Cn 18 a : Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn

 

Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn
Mt 14,13-21

Jude Siciliano, OP
Anh em Nhà học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Cn 18 a : Chính Anh Em Hãy Cho Họ ĂnThưa quý vị,

Một người bạn của tôi làm cha sở ở vùng Raleig, Giáo phận Bắc Carolina. Cha nói với tôi rằng sau vụ tấn công ngày 11/9 người ta bắt đầu đến nhà thờ sau khi tan sở, sau giờ học ở trường Đại học, trường của xứ và khu vực lân cận. Trong lúc buồn khổ, có cái gì đó kéo chúng ta lại với nhau; chúng ta thích ở với những người có cùng cảm nhận như chúng ta.

Khi buồn khổ, chúng ta không hề muốn ở với những người hạnh phúc. Khi cha mẹ của tôi lần lượt qua đời cách nhau chưa đầy một năm, những tháng ngày sau cái chết của các ngài, nếu có ai đó nói về cái chết của người thân của họ, tôi có thể bật khóc. Chính nỗi đau của mình giúp chúng ta nhạy cảm hơn với nỗi đau của người khác và điều đó kéo chúng ta lại gần nhau. Một người bạn theo giáo phái Baptist nói với tôi rằng: “Khi mẹ của tôi qua đời, người ta làm những việc mà những người theo phái Baptist thường làm, họ mang thức ăn tới. Chúng tôi quy tụ rất đông và có rất nhiều thức ăn – bạn có thể làm được gì nữa?” Đó có lẽ cũng giống như có “rất nhiều” thức ăn trong Tin mừng hôm nay.

Ngay phần mở đầu bài Tin mừng hôm nay đã có một giọng điệu riêng. Đức Giêsu nghe biết về cái chết của Gioan Tẩy Giả. Một nhân vật quan trọng đã qua đời. Một người đã can đảm lên tiếng đầy uy quyền, như một số người tin tưởng, là đấng Mêsia. Chúng ta biết tương quan của Gioan đối với Đức Giêsu – hai người là anh em họ. Quý vị còn nhớ Đức Maria đã đến thăm bà Êlizabet ở đầu sách Tin mừng không? Khi hai người gặp nhau, bà Êlizabeth đã nói với Đức Maria rằng đứa trẻ nhảy lên trong lòng bà. Cứ như thể mối tương quan của các Ngài trở lại ngày còn trong lòng mẹ. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trước Đức Giêsu và, như nhiều người cho rằng, lúc đầu Đức Giêsu là môn đệ của Gioan. Thánh Gioan đã rửa tội cho Đức Giêsu tại sông Giođan, để khởi đầu cho cuộc đời sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Thánh Gioan là một người quan trọng, xét ở nhiều cấp độ, trong cuộc đời của Đức Giêsu.

Vì thế, khi Đức Giêsu nghe tin Gioan chết, Ngài lánh đi đến một nơi hoang vắng riêng biệt. Đó là một thái độ trước nỗi đau thương, muốn được một mình. Nhưng Ngài không phải là người duy nhất bị cái chết của thánh Gioan tác động. Đám đông bị mất người lãnh đạo anh dũng của họ. Nếu người ta có thể giết Gioan Tẩy Giả, thì hỏi ai có thể được an toàn? Tất cả đều có thể bị tấn công – kể cả chính Đức Giêsu.

Nhưng Đức Giêsu không thể ở một mình, còn đó cả một đám đông mà Tin mừng đôi khi xem giống như “đàn chiên không người chăn dắt”. Khi Đức Giêsu thấy đám đông, “Ngài chạnh lòng thương”. Từ “chạnh lòng” có vẻ như chiếu cố. Chúng ta nói: “tôi không muốn ai thương hại!” Hay, khi nóng giận ta hay nói “thật đáng thương hại”. Đây không phải là lời khen ngợi hay chúc mừng, cũng chẳng phải là tình cảm thương mến hay quan tâm. Nhưng trong Kinh thánh, thương xót hàm ý một tình cảm sâu xa. Có lẽ một từ hay hơn có thể là “động lòng trắc ẩn”.

Trong Sách thánh, lòng trắc ẩn mô tả một tình cảm gần gũi gắn bó; một động thái tự nhiên từ sâu thẳm. Giống như người mẹ cảm nhận về đứa con trong lòng mình cách tự nhiên theo bản năng. Bà của tôi có một câu nói của người Ý có thể được dịch ra như sau: “Người mẹ hiểu được đứa con của mình dù nó im lặng”. Người mẹ “cảm nhận” được con mình muốn gì và cần gì ngay cả trước khi nó nói lên điều đó. Hoặc, giống như một lần một người cha nói với tôi. Khi ông đang trên đường đi làm về thì đứa con gái bốn tuổi chạy ra đón ông. Cô bé trượt chân té và ông ấy nói với tôi: “trước khi con bé chạm vào nền xi măng thì tôi đã cảm thấy nó bị đau”. Lòng thương.

Nhạy cảm với nỗi đau của người khác là bản năng tự nhiên, đó cũng là những gì Đức Giêsu cảm thấy khi Ngài nhìn thấy đám đông kh người bước khỏi thuyền. “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.”

