Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004

Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004
Đức Gioan Phaolô II

Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu,
tôi xin mang vào thân cho đủ mức” (Cl 1, 24)

 

Kính gừi Hiền đệ đáng kính,
Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán,
Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe

 

Sứ Điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 20041. Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, một biến cố cử hành mỗi năm ở một châu lục, mang một ý nghĩa đặc biệt trong lần này. Thật vậy, lần này sẽ cử hành tại Lộ Đức, nước Pháp, nơi Đức Trinh Nữ hiện ra vào ngày 11 tháng hai năm 1858, từ đó trở thành chỗ dừng chân của nhiều khách hành hương. Trong miền núi đó, Đức Bà đã ước muốn bày tỏ tấm lòng từ mẫu của Người, cách riêng đối với những người đau khổ và bệnh tật. Từ đó đến nay, Đức Mẹ tiếp tục hiện diện qua sự ân cần lưu tâm của Người.

Đền Thánh này được chọn vì năm 2004 mừng Lễ kỷ niệm 150 năm công bố Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày 08 tháng 12 năm 1854, với Tông sắc “Ineffabilis Deus” mà vị Tiền nhiệm của tôi, Chân phước Piô IX đáng nhớ, đã khẳng định rằng “giáo điều nhìn nhận Đức Trinh nữ Rất thánh Maria, ngay từ lúc thụ thai, nhờ đặc sủng và đặc ân Thiên Chúa Toàn Năng ban cho, vì công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, đã được gìn giữ khỏi mọi tì vết nguyên tội, là một giáo điều được Thiên Chúa mặc khải” (DS, 2803). Ở Lộ Đức, bằng tiếng thổ âm bản xứ, Đức Mẹ đã nói: “Que soy era Immacculada Councepciou” [Ta là Đấng Thụ Thai Vô Nhiễm].

2. Bằng những lời này, Đức Trinh Nữ đã không ước muốn bày tỏ mối dây ràng buộc Người với sức khỏe và sự sống đó sao? Nếu sự chết đã nhập vào thế gian vi tội nguyên tổ, thì nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, và rồi ơn cứu độ và sự sống đến với chúng ta (cf. Roma 5,12-21).

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội dẫn đưa chúng ta vào trung tâm của mầu nhiệm Sáng tạo và Cứu chuộc (cf. Ephêxô 1, 4-12; 3, 9-11). Thiên Chúa muốn ban tặng sự sống cách dồi dào cho loài người (cf. Gioan 10, 10), tuy nhiên, với điều kiện sáng kiến của Ngài phải được đáp trả cách tự do và yêu thương. Bất hạnh thay con người đã cắt đứt cuộc đối thoại sống động với Đấng Tạo Hóa khi từ chối quà tặng này bằng sự bất tuân dẫn đến tội lỗi. Với tiếng “vâng” của Thiên Chúa, nguồn mạch dồi dào của sự sống, tiếng “không” của con người đã đối nghịch lại, gây nên bởi lòng kiêu hãnh tự cho mỉnh đầy đủ, điềm báo trước sự chết (cf. Rôma 5, 19).

Toàn thể nhân loại đã bị liên lụy nặng nề trong vòng giam hãm này đối nghịch với Thiên Chúa. Vì công nghiệp của Đức Kitô, duy chỉ Đức Maria thành Na-da-rét đã được thụ thai mà không nhiễm vương nguyên tội và đã hoàn toàn rộng mở tâm hồn đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa đến nỗi Cha trên trời đã có thể hoàn thành nơi Người kế hoạch mà Ngài đã muốn thực hiện cho nhân loại.

Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội khai mào mối liên kết hòa điệu giữa “tiếng vâng” của Thiên Chúa với “tiếng vâng” mà Đức Maria đã đáp lại cách quảng đại khi thiên sứ mang đến lời truyền tin từ trời (cf. Luca 1, 38). “Tiếng xin vâng” của Người nhân danh nhân loại đã mở ra lại cánh cửa Thiên Đàng cho thế gian, nhờ mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong cung lòng Người bởi công trình của Chúa Thánh Thần (cf. Luca 1, 35). Nhờ đó, kế hoạch nguyên thủy của tạo vật đã được phục hồi và được củng cố trong Đức Kitô; Mẹ Đồng Trinh cũng dự phần trong kế hoạch này.

