Cn 02 mùa Vọng B : Chuẩn bị con đường cho Chúa

 

Cn 02 mùa Vọng B

Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa

Mc 1: 1-8

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

Cn 02 mùa Vọng B : Chuẩn bị con đường cho ChúaMới đây tại phi trường, một bà mẹ và đứa con hai tuổi ở cùng với các hành khách chúng tôi khi chờ lên máy bay. Đứa bé nghịch ngợm đã chạy vấp vào chiếc cặp của một thương gia. Cậu bé đã té đập đầu xuống sàn và đau đớn hét to đến nỗi nhiều người trong chúng tôi cùng la lên một tiếng “aaa..!” đầy thương cảm. Nhưng chẳng ai trong chúng tôi xót xa cho bằng bằng mẹ của cậu bé. Bà ẵm đứa bé lên, ôm chặt lấy con, hôn lên chỗ bị thương trên trán của con mình và không ngừng nói: “nào, nào, mẹ đây mà”. Đứa bé càng khóc, bà lại càng nói những lời vỗ về an ủi này: “không sao, mẹ đây mà”.

Khi nghe bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay, tôi chợt nhớ đến hình ảnh người mẹ trẻ và đứa con bị thương này. Nếu quý vị định lập một danh sách về những đoạn Cựu Ước có những lời an ủi nhất thì chẳng phải bài đọc hôm nay được xếp vào tốp 5 hay tốp 10 đó sao? Bài đọc này nói đến tình thương dịu dàng Thiên Chúa dành cho con cái bị đánh bại và bị thương tích mà Thiên Chúa đã sinh ra và dưỡng nuôi. Chương 40 là một phần trong Isaia mà người ta gọi là “Isaia đệ nhị” và nó được viết cho dân Israel bị lưu đày ở Babilon. “Isaia đệ nhất” (chương 1-39) nhằm cảnh cáo dân ở Giêrusalem về những điều sắp xảy ra nếu họ không thay đổi đường lối của mình. Họ đã không nghe, đã bị lưu đày và khi đó, ở nơi khốn cùng, Thiên Chúa nói với họ bằng lời lẽ dịu dàng. Thiên Chúa giống như người mẹ trẻ ẵm đứa con bị thương lên, hôn nó và nói những lời vỗ về yêu thương: “nào, nào, mẹ đây mà”.

Dân Dothái đã bị cầm tù và Thiên Chúa chúng ta sẽ giải thoát họ. Họ tưởng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, nhưng Người vào nơi khốn cùng của họ. Các lệnh truyền được ban ra: một con đường bằng phải được hoàn thành và trên con đường đó Thiên Chúa sẽ đến dẫn đưa dân về quê hương. Con đường sẽ được làm cho bằng phẳng vì các lữ khách sẽ mệt mỏi và kiệt sức sau một thời gian dài bị lưu đày. Những người trên đường sẽ thấy dân trở về Giêrusalem và biết rằng đây chính là công trình của Thiên Chúa. “Bấy giờ vinh quang của Đức Chúa sẽ được tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy…” Ngoài Thiên Chúa, ai có thể thực hiện được công cuộc giải phóng vĩ đại này?

Vào thời điểm cuối năm này, nhiều người trong chúng ta có thể cần ít lời an ủi. Sự nhộn nhịp và hối hả của kỳ nghỉ chỉ làm tăng thêm sự cô độc, buồn chán và mất mát, những khó khăn về tài chánh và sự chán trường. Thái độ vui vẻ bên ngoài và những mong chờ dâng tràn không mang đến sự an ủi, có chăng chỉ khoét sâu thêm cảm giác sống trong lưu đày. Ngôn sứ Isaia mang đến cho chúng ta niềm hy vọng trong mùa này khi chúng ta nghe của ông hứa rằng Thiên Chúa đang đến với chúng ta trong lưu đày để giải thoát chúng ta. Hành trình này có thể sẽ kéo dài, nhưng nếu có Thiên Chúa luôn bên cạnh, chúng ta sẽ không bỏ cuộc hay ngã quỵ trên đường.

Trong một hội nghị Kinh thánh gần đây, một người đã kể cho chúng tôi về một quá khứ nghiện ngập của ông. Ông đã đánh mất gia đình, công việc, bạn bè và thậm chí phải đi tù. Khi ra tù, ông đã nghĩ đến chuyện tự sát, nhưng nhờ lời động viên của một vị linh mục đã giúp ông bắt đầu thay đổi cuộc đời. Đây chính là một bằng chứng mạnh mẽ cho chúng tôi trong nhóm đó hay một lời nhắc nhở mà Thiên Chúa Thiên Chúa nói cho dân qua miệng ngôn sứ trong lưu đày, tiếp tục nói cho những cuộc lưu đày hôm nay và lời này muốn đi vào cuộc sống của họ và giải thoát họ. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta…” Chúng không phải là những lời vô nghĩa, nhưng được trợ lực bởi hành động quyền năng của Thiên Chúa. Một lần nữa, tôi lại nghe thấy giọng nói của người mẹ: “nào, nào, đâu có sao đâu”, khi bà cúi xuống ẵm con mình lên.

