Đón lấy ngọn lửa và sức sống mới của Thánh Thần

 

 

Đón lấy ngọn lửa và sức sống mới của Thánh Thần
Ga 20: 19-23

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh chuyển ngữ.

Đón lấy ngọn lửa và sức sống mới của Thánh ThầnThưa quý vị,

Khi tôi còn nhỏ tôi là một hướng đạo sinh. Những đứa trẻ thành thị chúng tôi thường gói gém hành trang lên đường đi đến đất trại ngay bên ngoài ranh giới của thành phố. (Một trong những buổi cắm trại đó là trên Đảo Staten, bên trong ranh giới của thành phố. Hãy tưởng tượng đến cảnh cắm trại trong những khu rừng của thành phố New York!) Một trong những đặc trưng của những chuyến đi cuối tuần là đêm lửa trại vào tối thứ Bảy. Chúng tôi luôn đốt một đống lửa sáng rực và khoảng 20 – 30 hướng đạo sinh cùng với huynh trưởng ngồi thật khuya quanh đống lửa cho đến khi chỉ còn những mẩu than hồng sót lại. Chúng tôi nói về các nhóm lửa trại đó trên đường về và vài tuần kế tiếp vẫn còn nhắc đến chúng.

Chúng tôi nhắc lại câu chuyện của huyng trưởng kể về Jesse Owens, một ngôi sao của điền kinh Olympic và những tranh đấu của anh chống lại việc phân biệt chủng tộc. Chúng tôi có thể tập hát cho những ai đã không thể cùng hiện diện với chúng tôi. Chúng tôi cũng có thể giúp các bạn ấy cách thắt nút dây mà chúng mà chúng tôi mới học được, và chỉ cho chúng biết cách làm thế nào để bắt đầu buổi lửa trại khi trời bỗng đổ mưa… Dĩ nhiên, trừ ngọn lửa trại ấy (!), còn lại những việc khác chúng ta vẫn có thể thực hiện trong buổi họp mặt hàng tuần dưới tầng hầm của nhà thờ, nhưng quả thật vẫn có cái gì đó đặc biệt về ngọn lửa trong rừng cũng như bầu khí mà ngọn lửa chúng ta ngồi quanh ấy tạo ra.

Có lẽ đó là lý do trong những đêm giá lạnh người ta thắp lên ngọn lửa trong lò sưởi, không chỉ để sưởi ấm mà còn là chính vì bầu khí mà chính ngọn lửa tạo nên. Và cũng có thể vì thế mà lửa là một trong những biểu tượng chính yếu của Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống cũng như trong Sách Thánh. Ơn huệ của Thánh Thần quy tụ chúng ta lại thành một Giáo hội, giống như ngọn lửa trại quy tụ các hướng đạo sinh chúng tôi. Không có Thánh Thần, các môn đệ bị phân tán và sợ hãi, giống như hai môn đệ trên đường Em-mau. Hoặc như họ có thể ở cùng nhau nhưng trốn trong căn phòng đóng kín các cửa vì sợ. Thật khó có thể là một cộng đoàn ra đi thi hành sứ vụ như Đức Giêsu đã mường tượng ra mà lại khép kín và sợ hãi.

Theo Công vụ Tông đồ, Hiện Xuống bắt đầu bằng lửa với các môn đệ đang ở cùng nhau. Đó mới là biểu tượng cho quy tụ của các môn đệ Đức Giêsu, vì lửa làm ấm lên, thêm sức lực, thanh tẩy và chiếu sáng. Đó chỉ là một ít trong số những gì lửa Thánh Thần có thể làm được, không chỉ ngày ấy mà ngay cả bây giờ. Giáo chức trong Giáo hội và cả cộng đoàn phụng vụ của chúng ta ngày nay cũng có thể hưởng dùng không chỉ một vài mà tất cả những ân huệ của Thánh Thần. Trong Giáo hội sơ khai, cũng như hôm nay, vẫn có đó những bất đồng, ngờ vực, bảo thủ, tội lỗi và sợ hãi, …

Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh thì hoành tráng và hào hứng hơn là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ta không thấy có những trang hoàng trong nhà thờ, ngoài đường phố hay trong các cửa hiệu như hai dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không làm cho các em nhỏ hào hứng, mà có lẽ cả người lớn cũng chẳng mấy hứng thú gì. Làm gì có những món quà trao tay, các bữa ăn gia đình hay tiệc tùng ở công ty, trường học? Việc tham dự thánh lễ ở nhà thờ này không làm cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nổi bật lên như hai dịp lễ kia. Trong thế giới trần tục, nhất là trong nền công nghiệp quảng cáo, người ta bỏ qua Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Họ có thể bán gì cho chúng ta đây? Hầu hết mọi người ngồi trong nhà thờ hôm nay có thể cũng nghĩ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chỉ như bất kỳ Thánh lễ Chúa Nhật nào khác trong năm thôi, chẳng hơn kém gì.

