Đức Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc
Mt 22,1-14
Fr. Jude Siciliano, op.
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Bất cứ ai đọc các bài chia sẻ này một thời gian chắc hẳn đều biết rằng tôi lớn lên ở Brooklyn. Nếu có dịp nói đến nguồn gốc của mình, tôi hy vọng đó phải không phải là sự lặp lại. Những người hàng xóm thời niên thiếu của tôi phần đông là người Ý và Dothái. Sau Đệ nhị thế chiến, một làn người tị nạn Dothái, sống sót sau chiến tranh, đã tràn vào làng bên cạnh. Họ đến từ Ba Lan, Czechoslovakia, Nga, Yugoslavia,…
Họ đã thoát chết bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian xảy ra vụ Thảm sát người Dothái. Khi đến đây, nhiều người trong số họ chỉ biết chút ít tiếng Anh, quý vị có thể nghe họ nói tiếng Dothái ngoài đường phố. Thậm chí có cả một kênh phát thanh New York phát đi các bản nhạc, tin tức và giải trí chỉ bằng tiếng Dothái. Vào những tối thứ Sáu và ngày thứ Bảy họ đến các Hội đường gần đó, nhiều người chỉ khoắc mấy bộ đồ đơn giản mà họ mang có được – thường do các hội từ thiện phát, vì họ chẳng còn gì sau khi chiến tranh kết thúc.
Dấu cho thấy là những người mới đến không chỉ là trang phục hay ngôn ngữ của họ, nhưng còn cả nhiều hình xăm trên cổ tay và cánh tay trái của họ khi còn ở trong trại tập trung. Xoay sở cách nào đó họ sống sót được trong trại tập trung; nhiều gia đình chỉ còn duy một người sống sót. Họ bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ từ những vết đau và ký ức kinh hoàng về những gì mà họ phải chịu đựng và mất mát. Một số người sống được nhờ chịu khó đi xén lông cừu hoặc sống được là nhờ vận may.
Những người khác nữa thì sống sót nhờ tìm ra nhiều cách tinh khôn hơn trong việc đánh cắp lương thực. Nhiều cha mẹ chết vì đã nhường cả phần thức ăn ít ỏi của mình cho con. Nhiều bạn tù sống trong tuyệt vọng và làm bất cứ điều gì để sống qua ngày đoạn tháng.
Bên cạnh những xoay sở và mưu kế sống còn, chúng ta có thể đoán được họ đã thực sự lâm vào những tình thế tuyệt vọng thế nào, họ cũng làm một vài điều mà chúng ta cho là không thực tế, và thậm chí việc làm ấy có khi còn khiến họ khổ sở hơn. Họ nói về những bữa ăn mà họ đã nấu trước khi bị bắt giam và những món ăn mà họ sẽ nấu khi được ra khỏi trại, dù biết rằng có thể sẽ chẳng bao giờ họ còn cơ hội ra ngoài để mà làm những món ăn ấy dù chỉ một lần. Có một cuốn sách dạy nấu ăn do một nhóm tù nhân viết trên những mảnh giấy còn sót lại và đã được xuất bản. Hãy tưởng tượng xem, một cuốn sách dạy nấu ăn do những tù nhân sắp chết đói viết ra, những nạn nhân của một thể chế đồi bại, thậm chí đã xâm chữ trên cơ thể họ để phân loại họ nhằm thuận tiện cho công việc kiểm soát hoặc để khử trừ họ.
Đâu là điều hay ho của việc các tù nhân này nói về thực phẩm và cả việc viết sách nấu ăn? Điều tốt của những câu chuyện của họ về tương lai và thực phẩm mà chẳng bao giờ có thể nhìn thấy lần nữa là gì? Tôi nghĩ chúng ta có thể tìm được câu trả lời cho những thắc mắc trên. Những gì họ làm đã cho họ niềm hy vọng. Điều đó cũng là cách chuyển những ước mơ của họ đến những thế hệ sau để giúp chúng sống sót. Việc chia sẻ những ký ức, đặc biệt là về lương thực, mang lại cho họ một lý do để tồn tại. Nếu không có thức ăn và nước uống chúng ta sẽ chết. Và chúng ta cũng sẽ chết, dưới một cách khác, nếu ta không có niềm hy vọng.
Thực vậy, tôi thấy những người tị nạn đến hội đường mỗi tuần cho thấy điều gì đó về niềm hy vọng của họ: việc đi đến hội đường giúp họ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống. Họ tin Thiên Chúa luôn ở với họ trong những nỗi khốn cùng và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Tôi không có ý làm cho câu chuyện của họ trở nên lãng mạn: tôi biết cũng có người trong số họ trong khó khăn đã chối bỏ Thiên Chúa và không còn thực hành niềm tin của mình nữa. Tôi băn khoăn không biết liệu mình có giữ được đức tin trong điều kiện khắc nghiệt như thế hay không, hay chỉ đi đến kết cục phi nhân mà nhiều người phải hứng chịu! Chúng ta thấy mình là những người may mắn vì niềm tin của mình không bị thử thách như những nạn nhân Dothái trong trại tập trung. Nhưng cuộc sống luôn thử thách tất cả chúng ta; lắm lúc rất khốc liệt, nhưng nhất là thử thách ngay trong cuộc sống hằng ngày và thường xuyên.