Hôm nay, chúng ta nghe những từ lời đầu tiên trong Tin mừng Maccô và thánh sử đi thẳng vào đề. Maccô không khởi đi từ một gia phả hay trình thuật thời thơ ấu như Matthêu và Luca. Maccô đề cập thẳng đến Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu khi đã trưởng thành và bỏ qua trình thuật cả khi hai khi còn trong lòng mẹ. Vào thời điểm này, dân Dothái không chịu cảnh lưu đày, nhưng lại chịu sự áp bức nặng nề của người Rôma trên chính quê hương mình. Một số thích ứng với đường lối của người Rôma, trong khi những người khác (vd: những người quá khích) lại âm mưu nổi loạn. Giống như trong các quốc gia, xưa và nay chịu sự áp bức, hầu hết các công dân khác đang cố gắng hết sức để có thể sinh tồn.

Thật bất ngờ khi gợi lại lời đầy khích lệ của ngôn sứ Isaia: “Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa…” Gioan Tẩy Giả đã gợi lại những ký ức xưa cho dân nhợ́ lại những việc Thiên Chúa đã làm cho họ. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta tuốn đến với Gioan trong sa mạc. Ông làm phép rửa thống hối hầu họ có thể chuẩn bị bước vào đời sống mới nơi Thiên Chúa.

Chẳng phải đôi khi người Kitô hữu chúng ta cảm thấy như bị lưu đày nơi đất khách hay sao? Ý thức về sự cô lập của chúng ta đang được tăng lên vì, trong khi chúng ta họp nhau cầu nguyện và suy gẫm hôm nay, thì nền văn hóa thế giới vượt ra khỏi cánh cửa Giáo hội chống đối lại những giá trị mà chúng ta đang nỗ lực vun trồng và muốn chuyển trao lại cho con cái chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời của ngôn sứ Isaia, vì hôm nay chúng ta có thể dùng đến lời an ủi.

Ai trong chúng ta ai không cảm thấy áp lực mà kỳ nghỉ đè trên chúng ta khi chúng ta trải nghiệm những đòi hỏi và giới hạn trên tinh thần của mình, thời gian và ngân sách? Mùa đông đang đến cũng nhắc nhở chúng ta về dòng thời gian và sự tạm bợ của mọi người và muôn vật mà chúng ta biết và làm. Thỉnh thoảng chúng ta nỗ lực lên kế hoạch và những dự định nghiêm túc mà chẳng bao giờ thực hiện được. Chúng ta được mời gọi thực hiện quá nhiều cho tha nhân đến nỗi chúng ta hiếm khi có thể quan tâm đến nhu cầu của riêng mình. Hôm nay, chúng ta có thể dùng đến lời an ủi.

Những lời của Gioan Tẩy giả có thể an ủi những ai đang sẵn lòng ăn năn về tội lỗi của mình. Ông mang tin vui đến cho những ai khao khát được tha thứ; nhưng ông không mang tin vui đến cho những người tự cho mình là công chính, hay dửng dưng với Thiên Chúa và đường lối của Người. Gioan làm phép rửa nhằm xóa bỏ đường lối cũ. Nhưng phép rửa của Gioan chỉ là sự khởi đầu. Sau phép rửa bằng nước là phép rửa bằng lửa – đời sống mới mà Thánh Thần sẽ đổ tràn trên chúng ta qua Đức Giêsu và sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người.

Như ngôn sứ Isaia và Gioan, chúng ta được mời gọi để mang niềm ủi an và tin vui đến cho tha nhân. Chúng ta hãy cố gắng tập trung khi chia sẻ ý nghĩa đích thực của mùa này với những ai thân cận nhất và với tha nhân chúng ta gặp trên đường mà Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta.Cùng với Gioan, chúng ta có thể cảm thấy như tiếng hô vang trong hoang địa khi chúng ta kêu gọi thế giới sửa đổi và chuẩn bị cho việc Chúa đến và cho đường lối của Người.

Gioan Tẩy Giả mời gọi những người tuôn đến với ông trong sa mạc nhớ lại những công việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm. Một lần nữa ông mời họ hãy tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ trong đau khổ và Người sẽ đến để giúp họ. Trong khi tự chuẩn bị, họ phải quay trở lại với nguồn gốc của họ trong niềm tin vào trong Thiên Chúa.

Mùa Vọng này, chúng ta tìm kiếm những con đường để hô lên cùng Gioan: “Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa…” Chúng ta hy vọng lời nói và hành động của chúng ta trong mùa này sẽ mang niềm hy vọng đến cho con người, trong giờ lâm tử và trong nỗi đau, trong bối rối và lầm lạc – Thiên Chúa không bỏ rơi họ, nhưng Người làm một con lộ bằng phẳng cho họ. Vinh quang Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện cho những ai biết mở lòng ra và mắt luôn mở rộng. “Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa”.

Tin mừng theo thánh Maccô đã bắt đầu. Nó sẽ mở ra cho chúng ta suốt năm phụng vụ này. Mỗi Chúa Nhật chúng ta sẽ được nghe về niềm an ủi mà chỉ có Thiên mới có thể trao ban cho chúng ta – Tin mừng Đức Giêsu Kitô. 


Để lại một bình luận