. Sau đó chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa về việc Người sinh ra giữa chúng ta. Nếu Người không biến đổi cuộc đời chúng ta và chúng ta không đón nhận đường lối của Người, thì hài nhi trong máng cỏ sẽ chỉ là một đứa trẻ đáng yêu được trưng bày trong một khung cảnh đẹp như tranh nơi những cửa sổ của tiệm tạp hóa và trên những tấm thiệp chúc mừng. 


Để lại một bình luận