Chúa nhật 06 PS – năm A
Hãy sẵn sàng trả lời về niềm hy vọng
Ga 14,15-21
Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đa Minh Chuyển Ngữ.
Kính thưa Quý vị!
Điều tôi khiến tôi ngỡ ngàng trong bài đọc Công vụ Tông đồ hôm nay là việc những người Samari đón nhận lời giảng của ông Philipphê và sau đó tiếp đón ông Phêrô và ông Gioan khi các Người đến để xem chuyện gì đang xảy ra tại Samari. Người Samari và người Dothái là những cừu địch không đội trời chung; vậy mà, người Samari chấp nhận những nhà giảng thuyết đến từ Giê-ru-sa-lem và cả Đức Giêsu mà các ông rao giảng.
Hãy hình dung xem cộng đoàn Kitô hữu gốc Dothái buổi đầu đã phải làm sao để thích nghi với những Kitô hữu gốc Samari ở giữa họ! Chẳng phải Gioan (cùng với Giacôbê) là những người đã muốn Đức Giêsu gọi lửa từ trời thiêu cháy làng Samari đã dám từ chối đón tiếp các ông hay sao (Lc 9,4)? Tin mừng trong câu chuyện này là việc thù địch cũ nay được hiệp nhất nhờ tin vào Đức Kitô. Sự khoan dung và hòa giải là hoa trái của sự hiện diện của Thần Khí ở giữa các Kitô hữu tiên khởi–nhưng, hãy hy vọng, không chỉ “người xưa”, mà cho cả chúng ta nữa!
Theo lối nhìn cực đoan của người Dothái, người Samari là người ngoại giáo; nhưng Thiên Chúa nhất định tặng ban ân sủng nhưng không cho những người trước đây đã bị loại trừ. Những người xa lạ giờ đây thành thân thiết. Tất cả đều được Thiên Chúa chọn để nhận lãnh ân ban của Chúa và trở thành anh chị em với nhau qua phép rửa họ lãnh nhận. Điều Đức Giêsu hứa trong bài Tin Mừng hôm nay đã được ứng nghiệm – Đấng Bảo Trợ, Thần khí Sự thật đã được ban cho chúng ta. Bây giờ tất cả chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô – không còn là trẻ mồ côi nữa nhưng là con cái Thiên Chúa. Trong cộng đoàn chúng ta không có ai là “người ngoài”; không ai là “người đến sau”, hay giáo dân hạng hai nữa..
Khi nhìn xung quanh cộng đoàn sáng nay, có ai bị chúng ta hay giáo dân trong xứ đã xem là người Samari, những người ít tham gia cầu nguyện với chúng ta nhất? Nhưng họ đang ở ngay đây! Chúng ta không thể coi như không có, đặc biệt nếu họ, giống như những người Samari, tỏ cho thấy dấu chỉ của một đời sống của Thần khí. Chúng ta phải hoan nghênh và trân trọng lẫn nhau; không ai là hèn kém hơn trong mắt Thiên Chúa, trong cộng đoàn của chúng ta cũng vậy. Thánh Phêrô hôm nay mời gọi chúng ta “hãy sống ngay chính trong Đức Kitô”. Chúng ta có thể làm gì để sống tốt hơn trong vai trò là một Kitô hữu, với những khác biệt của quá khứ và hiện tại, nếu như đó không phải là được hiệp nhất như một cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô?
Một “vấn đề” trong bài đọc sách Công vụ Tông đồ hôm nay sẽ làm cho những người giữ đạo cách sốt sắng phải bối rối. Vấn đề này xuất hiện trong phần thứ hai (8,14-17); nói về phép rửa và ân huệ của Thánh Thần. Các Kitô hữu chính thống hơn yêu cầu một Phép rửa của Thánh Thần để hoàn tất Phép rửa. Các Kitô hữu sơ khai đã thấy Thần Khí đang hoạt động qua những dấu chỉ rất rõ bên ngoài (nói tiếng lạ, xuất thần,…) Vì vậy, họ đòi được thấy những dấu chỉ này như là chứng thực cho sự hiện diện của Thánh Thần. Thánh Phaolô đã phải đắn đo về việc làm sao để nói về những kiểu diễn tả Thần Khí của cộng đoàn Côrintô. Trong khi khen ngợi những ân huệ này, Người cũng cho thấy họ gây ra ganh đua, bè phái và chia rẽ Hội thánh thế nào. Hãy nhớ Người đã nhấn mạnh trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1Cr 13,13)”. Trong truyền thống Giáo hội, chúng ta có thể nhận thấy việc các tông đồ đặt tay trên những người Samari và cầu nguyện để Thần Khí xuống trên họ là hình ảnh tiên trưng của việc cử hành Bí tích Thêm sức.
