Cn 08 A : Chúa là chọn lựa ưu tiên của chúng ta.

 

Chúa là chọn lựa ưu tiên của chúng ta.
Mt 6, 24-34

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp.


Cn 08 A : Chúa là chọn lựa ưu tiên của chúng ta.Thưa quí vị !

Phải chăng Đức Giêsu đã bảo các môn đệ đừng lo lắng “về cuộc sống của anh em: sẽ ăn gì hay uống gì, hoặc lo lắng về thân thể… ”, vì Ngài không sống trong thế kỷ 21 này, trong lúc các nền kinh tế lớn suy sụp, thất nghiệp gia tăng và nhà cửa bị phát mãi để trừ nợ? Con người ngày nay đã chịu đựng những tình cảnh như thế có lẽ không muốn ngước nhìn nơi “chim trời, không gieo không gặt”. Họ quá bận rộn nhìn xuống đôi chân hối hả bon chen của mình. Nhiều người trong đất nước chúng ta và hàng tỉ người ở những nơi khác nữa đang chỉ biết hy vọng sống đến ngày mai.

Có lẽ chúng ta cần chờ đợi cho đến khi nền kinh tế  phục hồi trở lại, hoặc nếu như đang thất nghiệp, chúng ta chờ cho đến khi tìm được một công việc tốt đẹp và chắc chắn. Rồi chúng ta mới có thời gian mở Tin Mừng thánh Matthêu chương 6, đọc thông điệp hôm nay và thanh thản “nhìn ngắm hoa huệ đồng”. Hay là, Đức Giêsu chỉ ngỏ lời với một nhóm riêng các thương gia giàu có ở những nơi nghỉ dưỡng quanh bờ Địa Trung Hải: những người có nhiều thời giờ nhàn rỗi và cũng như cuộc sống được bảo đảm hơn. Nếu quả là vậy thì chúng ta có thể dễ dàng quên đi những gì Ngài nói hôm nay vì nó chẳng đụng chạm với “thế giới thực” – của chúng ta.

Bài Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu không nói cho những người giàu và những người nổi tiếng ở nơi nghỉ dưỡng kia. Ngài nói cho các môn đệ, một nhóm người đa tạp dưới cái nhìn của những người kẻ đã ổn định cuộc sống. Và Ngài cũng không bỏ mặc sự vất vả mưu sinh hằng ngày của họ; Ngài vốn xuất thân từ tầng lớp và địa vị như họ. Dân thành Giêrusalem xem người Galilê như là dân “vùng sâu vùng xa”.

Dù vậy, với người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội Ngài dạy rằng khi mơ ước cho mình và con cái, phải lấy Đức Chúa làm trọng tâm. Đức Chúa và sự công chính của Người phải là ưu tiên số một khi đưa ra những dự phóng cho tương lai và những chọn lựa hằng ngày.

Nếu Chúa cũng là sự chọn lựa ưu tiên của chúng ta, thì Chúa là Đấng chúng ta tín thác để giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu và nỗ lực của mình. Không phải bất kỳ điều gì chúng ta hy vọng cũng đều thành toàn, ngay cả khi mong ước với ý ngay lành. Ngay cả trong thất bại, chúng ta tin cậy vào chương trình và sự quan phòng của Chúa dành cho chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta khi kế hoạch chúng ta thất bại hoặc xảy ra sai sót.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn tiền tài làm chủ hay như là tiêu chí xác định chúng ta là ai và chúng ta muốn gì ở cuộc đời này, thì chúng ta đã “xây nhà trên cát”, như Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta trong Tin Mừng tuần sau. Cơn bão đầu tiên chúng ta trải qua sẽ cho thấy là dự án xây dựng cuộc đời của chúng ta mới mỏng manh làm sao; hậu quả sẽ là sự thất vọng và thậm chí sụp đổ tan tành.

