CON NGỰA QUÈ DỄ THƯƠNG
Chúng tôi có ba chị em gái, hơn kém nhau khoảng một tuổi. Bố tôi gọi là “lũ vịt giời”, mẹ âu yếm hãnh diện “tam nương công chúa”, còn bà nội hay lừ mắt lẩm bẩm “bầy khỉ lắm mồm”. Tôi là chị hai Cúc, lúc đẻ ra khóc lè nhè cả ba bốn tháng, nên có biệt danh “Con mắm”. Đứa em kế đẹp “gần bằng tôi”, tóc vàng hoe, da trắng, khi nói chuyện hay nhọn môi, tròn mắt, tay vẽ vòng. Nó dữ dằn, hay lí sự nên có ngay danh xưng “Yến cua đá”. Em út rất hiền, lúc nào cũng lẽo đẽo theo hai chị, bảo gì làm nấy. Những khi thích chí, nó hay nhún nhún đôi chân, đầu gật gật, tay quẹt quẹt vào đùi, nhe răng sún ra cười, được gán cho quý danh “Lan bọ ngựa”.
Chúng tôi được bà nội và bố mẹ yêu thương vô cùng – nhất là bố – một người cha tuyệt vời! Bố bị thương mất bàn tay phải năm hai tuổi. Ở trường, bố nhận mình là giáo viên cá biệt, ở nhà, bố là vị thánh “thà mất một tay mà được vào nước trời”. Bố còn giống thánh Phêrô ở chỗ… hói đầu! Mỗi lần nhắc đến việc này, bà nội lại nhìn bố ứa nước mắt:
– Sinh con lành, nuôi con què, tội thân nó quá!
Những lúc ấy, bố ôm lấy vai nội, trịnh trọng:
– Đó là lời Chúa.
Chúng tôi cười nắc nẻ, nội cũng cười:
– Lúc nào cũng đùa giỡn được, bó tay với bố chúng mày!
Tôi biết bố không muốn nội buồn, nên đùa vậy thôi. Thật ra, bố sống nội tâm, nhiều suy tư, những lúc một mình hay thở dài. Chuyện tình của bố cũng lâm li bi đát lắm! Lúc vui, bố thường kể cho các con nghe, tôi hỏi mẹ có phải vậy không, mẹ chỉ cười… Vì còn một tay, lại làm ruộng rẫy, nên bố hỏi cô nào cũng bị… chê! Trước kia, bố dạy học ở thành phố, sau về quê sống với nội. Đã gần 30 mà vẫn cảnh… gà con nuôi mẹ! Bà nội chỉ mong bố lập gia đình, như đũa có đôi. Cô thì chê bố tàn tật, lấy xấu hổ. Cô lại hỏi bố có làm nuôi được cô ấy không, có chở nàng đi dạo được không , có cô nặng nề hơn: “Có điên mà lấy nó!” Bố cũng biết thân phận, nên chọn các cô thuộc loại quá nửa chừng xuân mà ngỏ ý. Vào thời điểm ấy, gái quê trên 20, 21 là coi như… ế! Trong số các nàng, bố thấy có một cô hình như thông cảm cho hoàn cảnh của bố, nhưng vì hiền và nhát quá, nên gặp bố là trốn mất. Bố có người cháu gái con ông anh cả, là bạn trong ca đoàn xứ với mấy cô kia. Một hôm, bố nói với Tuyền – cô cháu:
– Tuyền à, giúp chú một việc rất quan trọng, nếu thành công, chú tạ lễ cái đầu heo.
Tuyền rất tinh ý, nhìn bố cười, nháy mắt:
– Chuyện tình cảm hả chú? Cháu biết rồi, khó lắm chú ơi!
Tuy nói vậy, Tuyền vẫn kéo bố ra đầu hè to nhỏ. Một lúc sau, mặt bố đỏ như gấc, lấm tấm mồ hôi. Bố nhắc:
– Cố gắng nhé, trăm sự thành bại đều nhờ cháu đấy!
Rẫy của nội cách rẫy của cô Kim một con suối nhỏ – Kim là cô gái hiền lành, cũng là mẹ tôi bây giờ – Bà nội rất thân với bố mẹ Kim. Ông cụ có vẻ ưng bố. Ông thường nói với con:
– Nó bị vậy chứ học hành cao, nói chuyện có duyên, đẹp trai nữa, hơn khối thằng đủ cả hai tay!