Bài Tin Mừng hôm nay chọn lọc từ “Diễn từ ly biệt” của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong đêm trước khi Người chết. Người chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình. Người nói với họ: nếu yêu mến Người thì họ hãy giữ các điều răn của Người. Đó là điều bạn mong muốn một lãnh đạo tôn giáo nói trước lúc ra đi: “Đây là nguyện ước và lời chúc cuối cùng của tôi”. Hoặc “Đây là những lời cuối tôi nói với anh chị em – xin đừng quên!” Nhưng tôi muốn hỏi, “Đâu là sách những điều răn mà Đức Giêsu để lại? Hãy lật ra và kiểm tra xem chúng ta đã thực hiện thế nào”.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng, chỉ trước lúc rời khỏi các môn đệ, Đức Giêsu mới đưa ra những giáo huấn cho các tông đồ. Đó không phải là cách Người đã sống cả đời với các ông. Chúng ta không có một quyển cẩm nang để nhớ về Người và để chỉ dẫn chúng ta. Chúng ta có danh sách các lối ứng xử của thích hợp của học sinh khi còn ở tiểu học. Có lẽ bây giờ, trong công việc, chúng ta có một danh mục những quy định và hướng dẫn mà nhân viên phải tuân theo nếu họ muốn tiếp tục làm việc. Nhưng chúng ta không có thứ sách luật về Đức Giêsu. Chúng ta biết Người muốn chúng ta yêu thương người khác như Người yêu thương chúng ta; tha thứ và hy sinh cho những người cần chúng ta — ngay cả khi họ không xứng đáng — như thế là Người ở với chúng ta. Làm sao quý vị có thể viết điều đó vào quyển sách cẩm nang hoặc viết điều đó vào danh sách các điều răn? Đức Giêsu mời gọi chúng ta làm hơn những gì luật đòi hỏi. Luật quy định những điều tối thiểu chúng ta phải giữ. Nhưng tình yêu của Đức Giêsu phá đổ những luật lệ trói buộc và cho chúng ta được tự do yêu thương – ngay cả kẻ thù của chúng ta.
Lúc tôi viết những điều này thì người dân Hoa Kỳ đang mừng vui vì cái chết của Osama bin Laden. Ông là một người dễ sợ, đã gây đau khổ cho hàng chục ngàn sinh mạng – đó là những nạn nhân của ông, người thân yêu của các nạn nhân và những người phải chịu đựng các cuộc xung đột chiến tranh, những hành động bạo lực là hậu quả từ những hành động ông gây ra. Tôi ở New York vào ngày 11-09 và từ phía bên kia thành phố quý vị có thể thấy và cảm nhận được những toà nhà đang cháy cùng với con người và những gì bên trong toà nhà ấy. Giáo xứ tôi đã tổ chức 25 thánh lễ an táng trong những tuần lễ đó.
Trong một blog gần đây dành cho tạp chí “America”, (đăng vào ngày 02-05-2011) Jame Martin, S.J. đã chia sẻ ký ức của ông về việc mục vụ cho những người sống sót, các gia đình của nạn nhân, nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế bên cạnh Trung tâm Thương mại Thế giới. Ông nói điều đó trong khi ông “không mù quáng đối với cái chết và lời tuyên bố do Osama bin Laden gây nên”, chúng ta là người Kitô hữu đang mừng mùa Phục Sinh khi Đức Kitô, một nạn nhân vô tội của bạo lực, đã trỗi dậy từ cõi chết. Đức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ, “không phải chỉ bảy lần…. nhưng bảy mươi lần bảy.” Nói cách khác, sự tha thứ không đòi hỏi số lần và thời gian. Cũng không chỉ dành cho một ít người nhưng cho tất cả mọi người.
Sự tha thứ là đức tính khó nhất, nhưng là trách nhiệm quan trọng đối với tất cả Kitô hữu. Bin Laden đã bị giết vào ngày Đức Gioan Phaolô II được tôn phong chân phước. Lúc đức Thánh Cha xuất viện sau khi bị ám sát, ngài đã đến nhà tù thăm Mehmet Ali Agca, một thành viên thuộc nhóm quá khích Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ý ám sát Người, để gửi đến anh sự tha thứ. Hình ảnh Đức Gioan Phaolô II nói chuyện với Mehmet trong nhà tù trở thành biểu tượng của của lòng khoan dung cho mọi người thuộc mọi niềm tin.
Chúng ta an tâm rằng Bin Laden không còn là mối đe doạ cho những người vô tội khác, nhưng Martin nhắc nhớ rằng: là Kitô hữu chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho ông và cuối cùng là tha thứ cho ông ta. Thật không dễ mà làm theo lời dạy đó. Chính Đức Giêsu đã không vô cảm trước bạo lực; nhưng Người đã tha thứ cho những người gây đau khổ cho Người. Đức Giêsu biết những gì Người đòi hỏi nơi các môn đệ. Tự sức mình, chúng ta không bao có thể thực thi những lời dạy của Đức Giêsu – nhất là giáo huấn về việc tha thứ.
