Cn 21 a : Thầy là Đấng Kitô

 

Cn 21 a : Thầy là Đấng Kitô


Cn 21 a : Thầy là Đấng KitôTrên thế giới, đa phần con người sống một cuộc sống bình thường. Nhưng có một số người, có diễm phúc, được sống một cuộc đời  nổi tiếng. Một số người, sự nổi tiếng của họ chỉ giới hạn trong một cộng đồng. Một số người, sự nổi tiếng của họ ảnh hưởng cả một thành phố. Một số người, sự  nổi tiếng của họ lan tỏa trên bình diện quốc gia. Một số người, đặc biệt hơn, danh tiếng họ được loan truyền khắp thế giới.

Người nổi tiếng luôn là đề tài, là đích ngắm cho giới truyền thông. Từ nguồn gốc gia đình cho tới lời nói việc làm của họ, luôn bị “soi” một cách đặc biệt khác thường. Trường hợp của Tổng Thống Obama, với nghi vấn về sinh quán, là một ví dụ điển hình.

Trong suốt chiều dài lịch sử con người. Có một người, nổi tiếng hơn hẳn tất cả những người nổi tiếng khác. Có một người, luôn là đề tài, là đích ngắm một cách đặc biệt khác thường, hơn hẳn sự khác thường bình thường. Có một người, không chỉ bị “soi xét” từ hơn hai mươi thế kỷ trước, mà hôm nay vẫn còn không biết bao nhiêu lời xầm xì bàn tán…

Con người đó là ai ? Ngài là ai ?

Hãy trở về Palestina. Chúng ta sẽ có câu trả lời.

Palestina, nơi được gọi là xứ sở của chà là, hơn hai mươi thế kỷ trước. Có một người tên là Giêsu. Ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth, Đức Giêsu không có một biểu hiện gì khiến cho mọi người phải chú ý đến.

Có chăng là, vào một dịp “Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2, 42). Chính chuyến đi này, Đức Giêsu đã để lại nơi lòng người “một chút gì để nhớ để thương”.

Đó là một cuộc tranh luận “bỏ túi” với các “thầy dạy trong Đền Thờ”. Cuộc tranh luận này cũng chẳng có gì xôn xao cho lắm. Ngoài việc, một số người, có đôi chút “ngạc nhiên” về “trí thông minh và những lời đối đáp của Người”. (Lc 2, 47).

Có thể nói, cuộc sống của Ngài là một cuộc sống âm thầm, lặng lẽ, giản dị, khó nghèo, nhưng luôn: “thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. (Lc 2, 52).

Cho đến khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai. Vâng, kể từ đó, “Từ lúc Ngài đi khắp vùng Galilê … rao giảng Tin Mừng …Từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-dan”.

Thật không khỏi ngạc nhiên, bất chấp trở ngại đường xá xa xôi: “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người”. (Mt 5, 23-25).

Có thể nói rằng, những lời  Đức Giêsu rao giảng, cử tọa sẽ phải đặt một dấu hỏi lớn về Ngài ! Đã có người tự hỏi rằng, Ngài là ai ! Là ai mà lại “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” ! Là ai mà có thể loan báo một thứ “Giáo Lý mới mẻ”. Và điều rất thuyết phục, đó là: “người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27).

Không chỉ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ. “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt…”.

Nhân chứng Mat-thêu đã thuật lại rằng “Người đã chữa họ lành”. Và kể từ đó “ Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri” (Mt 4,24).

Tiếng đồn đó, Đức Giêsu biết. Chính vì thế, hôm đó, khi Thầy và trò “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philipphe”. Tại nơi đây, Đức Giêsu có một cuộc chất vấn các môn đệ. Ngài hỏi các môn đệ rằng “Người ta nói Con Người là ai ?”…

Hãy tưởng tượng rằng, đây là một cuộc điều trần trước “quốc hội”, và đại diện cho dân cử, là mười hai ông nghị sĩ. Mười hai ông nghị sĩ, thật đáng tiếc, đã đưa ra một bản tường trình không như mong đợi.

Thầy Giêsu là Gioan Tẩy Giả ư ! Là Êlia tái thế ! Là Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ ư !” Ôi ! thật đáng trách !

Trách vì, “người ta” và có thể cũng có các ông, đã quên cuộc gặp gỡ của Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu ở “bên kia sông Giodan, nơi ông Gioan làm phép rửa”. Vâng, chính nơi đó, khi “ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói : Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1, 29-30).

“Đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” thì làm sao là “tôi” cho được !!!

Tuy nhiên, có một người không đáng trách. Có thể, vì ông ta đã nhớ lời “chứng thực” của Gioan về Đức Giêsu, rằng, “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Vâng, người đó chính là tông đồ Phêrô.

