Ngày 03-12
Thánh PHANXICÔ XAVIÊ
Tông Đồ Ấn Độ và Nhật Bản
(1506 – 1552)
Phanxicô ra đời tại lâu đài Xaviê thuộc vương quốc Navarre ngày 7 tháng 4 năm 1506. Cha Ngài là cố vấn của nhà vua miền Navarre và là thẩm phán. Anh em Ngài theo binh nghiệp. Riêng Phanxicô ham thích học hành. Năm 19 tuổi, Ngài theo học tại đại học Paris, trường lớn nhất thế giới. Khi còn ở học viện thánh Barbe, Ngài được phúc trọ cùng phòng với Phêrô Faure, người sau này sẽ nhập dòng Tên và được phong chân phước. Bốn năm sau, Ngài lại có được người bạn học giả là Inhatio thành Loyola.
Người học trò mẫn cán đã trở thành giáo sư. Ngài dạy triết học. Thành công làm cho Ngài thành con người tham vọng. Inhaxiô nói với Ngài về một hội dòng mà thánh nhân muốn thành lập. Nhưng Phanxicô mơ tới danh vọng, Ngài chế nhạo cũng như khinh bỉ nếu sống nghèo tự nguyện của bạn mình. Inhaxiô vui vẻ đón nhận những lời châm biếm, nhưng lặp lại rằng : – “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì”
Cuối cùng, Phanxicô đã bị ảnh hưởng. Inhaxiô còn đưa ra những lời cao đẹp hơn: – “Một tâm hồn cao cả như anh, không hề chỉ gò bó với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng với cao vọng của anh. Thật vô lý, khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn là những của cải tồn tại đời đời”.
Phanxicô bắt đầu thấy được cái hư không của những sự cao trọng của thế nhân và hướng vọng tới của cải vĩnh cửu. Chiến thắng rồi, Ngài chống lại tính kiêu căng bằng mọi loại sám hối. Ngài quyết định theo sát Phúc âm, vâng theo cách cư xử của người bạn thánh thiện và xin được khiêm tốn hãm nình. Ngài chỉ còn chú tâm cứu rỗi các linh hồn.
Ngày lễ Mông triệu năm 1533, trong một nhà nguuyện tại Monmartres, trên mộ bia thánh Dénis, Phanxicô, Inhaxiô và 5 bạn khác đã hiến mình cho Chúa. Họ khấn từ bỏ mọi của cải, hành hương thánh địa, làm việc để cải hóa lương dân và hoàn toàn đặt mình dưới sự điều động của Đức Thánh Cha để phục vụ Hội Thánh. Phanxicô còn học thần học hai năm nữa, rồi cùng sáu bạn đi Italia. Đi đường, họ chỉ mang theo cuốn kinh thánh và sách nguyện trong bị, cổ đeo tràng hạt. Tuyết lạnh hay khắc khổ cũng không làm họ sợ hãi. Trái lại, Phanxicô lại còn cảm thấy quá êm ái nhẹ nhàng, nên một ngày kia đã cột giây thừng vào chân, khiến giây đó ăn vào thịt và ngay việc được khỏi bệnh đó cũng đã là một phép lạ.
Đoàn quân bé nhỏ đó tới Venitia chống lại quân Thổ. Thế là họ phải bỏ cuôc hành hương đi thánh địa. Đức thánh cha đã chúc lành cho nhóm bạn cũng như dự định của họ. Phanxicô và Inhatiô thụ phong linh mục ngày 16 tháng 6 năm 1537. Phanxicô đã chuẩn bị thánh lễ mở tay bằng cuộc sám hối kéo dài 40 ngày trong một túp lều tranh bỏ hoang và sống bằng của ăn xin.
Trong khi chờ đợi bắt đầu thực hiện công việc vĩ đại của mình, Ngài rao giảng và săn sóc cho người nghèo trong các nhà thương. Ngài còn phải chiến thắng chính mình nữa, chẳng hạn khi băng bó các vết thương lở loét. Ngài luôn đi ăn xin thực phẩm.
Khi Phanxicô được 35 tuổi, vua nước Bồ Bào Nha xin Đức Thánh cha gửi các thừa sai sang Ấn Độ. Phanxicô rất vui mừng khi được chỉ định.
