“Họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa“
Mt 18,15-20
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Đaminh Nhà Học Gò Vấp chuyển ngữ
Kính thưa quý vị,
Một trong những điều khó nhất chúng ta có thể thực hiện trong tương quan giữa người với người là sửa lỗi cho nhau. Thoạt nhìn thì điều này xem ra không quá khó. Khi ta thấy người khác có lỗi, ta tìm đến đối chất với họ. Ta cố chứng tỏ người ta sai lỗi còn phần đúng thì thuộc về mình. Chúng ta nói thế thực ra chỉ khơi lên điều xấu nơi họ, thậm chí chúng ta to tiếng để khiến họ phải chú ý. Đến lượt họ, họ cũng to tiếng đối lại. Những cuộc chạm trán như thế quả thật chẳng hề xây dựng được tí nào các mối tương quan cũng như cộng đoàn. Nhưng sau cuộc nói qua nói lại ấy, trước khi quay gót, ta cũng còn ráng nói một câu cho hết trách nhiệm: “Này, đừng có trách là tôi chưa nói với anh nhé!”
Một lối hành xử khác khi bị xúc phạm là không thèm nói gì hết. Dù gì đi nữa, sao lại phải khơi lên sự xung khắc và khó chịu? Việc chọn giải pháp cứ để những lỗi lầm qua đi có thể giữ được sự yên ả và an ổn ngoài mặt, tuy nhiên như thế cũng chẳng giúp ích gì cho các tương quan hay sự tiến triển của cộng đoàn. Như thấy trong tự nhiên, điều kiện băng giá không tạo ra môi trường tốt sự phát triển mới mẻ nào. Điều này đúng trong tự nhiên và cũng đúng với các Kitô hữu, những người hy vọng có một cộng đoàn làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Thánh Matthêu muốn cho Giáo hội sơ khai cũng như chúng ta nữa biết rằng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, và chính sự hiện diện này làm cho Giáo hội khác với các kiểu cộng đồng nhân loại.
Khi viết cho Hội thánh ở Rôma, thánh Phaolô đã lưu ý, như Đức Giêsu đã từng, về đời sống nội tại và chứng nhân của cộng đoàn Kitô hữu. Ngài liệt kê hàng loạt những điều răn phản ảnh đời sống cộng đoàn – không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn. Không phải ngài gạt bỏ điều răn này đi như thể là quá khứ hay không quan trọng, nhưng để rồi ngài xác định một điều răn tổng quát bao trùm tất cả những điều răn khác. Đó là điều răn mà Đức Giêsu dùng để tóm kết tất cả những giáo huấn của Ngài: Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Thánh Phaolô nói tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể qua việc chúng ta yêu thương người thân cận như chính mình.
Thánh Phaolô còn nói rằng chúng ta “mắc nợ” người khác món nợ tương thân tương ái. Nếu chúng ta hành động đầy yêu thương thì sẽ không có ngoại tình, giết người, trộm cắp hay ham muốn nữa, những điều có thể hủy hoại mối dây liên kết giữa chúng ta; trong khi chính tình yêu và kết quả của hành động yêu thương sẽ xây dựng cộng đoàn. Có ánh sáng tình yêu thương soi dẫn, chúng ta không còn lo lắng về việc phải làm gì và không được làm gì; chúng ta sẽ biết, như bản tính thứ hai, phải cư xử với tha nhân ra làm sao. Ngay cả khi chúng ta phải khiển trách họ, thì cũng khiển trách với đầy tràn thương mến.
Thánh Matthêu đề cập tới cộng đoàn tiên khởi với những thành viên đang cố học hỏi và phấn đấu để trở Kitô hữu đích thực trong cả niềm tin và việc làm. Vì thế, tác giả sách Tin mừng đã hướng dẫn họ về một vấn đề quan trọng trong cả tương quan loài người cũng như trong Giáo hội: việc sửa lỗi cho người khác.
