Tha thứ là tất yếu trong đời Kitô hữu
Mt 18,21-35
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Đaminh Nhà Học Gò Vấp chuyển ngữ.
Phêrô có lẽ đã cảm thấy rất mãn nguyện. Khi hỏi Đức Giêsu về việc phải tha bao nhiêu lần khi người anh em xúc phạm đến mình, ông đưa ra mức “Bảy lần được không?” Ông sẵn lòng tha gấp bảy lần so với những gì Luật và các thầy dạy đòi hỏi. Nhưng ông lại còn ngạc nhiên biết bao khi nghe Đức Giêsu trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Việc Phêrô sẵn lòng tha thứ đến bảy lần chứng tỏ ông bắt đầu hiểu được điều mà Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ – lòng tha thứ. Nhưng Đức Giêsu không hề đưa ra một giới hạn nào cho sự tha thứ như Phêrô học được hôm nay – “bảy mươi lần bảy.”
Đức Giêsu tuyên bố quá đột ngột nên Ngài dùng ngay một dụ ngôn để làm sáng tỏ và củng cố đòi hỏi trong giáo huấn của Ngài. Ngài dẫn vào dụ ngôn bằng câu nói: “vì thế, nước Trời cũng như.,” như thể nói rằng “dụ ngôn này nhằm minh họa cho giáo huấn về lòng tha thứ triệt để của tôi”. Điều này được sáng tỏ khi Đức Giêsu đòi chúng ta không những yêu thương người thân cận mà còn cả kẻ thù nữa, thái độ tha thứ như thế phải là điểm đặc trưng nơi các môn đệ của ngài. Nếu như giáo huấn này quan trọng như thế nào thì nó cũng khó thực hiện bấy nhiêu.
Hỏi có ai trong thánh đường này không biết rằng Kitô hữu cần phải tha thứ ra sao? Biết phải làm gì là một chuyện, còn việc có thể thực hiện như thế hay không lại là chuyện khác! Thế nên, dụ ngôn ngày hôm nay quả thật đáng lưu ý.
Tiến trình của câu chuyện ngày hôm nay rất quan trọng. Câu chuyện bắt đầu kể về người đầy tớ nợ chủ mình một số tiền quá lớn không thể nào trả nổi. Rồi anh ta cầu xin chủ, hứa sẽ trả (dù không thể thực hiện) và được tha nợ; không phải vì có công trạng gì hay vì lời hứa sẽ trả, nhưng nhờ lòng nhân từ vô cùng của vua. Người đầy tớ mắc nợ vua được tha không phải vì công kia việc nọ anh ta làm. Tha thứ là cái xảy ra trước, tha thứ vô điều kiện khi một người cầu xin dù không xứng đáng được hưởng lòng tha thứ. Đó là cốt lõi của thông điệp Tin mừng.
Dụ ngôn đã làm sáng tỏ điều này rằng một khi được tha thứ thì người được tha cũng được mong chờ điều gì đó. Nếu chúng ta không hề thay đổi gì khi được tha thứ và đến lượt mình cũng phải tha thứ cho người khác, thì chúng ta chưa đón nhận và hành xử xứng với hồng ân mà chúng ta nhận được. Giống như tên đầy tớ không biết tha thứ, cuối cùng, chúng ta cũng không nhận được sự tha thứ. Theo kiểu đời thường, ta có thể nói: “sao mà anh quá xem thường chuyện tha thứ khi mà chính anh nhận được được quá nhiều sự tha thứ”. Như vị vua đã nói: “Ngươi không nhận ra ân huệ mà ta đã ban cho ngươi qua việc tha thứ sao? Thế tại sao ngươi lại không biết nhờ chuyện đó mà biến đổi?”
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta phải cho người khác thấy được lòng tha thứ, dựa trên việc chúng ta tha thứ bao nhiêu và thường xuyên đến mức nào. Thiên Chúa tha thứ cha chúng ta không điều kiện và không giới hạn. Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác thì đó là dấu cho thấy chúng ta không đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và cũng không để cho sự tha thứ ấy đi vào trong lòng để biến đổi chúng ta.
