Đức Giêsu Mạch Nước Sự Sống
Ga: 4: 5-42
Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp
Chúng ta đang ở trong năm phụng vụ A. Vì vậy, chúng ta có cơ may nghe những tường thuật vĩ đại của Tin mừng Gioan trong ba Chúa nhật Mùa chay (Chúa nhật thứ 3, 4 và 5). Hôm nay, chúng ta gặp một người phụ nữ ở bên bờ giếng, tuần tới là người đàn ông mù từ thuở mới sinh và tiếp theo là việc làm cho Nazarô sống lại.
Hôm nay, chúng ta bắt đầu với nước. Xét về mặt thể lý, nước là phần tất yếu của sự sống. Cuộc đời của chúng ta bắt đầu trong cung lòng mẹ, được nước bao quanh và chúng ta cần nước để tồn tại suốt đời mình. Nước cũng đưa chúng ta vào sự sống với Chúa trong Bí tích Rửa tội. Vì thế, như chúng ta thấy hôm nay, nước là một trong những biểu tượng của Thánh Thần – nước sự sống tuôn trào bên trong chúng ta và mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Trong bài đọc trích sách Xuất hành hôm nay, hãy đừng quá khắt khe với dân Israel, những người càu nhàu đòi nước trong sa mạc. Họ đã phải làm nô lệ khổ cực bên Aicập và ngay từ đầu họ đã nhận ra rằng, trốn thoát vào sa mạc và cuộc hành trình dài sau đó chẳng giống như chuyện bách bộ trong công viên. Sống ở thời hiện đại, khi khát chúng ta chỉ cần đi đến bình nước và thỏa mãn cơn khát.
Nhưng với nhiều người ngày nay điều đó cũng không phải như vậy – nhất là ở Châu Phi, nơi sa mạc Sahara mỗi năm mỗi rộng hơn. Cơn khát của chúng ta hầu như chỉ là cảm giác khó chịu, nhưng trong sa mạc thì nó đe dọa cuộc sống.
Toàn cảnh của cuộc Xuất hành là đầy rẫy những căng thẳng như việc dân Israel lầm bầm kêu ca với Môisê và việc Môisê than thở, nài xin với Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là chúng nén đá con!” Và rồi, như một bằng chứng rằng Thiên Chúa không quên những khó khăn của dân du mục này, Người đã ra lệnh cho Môisê đập vào tảng đá – và nước chảy ra.
Thiên Chúa làm những điều đó cho con người; giúp chúng ta trong những lúc khó khăn và những nơi hiểm nghèo. Bằng những cách lạ thường và qua những con người không mong đợi, cơn khát của chúng ta được thỏa mãn.
Một phụ nữ vừa trải qua một thời gian khó khăn, nói với tôi rằng cô đã tham dự Thánh lễ suốt nhiều tuần mà chẳng thấy được an ủi hay nhẹ nhõm chút nào. Chị ngồi lặng lẽ trong nhà thờ, tuần này qua tuần khác. Chị chú ý đến một “bà già ăn xin” nghèo ngồi ở hàng ghế gần chỗ mình, xung quanh là những thứ linh tinh bà cất đầy trong những túi giấy.
Một hôm người đàn bà ấy đến gần và nói với chị: “Này, tôi đã thấy cô ngồi đây hàng tuần. Nhìn cô buồn lắm và tôi đã cầu nguyên cho cô.” Cả hai bắt đầu nói chuyện và sau đó cùng ra quán café. Sau này, người phụ nữ này nói, “Chính người đàn bà hầu như chẳng có gì này lại chính là nguồn thanh thản và khích lệ đối với tôi!” Trong những nơi chẳng ra sao ấy, Thiên Chúa có thể hồi phục chúng ta với nước trong chính sa mạc chúng ta.
Người Dothái có một truyền thuyết kể rằng tảng đá Môisê gõ vào, làm cho nước chảy ra, đã đi cùng với họ suốt hành trình trong sa mạc và cung cấp nước cho họ. Câu chuyện này có thật hay không? Có vẻ là không. Câu chuyện này thật không? Thật – đối với những ai đã được thỏa mãn cơn khát bằng những nguồn mạch lạ thường vào những lúc khó khăn trong cuộc đời họ. Họ có kinh nghiệm cá nhân về tảng đá theo họ trong sa mạc và đã thỏa mãn cơn khát của họ.