Bài đọc trích sách Isaia hôm nay tựa như một đoạn văn từ trong các cuốn sách dạy nấu ăn do những người trong trại tập trung viết ra. “…tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.” Bữa tiệc đó cũng giống như một thực đơn của nhà hàng sang trọng! Ngôn sứ Isaia đưa ra lời hứa cho những người đang thất vọng. Họ đang đói khát và ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ thết đãi họ một bữa tiệc no nê. Họ đang sống trong cảnh nô lệ nhưng Thiên Chúa sẽ giải phóng họ. Họ đang hứng chịu những hậu quả do tội lỗi gây nên nhưng Thiên Chúa sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của họ. Họ và chúng ta đang sống dưới một bức màn, một “tấm màn trùm lên muôn nước.”
Bức màn là sự chết và ngôn sứ hứa rằng Thiên Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta khỏi chết. Thiên Chúa “vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.” Dân phải đặt niềm hy vọng của họ nơi Isaia và lời Thiên Chúa hứa với họ. Đó chính là điều mà chúng ta phải thực hiện, tin tưởng vào lời hứa khi cuộc sống toàn những khó khăn mỗi ngày, vô tận và vô vọng.
Để hoàn thành bức họa về việc Thiên Chúa đến cứu độ con người, Isaia nói rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện tất cả điều này trên núi thánh của Người. Thời xưa, các vua chúa và hoàng hậu cai trị từ những lâu đài trên núi. Những ngọn núi là nơi biểu tượng cho sự cao sang, uy lực và quyền chỉ huy. Người trên núi được mọi đối tượng bên dưới dễ dàng nhìn thấy, và cũng là nhắc nhở mọi người phải quy phục.
Thiên Chúa nuôi dân trên núi. Đó không phải là một ngọn núi vì mục đích quân sự, nhưng là nơi “bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ”. Đó sẽ là nơi chắc chắn và an toàn mà Thiên Chúa ban lương thực cho những người bại trận và đói khát, bảo vệ họ và cho họ thắng vượt quân thù, đặc biệt cứu thoát họ khỏi sự chết.
Rõ ràng Đức Giêsu thường xuyên lên núi. Ở đó, Người động lòng thương những kẻ đi theo Người, đang tìm kiếm và mệt rã rời. Người không phải là một ông vua trên núi để nắm quyền cai trị hoặc thống lĩnh trên thuộc hạ mình. Nhưng, Người nhìn thấy những thiếu thốn của con người và ban cho họ những gì mà tự họ không tự mình đạt được, đó là sự bảo vệ, chữa lành và lương thực.
Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã cho ứng nghiệm thị kiến của ngôn sứ Isaia ngay tại tiệc Thánh Thể này. Ở đây, chúng ta được no thỏa trong yến tiệc mà Thiên Chúa đã ban cho một dân đang túng quẫn của Người. Được quy tụ chỉ trong một lát trong phụng vụ, trên núi thánh này, Thiên Chúa đã kéo những người xa lạ cũng như bạn bè gần lại với nhau. Chúng ta cần được tha thứ, và như vị ngôn sứ đã hứa, Thiên Chúa sẽ xóa đi nỗi ô nhục của chúng ta. Chúng ta đang đói khát thứ lương thực dưỡng nuôi chúng ta trong đức tin, và Thiên Chúa ban cho ta những lương thực ấy nơi bàn thánh này, “tiệc thịt béo và tiệc rượu ngon.” Chính nơi đây, sự khát khao Thiên Chúa trong chúng ta được thỏa lòng.
Chúng ta không cần phải tưởng tượng về thức ăn cho mai sau; hôm nay, Thiên Chúa ban cho ta “thịt béo ngậy và rượu ngon tinh chế”. Những gì Thiên Chúa hứa, Người đã thực hiện trên núi thánh này. “Chiếc khăn che phủ các mọi tộc” bị xé bỏ. Ở đây, chúng ta được ăn uống no thỏa và cảm tạ hồng ân. Chúng ta cũng hy vọng rằng một ngày kia tất cả chúng ta được quy tụ nơi yến tiệc của Thiên Chúa, vì bữa tiệc mai sau được hứa cho chúng ta, chúng ta chỉ hình dung và đợi chờ trong hy vọng để được hưởng nếm.