Một vài cách thức có thể tiến hành: gọi người đó ra trước công nghị, khiển trách và trục xuất người đó; gửi “đại diện” đến để đối chất với họ; gửi thư liệt kê những sai lỗi của họ và đòi họ phải thay đổi. Nhưng Đức Giêsu đặt phương cách của mình trên tình yêu thương dành cho những người lầm lỗi. Trước hết, thay vì chỉ ra tội lỗi của người khác và bắt đầu đàm tiếu, thì cá nhân người phát hiện ra phải đến gặp người phạm lỗi và nói cho họ biết cách riêng tư thôi, khuyến khích họ sửa đổi. Nếu như người đó chịu nghe, thì sự sai sót được sửa đổi và có thể làm cho tương quan với người phạm lỗi trước đó thêm sâu đậm.
Chúa Giêsu là người thực tế và biết rằng mọi sự không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có thể đôi lúc phải sử dụng những cách thức khác nhau, ngay cả việc phải nhờ đến nhiều người trong cộng đoàn. Nếu người ấy vẫn nhất định không chịu thay đổi, thì sẽ bị xử như thể dân ngoại hay người thu thuế – hai loại người bị các anh chị em Dothái giáo xa lánh.
Nhưng chẳng phải những người ở bên ngoài như dân ngoại và thu thuế được Chúa Giêsu mời vào cùng bàn để ăn uống với cộng đoàn sao? Theo gương Ngài có khi nào ta phải bó tay với những kẻ ngang bướng trong cộng đoàn không? Thật khó mà đưa ra những giới hạn khi mà đời sống chung với nhau được hướng dẫn bằng tình yêu.
Chúng ta thường hay trích dẫn câu này: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họ nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ”. Kitô hữu chúng ta gán câu nói này cho mọi cuộc hội họp cầu nguyện hoặc chia sẻ, dù là nhóm nhỏ. Quá đúng. Nhưng bối cảnh của câu nói này khiến nó chỉ mang một nghĩa duy nhất. Khi hai hoặc ba người cùng đến để khuyên nhủ người anh/chị em của mình về với đời sống cộng đoàn, thì Đức Giêsu bảo đảm rằng chúng ta không chỉ một mình làm điều đó, nhưng Ngài cùng đi với chúng ta dù trên đường cao tốc hay trong những con hẻm quanh co để mời gọi những kẻ lạc lối trở về.
Cũng một bối cảnh đó cho một câu nổi tiếng: “… nếu hai hoặc ba người trên trái đất này đồng ý với nhau bất cứ điều gì khi cầu nguyện, họ sẽ được ban cho…” Điều đó không nhằm đưa ra cách cầu nguyện chắc chắn để chúng ta đạt được điều mình muốn – kiểu chỉ cần gom một vài người cùng ý định để cùng cầu nguyện và họ sẽ đạt được điều mình muốn. Trong bối cảnh hôm nay, hai hoặc ba người cầu nguyện cho anh chị em đã lạc khỏi cộng đoàn. Họ phải cầu nguyện cho những người ấy với hy vọng họ có thể mang những người kia trở về. “Khi ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp…”
Quý vị có thể thấy được tầm quan trọng của việc chữa lành trong Giáo hội, xưa cũng như nay. Làm sao chúng ta có thể lôi cuốn những người khác đến với sự sống chúng ta tìm được nơi Chúa Kitô nếu như chúng ta lại tự chia rẽ với nhau ? Và có đó những chia rẽ ngay trong Giáo hội hiện nay ! Tại sao các phần tử trong Giáo hội, nhất là những người lãnh đạo, không đối chất với các giáo sĩ có dính líu đến lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên để đòi hỏi họ phải thay đổi, và nếu cần, cắt họ không cho mục vụ nữa ? Chẳng phải đó là đòi hỏi của bài Tin mừng hôm nay sao ? Chẳng phải như thế là hành động yêu thương và công bằng đối với họ, với những nạn nhân trong quá khứ và tương lai của họ sao ? Chúng ta có vẻ quá đặt nặng đến vẻ bề ngoài của sự hài hòa trong Giáo hội hơn là thực tế của những đổ vỡ nghiêm trọng trong cấu trúc. Một số các vị lãnh đạo trong Giáo hội không hoàn thành được vai trò ngôn sứ mà Êdêkien nêu ra hôm nay, vì họ được xem là “lính gác nhà Thiên Chúa.”
