Dạy Con Không Nói Dối
Ai làm cha làm mẹ chắc đều từng nói dối con mình, không ít thì nhiều. Nói dối để khích lệ, động viên hoặc để dọa nạt, phê bình trẻ, đủ lý do. Trẻ lớn dần lên và khi phát hiện ba mẹ nói dối, chúng sẽ đánh mất niềm tin cũng như học đòi nói dối.
Và người lớn chúng ta, nói dối (kiểu nào đây?) hay thôi không nói dối (khó quá!).
“Mẹ nói láo!”
Chị Nguyệt (đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) choáng váng khi cô con gái 4 tuổi vừa mếu máo vừa chỉ tay vào mặt mình “Mẹ nói láo” khi chị vừa dắt xe vào đến cổng trường. “Sáng nay mẹ nói con vào lớp rồi mẹ đến cơ quan xin nghỉ để đón con về. Sao mẹ không đón?”. Đúng thật, bé Bi sau khi nghỉ bệnh ở nhà một tuần nhất định cứ níu lấy mẹ, không chịu vào lớp, chị lại sợ trễ giờ làm nên hứa đại với con cho xong chuyện. Đến khi nghe con “kể tội” chị mới nhớ lời “hứa cho qua” của mình lúc sáng.
Bé Anh Tú (Trường tiểu học Nguyễn Du, Quảng Trị) tỏ ra rất khoái chí với phát hiện của mình. “Khi con hỗn hay bị điểm kém, ba mẹ hay dọa sẽ kêu chú công an tới bắt hoặc đuổi con ra khỏi nhà. Nhưng chưa lần nào ba mẹ con làm thật cả”. Và bé cũng ấm ức so sánh: “Có hôm ba con đi ăn tiệc về, con nghe ba gọi tới cơ quan báo nhà có việc nên không đi làm được rồi ba con leo lên giường ngủ. Ba mẹ cũng nói dối vậy mà khi con nói dối lại bị ba mẹ đánh đòn”.
Bà Quỳnh (cán bộ về hưu, Quảng Trị) cứ bị con trai (anh Trung) phê bình: “Mẹ đừng hứa cho con bé Na (con gái anh Trung) đi chơi để đút nó ăn. Còn nếu hứa thì mẹ phải làm. Cũng như đừng nói dối để dọa cháu. Nó còn nhỏ, dọa nó làm gì”. Bà Quỳnh lại bảo: “Thì nói thế nó mới chịu ăn. Nó còn nhỏ, nghe xong rồi lại quên chứ lo gì”.
Mọi chuyện không đơn giản vậy. Hằng ngày nhiều người lớn không ngại ngần nói dối trẻ con trong lúc luôn giáo dục con cháu không được nói dối, phải sống trung thực. Thường là vào lúc bận rộn, muốn cho con ngoan ngoãn để mình tập trung làm việc, các bậc cha mẹ hứa hẹn qua quýt với con cho xong chuyện.
Người lớn nhiều việc nên lắm khi quên bẵng lời mình đã hứa, trong lúc trẻ con lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào lời hứa đó nên dễ gì quên. Nhiều người lớn lại nói dối để đe dọa, dỗ dành hay trấn an con trẻ, kiểu: “Con không ăn rau thì tóc sẽ không mọc đâu”… Nói dối lần đầu có thể trẻ không phát hiện, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì chúng bắt đầu nghi ngờ và kết luận là người lớn nói dối!
Để con không “nhiễm” tính dối trá
Ai cũng biết khi trẻ con đã không tin mình thì khó mà nói cho chúng vâng lời. Để lấy lại niềm tin từ chúng quả là một nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm. Bài học cơ bản là “dành thời gian để lắng nghe những nhu cầu của trẻ, phân tích cho trẻ biết nhu cầu nào chính đáng mới được đáp ứng” thường bị người lớn dễ dàng bỏ qua vì lý do bận rộn, hoặc “chúng còn nhỏ, chắc không sao” xem ra rất cần được ôn lại.
Nếu người lớn không định thực hiện hình phạt đe dọa đó (tất nhiên) thì không nên đưa ra để đe dọa khiến trẻ mất lòng tin. Trường hợp này tốt nhất nên chọn những giải pháp mà cha mẹ chắc chắn làm được, ví dụ dọa không cho đi chơi cuối tuần, không thưởng quà… Chị Nguyệt sau sự cố bị con chỉ tay vào mặt vì lỡ hứa cho qua chuyện cũng đã giật mình thấy được tầm quan trọng của việc “đã hứa phải giữ lấy lời”.
Trường hợp đó chồng chị phải vào cuộc giải thích cho con hiểu khi cháu nhất quyết làm mặt lạnh với chị. Nhưng sau đó chính chồng chị lại rơi vào trường hợp tương tự, khi cứ hứa chở con đi chơi công viên mà suốt mấy tuần liền không thực hiện vì bận rộn công việc. Anh dù không ừ à cho qua chuyện nhưng đã làm cho con cảm thấy “ba chỉ nói để mà nói”.
Anh Trung chia sẻ thêm: “Trong một số trường hợp, để tránh bất tiện người lớn đã gián tiếp chỉ con nói dối, ví dụ như nhờ con ra cổng nói với khách mình không có ở nhà, hoặc bảo con nghe điện thoại vì “ba con đang đi họp”… Những tình huống như vậy sẽ khiến con cái nghi ngờ cha mẹ hoặc vô tình nhiễm tính dối trá.
Tôi nghĩ nên cân nhắc giữa điều mình đạt được do nói dối và bài học nhân cách mà con mình học được. Thường thì tôi sẽ hạn chế tối đa những trường hợp bất đắc dĩ như thế trước mặt con cái. Riêng đối với những việc không thể nói sự thật cho trẻ thì cũng nên thẳng thắn với trẻ rằng việc đó con chưa nên quan tâm và mình sẽ không trả lời, đợi đến lúc phù hợp để nói với con hoặc là con sẽ tự hiểu”.
Minh Thư