Hũ Dưa Muối Của Mẹ

 

 

Hũ Dưa Muối Của Mẹ

Hũ Dưa Muối Của MẹNăm 1977, khi tôi quyết định rời Sài Gòn ra Hà Nội học điện ảnh, ba tôi chỉ thở dài nói: “Sẽ cực lắm đấy, không chịu nổi thì báo cho ba biết để gửi tiền mua vé xe về!”. Còn mẹ tôi thì không nói gì, chỉ giúp chuẩn bị cho chuyến đi “lịch sử”của tôi.

Đó là giai đoạn rất khó khăn, lương thực phải mua theo tem phiếu, đường sữa thuộc loại “xa xỉ phẩm”, xà bông, kem đánh răng cực hiếm, còn bột ngọt là món hàng “chiến lược”, quý như vàng bây giờ.

Nhưng cuối cùng mẹ cũng gom góp cho tôi được vài thứ, với hi vọng thằng con trai mới 20 “trụ” lại được “ngoài đó” để ăn học. Ngoài mớ hành trang lỉnh kỉnh, mẹ tôi còn dặn dò đủ thứ, chỉ cho tôi cách nấu cơm, nhặt rau, kho cá, nói chung là tất cả những vốn liếng bếp núc mẹ có. Tôi còn nhớ mãi khi ra đến bến xe, mẹ còn nhét vào túi tôi cái hũ nhựa lớn, và dặn dò tôi cách muối dưa, vì như mẹ nói: “Không có gì ăn thì cơm với dưa là sống được con à”. Tôi không ngờ những lo lắng của mẹ tôi tới phút chót trước khi đi lại là “cứu cánh”của tôi khi xa nhà!

Hà Nội thời đó vừa qua chiến tranh, quanh bờ hồ vẫn còn đầy hầm tránh bom,  phố phường thì hầu như phủ một màu xám: nhà xám vì cũ, đường xám vì người,  hầu như ai cũng mặc quần áo bộ đội cũ dù không phải bộ đội, không áo thì quần. Xe đạp thời đó vẫn còn mang biển số. Thỉnh thoảng có chiếc Honda hay Mobylette “miền Nam” chạy vụt qua, cũng để lại làn khói xám. Nơi rực rỡ nhất Hà Nội thời ấy có lẽ là cửa hàng mậu dịch quốc doanh cạnh bờ hồ, nhưng hầu như 90% hàng hóa ở đó là “hàng mẫu không bán”.

Vậy mà tôi đã “tồn tại” nơi ấy một cách mạnh khỏe, học hành đàng hoàng 6 năm cho đến ngày ra trường, có thể nói không ngoa, một phần là nhờ hũ dưa của mẹ!

Thời đó tất cả sinh viên nội trú đều ăn cơm nhà bếp của trường. Mang tiếng là ăn tập thể nhưng hầu hết chúng tôi lĩnh phần ăn và đem về phòng. Các bạn cứ chia ra từng nhóm để ăn, và quan trọng nhất là “cải thiện”, đó là từ để chỉ công việc phải chế biến hoặc phải thêm món gì cho dễ nuốt.Và món dưa của tôi học được từ mẹ đã vô cùng hữu ích.

Ở các cửa hàng quốc doanh, cải để muối dưa có lẽ là món rẻ nhất. Chỉ cần mấy hào đã có một hũ dưa đầy. Chúng tôi chế biến vô số món từ dưa: đơn giản nhất là dưa chấm mắm ăn với cơm, rồi dưa xào với tóp mỡ, canh dưa, cá kho dưa… Thậm chí nước dưa cũng không hề bỏ, nó trở thành món canh cho đám sinh viên chúng tôi đang tuổi lúc nào cũng thấy đói.

Cải thì ở miền Bắc hầu như có quanh năm, thế nên trong phòng tôi ở lúc nào hũ dưa cũng đầy ắp. Những đêm đông lạnh, nhiều lúc nằm mãi không ngủ được,  chúng tôi lại bò dậy ăn dưa… không, vì cơm nguội không phải lúc nào cũng có.  Dưa trở thành người bạn thân thiết của tôi cho đến tận bây giờ, dù lúc này mọi thứ đã thừa thãi.Nhưng câu chuyện hũ dưa của mẹ tôi không dừng lại ở đó…

Mùa hè vừa qua, tôi đưa con gái lớn qua Mỹ vào đại học. Gần một tháng sắp xếp cho con tất cả mọi thứ, từ trường học, chỗ ở, mua xe, mở tài khoản ngân hàng…  Gần như tất cả đã chu đáo, nhưng khi sắp tạm biệt con ra về, tôi lại nhớ đến mẹ và làm một việc như mẹ tôi ngày xưa.

Do là thế này: con gái tôi phải tự nấu ăn, mà ăn mãi đồ Mỹ thì ngán, đồ ăn Việt Nam lại mất công, phải đi chợ khá xa. Tôi lại “truyền nghề” muối dưa cho con gái, và mọi việc mang lại kết quả tốt đẹp không ngờ. Nó hào hứng và thích thú vô cùng với các món ăn rất dân dã mà ngon miệng, vừa tiện lợi lại rất Việt Nam!

Và giờ đây, trong nhà trọ học của con tôi, hũ dưa lúc nào cũng có.

Thế mới biết, trong đời sống chúng ta, đôi khi từ những điều rất nhỏ tưởng như không có gì đáng nói lại mang những ý nghĩa thật sâu xa… Tôi không biết mẹ đã học những điều ấy từ đâu, cũng có thể từ ngoại tôi trước khi mẹ bước về nhà chồng, cũng có thể mẹ tự học được trong quá trình bếp núc, nhưng với tôi, hũ dưa của mẹ vẫn đầy ắp yêu thương, thân thiết và gần gũi.Nó đã đi từ mẹ đến tôi, và giờ đây lại theo con tôi đến tận những phương trời xa lạ.

Hũ dưa của mẹ đã mang theo mình bao thế hệ, nó chính là hiện thân của quê nhà và tình yêu vậy.

Đinh Anh Dũng
.

Để lại một bình luận