Giáo huấn về việc sửa lỗi cho những người lầm đường lạc lối nhằm mang lại sự chữa lành không chỉ áp dụng cho những người thi hành quyền lãnh đạo chính thức trong Giáo hội. Hai tuần trước chúng ta nghe Chúa Giêsu trao cho Phêrô quyền tháo buộc. Nếu không đọc tiếp Matthêu mà chỉ dừng lại ở điểm này thôi thì chúng ta có thể chỉ để những ai có trách nhiệm phải sửa chữa và khuyên bảo. Nhưng như thấy trong Tin mừng hôm nay, quyền tháo buộc đó được giao cho toàn thể cộng đoàn. “Amen, Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Chúa Giêsu ban cho cộng đoàn một quyền rất lớn. Trong Giáo hội chúng ta băn khoăn về việc những vị có quyền thi hành thế nào trên niềm tin. Nhưng các phần tử cũng có quyền đó nhất là qua dấu chỉ của Thánh Thần hiện diện trong Phép Rửa. Và chúng ta biết rằng hai quyền này có lúc có thể đụng chạm nhau. Điều này hẳn nhiên đang xảy ra trong Giáo hội của chúng ta liên quan đến các vấn nạn như: kế hoạch hóa gia đình, ly dị, giáo sĩ kết hôn, chức thánh cho phụ nữ, các chính sách quốc gia và toàn cầu…
Không tránh những bàn luận như thế, trong Thánh lễ hôm nay chúng ta cầu nguyện làm sao để có thể giải quyết được những xung khắc nhờ những cuộc đối thoại cởi mở và dấu chỉ của việc chữa lành giữa những tiếng nói riêng biệt của mỗi cá nhân và thành phần, giáo sỹ hay giáo dân. Nếu chúng ta cố tránh bớt những đụng độ và để tình yêu hướng dẫn thì Chúa Giêsu hứa ở với chúng ta để hướng dẫn và chữa lành. Không ai dám nói rằng hòa giải là điều dễ dàng, nhất là khi mà cá nhân hay nhóm trong cộng đoàn đã bất hòa với nhau quá lâu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu hứa rằng khi cộng đoàn đồng lòng và cùng nhau cầu xin sự hướng dẫn thì Ngài sẽ hiện diện để giúp chúng ta.
Êdêkien tự gọi mình là người canh gác cho nhà Israen. Ông được cắt đặt để canh gác dân của Chúa, báo cho biết các hiểm nguy từ bên ngoài cũng như sửa lỗi cho dân khi họ không sống đúng Thánh ước mà Thiên Chúa đã lập với họ. Quý vị còn biết “những người lính gác” nào nữa?
Tôi biết có cả một lớp người như thế trong Giáo hội – đó là ông bà chúng ta. Các ngài và các người Công giáo trước đó đã canh gác và phục vụ trong cộng đoàn. Các ngài là những thành viên then chốt của các chương trình mở của giáo xứ; đưa Mình Thánh cho người ốm; thu thực phẩm phát cho người nghèo; là các thừa tác viên Thánh Thể và đọc sách; đếm tiền thau; hát trong ca đoàn… Các ngài cũng không ngần ngại khi lên tiếng trong các buổi hội họp của giáo xứ khi thấy cần. Họ là những người khích lệ các cha xứ nhưng cũng không ngại đưa ra một “đề nghị hoặc hai cho lần tới”.
Các ông bà cũng đóng vai trò là lính canh trong gia đình mình, nhất là khi nhắc nhở con cháu về những thực hành đức tin và những điều phải giữ, dạy cháu giáo lý để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Ông bà thực thi vai trò Êdêkien của mình như lính gác trong nhà Đức Chúa. Hay, các ngài thi hành vai trò là môn đệ của Chúa Giêsu khi ra ngoài đi tìm những kẻ lầm lạc và đưa họ trở về với mái nhà cộng đoàn.
Chúa Nhật tới là ngày của Ông Bà. Thật là thích hợp khi năm nay ngày ấy lại trùng với ngày 11 tháng 9, kỉ niệm 10 năm cuộc tấn công Tòa tháp đôi. Trong suốt nhiều tuần sau cuộc tấn công ấy, các ông bà và những vị cao niên là nguồn an ủi quan trọng trong cả gia đình lẫn ở cộng đoàn giáo xứ của ta. Làm sao chúng ta có thể nhận ra được sứ vụ quan trọng như lính canh và người an ủi khi chúng ta chuẩn bị cho cử hành phụng vụ tuần tới?