Ngài bộc lộ cho một người bạn : “Anh có nhớ rằng, khi ở nhà thương tại Roma, một đêm kia, anh đã nghe tôi la : “Còn nữa, lạy Chúa, còn nữa” không ? Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa”.
Chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị lên đường. Nhưng thế đã quá đủ để xếp đặt hành trang. Với vài bộ đồ cũ. Một thánh giá, một cuốn sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Ngài đáp tàu. Cuộc hành trình cực khổ vì say sóng. Đau bệnh, Ngài vẫn săn sóc các bệnh nhân. những thủy thủ hư hỏng dường như là đoàn chiên đầu tiên Ngài phải đưa về cho Chúa. Ngài rao giảng cho họ bằng chính việc chia sẻ cuộc sống với họ.
Sau bảy tháng hành trình, người ta dừng lại bến Mozambique. Khí trời ngột ngạt. Một cơn bệnh dịch đang hoành hành nơi đây. Phanxicô lại săn sóc các bệnh nhân và muốn sống đời cực khổ nhất. Ngài lặp lại : “Tôi khấn sống nghèo khó, tôi muốn sống và chết giữa người nghèo”.
Sau một năm hành trình, Phanxicô cặp bến Goa, thủ đô miền Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 1542. Ngài phát khóc vì vui mừng. Nhưng việc cấp thiết, nhất là phải làm cho những người chinh phục Bồ Đào Nha giữ đạo đã. Những tật xấu và tính hung hăng của họ làm ô danh Kitô giáo. Còn dân An thì thờ ngẫu tượng. Họ vặn đó có con để tế lễ. Vị tông đồ làm thầy thuốc, thẩm phán, giáo viên. Ngài học tiếng một cách khó khăn, thời gian của Ngài dành cho các nhà thương, nhà tù, người nghèo và việc dạy giáo lý. Rảo qua đường phố, Ngài rung chuông tập họp trẻ em và dân nô lệ lại, với sự nhẫn nại vô bờ, Ngài ghi khắc tình yêu Chúa vào lòng họ. Các trẻ em tham dự lại trở thành các nhà truyền giáo cho cha mẹ và thày dạy của chúng. Chúng mang thánh giá của “ông cha” cho các bệnh nhân. Chúng trở nên hung hăng với các ngẫu tượng. Bây giờ, các cánh đồng lúa vang lên được bài thánh ca. Dần dần, đời sống Kitô giáo đã vững vàng trong lòng các gia đình.
Phanxicô nghe nói tới một bộ lạc thờ lạy ngẫu thần ở mũi Comorin, sống bằng nghề mò ngọc trai. Muốn loan báo Tin Mừng cho họ, thánh nhân học ngôn ngữ mới, vượt mọi khó khăn để phổ biến đức ái và chân lý. Rồi Ngài lại qua các làng khác. Cứ như thế Ngài đi khắp Ấn Độ. Trong 15 tháng trời, Ngài đã rửa tội cho một số đông đảo người Kitô hữu, khiến “xuôi tay vì mệt mỏi”. Người nói : “Mọi ngày tôi đều thấy tái diễn những phép lạ thời Giáo hội sơ khai”.
Ngài ngủ ít, đêm thức khuya để cầu nguyện. Sống khắc khổ để đền tội cho các tội nhân. Ngài chăm chú đào tạo các tâm hồn thanh thiếu niên địa phương để sai đi làm tông đồ truyền giáo cho các người đồng hương của họ.
Ở tỉnh Travancore, trong vòng một tháng, thánh nhân đã rửa tội cho 10.000 người. Người Brames muốn hạ sát Ngài, nhưng Ngài đã giữ được mạng sống một cách lạ lùng dưới cơn mưa tên. Ở vương quốc Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, Phanxicô cầm thánh giá trong tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Ngài mang Tin Mừng tới Ceylanca, Malacca. Các đảo Molluques vang danh vì sự hung tợn của họ, nhất là đảo của dân More ở phía Bắc…
Ngài nhắm tới đảo này, Ngài muốn bị dân cư giết chết như một vị thừa sai 13 năm trứơc đây sao ?
Người ta ngăn không cho tàu bè chở Ngài đi. Phanxicô đáp lại : – “Thì tôi bơi tới vậy”.
– Nhưng Ngài sẽ bị đầu độc thì sao ?
