Về Nhà Đi Con

 

 

Về Nhà Đi Con

Về Nhà Đi ConBố mẹ nó chỉ rặt làm nông, những ngày cuối năm lo thu hoạch rau đi bán, xoay trần cấy cho xong mấy sào ruộng rồi xoay xở để có chút tiền sắm những thứ tối cần thiết để cho con cái có một cái Tết đã mệt bở hơi tai, đâu có thời gian để ý đến chuyện ngày này cách đây bao nhiêu năm, đứa con gái đầu lòng của mình chào đời.

Hồi nhỏ, nó cũng có mấy đứa bạn thân, mỗi lần sinh nhật, tụi bạn thường mời nó đến. Tụi bạn nó cũng toàn là những đứa con nhà nghèo nên gọi là tiệc sinh nhật cho oai vậy thôi chứ có khi chỉ là mấy quả ổi, quả khế hái ngoài vườn vào, thêm vài gói kẹo, gói bánh rẻ bèo bố mẹ mua cho. Nhưng mà dẫu sao được bố mẹ tổ chức sinh nhật cho cũng là vui rồi. Nó nghĩ đến mình và thấy tủi thân ghê gớm. Vậy nhưng khi bạn bè gặng hỏi ngày sinh nhật của nó, nó lại nghĩ cách nói dối: Mẹ tớ bảo lúc đó đau quá nên mẹ tớ quên mất ngày sinh của tớ rồi.

Nó giấu tiệt ngày sinh nhật của mình. Và có lẽ vì nó giấu kỹ quá nên chính nó cũng quên. Có năm đến Tết nó mới nhớ ra sinh nhật mình đã qua mấy hôm rồi.

Nó đỗ hai trường nhưng lại chọn học cao đẳng để bố mẹ đỡ tốn kém tiền nuôi nó ăn học. Nó nhập học muộn mất mấy hôm. Tụi bạn trong phòng nó cũng toàn là dân tỉnh lẻ nên dễ hoà đồng. Ngay khi nhập phòng, nó đã được nghe quy định: Cứ đến sinh nhật của một thành viên trong phòng sẽ lấy quỹ phòng tổ chức sinh nhật cho người ấy. Nhưng sinh nhật nó thường là vào dịp nghỉ Tết nên nhỏ trưởng phòng có ý tổ chức sinh nhật trước cho nó nhưng nó khăng khăng không chịu: Ngày đó, tớ đã oe oe đâu mà. Thấy nó quả quyết như vậy nên tụi bạn lại thôi. Và thế là, thường khi Tết qua, nó nhận được một món quà sinh nhật muộn.

Trong phòng, nó là đứa duy nhất ở lại làm thêm vào những dịp cuối năm. Nhìn bạn bè khăn gói í ới gọi nhau về quê, nó cũng thấy nao nao trong lòng nhưng lại gạt đi: Mình phải kiếm đủ tiền tàu xe cho cả lúc về lẫn lúc đi, nếu dư dả thì đỡ đần cho mẹ sắm Tết.

Những ngày đó, ký túc xá đóng cửa nên nó phải vác đồ đến ở nhờ mấy chị dưới quê đang thuê trọ để làm may trên thành phố. Nó phụ giúp bán hàng cho một cửa hàng bán bánh kẹo và rượu Tết trên phố Bà Triệu. Nó từng là nhân viên làm part time ở đây. Trông mặt mũi nó cũng sáng sủa, tính tình lại cẩn thận nên được bà chủ cửa hàng tin cậy và ưu ái trả tiền công cao hơn so với ngày thường. Những ngày này, các quầy hàng Tết thường rất đông khách nên nó phải đi từ sáng sớm đến 9,10h giờ đêm mới về. Xe bus đỗ ngoài đường lớn, nó phải đi bộ hơn cây số nữa mới về phòng trọ. Cả ngày đứng bán hàng, tối về lại đi bộ, có khi nó có cảm giác hai đầu gối sắp rụng xuống nhưng nghĩ đến ánh mắt hân hoan của hai đứa em khi chị mua về cho cái áo mới, dù chỉ là hàng gia công rẻ riền, bước chân nó phấn chấn hơn.

Mệt, tưởng về phòng là có thể lăn lên giường ngủ nhưng nó lại thấy nhớ nhà nôn nao. Không biết giờ này ở quê, bố mẹ đã cấy xong chưa? Mấy hôm nay trời rét, phải lội xuống ruộng cấy thì lạnh lắm. Năm nay, rau màu gặp rét hư hại hết, bòn mót bán chẳng được là bao, không biết bố mẹ lấy gì sắm Tết? Nó muốn gọi điện thoại về cho bố mẹ nhưng máy nó đã bị chặn chiều đi hai ba hôm rồi. Nó đang cố chờ đợt khuyến mại.Cái phản xạ tính toán để tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất không biết đã hình thànhtrong nó từ bao giờ nữa.

Sáng sớm, mắt nó đang ríu lại thì điện thoại đổ chuông. Các chị trong phòng tối qua làm ca về muộn đang ngủ bị đánh thức cau có. Nó chui ra khỏi chăn, cất tiếng trả lời thật khẽ. Và nó tỉnh rụi khi nghe thấy giọng mẹ: Về nhà đi con, ngày kia là sinh nhật con rồi. 19 năm con chưa được tổ chức sinh nhật bao giờ. Năm sau ra trường rồi, biết đâu lại công tác xa, Tết nhất muốn về với gia đình cũng khó…

Giọng mẹ rơi bập bõm bên tai nó. Mắt nó đang nhoè dần đi…

Bùi Thu Hoàn

 

 

.

Để lại một bình luận