Cn 17 a : Tìm được kho báu và sẵn sàng chia sẻ

 

 

Tìm được kho báu và sẵn sàng chia sẻ
Mt 13,44-52

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh em nhà học Gò vấp chuyển ngữ.

Cn 17 a : Tìm được kho báu và sẵn sàng chia sẻThưa quý vị,

Người bạn của tôi thuê một đĩa phim mang tên “Everest” và đề nghị tôi xem nó. Bộ phim đó được dàn dựng dựa trên một câu chuyện nói về việc leo núi thám hiểm không may khi thình lình một cơn bão kéo đến. Họ bị mắc kẹt, một số người chết và một người đàn ông, mà người ta cho là đã chết, lại sống sót nhưng những ngón chân và ngón tay của anh ta bị cụt vì lạnh giá.

Đối với tôi, đây dường như là một việc làm nguy hiểm và điên rồ, nhất là tôi lại sợ độ cao! Khi được hỏi: “Anh có leo núi nữa không?” thì người sống sót trả lời ngay: “Tất nhiên!” Người phỏng vấn anh ta hỏi: “Nhưng tại sao anh lại tiếp tục leo? Anh suýt chết trên núi kia mà!” Người leo núi đáp lại, “Anh phải ở trên đó. Khi ấy, mỗi phút giây của cuộc sống đều rất sống động và quý giá. Toàn bộ cuộc sống của anh sẽ bị ảnh hưởng từ kinh nghiệm trên núi. Anh sẽ thấy tất cả mọi sự, cả gia đình của anh, công việc và những chọn lựa cuộc sống, trong một phương diện khác. Anh sẽ ý thức hơn, một khi anh đã leo núi, và thấy không có gì là vĩnh viễn trong cuộc đời anh.”

Tôi không hiểu điều đó. Rõ ràng người leo núi có một lối nhìn khác về cuộc sống – thế giới thì ở xa tôi. Những người leo núi lắng nghe cuộc phỏng vấn thì thì gật đầu đồng ý. Dường như họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà tôi sống. Họ là những người ở bên trong còn tôi là người quan sát từ bên ngoài.

Có những điều xem ra cũng giống như cái năng động của kẻ bên trong người bên ngoài như thấy trong hai dụ ngôn mà Đức Giêsu kể cho các môn đệ của Ngài. Ngài có được kinh nghiệm về Thiên Chúa và cuộc sống mà Ngài chia sẻ điều đó với những kẻ “bên trong” những người bắt đầu hiểu cái nhìn của Ngài về cuộc sống và về Thiên Chúa. Khi Ngài kể những câu chuyện này cho những người đứng bên ngoài nhìn vào, họ không hiểu nổi. Đối với những người này, cac dụ ngôn chẳng có ý nghĩa gì và còn có vẻ như vớ vẩn. Nhưng đối với những người môn đệ như chúng ta, chúng ta có thể không phải là những học giả kinh thánh và còn lâu mới có thể được xem như người môn đệ hoàn toàn và hoàn hảo, nhưng chúng ta đã bước vào bên trong của nơi này để thờ phượng, để nghe bằng đôi tai đức tin và biết những gì Đức Giêsu đang mô tả. Đó là cách tin và lối sống mà dù có nguy hiểm, chúng ta cũng vẫn chấp nhận vì chúng ta biết điều đó là đúng. Những dụ ngôn này có một tri thức mà chúng ta không tự mình nắm bắt được.

Vì thế chúng ta lắng nghe những câu chuyện mà Đức Giêsu kể cho chúng ta hôm nay. Một người may mắn tìm được kho báu giấu trong ruộng. Khi anh ta tìm được kho báu, thì cuộc đời anh được thay đổi và có một sự hứa hẹn lớn lao, vì anh ta bán tất cả để mua thửa ruộng có chôn giấu kho tàng đó. Lại nữa, khi một thương gia tìm được một viên ngọc quý, ông đã đi bán hết tất cả những gì mình có để mua viên ngọc ấy. Cuộc đời ông thay đổi vì kho báu ông tìm thấy và không có hy sinh nào đáng để so sánh với kho tàng ấy.

Chúng ta giống như những người trong các dụ ngôn này, nhưng người đã hy sinh bản thân, vì những gì chúng ta tìm thấy thì đúng là tài sản giá trị nhất mà chúng ta từng có. Như bài thánh thư nhắc nhở chúng ta, chúng ta là những “bình sành”. Nhưng chúng ta chứa đựng những kho báu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ kho báu ấy. Chúng ta “mua toàn bộ thửa ruộng ấy”.