Ngài nói : – “Niềm tin tưởng ở Thiên Chúa là thuốc kháng độc.
Rồi Ngài thêm : “Ôi, nếu như hy vọng tìm được gỗ quí hay vàng bạc, các Kitô hữu đổ xô tới ngay. Nhưng lại chỉ có các linh hồn cần được cứu rỗi. Tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi”.
Phanxicô đã viết thư xin vua Bồ Đào Nha và thánh Inhatiô gởi các linh mục tới săn sóc cho các cộng đoàn Kitô hữu Ngài để lại. Sự khó khăn và chậm chạp về thư tín làm cho đời Ngài thêm nhiều phiền phức. Ngài phải mất gần 4 năm để gửi thư từ Moluques về Roma. Dầu giữa các khó khăn mệt nhọc, thánh nhân không để mất tính hiền hậu và khiêm tốn.
Năm 1549, một người Nhật được Ngài rửa tội ở Malacca đã thu hút Ngài tới hòn đảo vô danh, chưa có người Kitô hữu nào. Lời cầu nguyện và đời sống hãm mình củng cố lòng can đảm của Ngài. Không để mình bị chán nản do ngôn ngữ khó học hay bởi nội chiến. Ngài đã có thể tạo lập được một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ như Ngài mơ ước. Các phép lạ củng cố lời giảng dạy của Ngài, nhưng dân chúng bị đánh động nhiều hơn bởi đức tin và lòng can đảm của người ngoại quốc này đã từ xa đến để loan báo cho họ chân lý duy nhất.
Được hai năm, nhà truyền giáo lại ra đi, để lại tại miền đất xa này những cộng đồng Kitô hữu đứng khá vững trong nhiều thế kỷ, dù không có linh mục cai quản .
Phanxicô trở lại Ấn Độ. Ngài đã rảo qua gần 100.000 cây số trong 10 năm. Bấy giờ, việc chinh phục Trung hoa ám ảnh tâm hồn Ngài. Ngài đáp tàu, nhưng không bao giờ tới được quốc gia rộng lớn này. Vào cuối tháng 11 năm 1552, trên đảo Hoàng Châu, Ngài bị lên cơn sốt rét. Giữa cơn đau, Ngài đã lập lại : – Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con, xin thương đến các tội con.
Ngài dứt tiếng và không nhận ra được các bạn hữu nữa. Khi hồi tỉnh, Ngài lại kêu cầu Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu và nài xin Đức Mẹ : “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con”.
Một người Trung Hoa thấy Ngài hấp hối thì đặt vào tay Ngài một cây nến. Phanxicô qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552. Ít tuần sau, người ta tìm thấy xác Ngài vẫn nguyên vẹn và chở về Goa. Dân chúng tại đây nhiệt tình tôn kính Ngài, vì đã coi Ngài như một vị thánh.
Năm 1619, Đức Paulô V đã suy tôn ngài lên bậc chân phước. Năm 1622, Đức Grêgôriô XV suy tôn lên bậc hiển thánh phong thánh cùng với thánh Inhaxiô và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Ngày 04-12
Thánh GIOAN DAMASCÊNÔ
Tiến Sĩ Hội Thánh (676 – 754)
GIOAN chào đời vào lúc thành phố Damas sinh quán của Ngài, đang dưới quyền của người Ả Rập. Cha Ngài là Sergiô được vị Calife (người kế vị của Mahomet) mến chuộng. Đến nỗi dầu là người Kito hữu, ông cũng được đặt làm kẻ thừa hành. Ong quan tâm bảo vệ các tín hữu bị áp bức, hy sinh tiền bạc để chuộc họ. Ngày kia, giữa đám người bất hạnh bị điệu ra nơi công cộng, ông thấy các tử tội qùi xuống dưới chân một người trong nhóm họ xin cầu nguyện… Ông biết được rằng người được khẩn nài đó tên là Cosma, một tu sĩ Italia rất thông thái. Sergiô liền chạy tới vị Calife, xin được lưu giữ Cosma làm thầy dạy cho con mình là Gioan.
