Cn 4 Tn A : Đâu là hạnh phúc thật !!!

 

Cn 4 Tn A : Đâu là hạnh phúc thật !!!

 

Cn 4 Tn A : Đâu là hạnh phúc thật !!!Kinh Thánh có chép rằng : “Giấc mộng chưa thành trái tim khắc khoải” (Cn 13,12). Vâng, có lẽ trong cuộc sống trần gian này; không có gì làm cho con người khắc khoải nhiều cho bằng sự hạnh phúc.

Thật vậy; ước mong có một cuộc sống hạnh phúc là một ước muốn tự nhiên không phân biệt già trẻ lớn bé; không phân biệt quốc tịch hay quốc gia.

Thế nhưng; quan niệm về hạnh phúc của mỗi người lại mỗi khác; tùy theo thời gian và không gian. Với một chàng thanh niên; có gì hạnh phúc hơn là thành công trong sự nghiệp. Nhưng với một thiếu nữ; hạnh phúc của nàng “quá đơn sơ (mà) tôi đâu có ngờ” chính là một mái ấm gia đình.

Hạnh phúc của một bác sĩ là có nhiều thân chủ đến khám bệnh. Ngược lại; thật là hạnh phúc cho một người lao công nếu họ luôn có một sức khỏe tốt và đừng bao giờ phải đến gặp thầy để bốc thuốc…

Với những người lớn tuổi lại là khác; hạnh phúc của họ không ngoài sức khỏe và tuổi già có chỗ nương thân v.v…

Hạnh phúc tưởng rằng quá đơn giản nhưng không phải thế. Đôi khi hạnh phúc của người này lại là bất hạnh cho người kia. Và dẫu cho đã có hạnh phúc nhưng không chắc lắm hạnh phúc đó luôn tồn tại trong cuộc đời ta.

Nói tắt một lời; hạnh phúc quả là một nan đề… Chính vì thế; hỏi sao con người không ngày đêm khắc khoải rằng : đâu là hạnh phúc thật !!!

…..

Sự khắc khoải đó tưởng như là một vấn nạn không có lời giải đáp. Cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện. Sự xuất hiện của Ngài như một luồng gió. Một luồng gió thổi tan những đám mây mù bao phủ hạnh phúc của con người.

Tại Galile; trên một đỉnh núi; Đức Giêsu đã công bố một thông điệp. Một thông điệp đã đánh động biết bao tâm hồn con người. Một thông điệp đã cho mọi người thấy đâu là hạnh phúc thật của con người hôm nay.

Từ môi miệng của Đức Giêsu; Ngài đã gửi đến con người bằng những lời nói thật thiết tha : “Phúc thay ai…  Phúc thay ai… Phúc thay ai…”.Tất cả chỉ là “Tám mối phúc”.

Tám-mối-phúc  như một hồi chuông thức tỉnh. Thức tỉnh mọi người hãy nhận ra rằng : mọi thứ tiền bạc; danh vọng; quyền lực… chỉ là những mối họa khốn cùng.

Qua trình thuật Luca; Đức Giêsu thẳng thừng quở trách : “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có… Khốn cho các người là những kẻ no nê… Khốn cho các ngươi là những kẻ đang được vui đùa…” (Lc 6,24-25).

“Tám mối phúc” như một lời nhắn nhủ rằng; chỉ  những ai “có tâm hồn nghèo khó’. Chỉ những ai “hiền lành, khát khao nên người công chính”. Chỉ những ai “có tâm hồn trong sạch”. Chỉ những ai biết “xây dựng hòa bình”. Và nhất là chỉ những ai  can đảm và chấp nhận “bị sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”. Vâng, thực hiện những điều đó mới thật là có phúc. Và “Nước Trời (mới) là của họ”

“Tám mối phúc” còn như một tiếng kèn; kêu gọi mọi người hãy đến để nhận lại cái hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc “… được Thiên Chúa ủi an… được Thiên Chúa cho thỏa lòng… được Thiên Chúa xót thương… được nhìn thấy Thiên Chúa… ”.

Tám-mối-phúc chính là một thiên sử tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người. Để con người nhờ sống-tám-mối-phúc đó mới được Thiên Chúa cho lại cái diễm phúc “được gọi là con Thiên Chúa”  mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva chỉ vì kiêu ngạo đã đánh mất đi.

Nếu xưa kia Thiên Chúa “cho con người chẳng kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7)… thì hôm nay có gì ngăn cản Người muốn con người luôn được hạnh phúc.