Chúng ta không sống theo những tiêu chuẩn thông thường quanh ta: chúng ta chọn sự thành thật, ngay cả khi điều đó không giúp chúng ta tăng thêm thu nhập trong công việc; chúng ta đối xử với mọi người, không chỉ với gia đình mình, bằng cử chỉ yêu thương, ngay cả khi người khác cho rằng những người này không đáng được đối xử tốt như thế; chúng ta trung thành trong hôn nhân và tình bằng hữu, dù cho thế gian xem những lời hứa, dù nói ra hay không nói ra, là hay viển vông; chúng ta giúp đỡ những người cần đến chúng ta, dù không mắc nợ họ điều gì; chúng ta có niềm hy vọng khi nhìn vào tương lai, dù cho còn đó bao điều có thể khiến chúng ta thất vọng; chúng ta tha thứ cho những người làm phiền mình, dù cho thế gian này cứ nhớ mãi những lầm lỗi,…

Tất cả những điều này chẳng mang ý nghĩa gì đối với những kẻ bên ngoài, họ không hiểu; cũng như việc leo núi Everest chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi, nhất là vì có một số người chết ở đó! Việc mạo hiểm như thế chẳng đáng. Nhưng khi Đức Giêsu kể câu những chuyện về việc tìm được kho báu và tìm được viên ngọc quý, tôi lại dám đánh liều và thậm chí có thể hy sinh nếu thấy cần để nhận được và chiếm hữu kho tàng ấy. Tôi biết rằng tôi đã tình cờ gặp được thứ rất quý giá mà tôi đã bỏ cả đời ra tìm kiếm, ngay cả khi tôi chưa nhận ra nó. Tôi đã tình cờ gặp được kho báu và tôi sẽ từ bỏ tất cả những gì giữ chân tôi lại không cho tôi ôm lấy kho tàng ấy – như hai người trong các dụ ngôn, họ đã bán tất cả để có được kho tàng mới tìm thấy.

Đó quả là liều lĩnh, có thể còn liều lĩnh hơn cả việc leo núi, vì tôi đã phải mạo hiểm và nắm lấy cơ hội nơi Đức Giêsu và những gì Ngài ban cho tôi mỗi ngày; đôi khi với những cách thức lớn lao hơn đòi hỏi nhiều hy sinh hơn. Nhưng thường thì, những liều lĩnh hàng ngày thì nhỏ nhoi thôi, nhưng liên lỉ. Tất cả vì kho báu. Thực ra, trong khi những thứ khác mà thế gian cho là giá trị như những lợi lộc cá nhân, tài sản, thời gian và những thú vui, tôi sẽ sẵn lòng để tất cả những “viên ngọc” đó qua đi bất cư khi nào tôi thấy chúng cản bước không cho tôi đạt được viên ngọc giá trị hơn tất cả những thứ khác.

Trong Kinh thánh, viên ngọc là biểu tượng của sự khôn ngoan. Và trong bài đọc một hôm nay, Salomon được cho chọn lựa bất cứ thứ gì và Chúa sẽ ban cho. Ông đã chọn và khẩn xin được khôn ngoan và đó là những gì ngày nay chúng ta cầu xin. Nếu ai đó hỏi chúng ta tại sao chúng ta lại quy tụ cử hành việc thờ phượng, chúng ta có thể trả lời: “Chúng tôi là những người đi tìm kiếm và đã thấy được kho báu và chúng tôi muốn ăn mừng về điều đó!”

Chúng ta cầu xin được khôn ngoan: để giúp chúng ta quyết định đúng đắn cho mỗi ngày; để biết những gì chúng ta phải từ bỏ để sống theo đường lối Thiên Chúa; để biết đâu là những điều chúng ta phải chọn để thích hợp với kho tàng chúng ta đang nắm giữ; để biết những thay đổi, dù là nhỏ nhặt, mà chúng ta phải thực hiện để cảm nghiệm hơn nữa về Thiên Chúa; để phải làm gì để xây dựng những mối tương quan tốt đẹp chúng ta đang có cũng như từ bỏ những tương quan đang phá hoại cuộc đời chúng ta; để biết đầu tư thời giờ và sức khỏe quý báu vào đâu để phục vụ Thiên Chúa, là kho báu của chúng ta. Như Salomon, chúng ta khao khát và cầu xin được khôn ngoan. Và cũng như Salomon, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta điều đó.

Tại sao chúng ta ở đây ? Vì chúng ta không muốn bị cám dỗ bởi những viên ngọc giả hay vàng dỏm. Điều đó không đáng. Chúng ta muốn cái thật trong cuộc sống chúng ta và chúng ta biết đó là gì. Chúng ta tình cờ gặp được kho báu và biết rằng không gì đáng giá bằng kho báu chúng ta đãm tìm thấy.

Đức Giêsu nói về “những kẻ bé mọn” trong Tin mừng. Họ là những người được ban tặng sự khôn ngoan, không phải dựa trên thành công, địa vị hay học vấn của họ. Những người đơn sơ này biết, như thể định mệnh, Đức Giêsu đang nói về điều gì và họ sống theo như sự khôn ngoan mà họ nhận được. Tôi còn nhớ một lần hỏi cha già của mình xem ông muốn gì trong lễ Giáng sinh. Cha tôi nói: “cha muốn một tấm thiệp Giáng sinh với chữ ký của mẹ con, của con cháu và cha muốn tất cả mọi thành viên trong gia đình xum họp quanh bàn tiệc Giáng sinh”. Lúc đó tôi đã làm linh mục được mười năm, nhưng vẫn còn biết bao thứ mà tôi phải học về kho báu và người cha 80 tuổi lại một lần nữa là thầy dạy khôn ngoan cho tôi. Ông đã tìm thấy “một viên ngọc quý” và đã chia sẻ cho tôi nhưng không.

 

Để lại một bình luận