Cosma trở thành bạn của Sergiô, đồng thời là thày dạy của Gioan và của một đứa trẻ Giêrusalem khác mà Sergiô nhận nuôi. Khi kết thúc chu kỳ dậy dỗ, Cosma xin rút lui vào một tu viện. Gioan đã nên lừng danh nhờ trí khôn ngoan và sự hiểu biết của mình và được gởi về triều đình của vị vua Calife. Khi cha Ngài qua đời, hoàng tử người Ả Rập đặt Ngài đứng đầu hội đồng cố vấn và làm thừa tướng vùng Damas. Thế là định mệnh đổi thay của một tu sĩ được cứu mạng, đã khiến cho những hiểu biết của Hy lạp và Roma được đưa vào triều đình của các vị Califes.
Đế quốc Đông phương lúc ấy do Lêo, người Isauria cai quản. Ông là một con người bách hại các Kitô hữu. Gioan có thế giá nơi vị Calife không sợ hãi gì mà lại còn viết thư thúc đẩy các Kitô hữu can đảm trong đức tin. Hoàng đế biết điều đó, liền giận dữ. Không làm gì được, ông đã dùng đến một mưu mô khả ố. Ông cho người giả mạo chữ của Gioan để viết một bức thư bội phản, trong đó, người được vị Calife bảo vệ, tính trao nộp Damas cho vua Byzance. Rồi Leo, người Isauria, báo cho vị Calife biết có một kẻ thừa hành bội phản. Và câu chuyện thật kỳ diệu đến nỗi các văn phẩm thời đó còn kể lại. Vị Calife đòi Gioan đến. Dầu biện minh cho sự vô tội của mình, Gioan vẫn bị chặt tay phải.
Gioan mang cánh tay bị chặt về nhà và khấn nài Đức Trinh Nữ hoàn lại cánh tay mà từ nay Ngài sẽ chỉ dùng để viết các thánh thi ca tụng Con Mẹ. Gioan đi ngủ và mơ thấy Đức Trinh Nữ chữa lành cho mình. Thức dậy, cánh tay đã được nối liền và chỉ còn để lại một đường máu đỏ. Trước phép lạ này, vị Calife không còn nghi ngờ gì về sự vô tội của Gioan nữa và đã tái lập Ngài làm nhà cầm quyền. Nhưng đối với Gioan Damascênô, thời danh giá đã qua rồi. Ngài muốn hiến thân cho Thiên Chúa.
Ngài phân phát của cải cho người nghèo và đến tu viện thánh Sabas, nơi thày mình đang sống và người em nuôi cũng đã tới đó trước. Nhưng không ai dám huấn luyện quan thừa tướng bãi nhiệm theo đường Thánh thiện cả. Cuối cùng bề trên trao Ngài cho một tu sĩ già khó tính, thù ghét với tất cả những gì là êm ái đối với Gioan như thơ phú và âm nhạc.
Nếu không tự ý vâng phục như một bằng chứng của tình yêu, thì cuộc sống Ngài sẽ cay đắng đến thế nào. Ngài đã bị tước bỏ mọi niềm vui cao đẹp, cả đến việc giữ lời hứa là viết các thánh thi. Ông thày còn sai người đã cai trị Damas đi bán giỏ sọt với giá cắt cổ, khiến các lời chế nhạo đổ xuống như mưa. Gioan vẫn âm thầm vâng phục và chịu đựng, sau khi đã thử thách quá lâu người tập sinh như thế, vị tu sĩ già để cho Người được tự do học hỏi và tìm hứng. Lúc ấy, tự đáy lòng Gioan đã khơi dậy những khúc thánh thi đáng khâm phục, cùng với sự cộng tác của người em nuôi, cho tới khi ông ta được đặt làm giám mục Palestina.
Gioan Damascênô chỉ rời tu viện để đi giảng tại các thánh đường. Lúc về già, Ngài sửa chữa các bản văn, đôi khi tự trách là bút pháp quá khởi sắc, Ngài nghiên cứu học hỏi không ngừng và đã trình bày thần học một cách liên tục đáng kể.
Một bí nhiệm bao quanh những năm cuối đời thánh nhân. Có người tin rằng: Ngài đã qua đời trong thinh lặng tại tu viện, người khác lại nghĩ rằng, Ngài đã rảo qua các tỉnh Đông phương để nâng đỡ các tín hữu đang bị nhóm phá ảnh tượng bách hại, rồi chết vì đạo. Là triết gia, thần học gia, nhà hùng biện, thi sĩ, thánh Gioan được danh hiệu là tiến sĩ Hội Thánh.