3. Viên đá nêm vòm lịch sử đã đặt vào rồi: Với ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã khởi sự công trình vĩ đại của ơn Cứu Chuộc được hoàn tất trong bửu huyết của Đức Kitô. Trong Ngài, mọi người được kêu gọi để trở nên hoàn thiện (cf. Côlôsê 1, 28).

Do đó, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là bình minh hứa hẹn của ngày rực rỡ là Đức Kitô, Đấng nhờ sự chết và Sự Phục Sinh của Ngài mà phục hồi trọn vẹn mối giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nếu Đức Giêsu là nguồn sự sống chiến thắng sự chết, thì Đức Maria là người mẹ ân cần đáp ứng nhu cầu của con cái mình, mang lại cho họ sức khỏe hồn xác. Đây là sứ điệp mà Đền Thánh Lộ Đức không ngừng lặp lại với người tín hữu sùng mộ và khách hành hương. Đây cũng là ý nghĩa đằng sau việc chữa lành thể xác và tinh thần xãy ra tại hang động Ma-sa-biên.

Ở nơi đó, kể từ ngày hiện ra với Chị Béc-na-đét Su-bi-ru (Bernadette Soubirous), Đức Maria đã “chữa lành” đau khổ và bệnh tật, cũng như phục hồi sức khỏe phần xác cho nhiều con cái nam nữ của Người. Tuy nhiên, Người đã làm nhiều phép lạ đáng ngạc nhiên hơn nơi linh hồn các kẻ tin, khi chuẩn bị cho họ gặp gỡ Con của Người, Đức Giêsu, Ngài đích thực là câu trả lời cho những khát vọng sâu xa nhất nơi tâm khảm con người. Chúa Thánh Thần, Đấng bao trùm Người dưới bóng Ngài lúc Ngôi Lời Nhập Thể, đã biến đổi linh hồn của vô vàn bệnh nhân chạy đến với Người. Ngay cả khi họ không được ơn chữa lành thể xác, họ vẫn nhận được ơn khác quí trọng hơn nhiều: ơn hoán cải tâm hồn, nguồn bình an và hoan lạc sâu xa. Ân ban này thay đổi cuộc sống của họ và khiến họ nên tông đồ của Thập giá Đức Kitô, tiêu chuẩn của niềm hy vọng, ngay cả giữa những thử thách cam go và khốc liệt nhất.

4. Trong Tông thư “Salvifici Doloris” (Giá trị cứu độ của đau khổ) tôi đã chỉ ra rằng đau khổ thuộc về những thăng trầm của người nam và người nữ trong suốt cuộc đời, họ phải học biết đón nhận và vượt qua nó (cf. Số 2: [11/02/1984]; L’Osservatore Romano bản tiếng Anh [ORE], 20/02, tr. 1). Nhưng làm sao đạt đến điều đó, nếu không nhờ Thập giá Đức Kitô?

Trong sự chết và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc, đau khổ của con người tìm được ý nghĩa sâu xa nhất và giá trị cứu độ của nó. Tất cả sức nặng của những gian nan thử thách và đau khổ của nhân loại được kết tụ trong mầu nhiệm của một vị Thiên Chúa, Đấng đảm nhận nhân tính của chúng ta, đã chịu hạ mình “thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Côrintô 5, 21). Trên đồi Gôn-gô-ta, Ngài đã gánh chịu tội lỗi của tất cả mọi người, và trong nỗi cô đơn và bị bỏ rơi, Ngài đã kêu lên cùng Cha: “Sao Cha bỏ rơi con?” (Mát-thêu 27, 46).

Từ nghịch lý của Thập giá nảy sinh ra câu trả lời cho những vấn nạn khổ não nhất của chúng ta. Đức Kitô chịu đau khổ vì chúng ta. Ngài mang lấy vào thân mình Ngài nỗi đau khổ của mọi người và cứu chuộc chúng. Đức Kitô cùng chịu đau khổ với chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng chia sớt với Ngài những đau khổ của chúng ta. Một khi được liên kết với nỗi đau khổ của Đức Kitô, nỗi đau khổ của con người trở thành phương tiện cứu độ; đây là lý do khiến người tín hữu có thể nói cùng với Thánh Phaolô: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, và những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Ngài là Hội Thánh” (Côlôsê 1, 24). Đau khổ, nếu được đón nhận với đức tin, sẽ trở thành cửa ngõ đi vào mầu nhiệm của sự đau khổ cứu chuộc của Chúa; một sự đau khổ không còn lấy mất đi bình an và hạnh phúc vì nó được soi sáng bởi ánh quang của mầu nhiệm Phục Sinh.

