Ngoại Hứa

 

 

Ngoại Hứa

Ngoại HứaTrong số cháu ngoại của tôi có hai đứa là “con cầu khẩn”. Cháu trai đầu là kết quả bao tiền của, công sức mẹ nó chữa bệnh vô sinh. Ba năm sau có thêm một cháu gái nữa dù chẳng chữa trị gì. Vui mừng với quà tặng bất ngờ của tạo hóa chưa được bao lâu, lúc tròn 23 tháng bé mắc bệnh hiểm nghèo ung thư mắt trái. Mẹ bé phải nghỉ việc để lo cho con.

Đầu tiên là phẫu thuật bỏ mắt. 20 năm lăn lóc một mình nuôi ba đứa con và cha mẹ, gian khổ, đắng cay không làm tôi ngã gục. Tôi tự tin mình sẽ là niềm an ủi cho con trong giây phút này nhưng vừa bước vào phòng hậu phẫu, nhìn con bé ghì chặt mẹ đau đớn khóc la, băng keo băng kín con mắt vừa móc bỏ, tôi không nói được một lời, nước mắt chảy dài, bước vội ra phòng ngồi gục đầu mặc con bé cứ kêu gọi ngoại. Lần đầu tiên tôi khóc như vậy, khóc hơn cả ngày mẹ tôi mất.

Đến phần hóa trị, mới toa đầu tiên mặt mày con bé xanh mét, không còn một giọt máu. Phải tiếp máu. Vô hóa chất nằm một chỗ từ sáng đến chiều vì vậy con bé rất thèm đi. Vừa rút kim ra khỏi tay là nó tuột xuống đi, đi thế nào lộn đầu xuống cầu thang, suýt chút nữa mất mạng. Lần đó hóa chất phá hủy trầm trọng cùng lúc hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu nên làm cháu bị choáng váng.

Rồi xạ trị, trẻ con được cho uống thuốc ngủ, đặt nằm vào một khung cây, băng đầu dính vào khung để tia xạ chính xác, nhưng chưa gì bé đã thức giấc. Bác sĩ dọa phải nằm im, bé nghe lời, được một lúc bé chợt cúi đầu. Ở ngoài phòng theo dõi mẹ con tôi muốn đứng tim, lỡ con bé xoay đầu tia xạ trúng nhằm mắt phải thì hỡi trời!

Gần một năm điều trị bé xuất viện cũng là lúc cha bé đề nghị ly hôn vì có người khác. Con gái tôi còn bị điều tiếng là muốn bỏ chồng, hai đứa bé không phải là con của anh ta.

Hụt hẫng không thấy cha, cháu trai đầu mới 7 tuổi đi tìm. Nhà ngoại ở quận 6, nó đi bộ đến nhà nội tận quận 10. Xe cộ thành phố dập dìu, lại một phen chúng tôi hoảng hốt. Rồi hằng tuần nó trông đến ngày nghỉ học để về nội, cho đến một hôm nó nghe mẹ chuyện trò với bạn dâu nhà bên ấy, nó buồn bã nói: “Con không về đó nữa đâu, con không phải là con của ba thì từ nay con gọi ba bằng chú”.

Nó cực kỳ hiếu động nhưng hiền lành, thương em và tốt bụng, tưởng nó bị bệnh tự kỷ nên dẫn đi khám, kết quả không bệnh gì mà còn thông minh. Thầy cô nào cũng khen nó học giỏi đặc biệt là môn toán. Trước ngày thi vào lớp 6, tôi luôn gần gũi dặn dò nó cẩn thận. Tôi không áp lực phải đạt điểm cao, chỉ khuyên nó thương mẹ ráng đậu trường công để mẹ đỡ vất vả đóng học phí.

Khi tóc mọc vừa kín đầu, cháu gái trở lại trường mầm non cũ, ngày đầu đi học về bé méc ngoại: “Bạn… chọc con mắt lồi”. Tôi vỗ về dạy nó đáp: “Không phải mắt lồi đâu, mắt con đẹp, con mắt ung thư bác sĩ lấy bỏ thùng rác rồi”. Tôi tập cho nó chấp nhận thực tế, tự tin, lớn lên ít nhiều giúp bé bớt đi phần nào mặc cảm bệnh tật của mình. Tôi đọc cho nó nghe tấm gương vượt khó của những người khuyết tật.

Vào lớp 1, cả lớp chăm chăm nhìn con bé, con mắt lành phát triển bình thường thì gọi là mắt lồi, bên xạ trị thì teo tóp mang con mắt giả cứng đơ, dưới mắt trẻ thơ trở thành con mắt đui.

Một hôm bé mang về một con búp bê xinh xắn, bé hãnh diện khoe thầy dạy nhạc chỉ cho mỗi mình bé, các bạn xúm xít quây quanh, bé ôm giữ cẩn thận quà tặng của thầy.

Phải có sức khỏe tốt để vượt qua căn bệnh này, ngoài ăn uống cần tập thể thao. Con gái tôi chọn cho bé môn bơi lội, vì nghĩ khi bơi thì đeo kính, bé sẽ tránh được cái nhìn soi mói, nhưng con tôi đã lầm, xuống nước mới đeo kính, lại những lời lẽ đáng buồn dành cho con bé. Nhiều lần nó hỏi mẹ: “Con đâu có đui sao các bạn gọi con đui hoài vậy mẹ?”. Nhiều lần nó hỏi tôi: “Chừng nào con mắt con nhắm lại được, chừng nào liếc qua liếc lại được?”. Tôi không trả lời qua loa như mẹ nó. Tôi khẳng định: “Mai mốt sẽ được, ngoại sẽ mua cho con một con mắt giống y hệt con mắt này, nó cũng thấy đường được nữa”.

Tôi luôn tìm hiểu qua báo, qua mạng những thông tin về mắt, mới đây tôi vui mừng khôn xiết trước tin con mắt sinh học cấy ghép cho người mù với điều kiện dây thần kinh còn nguyên vẹn. Mắt bé bị nạo vét, bị xạ trị không hiểu dây thần kinh có bị tổn thương? Tôi hi vọng, hi vọng mãnh liệt vào tiến bộ y học để thực hiện lời hứa của mình.

Trần Thị Liễu

 

Để lại một bình luận