Các môn đệ Đức Giêsu đã quyết định từ bỏ gia đình và của cải để bước theo Ngài. Chúa thực là ông chủ của họ. Lúc đầu, thời gian mà Đức Giêsu được đám đông nhiệt liệt đón nhận, thì các môn đệ nghĩ rằng mình đã chọn lựa thành công. Thế rồi, niềm hy vọng ấy tan biến với cái chết của Người. Nhưng với sự phục sinh của Người, cuộc sống mới mở ra cho các ông; và giờ đây, một tương lai sáng lạn mà các ông chưa bao giờ dám tưởng tượng, đang sẵn chờ các ông. Trong Giêsu, các môn đệ chọn phục vụ Thiên Chúa chứ không phải tiền tài và điều đó đã làm nên tất cả sự khác biệt.

Trong khi phần đông chúng ta đang vật lộn và lo lắng cho những nhu cầu thường ngày, thì vẫn có đó bao người quanh ta sống nghèo mạt và đang tuyệt vọng mỗi ngày. Có lẽ những lời của Đức Giêsu hôm nay đã mở rộng tầm nhìn của chúng ta và giúp chúng ta: bớt quan tâm đến mình nhưng quan tâm hơn đến những người thiếu thốn; hạn chế nhận lãnh nhưng cho đi nhiều hơn; bớt lo lắng về phúc lợi của chúng ta để quan tâm đến người khác nhiều hơn – nỗi vất vả của những người nhập cư, thiếu chăm sự sóc sức khoẻ, thiếu thốn về dinh dưỡng và giáo dục cần thiết cho con cái họ, v.v..

Những chọn lựa mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện không chỉ là một lần trong cuộc đời. Chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày, dù quan trọng hay bình thường. Trong tư cách là môn đệ Đức Giêsu tác động thế nào đến quyết định lúc này của tôi? Đâu là kết quả từ những chọn lựa của tôi? Quyết định của tôi ảnh hưởng thế nào đến người khác? Đức Giêsu để lại cho chúng ta một khoảng rất bấp bênh, “không ai có thể làm tôi hai chủ. Bạn hoặc sẽ ghét chủ này và yêu chủ nọ, sẽ quan tâm đến chủ này và bỏ mặc chủ kia ”.

Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nói những lời này với các môn đệ nghèo. Người đã mời gọi các ông theo Người và tin tưởng Đức Chúa sẽ lo liệu cho các ông. Hơn 50 năm sau, thánh Matthêu đã viết Tin Mừng này cho cộng đoàn của ngài ở Antiôkhia. Họ đã là một cộng đoàn ổn định và chắc chắn hơn những người theo Đức Giêsu thuở đầu. Họ giống chúng ta hơn. Đối với họ, những lời của Đức Giêsu là một thách thức cũng như đối với chúng ta ngày hôm nay.

Ngay sau khi nghe tin đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ Hiệp Lễ. Trước đó, chúng ta cùng nhau dâng lời Kinh Lạy Cha và cầu nguyện, “Danh Cha cả sáng”. Chúng ta muốn cuộc sống chúng ta phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa để người ta có thể thấy qua hành động của chúng ta rằng chúng ta đã chọn phụng sự một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc, mà Đức Giêsu mạc khải. Chúng ta cũng sẽ thưa lên “xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, bởi vì chúng ta biết rằng mỗi ngày chúng ta sẽ cần sức mạnh và sự sáng suốt để chọn Chúa chứ không phải những sự giả trá khéo léo mà tiền tài mang lại.

Mùa Chay sắp đến. Đó là mùa mà nhiều người trong chúng ta quyết định thực hiện các việc hy sinh. Chúng ta thực hiện việc hy sinh vì nhiều lý do: đào sâu nhận thức về đời sống tâm linh và sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta; từ bỏ điều ưa thích và bố thí tiên để dành cho người nghèo; tỏ lòng sám hối ăn năn tội của chúng ta; v.v. Những việc này và nhiều việc khác nữa thực sự là những ý định cao quý và đáng giá. (Kém cao quý nhất có lẽ là ước muốn dùng Mùa Chay này cho việc giảm cân).