Quá tệ phải không! Vì Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là mừng năng lực, sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho Giáo hội và cho cả đời sống tinh thần của chúng ta nữa. Có lẽ sự thiếu vắng những dây kim tuyến lấp lánh của Lễ Giáng Sinh hay việc săn trứng Phục Sinh có thể giúp nhấn mạnh hơn những gì chúng ta cử hành hôm nay: sự hiện diện sinh động của Thánh Thần Chúa giữa chúng ta. Cứ bình tĩnh, chúng ta có thể thấy được dấu hiệu của Thánh Thần vẫn đang hiện hữu sống động giữa chúng ta.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, từ “Ruah” được dùng để nói về Thánh Thần, quả không dễ gì dịch qua tiếng Anh hay tiếng Việt. Đôi khi nó có nghĩa là gió, là hơi thở, thần linh,… Nhưng từ những dòng mở đầu của Sách Thánh bản Hi-pri, sự hiện diện của Thánh Thần đã rất rõ ràng và giữ vai trò then chốt. Thánh Thần hiện diện ngay chương đầu của Sáng Thế Ký, bay lượn trên cái hỗn mang thuở ban đầu. Việc sáng tạo nên con người được mô tả khi Đức Chúa thổi vào cục đất sét hơi thở của sự sống và con người bắt đầu sinh động. Khi những người một nào đó được kêu gọi đi thi hành sứ vụ, chẳng hạn như Môi-sê, thì  cũng được ban Thần Khí của Chúa. Thần Khí được đổ tràn trên các ngôn sứ để đốt lên trong họ nhiệt tâm vì Thiên Chúa và Lời Chúa. Ngay giây phút thụ thai, Đức Giêsu đã được đổ tràn Thần Khí. Trong suốt cuộc đời của Người, chúng ta thấy được dấu hiệu sức mạnh của của Thần Khí hiện diện trong việc chữa lành và rao giảng của Người. Toàn bộ sách Công vụ Tông đồ tỏ bày cho chúng ta biết về thành quả của sự hiện diện của Thần Khí giữa các tín hữu đầu tiên. Hôm nay, chúng ta mừng kính, cử hành hồng ân của Thần Khí dành cho các môn đệ của Người – như Người đã hứa với họ. Cho đến ngày nay, Thiên Chúa không ngừng thổi hơi vào cục đất sét và ban cho nó sự sống.

Trong trình thuật của Tin mừng, Đức Giêsu đi bước vào trong căn phòng bị khóa kín nơi các mộn đệ sợ sệt đang tụ họp. Người thổi hơi trên các ông, nói lời chúc bình an và hòa giải với các ông như một sự đảm bảo chắc chắn rằng các ông đã được hòa giải và vẫn ở trong tương quan tốt đẹp với Người. Rồi Người sai các ông mang bình an và ơn tha thứ đến với những người khác. Nhưng các ông biết rõ là tự mình không thể làm được điều này, vì các ông vẫn chỉ là cục đất sét. Vì thế, trong Tin mừng Gio-an, nếu như Chúa thổi hơi vào cục đất sét trong Sách Sáng Thế và làm cho con người đầu tiên nhận được hơi thở sự sống thế nào thì Đức Giêsu thổi hơi trên các môn đệ của Người cũng giúp họ có thể thực hiện những gì mà tự sức mình con người không thể làm được. Đất sét là Giáo hội thời đầu đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa và trở nên một Giáo hội sinh động với nhiệt tâm rao giảng Đức Giêsu bằng mọi thứ ngôn ngữ trên thế giới! Ai mà có thể ngờ được các môn đệ được Đức Giêsu thổi Thần Khí của người trên họ lại có một đời sống mới như thế!

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta được ban cho cũng một Thần Khí ấy. Chúng ta không lãnh một lượng Thần Khí ít hơn, như thể các môn đệ ở trong căn phòng trên lầu đã lãnh “đồ thật” còn chúng ta thì lãnh cái gì khác, một phiên bản đổ nước. Những khốn khó mà chúng ta đón nhận để trung thành làm chứng cho Đức Giêsu và Tin mừng của Ngưới thì cũng khủng khiếp không kém hơn nơi các môn đệ, những người đã rời căn phòng khi đã lãnh nhận hơi thở của Chúa và bước ra làm chứng với đám đông dân chúng đang quy tụ ở đó vì “tiếng động như tiếng gió mạnh”.