Ngày 06-12
Thánh NICÔLA
Giám Mục – (Thế kỷ IV)
Thánh Nicôla, vị đại thánh bình dân, nhưng chỉ tìm được tiểu sử 200 năm sau khi Ngài chết. Người ta có thể nói rằng: Ngài đích thực là giám mục Myra, đã hiện ra với vua Constantinô trong một giấc mơ. Sau đó dường như các nhà chép sữ lại lẫn lộn với Nicola người Simon đã bị tù dưới thời Diocletianô, đã xây một tu viện và được chôn cất tại vương cung thánh đường thành Myra. Trừ sự kiện trên, nảy sinh ra nhiều huyền thoại và hơn nghìn năm sau, thánh Nicôla nhân hậu đã thành danh tiếng khắp thế giới.
Huyền thoại kể lại rằng, ở Patara, thuộc tỉnh Lycia, hai vợ chồng giàu có Anna và Euphêmiô vì không con đã cố gắng tìm an ủi trong công việc từ thiện. Thiên Chúa chúc lành cho lòng bác ái của họ. Cuối cùng họ có được một mụn con và đăt tên cho con là Nicôla, có nghĩa là “sự chiến thắng của dân”. Đây cũng là tên cậu Ngài, vị giám mục Myra.
Ông cậu đã tiên đoán rằng: Nicôla sẽ là “Mặt trời soi chiếu thế gian”. Khi mới tắm rửa lần đầu, con trẻ đặc biệt này đã chắp tay, đứng trong thau nước hai giờ liền, mắt hướng về trời. Thứ tư và thứ sáu, Ngài không chịu bú cho tới chiều để ăn chay. Chị vú nuôi sợ Ngài chết, nhưng trái lại, Ngài đã trở nên một con trẻ kiêu hùng.
Nicôla có nhiều đức tính tốt như một trẻ em gương mẫu. Cha mẹ mất sớm. Nicôla thừa hưởng một gia tài kếch xù. Nhưng Ngài lại coi tất cả tài sản này như của Chúa cho vay. Người phân phát cho những người bất hạnh và thực hiện đức bác ái như một sự tế nhị dễ thương. Chẳng hạn một người cha có ba cô con gái, ông tính cho con làm nghề bất lương để có tiền cưới hỏi. Nhưng rồi đêm kia, ông thấy ba túi vàng chuyển qua cửa sổ, và có thể làm lễ cưới hỏi cách lương thiện cho các cô. Khi biết được người cho, ông đến xin thánh Nicôla cầu cho ơn tha thứ cho dự tính đáng chúc dữ của mình. Rồi bất kể sự ngăn cấm của thánh nhân, ông đã kể lại khắp nơi cử chỉ bác ái của thánh nhân đã thực hiện để cứu 3 người phụ nữ khỏi cảnh bất lương như thế nào.
Nicôla đã ao ước hiến đời mình cho Thiên Chúa. Ông cậu giám mục của Ngài khi sắp chết đã truyền chức và đặt Ngài làm bề trên tu viện thánh Sion. Khi Ngài du hành qua Thánh địa, cơn bão nổi lên, các hành khách run sợ, Nicôla cầu nguyện cho họ và các cơn sóng dịu xuống, con tàu êm đềm theo đuổi cuộc hành trình. Những cuộc can thiệp khác nữa làm cho thánh Nicôla trở thành Đấng bảo trợ những người vượt biển. Các thủy thủ làm chứng rằng khi bị đắm chìm, nhớ cầu tới Ngài là thấy Ngài đến cầm tay lái đưa tới cảng, rồi biến đi…
Khi những người thoát nạn tới nhà nguyện tu viện tạ ơn, người ta ngạc nhiên vì thấy vị cứu tinh của mình đang chìm đắm trong kinh nguyện như không hề rời bỏ nơi này. Họ không cầm nổi những lời tán tụng biết ơn xuất phát tự cõi lòng, nhưng thánh nhân bảo họ : “Hãy chỉ nên ngợi khen Chúa về cuộc cứu thoát này, bởi vì đối với tôi, tôi chỉ là một tội nhân và một đầy tớ vô dụng”.
