Lễ Chúa Ba Ngôi : Ai tin thì được ơn cứu độ

 

Lễ Chúa Ba Ngôi

Ai tin thì được ơn cứu độ
Ga 3:16-18

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh chuyển ngữ.

Lễ Chúa Ba Ngôi : Ai tin thì được ơn cứu độThưa quý vị,

Làm sao Thiên Chúa có thể một mà lại ba được? Làm sao có thể ba và lại là một được? Làm thế nào Đức Giêsu hoạt động trong chính mình? Đấng nào là Thánh Thần; có phải là thần khí của Thiên Chúa? Hay thần khí của Đức Giêsu? Làm sao một Đấng đến với chúng ta, rồi ra đi và gửi một Đấng khác đến, như Đức Giêsu hứa sai Thánh Thần đến sau khi Người về trời? Đừng để cho những câu hỏi này làm nản nòng chúng ta. Bởi vì ngay từ ban đầu những vị thánh vĩ đại nhất và các học giả đã cố gắng tìm lời gải đáp cho những vấn đề này, và cũng đã tìm ra những chứng lý.

Chúng ta sẽ thật sự thất vọng nếu như chúng ta nghĩ rằng những đoạn Sách Thánh được chọn trong dịp lễ này giúp chúng ta “giải thích” Chúa Ba Ngôi. Lễ này không nhằm giải quyết một vấn đề; nhưng là cử hành mầu nhiệm của những cách thức tuyệt vời Thiên Chúa dùng để liên đới với chúng ta. Những cách thức đó rất nhiều, nhiều hơn cả những gì mà Sách Thánh có thể liệt kê ra. Nhưng tất cả những điều đó chưa bao giờ khiến các nhà Kinh thánh thôi tìm kiếm! Hôm nay, chúng ta có thể vẫn chưa giải thích được Chúa Ba Ngôi, nhưng chúng ta được Kinh thánh trợ giúp nên có thể ý thức hơn được Thiên Chúa của chúng ta là Đấng nào, Thiên Chúa liên đới với chúng ta ra sao và chúng ta làm thế nào để đáp trả trong mỗi ngày sống của chúng ta.

Tôi đã soạn bài giảng này sớm hai tuần. Tôi đang tận hưởng thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời sau chuyến đi du thuyết nên có giờ để xem trước về đại lễ này. Sáng nay, như thường lệ, tôi bật rađiô lên nghe trong khi thay đồ. Toàn tin xấu: 14 dân thường của Afghanistan bị thiệt mạng trong một đợt đánh bom của NATO; một nữ khủng bố bị giết khi đang cố ném lựu đạn vào đám đông; tình trạng hôi của, cướp bóc xảy ra tại một thành phố bị tàn phá bởi trận bão ác nghiệt ở Mỹ; những cuộc chiến của băng đảng ma túy ở Mexicô đã lan rộng xuống phía Nam đến Honduras và Guatemala,… Khi quý vị đọc tin tức, những chi tiết này sẽ còn thay đổi nhưng tiếc thay sẽ còn những tin xấu tương tự như thế.

Chúng ta, những thọ tạo trần tục, dựng nên những chướng ngại vật cách này hay cách khác. Chúng ta đặt những người đó sang một bên, còn chính chúng ta và những người như chúng ta sang một bên khác. Chúng ta để “họ” ở bên kia, như chúng ta thấy trong bản tin trong nước và tin quốc tế hôm nay. Chúng ta tránh xa những con người ấy, ghét bỏ và thậm chí giết chết họ. Sau hết, một kết luận hợp lý, họ đáng chết vì họ là những con quá xấu xa.