Ai là người khát nước trong trình thuật của Gioan? Dĩ nhiên là người phụ nữ, nhưng không chỉ có mình chị. Chị đã đến giếng nước vào lúc nóng bức trong ngày – có lẽ không phải lúc thích hợp để lấy nước. Nhưng người đầu tiên tỏ ra khát nước lại là Đức Giêsu, và Người đã xin chị phụ nữ Samaria nước uống. Với yêu cầu đơn giản ấy, Đức Giêsu đã đẩy xa hơn biên giới của tôn giáo và văn hóa thời của Người. Người Dothái không được phép nói chuyện với người Samaria, và cũng không được dùng chung vò nước với họ. Đàn ông Dothái và phụ nữ không được nói chuyện với nhau nơi công cộng — và chắc chắn một người đàn ông Dothái không được nói chuyện với phụ nữ Samaria!
Nhưng, Đức Giêsu nối liền hai bờ vực thẳm và phá vỡ những cấm kị khi Người mở lời với người phụ nữ để xin chút nước. Người phụ nữ nay ra như cũng quên mất địa vị của mình khi thách thức đức Giêsu phá vỡ tập tục truyền thống, “Sao ông có thể hỏi tôi, một phụ nữ Samaria, để xin chút nước?” Đặc trưng của những trình thuật của Gioan là có những tầng ý nghĩa nằm bên dưới bề mặt của trình thuật. Điều này đặc biệt đúng trong cuộc nói chuyện của Người. Cơn khát của người phụ nữ, với cuộc đời bị chia cắt của cô, thì sâu xa hơn cơn khát thể lý. Đức Giêsu biết cơn khát mà chỉ mình Người mới có thể làm thỏa mãn; vì chính Người là nguồn nước không làm thất vọng hay cạn kiệt.
Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã mệt vì hành trình dài và đến ngồi bên giếng nước. Cơn khát của Đức Giêsu cho thấy cơn khát sâu thẳm hơn Thiên Chúa dành cho chúng ta. (“Ta khát,” như Người thốt lên khi ở trên thập giá.)
Thiên Chúa khao khát chúng ta và đã đi tìm kiếm chúng ta. Vì thế, Đức Giêsu đến bất cứ nơi đâu có thể tìm thấy những người đang khát và trao ban nguồn nước không bao giờ cạn nhưng sôi sục trong chúng ta khi cuộc sống căng thẳng và làm chúng ta khát. Như những người du hành trong sa mạc, họ đi từ ốc đảo này sang ốc đảo khác, từ hố nước này đến hố nước khác. Đức Giêsu sẽ không mang lại nguồn nước theo từng thời kỳ, nhưng là một “dòng nước mang lại sự sống vĩnh cửu,” đi cùng với chúng ta từng bước trong suốt hành trình.
Nước mà Đức Giêsu nói đến là Thánh Thần, người đồng hành bền bỉ với chúng ta: nguồn vui của chúng ta và ý thức trong suốt thời gian khỏe mạnh, sự an ủi của chúng ta và sự hồi sinh trong những khi cuộc sống đầy những căng thẳng. Như nước, Thánh Thần hiện diện ngay khi chúng ta khởi sự đời sống mới trong phép Thánh tẩy, cũng như nguồn canh tân trong suốt cuộc đời chúng ta.
Điều gì xảy ra với người phụ nữ khi chị gặp Đức Giêsu và được người ban tặng nước sự sống? Trước hết, chị từ bỏ lối sống cũ, dấu hiệu là chị bỏ cái xô lại bên giếng. (Đoạn này không có trong trích đoạn Tin mừng hôm nay). Và rồi, với món quà của sự sống mới, chị trở nên người thi hành sứ vụ đầu tiên và chạy vào báo cho những người cùng thành của mình về những gì chị tìm thấy – hay là về Đấng chị nhìn thấy!
