Lời Của Ba*
Mẹ tôi mất khi em gái tôi vừa biết đi lũn đũn, nhưng giọng nói của nó thì khá rõ ràng. Cái chết của mẹ tôi không hề gây một chút cảm xúc đau buồn gì về nó; có lẽ nó còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là giờ phút đau thương nhất của một kiếp người! Thương cho ba tôi, hễ có công chuyện gì thì thôi, nếu không, thì cứ hai tay ôm hai anh em tôi vào lòng, vừa hôn vừa khóc. Những lúc đó, em tôi thường lấy bàn tay bé bỏng của nó mà quệt nước mắt cho ba tôi, nói:
– Sao ba nhại (lại)… khóc dậy (vậy)? Má chết dui (vui) quá… hén ba? Hồi nãy, ông đó hổng cho con đánh trống… Chừng ba chết, ba cho con đánh trống hén?
Sau lời ngây thơ của em tôi, ba tôi khóc ồ một tiếng đau thương, trong khi mọi người xung quanh đều lắc đầu, cảm động.
Ba người chúng tôi đùm túm trong một căn nhà xiêu veo nằm trong một hẽm sâu.
Tối đến, chúng tôi co cụm trong một cái mùng rách được vá bằng cách dán bằng nhiều tờ giấy lịch. Em tôi còn nhỏ nên ưu tiên nằm gần ba, được ba xoa đầu, gãi lưng, ru ngủ. Câu ru ngủ đầu tiên luôn là: “Ầu ơ… Gió mùa thu ba ru con ngủ…. Ầu ơ… Năm canh dài…. năm canh dài… ba thức đủ năm canh… ầu ơ…”
Ba tôi làm nghề phụ hồ nên tiền thu nhập cũng “khi mưa khi nắng”, ba lại không đi làm xa vì không thể bỏ anh em chúng tôi ở nhà mà không ai trong nom nên tiền thu nhập lại càng héo hắt. Nhưng bù lại, ai kêu gì ba làm nấy nên anh em tôi cũng được ngày hai bữa cơm canh. Trong mâm ăn, tôi luôn được ăn trước với em tôi (ba đút cơm em). Đến khi chúng tôi no nê, thì ba mới gỡ từng miếng thịt nhỏ dính trên xương cá, vét chút cơm thừa, sú vào tô canh vốn chỉ còn le hoe vài cọng cải mà ăn. Không ít lần chúng tôi ngon miệng, ba vét từng hột cơm cuối cùng cho anh em tôi; những lúc đó, ba nhịn ăn đi làm. Khi ấy, tôi lại còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được thế nào là sự hy sinh của người cha, mà xem đó như là chuyện thường tình!
Suốt hai mươi năm như vậy, ba tôi như con gà trống chịu mưa chịu nắng bươi quào bao đống rác của đời để tìm con trùn con dế nuôi con khôn lớn.
Ngày em tôi đậu vào đại học, có lẽ là ngày vui nhất trong đời ba, nên ba viết cho chúng tôi lá thư lời lẽ đầy hân hoan:
“Hai con yêu của ba,
Có lẽ nhờ hương hồn má con phò hộ mà con gái út của ba nay cũng đã đậu vào đại học; đồng thời tình cờ ba lại được người bạn cũ kêu ba xuống Cà Mau giúp việc, và lương tháng rất hậu hỉ. Như vậy là thu nhập của ba cũng khoẻ rồi và hai con cũng không còn lo tiền học, tiền nhà trễ nải nữa. Có điều, ba tháng ba mới được về thăm nhà một lần. Vậy khi chừng nào có thư ba, các con hãy về thăm ba các con nhé!
TB: Tâm con,
Ba đã gởi cho hai con năm chục triệu đồng, vài ngày chắc con nhận được. Số tiền nầy sau khi đóng tiền học xong, còn dư bao nhiêu, con mua cho em con chiếc xe coi được được. Tội nghiệp em con, nếu không có sự may mắn nầy, không biết bao giờ ba mới mua được xe cho em con!
Thế mà chỉ nửa tháng sau, chúng tôi phải về vì ba mình qua đời!
Ba tôi vừa được liệm xong thì có một người dáng giàu có, trịnh trọng đến thắp hương cho ba tôi, rồi đưa cho tôi hai trăm bảy chục triệu đồng, nói: “Anh nhà đây là ân nhân của mẹ tôi, nay tôi thay mặt mẹ tôi trả ơn…”
Tôi chưa kịp hỏi đầu đuôi thì người đó vội vọt ra cửa trước sự sững sờ của mọi người.
Kha Tiệm Ly
(tựa bài viết được sửa lại cho phù hợp)