Việc tha thứ không chỉ là những gì xảy ra giữa các cá nhân với nhau. Thông điệp Tin mừng hôm nay chúng ta nghe được trích từ chương 18 của Tin mừng theo thánh Matthêu và nhắm đến cộng đoàn của các Tông đồ. Tha thứ cho nhau là điều tất yếu trong cộng đồng Kitô hữu.
Không có khả năng tha thứ và thái độ níu giữ sự hận thù chính là sức mạnh phá hủy trong gia đình, trong các tổ chức xã hội và nhất là trong Giáo hội của chúng ta. Nó không chỉ chia rẽ chúng ta, mà còn ngăn cản không cho cộng đoàn của chúng ta trở thành dấu chỉ của ánh sáng tha thứ của Thiên Chúa trong thế giới đang tối đen vì những xung đột và hận thù từ việc cứ nuôi lòng “hờn giận” như sách Huấn ca cho chúng ta hay.
Hãy nhìn lên bản đồ thế giới. Quý vị thấy nơi nào có ánh sáng của sự tha thứ soi sáng hay không? Bao nhiêu nơi đang xung đột chỉ vì những khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, bộ lạc, sắc tộc, kinh tế hay hoàn cảnh môi trường? Chẳng phải đó là ý nguyện của chúng ta trong thánh lễ này sao? Sau khi cầu nguyện như thế, quý vị hãy mở to đôi mắt và mở rộng đôi tai để thấy được sự giao hòa diễn ra hết sức lạ lùng. Yếu tố then chốt của dụ ngôn này nằm ở ngay phần đầu của câu chuyện: ân huệ lạ lùng của việc được vua tha thứ. Khi “những việc lạ lùng” xảy đến trong đời ta cũng như trên thế giới, chúng ta biết chúng do đâu và chúng ta có lý do để dâng lời “tạ ơn” trong Thánh lễ này, một lời biết ơn sâu sắc.
Sự tha thứ khởi đi từ Thiên Chúa, nhưng không dừng lại ở đó. Chúng ta còn phải phản ánh thánh ân đó trong cuộc sống của mình. Hôm nay chúng ta nhìn về quá khứ cũng như cuộc sống hiện tại của mình. Chúng ta căm ghét và giận hờn ai nhất? Chúng ta chưa tha thứ cho người nào? Ai đang chờ chúng ta nói lời “tha thứ”? Người nào bị chúng ta xúc phạm và ta cần phải cầu xin tha thứ? Có thể chúng ta gặp vấn đề ở chỗ gây ra “những lỗ hổng không chịu tha thứ” khiến chúng ta chia rẽ nhau. Chúng ta cần phải khao khát việc có thể hạ quyết tâm đến bên họ mà bắt đầu tiến trình hòa giải.
Thế gian này chắc chắn không phải là kiểu mẫu tha thứ cho chúng ta học hỏi, chúng ta biết phải cậy dựa vào đâu để được giúp đỡ? Trong Thánh lễ này, chúng ta được nhắc nhở rằng tự mình chúng ta không thể trở thành những người có lòng tha thứ – đó không phải là điều Đức Giêsu muốn nơi chúng ta. Chúng ta không chỉ một mình, vì Chúa Kitô ở giữa chúng ta, lời thứ tha của Ngài có thể biến đổi chúng ta và giúp chúng ta đủ sức để tha thứ. Ngài là Đấng luôn thực hiện trước hết những gì Ngài muốn chúng ta thực hiện – tha thứ “thật lòng”.
Đừng quên rằng còn đó những giáo sĩ và những người lãnh đạo trong Giáo hội cần được tha thứ vì những việc xấu họ làm hay đôi lúc che giấu những lạm dụng tính dục. Rõ ràng chúng ta ai cũng thực sự cần được tha thứ. Một số người biết được những lầm lỗi, sai sót của mình và Thiên Chúa nhân từ đã tha thứ cho họ. Nhưng vẫn có đó nhiều người không nhận mình sai lỗi, không thấy cần phải xin ơn tha thứ như tất cả mọi người chúng ta cần.