5. Dưới chân Thập giá, Đức Maria, Người đã trở thành Mẹ của nhân loại, chịu đau khổ trong im lặng, thông phần vào nỗi đau khổ của Con mình, sẵn sàng chuyển cầu để mỗi người có thể đạt được ơn cứu độ (cf. Gioan Phaolô II, Tông thư “Salvifici Doloris” [11/02/1984], số 25; ORE, 20/02/1984, tr. 6).

Tại Lộ-Đức, không mấy khó khăn để hiểu được sự thông phần duy nhất của Đức Maria vào sứ mệnh cứu độ của Đức Kitô. Kỳ công Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhớ người tín hữu một chân lý cơ bản: người ta có thể đạt được ơn cứu độ chỉ bởi sự thông phần dễ dạy vào kế hoạch của Chúa Cha, Đấng đã muốn cứu độ thế gian nhờ sự chết và Sự Phục Sinh của Con độc nhất của Ngài. Qua bí tích Thánh tẩy, người tín hữu dự phần vào kế hoạch cứu độ này và được giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Bệnh tật và sự chết, mặc dầu vẫn còn hiện diện trên thế gian, đã mất đi ý nghĩa tiêu cực của chúng, và dưới ánh sáng đức tin, sự chết của thân xác, đã bị cái chết của Đức Kitô đánh bại (cf. Rm 6, 4), trở nên lối đi cần thiết để bước vào sự sống sung mãn muôn đời.

6. Trong thời đại chúng ta, có những tiến bộ vĩ đại đã đạt được trong nhận thức khoa học về sự sống, một quà tặng cơ bản của Thiên Chúa mà chúng ta là những người quản lý. Sự sống phải được đón nhận, kính trọng, và bảo vệ từ khi bắt đầu cho đến cái chết tự nhiên; gia đình, cái nôi của mỗi sự sống mới sinh ra, phải được che chở.

Ngày nay, “kỹ thuật sinh học” được nói đến, liên quan đến khả năng kỳ diệu mà khoa học hiện đại cống hiến để can thiệp vào chính những nguồn gốc của sự sống. Mỗi tiến bộ đích thực trong lãnh vực này phải được khuyến khích, miễn là chúng luôn kính trọng quyền lợi và phẩm giá của nhân vị từ khi người nam hay người nữ ấy được thụ thai. Thật vậy, không ai được phép tuyên bố mình có quyền phá hủy hoặc tùy ý sắp đặt vô trật tự sự sống của mỗi hữu thể nhân linh. Bổn phận đặc biệt của những người làm việc trong phạm vi Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe là phải cảm hóa những người làm việc trong lãnh vực tế nhị này hầu cho họ luôn tự đặt mình dấn thân phục vụ sự sống.

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, tôi muốn cảm ơn tất cả các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe, cách riêng các Đức Giám Mục của các Hội Đồng Giám Mục khác đang giúp đỡ trong lãnh vực này; các vị tuyên úy, các linh mục quản xứ và các linh mục khác đang dấn thân trong phạm vi này; các dòng tu và các tu hội; các thiện nguyện viên và những người không mệt mõi cống hiến chứng từ kiên vững cho sự chết và Sự Phục Sinh của Chúa khi đối diện với nỗi đau khổ, đau đớn bệnh tật và sự chết.
Tôi ước muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người làm việc trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, đối với đội ngũ những người làm việc trong ngành y khoa và những người trợ giúp y khoa, những nhà nghiên cứu – đặc biệt những ai dấn thân phát minh những cách chữa trị mới – và đối với những người chuyên lo sản xuất thuốc men mà người nghèo cũng có khả năng sử dụng.

Tôi tín thác tất cả mọi người trong quý vị cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh, được tôn kính là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Đền Thánh Lộ-Đức. Nguyện xin Người trợ giúp mọi tín hữu để làm chứng rằng câu trả lời đích thật duy nhất cho nỗi đau đớn bệnh tật, đau khổ và sự chết là Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết và trỗi dậy vì chúng ta.

Với những tình cảm này, tôi thân ái gửi đến ngài, Người Anh Em đáng kính, và đến những ai tham dự lễ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, Phép lành Tòa Thánh đặc biệt.

Vatican, ngày 01 tháng 12 năm 2003
GIOAN PHAOLÔ II

Lm. Gheg. Văn Ngọc Anh ( dịch)

Để lại một bình luận