Nhân chứng Mat-thêu thuật lại rằng, ông Simon Phêrô đã không ngần ngại mà trả lời rằng : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16,16).

Một chút tâm tình…

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phải chăng, chính lời tuyên xưng này, mà Phêrô được Thầy Giêsu chọn như chọn một “Tảng Đá” !? để rồi “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” ?

Đúng vậy. Lời tuyên xưng của ông, không phải là một thứ “thông tin” như những thông tin đời thường, trước một người nổi tiếng. Trái lại, Đức Giêsu đã nhìn thấu suốt tâm hồn Phêrô, một tâm hồn đã nhận ra ánh sáng chân lý, thứ chân lý “không phải phàm nhân mặc khải…” nhưng là do Cha của Ngài “Đấng ngự trên trời” đã mặc khải.

Vào một lần khác, chỉ vì “nuốt không trôi” mặc khải về bánh-hằng-sống, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu. Phêrô, lại là Phêrô, một lần nữa, thay mặt nhóm mười hai, tuyên xưng niềm tin của mình trước Thầy Giêsu. “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(Ga 6,69).

Hai lần xác tín. Hai lần tuyên xưng. Hỏi sao Đức Giêsu không ngần ngại hứa trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” cùng với quyền năng “cầm buộc – tháo cởi”.

Nhìn sâu xa hơn. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (Mt 16, 13-20), như một thông điệp khẩn, gửi đến  mỗi chúng ta, là những môn đệ Chúa Kitô, một bài học sâu sắc về niềm tin vào Thiên Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta chỉ có thể chiến thắng “quyền lực tử thần”, khi niềm tin của chúng ta, được xây trên nền tảng là Đấng Kitô, “đá tảng góc tường”, Con Thiên Chúa hằng sống.

Hãy tin, đó chính là ân sủng “do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại” (Rm 11, 36).

Một phút suy tư…

“Người ta nói Con Người là ai ?”… Vâng, với phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay. Chắc hẳn sẽ có cả trăm, cả triệu, cả hằng triệu câu trả lời.

Thế nhưng, không chắc lắm, hằng trăm, hằng triệu câu trả lời đó, đã trả lời chính xác, nếu không muốn nói rằng, hằng trăm, hằng triệu câu trả lời đó, đã trả lời một cách vu vơ, một cách sai lạc, một cách mê hoặc về Chúa Giêsu.

Vấn đề của chúng ta hôm nay, không phải là  đối chất với những câu hỏi đó. Mà điều cần thiết, hay nói đúng hơn, rất khẩn thiết, tại sao chúng ta không tự đặt câu hỏi đó cho chính chúng ta !!!

Vâng, “Còn tôi. Tôi bảo Chúa Giêsu là ai !”.

MADRID, Tây Ban Nha, 18 tháng 8, 2011.  Bản tin Zenit.org được phát đi lời Đức Thánh Cha Benedict XVI, nói với giới trẻ, trong một chương trình gặp gỡ buổi chiều tại Quảng Trường Plaza de Cibles: “Có những lời nói chỉ được dùng để mua vui, mong manh như một luồng gió thoảng và trống rỗng; các lời khác, tới một mức độ nào đó được dùng để thông tin cho chúng ta; mặt khác, Lời Chúa Giêsu, phải đến được trong trái tim chúng ta, bắt rễ và nẩy nở trong đó trong suốt cuộc đời chúng ta. Nếu không thì cũng trống rỗng và phù du. Lời đó sẽ không đem được chúng ta đến với Người, và kết quả là Chúa Kitô vẫn ở xa xa, vẫn chỉ là một tiếng nói trong muôn ngàn tiếng nói khác chung quanh chúng ta mà chúng ta không quen thuộc.” (nguồn vietcatholic).

Hãy nhớ rằng, tông đồ Phêrô xưa, tin và nhận biết Chúa Giêsu “có những lời đem lại sự sống đời đời”, thánh nhân mới có thể cảm nhận Ngài chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Một khi Lời Chúa Giêsu “đến được trong trái tim chúng ta, bắt rễ và nẩy nở trong đó trong suốt cuộc đời chúng ta”. Vâng, chỉ khi đó, chúng ta mới cảm nhận được Ngài chính là “Đấng duy nhất thực sự biết con đường dẫn đưa nhân loại đến với Thiên Chúa” (trích lời : Đức Thánh Cha Benedict XVI).

Một khi đã cảm nhận Đức Giêsu chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Và là “Đấng duy nhất thực sự biết con đường dẫn đưa nhân loại đến với Thiên Chúa”. Vâng, khi đó, chúng ta mới có thể có câu trả lời, để gởi đến mọi người, thông điệp rằng,  Đức Giêsu chính là “Chúa xót thương mỗi cánh chim đang lầm lạc nơi bến mê”.(trích nhạc phẩm : Ngài là ai.)

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận