Cn 25 a : Đức mến không ganh tị

 

Cn 25 a : Đức mến không ganh tị


Cn 25 a : Đức mến không ganh tịỞ đời, con người không ai muốn mình thua kém ai. Chính vì  không muốn thua kém ai nên con người luôn phải đối đầu với tình trạng “con gà tức nhau bởi tiếng gáy”.

Một khi tiếng gà-nhà-mình “gáy” nhỏ hơn tiếng gáy gà-của-thiên-hạ, lập tức tình làng nghĩa xóm rạn nứt. Sự đố kỵ và lòng ganh tị nổi lên. Và một khi lòng ganh tị chiếm lĩnh lòng người thì, thà “thua thầy một vạn” chứ không đời nào chịu “thua bạn một ly”.

“Ganh tị”. Vâng, có thể nói, đó là căn bệnh trầm kha, nó như ăn sâu vào huyết quản con người. Có phần chắc rằng, trong chúng ta không ai mà không hơn một lần ganh tị với người khác !

…..

Trong ba năm theo Thầy Giêsu rao giảng Tin Mừng, các môn đệ cũng đã nhiều lần nổi cơn ganh tị. Các ông không chỉ ganh tị với những người không cùng nhóm mình, mà còn ganh tị với chính cả những người được coi là “huynh đệ chi binh”.

Một hôm, cũng chỉ vì “con gà tức nhau bởi tiếng gáy”, nên khi thấy “có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ”. Ông Gioan không chỉ nổi lòng ganh tức “méc” Đức Giêsu mà còn khoe cơn thịnh nộ của mình “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Lc 9,39).

Và cũng chính vì “hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gioan” xin Đức Giêsu cho “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” nên đã khơi dậy lòng ganh tị của mười môn đệ kia, để rồi dẫn đến tình trạng nội bộ các ông “đâm ra tức tối” với nhau. (Mc 10,37 …41).

Có lẽ các ông quên rằng, Kinh Thánh có chép “lòng ganh tị tựa chứng bệnh mục xương” (Cn 14, 30).

Ai sẽ ngồi bên hữu, bên tả khi Thầy được vinh quang ! Ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời ? Đức Giêsu đã có câu trả lời rằng “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được’ (Mc 10, 40).  Và để thêm sáng tỏ vấn đề, Ngài đã dùng “dụ ngôn thợ làm vườn nho” như là một thông điệp cho những ai muốn trở thành công dân Nước Trời.

Dụ ngôn được kể lại rằng : ‘Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (Mt 20,1).

Đã có nhiều người được mời vào vườn nho làm việc. Đã có những cuộc đàm phán về công thợ rất “hợp lẽ công bằng”.  Và rồi đã có nhiều bản hợp đồng được ký kết giữa chủ và thợ.

Ấy vậy mà ! Đến lúc thanh toán tiền công, có một số thợ “cằn nhằn gia chủ”. Họ cằn nhằn về cách thức thanh toán hợp đồng. Họ thấy gia chủ trả tiền công cho người “mới vào làm” cũng như “những người vào làm trước nhất” cùng một quan tiền. Vì thế họ trách gia chủ rằng, tại sao “mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20, 12).

Người Tây Phương thường nói : “Bị cơn ganh tị nuốt sống”.

Quả đúng vậy. Dụ ngôn được kể tiếp rằng : Mới đầu hôm, họ đã thỏa thuận tiền công “mỗi ngày là một quan tiền”. Thế nhưng, “vì thấy (gia chủ) tốt bụng” với người khác cho nên lòng ganh tị đã “nuốt sống” lương tri của họ. Họ không còn nhận ra đâu là cái giá trị của lời cam kết.