Và Ngài đã cho biết rằng, nguy hiểm họ vừa trải qua là hình phạt vì các tội kín, cũng như sự hối lỗi của các thủy thủ đã cứu thoát họ.
Nicôla xuống Alexandria là nơi Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, rồi đi thăm thánh Antôn ở Ai cập. Sau cùng, Ngài đến Giêrusalem kính các nơi thánh và trải qua ít tuần trong hang mà Thánh Gia đã dừng lại khi trốn qua Ai cập. Nơi đây, sẽ xây cất một thánh đường thánh Nicôla. Vừa mới trở về Myra, nơi các tu sĩ đang nóng lòng chờ đợi cha họ trở về, Ngài đã tăng gấp một cách lạ lùng đống bánh cho cả trăm người ăn.
Giám mục Myra qua đời, các giám mục miền Lycia cân nhắc để chọn vị mục tử mới. Một sứ giả từ trời xuống báo tin cho vị niên trưởng biết, người được chọn là linh mục Nicôla ngày mai sẽ tới mhà thờ trước hết. Trời vừa sáng, Nicôla tới nhà thờ theo lòng sốt sắng và nghe loan báo mình làm giám mục. Ngài muốn chạy trốn, nhưng phải theo ý nguyện của Đấng Cao Cả hơn mình, trời cao chúc lành cho Ngài: dịp lễ đầu tay, thánh Nicôla đã làm cho một em bé bị phỏng sống lại. Từ kỷ niệm này, người ta hay kêu cầu thánh nhân những khi gặp nguy hiểm vì lửa.
Trở thành mục tử cả dân, thánh nhân rất cưng chiều những người bị áp bức, mồ côi, bênh hoạn và tù tội hơn. Ban đêm, Ngài cầu nguyện, nghỉ một chút trên đất, ăn ngày một bữa, mặc áo quần khiêm tốn khác với hình ảnh ngày nay nhiều. Những y phục lộng lẫy theo hình vẽ ấy, Ngài chỉ mặc vào những ngày đại lễ.
Đời sống tín hữu xáo trộn vì những cuộc bách hại: vị giám mục bị lưu đày, đánh đập. Cuộc trở lại của vua Constantinô đem lại tự do. Trên đường về, Ngài rao giảng Chúa Kitô, cải hóa lương dân, phá đổ các đền thờ và ngẫu tượng. Ngài làm nhiều phép lạ như mưa. Các thế hệ tương lai, còn kể lại huyền thoại của ba đứa trẻ bị một đồ tể tham lam độc ác cắt cổ và để trong thùng muối ướp thịt đã sống lại nhờ lời cầu nguyện của thánh Nicôla.
Các truyện có nhiều thêm thắt như : Truyện người gian giảo có cây gậy đầy vàng, truyện đứa trẻ bị quỉ giả bộ ăn xin bóp cổ, nhưng đã được thánh nhân cứu sống, truyện thánh nhân dàn xếp giữa thày thuốc với bệnh nhân hiếm muộn con cái, hứa tặng chén vàng mà khi được lại không giữ lời hứa. Gần với sự thực hơn là việc các nhà buôn lúa gạo ở Sycily nhờ sự bao bọc lạ lùng của giám mục đã nuôi những người đói mà không giảm thiểu của dự trữ. Vua Constantinô cũng mơ thấy thánh nhân đến gặp để cứu cuộc xử tội bất công của ba viên chức. Sau đó các người bị giữ kêu cầu Ngài giải cứu và được nhận lời bằng một phép lạ. Thế là các nạn nhân bị xử oan hay kêu cầu Ngài.
Sau khi hoàn tất bao nhiêu việc lành thiêng liêng lẫn vật chất, thánh Nicôla muốn vào cõi đời đời. Bảo vệ giáo thuyết công giáo tinh tuyền, Ngài đã chống lại lạc giáo tham dự cộng đồng Nicea. Khi thấy sắp kết thúc cuộc đời. Ngài muốn lui về tu viện, nơi mà buổi thiếu thời Ngài đã tự hiến cho Thiên Chúa, và chính tại nơi đây, Ngài phú dâng linh hồn trong tay Chúa.