Vâng, chính vì thế mà Đức Giêsu; sau khi gửi đến con người thông điệp “tám phúc”; Ngài đã không quên nói với mọi người bằng một lời nói thật ngọt ngào : “Anh em hãy vui mừng hớn hở” (Mt 5, 12).

Một chút tâm tình…

Ngày hôm nay…

Trong một xã hội “con người” được đánh giá qua tiền bạc; chức tước, địa vị thì sống “tâm hồn nghèo khó” quả là điều khó chấp nhận.

Trong một xã hội “cá lớn nuốt cá bé”; thật khó để mà sống hiền lành.

Trong một xã hội “sống chết mặc bay; tiền thầy bỏ túi”. Vâng, mấy ai có thể rung động tâm hồn để mà sầu khổ trước khổ đau của kẻ khác…

Trong một xã hội “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”… Ai … ai dám “khao khát nên người công chính” !?

Một thế giới luôn quan niệm rằng : “muốn có hòa bình; phải chuẩn bị chiến tranh”… Vậy thì kẻ chuẩn bị chiến tranh phải chăng lại là người có phúc !?

…..

Những suy luận nêu trên không phải là thông điệp của Đức Giêsu. Những điều đó chỉ là sự ngụy biện của ác thần; của sự dữ.

Bất luận không gian và thời gian; thông điệp của Ngài vẫn bất di bất dịch. Vẫn là tám mối phúc mà Đức Giêsu đã công bố ở Galile trên một đỉnh núi năm xưa. “Phúc thay ai… Phúc thay ai… Phúc thay ai.. v.v…”.

Lời mời gọi của Ngài luôn luôn đòi hỏi một sự chọn lựa giữa thiện và ác, giữa sống và chết.

Chúng ta; hãy tự đặt mình vào vị trí của những người đang lắng nghe thông điệp “tám phúc” và hãy tự hỏi rằng; ta sẽ chọn con đường nào để đi theo !?

Ðặt trọn niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô và chọn việc tin vào Lời Người, bất kể lời ấy khó nghe đến đâu !? Hay là chấp nhận những đòi hỏi của ác thần; của sự dữ, vì xem ra những lời đó truyền cảm và quyến rũ !?

Hãy nhớ; Lời Chúa có chép rằng : “Những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa… tìm sự công chính… tìm đức khiêm nhường thì may ra… sẽ đươc che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa” (Xp 2,…3)

Mệnh-lệnh-của-Đức-Chúa ở đâu !? Thưa rằng; chính là  ở trong “tám mối phúc” !!!

Một phút suy tư…

Công bố thông điệp “Tám mối phúc”. Đức Giêsu không dừng lại ở việc rao giảng; Ngài còn sống trọn tinh thần “tám mối phúc”.

Nhìn vào gia cảnh của Đức Giêsu ở Nazareth; chúng ta thấy ngay được tinh thần nghèo khó. Nhìn “thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Ngài đã chữa họ” (Mt 4,24). Vâng, chúng ta thấy ngay được hình ảnh một Giêsu “xót thương người”.

Nói tắt một lời; nhìn Đức Giêsu là nhìn thấy “tám mối phúc”.

Tám-mối-phúc còn được gọi là “Bài giảng trên núi” vì theo Tin Mừng kể lại : “Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ” (Mt 5,1).

Nhắc lại điều này để nói đến một nhân vật nổi tiếng của thế giới. Ông chính là lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ; tuy không phải là một Kitô hữu; nhưng sau khi đọc xong án văn tuyệt tác này; ông ta đã thốt lên rằng : “Nếu mọi người thực thi lời dạy của Đức Giêsu trong bài giảng trên núi của Ngài; con người có thể giải quyết tất cả vấn nạn của thế giới”.

Là một Kitô; sống trọn tinh thần tám phúc; phải chăng là quá sức cho chúng ta trong một thế giới duy-vật-chất hôm nay !?

Thưa không. Hãy tin rằng Đức  Giêsu không thờ ơ để chúng ta tự mình đương đầu với thử thách. Ngài luôn ở cùng chúng ta như lời Ngài đã phán hứa : ‘Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể; Đức Giêsu sẽ chuyển sự yếu đuối của chúng ta thành sức mạnh. Hãy nhớ lời thánh Phao lô đã nói : “Ơn Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được thể hiện cách hoàn hảo trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9).

Cũng đừng quên lời Đức Giêsu đã phán hứa : “Phúc thay anh em khi vì Thầy… phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

petrus.tran

 

Để lại một bình luận