Đám đông bị thu hút bởi sự náo nhiệt đó thuộc nhiều thành phần khác nhau: dân địa phương cũng có và cả những người từ phương xa đến; kẻ phú gia cũng như hạng cơ bần; người gốc Do-thái giáo cũng như người mới cải đạo. Trong trình thuật ở Công vụ Tông đồ, thánh Lu-ca đã làm sáng tỏ rằng chướng ngại cũ của những phân biệt, chia rẽ bắt đầu sụp đổ. Sự hỗn độn của tháp Babel nay được đảo lại, và với ân huệ của Thần Khí cho tất cả mọi người, bình minh của một thời đại mới đã ló dạng. Một giáo xứ ở phía Nam có treo một biển báo ở lối ra của bãi đậu xe. Biển báo quay về hướng các giáo dân đang chuẩn bị lăn bánh. Trên đó viết rằng: “Bạn đang tiến vào sứ vụ của miền”.

Điều đó khiến bạn muốn ở lại trong nhà thờ, đúng không? Ngoài kia là cả một thế giới rộng lớn đáng sợ. Và nó cũng đủ để kiểm chứng sự dấn thân của chúng ta cho Đức Kitô trong những cách thức tài tình và chu đáo. Tại sao lại không cắm trại ngay bãi đậu xe hay trong hành lang của nhà thờ ấm cúng và an toàn? Chúng ta không thể làm thế, vì chúng ta có một hơi thở mới trong mình. Đó chính là hơi thở của riêng Đức Kitô đã đưa Người vào trong trần gian để thi hành sứ vụ. Nó không miễn cho Người khỏi phải mệt mỏi, đau đớn, và bị chửi rủa cũng như phê phán. Chúng ta cũng đừng mong mình chịu đựng ít hơn thế vì chưng chúng ta cũng có những gì Người đã có – hơi thở và ngọn lửa của Thánh Thần.

Trong Công vụ Tông đồ, thánh Phao-lô và thánh Gio-an cho chúng ta biết về những hình dáng đầu tiên của Thánh Thần. Nhưng, trừ khi chúng ta có những câu chuyện hiện đại để kể, Thánh Thần là thì quá khứ, chỉ là một kỷ niệm từ một “thì đơn giản hơn” trong đời sống Giáo hội. Liệu chúng ta có thể nghĩ đến những câu chuyện hiện đại của những người bình dân tỏ ra cho thấy dấu hiệu của việc đón nhận hơi thở của sự sống của Thần Khí hay không? Một nữ tu 75 tuổi mở một nơi cư trú cho những gia đình bị ngược đãi; một người mẹ đơn thân nuôi nấng hai đứa con của mình, vậy mà vẫn tình nguyện nấu cơm cho nhà xứ; một cha xứ luôn sẵn sàng giảng cho chúng ta; thanh thiếu niên và cha mẹ của chúng tham gia hát trong ca đoàn; các sinh viên hy sinh kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh của mình để đi giúp sửa lại những ngôi nhà ở Appalachia; Huynh Trưởng Hướng Đạo dành thời gian rảnh rỗi để đi cắm trại với giới trẻ của giáo xứ, một chủ doanh nghiệp nhỏ đảm bảo các công nhân của mình làm việc an toàn và được bảo hiểm sức khỏe, dù chị phải chi trả đến cạn vốn,… Đó, quý vị đã thấy chưa.

Chúng ta cũng cần phải dùng đúng về văn phạm: Thánh Thần không chỉ là thì quá khứ nhưng cũng là thì hiện tại nữa. Về toán học cũng cần chính xác: Thánh Thần của Tân Ước cũng bằng với Thánh Thần của thời đại và những hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Về mặt màu sắc: Thánh Thần không thuộc về duy một sắc tộc nào, nhưng là cho mọi màu da. Về ngôn ngữ: Thánh Thần không chỉ nói một thứ tiếng nhưng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Về nơi chốn chúng ta cũng phải chắc chắn: Thánh Thần không chỉ thuộc về nơi nằm phía sau cánh của bị đóng kín, nhưng còn ào ra khắp thế giới. Nếu Thánh Thần không bị giới hạn, vậy làm sao chúng ta có thể biết Thánh Thần đang hiện hữu nơi nào? Hãy giữ cho đôi tai và cặp mắt luôn mở rộng để đón ngọn lửa và hơi thở của sức sống mới.

 

Để lại một bình luận