Năm 1087, Myra rơi vào tay người Thổ, người ta vội đưa hài cốt vị thánh về Bari gần Naples. Từ đó, huyền thoại đời Ngài lại lan rộng. Mỗi miền nói theo cách của mình. Dân ca Đông phương coi Ngài như một vị Chúa trên trời. Đối với người Nga, Ngài là thừa kế thần linh lo chuyện gặt hái. Siberia cho Ngài là người chế tạo rượu “bia”.
Các vua nước Pháp sùng kính Ngài. Các chủ tịch luật sư đoàn cầm gậy có hình thánh Nicôla. Bên tây phương, lễ thánh Nicôla trở thành lễ của thiếu nhi vì làm sao các em lại không yêu mến vị thánh nhân hậu đã cứu ba đứa trẻ đi mót lứa được ? Vị giám mục đầy huyền bí này sau cùng đã trở thành ông già Noel ngày nay .
Ngày 07-12
Thánh AMBRÔSIÔ
Gíam mục và tiến sĩ Hội Thánh
(339 – 397)
Thánh Ambrôsiô chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha Ngài, ông Aurlio Ambrôsiô làm tổng trấn xứ Gauules và là nghị sĩ viện quí tộc. Nhưng ông chết sớm, mẹ Ngài trở về Roma với 3 người con: Ambrosiô. Marcellina và Satyra, cả 3 đều nên thánh.
Ambrôsiô chưa lãnh phép rửa tội như thói quen thời ấy hay chần chừ, sợ mất ơn phép rửa tội, nhưng Ngài đã sống tuổi thơ ấu đạo đức. Lớn lên, Ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, nổi tiếng về thơ văn, tài hùng biện và luật pháp. Thuộc dòng quí tộc, Ambrôsiô được đặt làm lãnh sự tỉnh Emilia và Liguria với thị trấn là Milan. Probus, vị tổng trấn theo Kitô giáo đã khuyên Ngài : – “Hãy đi và hành động như một giám mục hơn là quan án”.
Và người ta thán phục nhà quí tộc Kitô giáo vì sự khôn ngoan tỉnh thức và hiền hậu của Ngài. Giám mục Milan qua đời, một cộng đoàn tập hợp trong nhà thờ, người ta gây ồn ào xáo trộn tại đó vì chiahai phe: phe công giáo và phe theo Ariô. Ambrôsiô với tư cách là nhà cầm quyền đã đến dàn xếp. Ngài diễn thuyết kêu gọi hoà bình và khuyên dân chúng khôn ngoan chọn lựa, Ngài nói một cách đáng phục đến nỗi mọi tín hữu đều một tiếng kêu lớn : “Ambrôsiô làm giám mục”.
Hết còn phân ly, người ta ôm nhau khóc vì vui mừng. Hoàng đế Valentinô đã chuẩn nhận việc tuyển chọn bất ngờ này.
Lúc ấy, Ambrôsiô còn là một dự tòng, nên cảm thấy mình bất xứng để làm cha linh hồn của cả đoàn dân Ngài. Ngài đã có lần trốn thoát đến nỗi còn muốn gây cớ xúc phạm để tỏ ra bất xứng, nhưng vẫn không đánh lừa nổi ai. Ngài còn viết thư cho các giám mục và hoàng để xin cáo lui, nhưng hoàng đế còn bày tỏ lòng thán phục : – “Không có một tinh thần nào ngay chính hơn, đây là một tay lái không thể uốn cong được”.
Ambrôsiô dành nhiều miễn cưỡng chấp nhận. Ngày 24 tháng 11 Ngài chịu phép Rửa tội. Ngày 07 tháng 12 năm 374 Ngài đã thụ phong linh mục và được thánh hiến giám mục. Ngài nói : – “Tôi bắt đầu dạy dỗ điều mà tôi không được học”.
Ambrôsiô không coi mình như người thuộc thế gian nữa, Ngài phân phát của cải cho người nghèo và dâng đất đai cho Giáo hội. Một phần đêm khuya dành để cầu nguyện và học hỏi. Ngài học các tác phẩm Kitô giáo, nhất bằng tiếng Hy Lạp và đào sâu thần học. Buổi rạng đông, dâng lễ rồi vào bàn làm việc. Ngài rao giảng để tái hồi giáo phận bị xáo trộn bởi phái Ariô. Ngài mở rộng cửa tiếp đón mọi người cần đến mình. Thánh Augustinô mà Ngài góp phần cải hóa đã gọi Ngài là thầy. Khi dạy dỗ, Ngài tỏ ra hiền hậu mà người ta gọi là “sự ngọt ngào của Ambrôsiô”.