Nhưng hôm nay, Người cho biết là Người không rời bỏ chúng ta và một ngày nào đó sẽ trở lại để xem chúng ta sống những lời dạy của Người như thế nào. Thay vì thế, Người nói với các môn đệ “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em”. Người hứa ban cho họ “Đấng Bảo Trợ khác”. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ đầu tiên được Thiên Chúa gửi đến. Bây giờ, Người nói với chúng ta Đấng tiếp theo là Đấng Bảo Trợ khác sẽ được trao ban, “Thần Khí Sự thật”, — là Thánh Thần. Thần Khí sẽ là sự hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng ta. Soi sáng cho chúng ta hiểu những lời của Đức Giêsu; nói cho chúng ta biết và giúp ta có thể sống như Người đã sống – như là những con cái của Thiên Chúa Tình Yêu mà Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.
Tình yêu mời gọi và giúp chúng ta bước theo con đường của Đức Giêsu. Thần Khí mà Đức Giêsu gửi đến cho chúng ta, đã đổ tràn trên chúng ta ý thức về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và lan tràn đến những anh chị em xung quanh – cả những kẻ thù của chúng ta. Người khác sẽ nhận biết từ cuộc của chúng ta những dấu chỉ về sự hiện diện của Thần Khí. Làm thế nào những dấu chỉ ấy có thể diễn tả rõ ràng hơn con đường tình yêu và tha thứ mà chúng ta sống?
Tuần sau là Lễ Đức Giêsu Về Trời. Cuộc ra đi Người đã chuẩn bị cho các môn đệ đến lúc diễn ra. Trước tiên, các ông sẽ thấy thiếu vắng Người. Sau khi Người ra đi, họ sẽ phải tất bật và phải sống cuộc đời Người đã chỉ dạy; nhưng không phải trước khi nhận lãnh món quà Đấng Bảo Trợ mà Người đã hứa ban. Trong Tin Mừng Gioan, sự việc này diễn ra lúc Người hiện đến với họ trong phòng tiệc ly sau cuộc phục sinh. Mỗi người biết chúng ta cần đến Thần Khí ấy biết bao, khi chúng ta sẽ diễn tả sự sống phục sinh của Đức Giêsu cho thế giới này. Vì vậy, đang khi mong chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy cầu nguyện với tư cách cá nhân và Giáo hội rằng: “Lạy Thánh Thần, xin ngự đến !”
Chúng ta những Kitô hữu, nhất là người Công Giáo, có dường như né tránh dùng từ ngữ “rao giảng Tin Mừng”, “làm chứng”, “chứng tá”,… Chúng có vẻ như hiện “ngay trên mặt.” Đó là điều chúng ta trông mong vào các nhóm tôn giáo chính thống nào đó. Ấy thế mà, hoa trái về sự hiện diện của Thần Khí sẽ biến đổi chúng ta thành chứng nhân về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Hôm nay tôi thấy lời khuyên của thánh Phêrô gửi các Giáo hội gốc Dân ngoại thật hữu ích khi ngài chỉ dạy họ: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em, nhưng phải trả lời với sự hiền hoà và với sự kính trọng…”
Thánh Phêrô biết Đức Giêsu thực hiện lời hứa ban Thánh Thần bởi vì Người có thể biết về sự hiện diện của Thần Khí nơi các Kitô hữu gốc Dân ngoại mà Người viết thư cho. Lời chỉ bảo của Người dành cho họ và cho cả chúng ta là sống sao cho khiến người khác phải thắc mắc về niềm tin của chúng ta. Giả định rằng cuộc sống của chúng ta phải đủ khác biệt để khơi lên những thắc mắc. Cách trả lời của chúng ta phải là sự trân trọng hoà nhã dành cho những người chất vấn.
Vì vậy, khi Osama bin Laden bị giết và chúng ta được hỏi về điều đó, chúng ta trả lời ra sao ? Hôm nay, tôi nghe một phụ nữ được phỏng vấn từ London. Cô có trong vụ đánh bom Xe điện ngầm London vào năm 2005 làm 50 người thiệt mạng. Cô nói cô vui mừng vì những người khác có thể tha thứ cho những điều khủng khiếp tương tự như sự việc cô đã trải qua. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng, tất cả sống là hy sinh, ngay cả ông ta (Osama bin Laden). Vì vậy, cô nói sẽ không bao giờ vui mừng vì cái chết của một người khác, ngay cả cái chết của Osama bin Laden. Đây quả là một câu trả lời đầy thách thức. Đó là tiếng nói của Thần Khí Sự Thật. Thần Khí Đức Giêsu hứa gửi đến dẫn dắt chúng ta !