Những người đau khổ hoặc thua thiệt thì có khuynh hướng tụ họp với nhau – như đám đông ngày ấy trước mắt Đức Giêsu. Các môn đệ có vẻ như muốn tránh xa đám đông. “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Nghe ra có vẻ như các ông hơi hà khắc, nhưng có vẻ không hẳn thế. Nếu các ông là các môn đệ, có thể các ông cũng có cùng một cảm giác như Đức Giêsu. Các ông có thể bắt đầu học được cách suy nghĩ và cảm như Ngài đã làm. Đó chính là điều mà người môn đệ thực hiện, là bản mô tả công việc của chúng ta – hãy học biết cách suy nghĩ và hành động như Đức Giêsu – để lớn lên trong lòng trắc ẩn.

Các môn đệ chắc đã phải cảm thấy ngợp trước những gì mình thấy, “một đoàn người đông đảo”. Làm thế nào các môn đệ ít ỏi này có thể dù chỉ là gọi tên những như cầu, thể lý và tinh thần, mà những người này đang chờ đợi? Làm thế nào mà các ông có thể giải quyết được?

Chúng ta cũng giống như các môn đệ ấy. Chúng ta nhìn vào cuộc đời mình, những người xung quanh và nhu cầu của thế giới. Có một “đám đông” người và những vấn đề cần kể ra: trong gia đình mình, công việc, những vấn đề về tài chính, tương lai của các con, bạn bè ở trường, nhu cầu sức khỏe và tinh thần của những người nghèo,… Như người môn đệ, chúng ta quan sát và cảm thông khi thấy quá nhiều những nhu cầu. Đó là cả một đám đông. Các môn đệ không vô tâm, chúng ta cũng vậy. Với biết bao những vấn nạn như thế cả ở trong đất nước chúng ta cũng như khắp nơi trên thế giới, chúng ta dường như cần một đội quân và các tổ chức lớn để giải quyết. Và chúng ta đúng, các tổ chức đó nên chỉ ra những vấn nạn về giáo dục, chăm sóc người bệnh, già nua, di dân, vô gia cư và cả những gia đình bị lụi bại về tài chánh,… Nhưng chúng ta cũng nên làm cái gì đó, như chúng ta nghe thấy lời vọng của Đức Giêsu nói với các môn đệ là chúng ta, “chính anh em hãy cho họ ăn”.

Tôi đã có một buổi nói chuyện với mục sư phái Baptist, một buổi nói chuyện có thể để lại cho quý vị cảm giác thất bại và không thể giúp gì được. Chúng tôi nói về các vấn nạn lớn, vấn đề của thế giới và của thành phố chúng ta đang sống đây. Tôi hỏi ông ta: “Mục sư làm gì với một nhu cầu lớn như thế?” Những lời của ông ấy đã đọng lại trong tôi và cho tôi một hướng đi. Ông nói: “Tôi xử lý góc nhỏ của mảnh vải ở gần tôi nhất”. Đó, quý vị làm gì đó tại đây và ngay bây giờ, rất nhỏ và tầm thường trong viễn cảnh của những vấn nạn của thế giới. Quý vị làm gì đó, dù chỉ như năm chiếc bánh và vài con cá trước đám người đông đảo.

Đức Giêsu không dựng cảnh khi Ngài đối diện với những người đang đói này. Ngài dùng những gì chúng ta có và qua chúng ta Ngài trao ban chính mình cho người khác. Cuối cùng thì cũng đủ cho mọi người – hơn cả đủ. Thiên Chúa có mối tương quan ruột thịt với chúng ta: chúng ta là con cái của Chúa và Chúa biết những đói khát của chúng ta trước cả khi chúng ta tỏ ra. Thực sự, Thiên Chúa biết cơn đói khát sâu thẳm nhất của chúng ta và biết cho chúng ta loại thức ăn nào. Thứ thức ăn đó quá đủ cho chúng ta – thức ăn của đời sống vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô.

Gần đây tôi đến một nhà thờ mà ở đó không đủ bánh thánh cho mỗi người lên hiệp lễ. Thế nên, tôi phải bẻ nhỏ bánh ra. Những mẩu bánh trông không lớn lắm; một số người lên rước lễ có bàn tay rất to nên những mẩu bánh trông lại càng nhỏ hơn và ít trang trọng hơn! Nhưng có ai thấy mình nhận được một Giêsu ít hơn không? Thưa không, Ngài trao ban tất cả mình Ngài cho chúng ta trong những mẩu bánh; chúng ta có thừa để ăn. Hôm nay, Ngài cũng trao ban trọn vẹn mình Ngài cho chúng ta, như Ngài luôn làm thế. Ngài giúp chúng ta nhìn theo cách mà Ngài nhìn, để có “tình cảm ruột thịt” với những người xung quanh. Ngài có thể khiến những nỗ lực của chúng ta tăng lên bội phần, dù là trong những việc nhỏ bé chúng ta làm cho những người đang thiếu thốn. Với sự hiện diện của Ngài thì sẽ có mọi thứ hơn cả đủ dùng.

 

Để lại một bình luận