Ôi ! thật đáng tiếc. Họ quên rằng, “chẳng lẽ (gia chủ) lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của (gia chủ) sao !”…

Vâng, sự kiện tất cả nhóm thợ, dù là vào làm lúc “vừa tảng sáng”… Hay lúc “giờ thứ ba… giờ thứ sáu… giờ thứ chín” hoặc “giờ thứ mười một” đều lãnh “mỗi người một quan tiền” cho thấy rằng, Thiên Chúa – “Ông Chủ Vườn Nho” –  Người là Đấng “xót thương hết mọi người”(Kn 11, 22).

Một chút tâm tình…

Là Kitô hữu, chúng ta “thuộc về Đức Kitô Giêsu”,Thánh Phaolô nói tiếp rằng, hãy “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá… đừng ganh tị nhau” (Gl 5,24…26).

Một trong mười lăm đặc điểm của đức mến mà tông đồ Phaolô cho là “cao trọng” chính là “không ganh tị”.

Vâng, “đức mến không ganh tị”.(1Cr 13,4).

Ganh tị sinh ra ganh ghét. Ganh ghét phát sinh hận thù. Hận thù là động lực dẫn đến chiến tranh. Có chiến tranh là có chết chóc.

Sự kiện Cain giết em mình là Abel đã minh chứng cho những điều nêu trên.

Thảo nào, tông đồ Gioan đã phải nói một cách mạnh mẽ rằng  : “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,14)

Một phút suy tư…

Vâng, là một Kitô hữu, không ai muốn trở thành kẻ sát nhân.

Nhưng nếu không muốn trở thành kẻ sát nhân. Vâng, đừng để lòng ganh tị tiềm ẩn  trong tâm hồn mình và luôn phải chế ngự nó.

Lòng ganh tị làm hại chính đời sống tâm linh của chúng ta. Khi ganh tị ai, có phần chắc chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến thủ đoạn, mưu kế để hãm hại người mình đang ganh tị. Bài học Cain còn đó. Vì không chế ngự lòng ganh tị, Cain đã dùng mưu kế đưa Abel ra ngoài đồng vắng và “xông đến giết em mình”.

Lòng ganh tị làm tổn thương mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa. Những giờ phút cầu nguyện sẽ trở thành những giờ phút “phàn nàn” với Chúa.

Ôi ! Tại sao “Đức Chúa đoái nhìn đến Abel và lễ vật của ông nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn”.

Ôi ! Lạy Chúa. Tại sao con “xưng tội rước lễ đều đặn” mà sao Chúa lại để con làm ăn thất bại, vỡ nợ, còn ông hàng xóm khô đạo kia, chẳng thấy đi “nhà thờ nhà thánh” gì cả, thế mà y lại giàu sang phú quí…

Lòng ganh tị làm rạn nứt mối tình-gia-đình. Dụ ngôn người con hoang đàng là một minh chứng cho nhận định trên.

Trong lúc người cha vui mừng “đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu con trai, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi còn đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng” vì người con đã ăn năn trở về… thì người anh cả tức giận và ganh tị với em mình. Anh nhất định không chịu bước vào nhà.

Lòng ganh tị thường nảy sinh “bè phái”. Và đây chính là điều nguy hiểm nhất bởi nó gây cản trở cho công việc truyền giáo, một đại mạng lệnh Chúa Giêsu đã giao cho mọi Kitô hữu chúng ta.

Làm sao có thể truyền giáo khi trong chúng ta, nói theo lời thánh Phaolô đã nói rằng, “có sự ganh tị và cãi cọ” (1Cr 3,…3).

Vâng, làm sao có thể rao truyền một “Ðức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy” !!!

Gây cản trở công việc truyền giáo chính là gây cản trở công việc của những người thợ làm việc trong “Vườn nho Nước Trời”.  Vâng, cho dù chúng ta có được gọi vào vườn nho làm việc lúc “vừa tảng sáng” thì “nằm mơ” cũng không thể thấy chúng ta “được lên hàng đầu”. Và nguy cơ chúng ta “sẽ phải xuống hàng chót” là điều khả thi.

Petrus.tran.

 

Để lại một bình luận