Sáng hôm sau, Tuyền chạy sang sớm, ra vẻ bí mật:
– Xong rồi chú ơi! Đầu heo quy ra tiền đấy nhá.
Bố đứng nghe mà chân tay run run. Lát sau, Tuyền đi ra ngõ, còn ngoái lại:
– Nhớ nhá, tối sang đi, cô ấy chờ đấy!
Bố vào nhà , nói với nội:
– Má ơi, nếu có người lấy con, má có đi hỏi không?
Bà cụ đang lần tràng hạt trên võng, nhỏm dậy:
– Hả, lấy ai? Ở đâu? Mày lấy ai má cũng đi hỏi cho!
Bố mím môi:
– Tối nay con sẽ nói.
Bà cụ lấy vạt áo lau nước mắt:
– Tội thân con tôi, sinh con lành, nuôi con què. Ông ơi, ông phù hộ cho con lấy được vợ hiền, ông nhá!
Đến chiều, bố đi làm về sớm, bồn chồn, đi ra đi vào… Trăng lên một lúc bố đi. Sáng sớm, bố sang thầm thì với nội một lúc lâu, nội gắt lên:
– Đã bảo sáng, đi lễ về là tao sang ngay! Tao còn mong gấp trăm lần mày ấy chứ!
Nội gật gù:
– Con nhà bố Liên thì nhất rồi. Hiền lành, đạo đức, chịu khó… Thằng vậy mà khôn!
Sau tin đồn bố lấy cô Kim, nhiều bạn của má tức tối , má nói:
– Chúng mày chê “nó”, tao cũng chê, “nó” ế à? Tội chết!
Bố mẹ sống rất hạnh phúc. Lấy vợ được gần hai năm, bố xin đi dạy học lại. Các con lần lượt chào đời. “Một bầy vịt giời con dễ thương làm sao!” Bố nhìn chúng tôi ngây ngất, mãn nguyện…
Mẹ hay kể, khi tôi lên bốn, Yến gần ba tuổi và Lan hơn hai tuổi; ăn cơm trưa xong, bao giờ bố cũng làm ngựa cho các con cỡi. Bố bò xuống, ba đứa leo lên lưng, ôm cổ, nắm hai tai, nắm tóc, chân thúc vào bụng, ra lệnh cho ngựa… phi! Bé Lan nhìn bố, “phát hiện” nói to:
– A, con ngựa què!
Cả nhà phì cười. Ngựa què lặc lè, lồm cồm, lê lết chở các tiểu cô nương quanh bàn được bốn, năm vòng thì mệt quá và lăn ra… “chết”! Tôi chạy vào buồng lấy chiếu ra đắp cho ngựa như nấm mồ. Cả ba đứa cười khúc khích, mệt, ôm nhau ngủ khì. Ba vạch chiếu, rón rén đi tắm, mặc quần áo, đạp xe đi dạy. Nội lặng lẽ ngồi quạt cho các cháu, mẹ đi giặt đồ. Khi tôi lên lớp bảy, thì bà nội mất trong sự yêu thương, tiếc nhớ của cả gia đình.
Bây giờ chúng tôi đã khôn lớn cả, đều có chồng con, cuộc sống ổn định. Bố mẹ tuy cao tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh. Một hôm, tôi kể chuyện “con ngựa què” cho con nghe, nó lặng thinh nhìn tôi. Tối chủ nhật vừa qua, chúng tôi đến thăm ông bà ngoại. Thằng bé mon men đến bên ông, nó nâng cánh tay bị thương của ông lên nhìn chăm chú và hỏi:
– Sao tay của ngoại không mọc ra? Cháu nghe mẹ kể ngày xưa ông “phi” khoẻ lắm phải không ạ?
Ông cười rung rinh hàm râu, bế cháu lên, thủ thỉ:
– Ừ, ông lúc nào cũng “phi” khoẻ, nếu người cỡi là những thiên thần, là người đem hạnh phúc đến cho gia đình, cháu ạ!
Thằng bé nhìn ông, rồi nhè nhẹ nâng cánh tay lên áp vào má. Hình như có những giọt long lanh đang trào ra từ đôi mắt của mẹ tôi…
Đỗ Văn Tích