Nếu điều đó xảy đến với tôi và tôi có sức mạnh của Thiên Chúa, tôi sẽ trút giận lên tất cả những kẻ xấu xa trên đời này. “Thế là xong!”. Tôi sẽ giáng mạnh cái búa thần thiêng của công lý. Martin Luther có ý hướng như thế. Ông nói nếu ông là Chúa và biết những gì Thiên Chúa biết về thế giới, ông sẽ kết liễu tất cả và tống chúng vào lửa hỏa ngục. Nhưng ông không phải là Chúa, tôi cũng thế. Trong lễ kính Chúa Ba Ngôi chúng ta cần học lại xem Chúa là Đấng nào, và Chúa hoạt động ra sao. Chúng ta làm thế bằng cách hướng đôi tai đức tin lắng nghe Lời Chúa. Khác với cách nghĩ của chúng ta, Thiên Chúa hành động không giống chúng ta. Ngôi Lời dạy chúng ta rằng chúng ta được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và vì thế, chúng ta được mời gọi bắt chước Thiên Chúa mà Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta.

Ngay buổi đầu của cuộc xuất hành, Môisê đã nài xin Chúa, “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33,18). Chúa đáp lại: “”Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA… Nhưng ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (33,19-20). Thiên Chúa giấu Môisê vào trong một khe đá và che mắt ông khi Chúa băng qua. Môisê chỉ được phép xem thấy phía lưng của Đức Chúa (33,23). Rồi Thiên Chúa phán, và chúng ta cũng cần lắng nghe mô tả về Thiên Chúa, “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Vì thế, bên cạnh Môisê, chúng ta còn nghe nhiều lần Kinh Thánh nói về Đức Chúa. Đó chẳng phải là cách mà Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về Thiên Chúa đó sao, “Thiên Chúa quá yêu thế gian…”? Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn như thế và trung tín, bằng chứng là Người đã tặng ban Người Con cho chúng ta. Đây là lúc thuận tiện để cật vấn xem hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta và nơi các hành động của chúng ta thế nào rồi, so với mạc khải của Thiên Chúa mà Kinh thánh trình bày với chúng ta hôm nay và trong suốt hai bản Hipri trong Tân Ước?

Trong thư thứ II Côrintô, thánh Phaolô đã khích lệ cộng đoàn, “hãy sửa đổi lối sống của anh em”. Ngài hướng dẫn họ cách sống cùng nhau trong bình an và yêu thương. Mối quan tâm của ngài là vì sự hiệp nhất của giáo hội. Ngài biết rõ những bất đồng giữa các tín hữu Côrintô, những ngăn cách giữa giàu với nghèo, những người đạo gốc và những người mới theo. Tự mình họ không thể phản ảnh được bình an và sự hiệp nhất mà thánh nhân muốn nơi một cộng đoàn tín hữu. Nhưng ân sủng có thể giúp họ đạt được điều đó, nên ngài “cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần”.

Giáo hội của chúng ta ngày nay cũng có những căng thẳng mang tính con người như thánh Phaolô chứng kiến giữa các tín hữu Côrintô. Vì thế, khi nghe lời cầu nguyện của ngài, chúng ta cũng cầu nguyện như thế cho chính chúng ta. Thiên Chúa, Đấng mà thánh Phaolô khẩn cầu để chúc lành cho cộng đoàn Côrintô đang bị chia rẽ kia là ai? Thánh Phaolô xác tín rõ ràng rằng đó là Chúa Ba Ngôi hằng yêu thương chúng ta, không ngừng tuôn đổ hồng ân của Người trong Đức Giêsu, và qua Thánh Thần, là cội nguồn của sự thông hiệp của chúng ta với người tha nhân.

Bài Tin mừng hôm nay trình bày lại sứ điệp cốt lõi của Kinh Thánh: Thiên Chúa yêu trần gian. Thay vì giáng phạt con người vì tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa yêu chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Câu mở đầu của (3,16) là một tóm tắt toàn bộ sứ điệp Tin mừng, “Thiên Chúa quá yêu thế gian…” Chỉ trong vài từ ít ỏi, chúng ta diện đối diện với mầu nhiệm của việc Thiên Chúa là Đấng nào và ngày nay Thiên Chúa hoạt động hướng về chúng ta ra sao. Nếu quý vị có thể nhìn quả biết cây, thì chúng ta có thể học biết về Thiên Chúa nhờ những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta: Người yêu chúng ta và minh chứng tình yêu ấy bằng dấu chỉ cụ thể của cuộc đời Đức Giêsu. Tình yêu là cái khiến Thiên Chúa cảm thương và liên lụy với chúng ta. Và hơn thế nữa, Đức Giêsu cho chúng ta biết, Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời ngay từ bây giờ.