Người phụ nữ Samaria chỉ là người đứng đầu hàng trong hàng dài những chứng nhân của đời sống mới mà chúng ta có trong Đức Giêsu. Chúng ta là hậu nhân của chị, vì Thiên Chúa đã khao khát chúng ta và đã tìm thấy chúng ta, ban cho chúng ta nguồn nước mang lại sự sống. Chúng ta đã uống thứ nước này trong bí tích Rửa tội. Nhưng chúng ta bị khát lại do những đấu tranh trong cuộc sống và cuộc đời Kitô hữu trong những bối cảnh không được đón tiếp. Chúng ta cũng trở lại để được tẩy rửa nhờ nguồn nước sự sống vì những bước chân sai lầm của chúng ta, khi chúng ta đi xa khỏi sự kết hiệp với Chúa Kitô. Chúng ta đã được đổi mới một lần nữa khi “nguồn nước dẫn đến sự sống vĩnh cửu” qua Lời và Bí tích mà chúng ta cử hành hôm nay.
Người phụ nữ Samariaa là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Những gì chị nhận được và khám phá ra nơi Đức Kitô, chị nhanh chóng nói cho những người trong thành biết. Chị biết rõ họ là ai; chị cũng biết họ đang khát và cũng đang tìm nước. Đức tin của chúng ta là đức tin đi truyền giáo. Chúng ta không thể giữ cho riêng mình những gì chúng ta khám phá ra nơi Đức Giêsu.
Giống như người phụ nữ kia, chúng ta cũng nhận ra cơn khát của những người thân cận, những cơn khát của họ chỉ có thể được thỏa mãn nơi Đức Giêsu. Có thể họ đã nói cho chúng ta về cơn khát của họ: “tôi đang cô đơn”. “Vợ tôi mới qua đời tháng trước”. “Lòng đạo trong tôi đã khô khan”. “Tôi biết mình cần có mục đích sống, nhưng tôi chẳng biết đó là gì”.… Khi họ nói với chúng ta những điều này, thì họ đã chọn đúng người để nói, vì chúng ta cũng từng khát. Nhưng chúng ta biết phải đi tới đâu – chúng ta đi đến bên giếng nước và thấy Đức Giêsu đã ở đó và chúng ta đã uống thỏa thuê thứ nước Người cho chúng ta.
Thánh Thần thì như thế nào? Trong Kinh thánh có rất nhiều hình ảnh mô tả Thánh Thần. Trình thuật Tin mừng hôm nay mô tả Thánh Thần như một giếng nước không ngừng tuôn trào. Đó không phải là thác nước; đó là giếng nước, một nguồn sức sống đến từ sâu thẳm bên trong một người.
Hôm nay, nước đóng vai trò như một biểu tượng thích hợp cho Thánh Thần, trong ánh sáng của vai trò chứng nhân của người phụ nữ. Chẳng lẽ quý vị lại không thích nước chảy – các đại dương, sông ngòi và thậm chí chảy lặng lẽ trong các ao hồ hay sao? Nếu chúng ta đã nghe thông điệp hôm nay từ Lời và để cho Lời ấy cư ngụ trong chúng ta, thì chúng ta giống như những dòng nước đang chảy và chảy đến với những ai đang khát.
Giống như người phụ nữ này, chúng ta không cần phải học một lớp đặc biệt để làm điều đó – dù một số trong chúng ta liên quan đến những sứ vụ chính thức của giáo hội thì có thể có học.Nhưng hơn thế nữa, chính tương quan của chúng ta với những người khác sẽ hướng dẫn chúng ta chia sẻ nguồn nước sự sống đã tuôn trào trong cuộc đời chúng ta. Việc làm chứng của chúng ta không chỉ gói gém trong phạm vi những buổi họp mặt trong giáo hội chúng ta. Như bài Tin mừng hôm nay, nơi chốn không phải là vấn đề quan yếu – người lắng nghe Lời và đáp lại trong thờ phượng, là “nơi thích hợp” để những ai đang khát có thể gặp được Đức Giêsu.