Khi ngồi tòa, Ngài đã khóc như chính mình là tội nhân. Không có giờ ăn, Ngài như chay tịnh liên tiếp. Việc mục vụ nặng nề không ngăn cản Ngài tỏ ra là một thủ lãnh quyết bảo vệ đức tin công giáo. Ở Roma, tại cung điện nữ hoàng Justina theo Ariô, muốn chiếm nhà thờ Milan, giám mục chống lại và quyết bảo vệ thánh đường. Từ Chúa nhật lễ lá tới thứ năm tuần thánh, một đoàn người công hãm thánh đường. Ambrôsiô dùng việc giảng dạy và thánh ca để giữ tín hữu. Những người yêu mến Ngài làm thành một hàng rào bao quanh Ngài. Cuối cùng, chiến thắng về tay Ambrôsiô. Ngài vẫn luôn tỏ thái độ cương quyết như thế.
Đế quốc rơi vào tay Theodosiô. Vị Tân hoàng đế rất quí chuộng và kính trọng giám mục. Đức giám mục cũng yêu mến ông bằng tình phụ tử, nhưng không vì thế mà thành ra yếu đuối bất công. Theodosiô trên đài vinh quang, để trừng phạt cuộc nổi loạn ở Thesalonica, đã ra lệnh tàn sát dã man. Thánh Ambrôsiô viết thư quở trách, bắt ông hối cải và cấm vào thánh đường. Ít lâu sau, Theodosiô chiến thắng trở về Milan với binh sĩ muốn vào thánh đường, đức giám mục đứng ở cưả ngăn ông lại và trách cứ ông. Hoàng đế lui về hoàng cung thống hối trong tám tháng. Ngày lễ Giáng sinh, ông khóc lóc xin tha tội. Ông cởi áo bào, phục dưới thềm nhà thờ và xếp hàng giữa đám tội nhân công khai. Không bao giờ ông còn chiếm chỗ danh dự nơi cung thánh nữa. Dân Milan rất thán phục vị vua đã đền tội cách quảng đại như vậy.
Về sau, ông lại đi dẹp một cuộc nổi loạn mới. Thánh Ambrôsiô lại viết cho ông : – “Chiến thắng của vua sẽ bất toàn nếu vua không tha cho các kẻ nổi loạn”.
Vua đã tha. Trở về, Ambrôsiô ôm ông và khóc vì vui mừng. Vua đã qua đời trong tay vị giám mục. Với hoàng tử kế vị. Thánh Ambrôsiô nói : -“Ông không phải làm vua để phục vụ lợi ích gia đình mình thôi, nhưng là để cai quản mọi người”.
Và đối với vị vua băng hà, thánh Ambrôsiô nói : – “Tôi yêu mến con người này, vì đã ưa người quở trách mình hơn bọn nịnh thần. Hoàng đế đã không mắc cỡ khi hoàn tất việc thống hối công khai và không ngày nào mà không khóc lỗi lầm mình”.
Thánh Ambrôsiô còn sống thêm hai năm sau cái chết của vua Theodosiô. Nghe loan báo về cơn bệnh của Ngài, một viên chức của nhà vua tuyên bố : – “Con người này mà chết đi thì Italia sẽ bị đe dọa tàn phá đến nơi”.
Danh tiếng của Ngài vang dội đến nỗi rợ dân đã không dám chống lại Ngài. Có những thủ lãnh tin rằng: Ngài có thể ngưng mặt trời lại. Ngài đã hạnh phúc dùng thư tín mà cải hoá được nữ hoàng Marcômans. Trước khi qua đời ngày 4 tháng 4 năm 379 Ngài đã tổ chức các tòa giám mục miền bắc Italia. Theo một tường thuật, Ngài đã nằm, tay chéo lại như hình Thánh giá và người ta có thể thấy như môi Ngài vẫn cầu nguyện không ngừng.
Gần mộ Ngài sẽ đặt phần mộ Marcellina, người em mà Ngài yêu qúi hơn cả. Con người và sự sống của thánh nữ chính nhờ sự dẫn dắt của Ngài đã hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Ambrôsiô đã để lại một công trình đáng kể.