Đoạn Tin mừng hôm nay là từ một cuộc hội thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Đức Giêsu nói với Nicôđêmô  rằng chúng ta có thể tin tưởng nơi Đức Giêsu và những gì Người tỏ bày cho chúng ta về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta – hoặc chúng ta tự kết án chính mình nếu loại trừ Đức Giêsu. Nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Đức Giêsu chúng ta có sự sống đời đời. Chúng ta thường nghĩ “sự sống đời đời” như là một thứ gì đó bắt đầu từ lúc chúng ta qua đời và kéo dài mãi mãi. Nhưng đó không phải là sự sống đời đời như được mô tả trong Tin mừng Gioan. Đức Giêsu nói rằng ai tin thì “có sự sống đời đời”. Người nói ở thì hiện tại, và Người đang ban sự sống đời đời cho chúng ta ngay từ bây giờ.

Quà tặng “sự sống đời đời” trong cuộc sống của chúng ta thì như thế nào? Trước hết, đó là kết hiệp trong chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có sự mật thiết đó  với Thiên Chúa nhờ việc kết hợp với Đức Kitô và Thánh Thần trong bí tích Rửa tội. Chính sự liên kết này giải thoát chúng ta khỏi phải bị luận phạt. Trong Đức Giêsu, chúng ta có thể thấy được bản tính đích thực của Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng ta. Giờ đây chúng ta sống trong một thời đại mới, và đã vượt qua cái chết đến với sự sống. Đối với Gioan, Đức Giêsu là hồng ân cứu độ của chúng ta trong giây phút hiện tại và qua Thánh Thần, những người tin có thể nhận ra ân huệ của Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Không phải nhờ vào những nỗ lực của con người chúng ta, nhưng nhờ tin, chúng ta có được sự lạc quan, bình an và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Chúng ta cũng có đón nhận những thử thách mà đức tin đặt ra trước mặt chúng ta – trở thành khí cụ bình an và hòa giải cho tha nhân như Đức Giêsu đã từng ban cho chúng ta.

Đức Giêsu đã không muốn thấy bất kỳ ai bị luận phạt. Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy rằng một khi chúng ta nhận biết Đức Giêsu như Đấng quyết định phương hướng cuộc đời chúng ta, thì chúng ta sẽ xây dựng cuộc đời chúng ta dựa trên cuộc đời và các giáo huấn của Người. Người cho thấy trong chính cuộc sống của mình kết quả của việc tín thác vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta loại trừ Người chúng ta sẽ tự chuốc lấy án phạt (“Kẻ không tin, thì bị lên án rồi”). Được Thiên Chúa gửi đến, Đức Giêsu liên kết thời của chúng ta với vĩnh cửu. Trong Người tương lai của chúng ta được biến thành hiện tại.

Không hình ảnh nào có thể ghi lại hay diễn tả hết được sự thánh thiện và vĩ đại của Thiên Chúa chúng ta. Câu chữ nào có thể mô tả được Thiên Chúa? Thiên Chúa hiện hữu với chúng ta hơn cả chính chúng ta hiện hữu với mình. Thiên Chúa ở ngay tâm điểm của hiện hữu của chúng ta; là nguồn cội mọi sự của việc chúng ta làm ai và những gì chúng ta có thể thực hiện. Một nghịch lý mà hôm nay chúng ta phải chấp nhận trong Lễ kính Chúa Ba Ngôi này là: càng gần Thiên Chúa, chúng ta càng thấy mình xa lạ với thế giới và những cách thức của nó. Càng gần gũi và cảm thấy thoải mái với thế giới của mình, chúng ta càng xa lạ với Thiên Chúa mà Sách Thánh tỏ bày cho chúng ta.

 

Để lại một bình luận