Chúng ta có thể sử dụng Bài Giảng Trên Núi đã nghe trong những Chúa Nhật này như là kim chỉ nam cho những thực hành Mùa Chay. Sao lại không dùng một phần Bài Giảng để xét mình vào mỗi buổi tối? Trước lúc nghỉ đêm chúng ta có thể hỏi: Tôi sống ngày hôm nay ra sao?

Chẳng hạn, nhìn lại Tin Mừng ngày hôm nay chúng ta hỏi: phải chăng hôm nay chúng ta đã cố phục vụ hai ông chủ và làm tổn thương đến tình yêu Đức Kitô? Dù chúng ta có thể đang trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, liệu việc lo lắng của chúng ta có loại bỏ hình ảnh Thiên Chúa quan phòng yêu thương không ra khỏi ức tranh cuộc sống của ta không?

Chúng ta có quá bận tâm về sức khoẻ của chúng ta mà bỏ mặc những nhu cầu của gia đình, bạn bè và anh khách lạ hay không? Chúng ta có chi tiêu quá nhiều vào quần áo và chải chuốt cá nhân, có trở nên vô cảm đối với người nghèo thiếu thốn quần áo và việc chăm sóc sức khoẻ cho gia đình của họ không? Chúng ta có mua sắm và tiêu dùng quá mức cần thiết những thực phẩm đắt đỏ và đặc sản, trong khi không nhận thấy những người đang đói trong cộng đồng chúng ta không?

Nói cách khác, nỗi quan tâm của Chúa có là bận tâm của chúng ta hay không? Ngày hôm nay, chúng ta làm gì để diễn tả cho người khác một Thiên Chúa công chính, Đấng đã tha thứ tội chúng ta và đưa chúng ta vào tình thân nghĩa thiết nhờ Đức Kitô? Với những người trong chúng ta đang lo lắng về tương lai, về sự đau yếu và cái chết tất yếu, những lo lắng đó có làm chúng ta xao lãng việc nhận biết Chúa ban ân sủng trên chúng ta trong mỗi ngày chăng?

Tùy vào hoàn cảnh trong cuộc đời chúng ta, mà các giáo huấn của đức Giêsu trong các Bài Giảng Trên Núi của Đức Giêsu được hiểu khác nhau – đôi khi ngay giữa những Kitô hữu đang nỗ lực sống Bài Giảng ấy trong hoàn cảnh riêng của họ. Tuy nhiên, chúng ta không tự do bỏ qua cách dễ dàng điều Đức Giêsu dạy như là, “không thể ứng dụng được” hoặc “quá phi thực tế trong thế giới thực này”. Chúng ta phải dành chỗ cho Thần Khí hoạt động trong mỗi người. Chúng ta có thể bắt đầu việc xét mình mỗi tối với lời cầu xin Chúa Thánh Thần làm sáng tỏ tận sâu thẳm những gì xảy ra với chúng ta ngày hôm nay. Khi chúng ta hoàn tất việc xét mình, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, nài xin cho chúng ta sống tràn đầy những Bài Giảng ấy trong những ngày tiếp theo.

Bài Giảng Trên Núi, mà chúng ta đọc trong các Chúa Nhật trước và sẽ tiếp tục vào tuần sau, có thể được tìm thấy trong Matthêu chương 5 đến chương 7. Từng chương từng đoạn, chúng ta sẽ nghiêm túc để ý đến chúng trong tới Mùa Chay này và để Bài giảng này giúp ta trở nên một Kitô hữu dễ nhận thấy hơn. Hoặc là, chúng ta có thể cho rằng chúng chẳng thực tế chút nào và rồi chọn để giảm 5 cân.

 

Để lại một bình luận