Chúa nhậ 04 thường niên A
Anh Em Thật Có Phúc
Mt 5: 1-12a
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Nếu có bất kỳ một kiểu mẫu nào cho các ngôn sứ Cựu Ước như là những người đi đó đây loan báo, tố cáo tội lỗi của dân và sự trừng phạt cháy bừng của Thiên Chúa – thì Xôphônia quả là một mẫu người như thế. Ông giảng suốt thời đại của Giôsia (khoảng thế kỷ thứ VII trước CN) và đã giúp Giôsia trong việc cải cách tôn giáo. Xôphônia , giống như vị tiền nhiệm của mình là Amốt, nhắc nhở dân về Ngày Của Chúa – ngày của những phẫn nộ và đau khổ. Vào ngày đó, tất cả sự sống sẽ bị phá hủy. “Ta sẽ quét sạch mọi thứ khỏi mặt đất, Đức Chúa nói như thế” (1:2). Trong viễn cảnh của những lạm dụng tôn giáo cà xã hội của dân, Xôphônia đã loan báo về cơn giận đang đến của Thiên Chúa.
Nhưng, xét trong bài đọc một hôm nay, vị ngôn sứ đã có cảm tình với một nhóm người trong dân mà ông gọi là “những kẻ còn sót lại”. Xôphônia xem những người khiêm nhường và đạo đức ít ỏi này như là dấu chỉ của niềm hy vọng , một khởi đầu mới cho dân Dothái. Đây là những người đã giữ luật và những tập tục truyền thống cũng như đã sống ngay chính. Đây là những người mở lòng ra với Lời Chúa và cố gắng tìm cách sống những lời ấy. Họ là những tín hữu đích thực; những người đặt Chúa làm ưu tiên số một và vì thế họ trở nên dấu chỉ sự trung tín của Thiên Chúa và ân sủng không ngừng tuôn trào mà Chúa dành cho những kẻ tin tưởng nơi Người. Nếu như quý vị hỏi kẻ bé nhỏ nhất trong số những người sót lại này rằng : “Ở đây ai chịu trách nhiệm chính?” họ sẽ trả lời đầy chắc chắn rằng : “Chính Chúa”.
Qua các ngôn sứ Dothái, chúng ta có thể nhận ra một sợi chỉ vàng xuyên suốt – đó là sự hiện hữu của những “kẻ còn sót lại”. Ngôn sứ Amốt là người đầu tiên nói về họ, Isaia, Mikha và như chúng ta nghe hôm nay, ngôn sứ Xôphônia nữa. Ngay cả khi ngôn sứ kết án dân về những hành vi mê tín hay và những tỗi lỗi thuộc đời sống xã hội, thì những “kẻ còn sót lại” tỏa sáng như những dấu chỉ sự công chính của Chúa hiện tân giữa lòng nhân loại. Họ là hiện thân của dấu chỉ hữu hình cho thấy Chúa là Đấng như thế nào và những việc thiện mà con người có thể thực hiện với sự trợ giúp của Chúa. “Những kẻ còn sót lại” không chỉ xuất hiện trong Kinh thánh Dothái, nhưng “sợi chỉ vàng” của họ vẫn tiếp tục và tỏa sáng nơi Đức Giêsu và rồi nơi những ai được Người gọi là “kẻ có tinh thần nghèo khó ”; những kẻ theo Người đã nghe và đón nhận triều đại của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Nếu quý vị cũng đặt câu hỏi tương tự với những người đi theo Đức Giêsu, “Ai chịu trách nhiệm ở đây?” họ cũng trả lời đầy chắc chắn rằng “Là Chúa!” Quý vị cũng có thể hỏi họ: “các anh theo lối sống của ai?” Và họ sẽ trả lời “Lối sống của Giêsu”. Sợi chỉ vàng của những kẻ còn sót lại đan kết từ các ngôn sứ đến Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, những môn đệ mà hôm nay Người mô tả trong Các Mối Phúc.
Các Mối Phúc nói trực tiếp với những kẻ cùng đinh; những người mà xã hội xem như rất bất hạnh. Các Mối Phúc không phải là phần thưởng dành cho những người có hành vi tốt lành. Nhưng đó còn là mối liên kết chặt chẽ giữa những kẻ giàu có và người nghèo khổ; người đói và kẻ no; người sầu khổ và những ai an lạc, … Những mối phúc nói đến những gì xảy ra bên trong những người bị đổ vỡ và thiếu thốn, ở một mức độ nào đó, nhưng họ đã hướng về Thiên Chúa và tìm kiếm hạnh phúc cũng như niềm vui ở mức độ sâu xa hơn.
Những ai sống theo Các mối phúc (những người còn sót lại của Tân Ước) thấy được những hứa hẹn mà Các Mối Phúc nói với họ và được canh tân trong niềm hy vọng. Họ đã đặt mọi sự nơi Thiên Chúa. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, họ sống cuộc đời mà Các Mối Phúc vạch ra, mặc cho bị loại trừ, nhạo báng và những bách hại mà thế gian này dành cho họ. Khi mà sống như Đức Giêsu thật khó khăn, thì chúng ta vẫn được đảm bảo rằng, dù cho không có đủ những đảm bảo có thể sờ thấy được, thì Thiên Chúa vẫn đang tuôn đổ ơn lành trên chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta phần thưởng nước trời. “Niềm vui và phần thưởng của anh em ở trên trời thật lớn lao”.
Các Mối Phúc có thể được giải thích theo nhiều mức độ khác nhau. Đây là một trong những cách giải thích.
“Những người có tinh thần nghèo khó”
không màng gì đến sự tốt lành của họ nhưng là hướng về Thiên Chúa.
Những kẻ than khóc, khóc than cho tội lỗi và những bất công trên thế giới.
Những người hiền lành, không có sức mạnh nào ngoài sức mạnh từ Chúa.
Những kẻ đói khát sự công chính
chờ đợi ơn cứu độ mà chhỉ Chúa mới có thể ban cho.
Kẻ xót thương người khác là người khi bị xúc phạm thì tha thứ.
Người có lòng trong sạch thì chỉ tập trung nơi Chúa.
Người xây dựng hòa bình thì hoạt động
để đưa sự chữa lành và liên kết của Chúa cho thế giới.
Người chịu bách hại vì lẽ công chính
là những ai chấp nhận thử thách và đau khổ
vì sống và hành xử như người môn đệ của Thầy Giêsu.
Gần đây, sổ xố của bang New York, Mỹ đã nâng lên giá 300 triệu Mỹ kim. Bất chấp trận bão tuyết dữ dội,người ta vẫn xếp hàng bên ngoài những cửa tiệm bán vé số. Truyền hình quốc gia đã tường thuật và phỏng vấn những người hy vọng trúng số. Một số nói rằng trúng số quả là một “ân huệ”. Câu trả lời của họ thật không thể hiểu nổi, vì nhiều người trong số họ nhìn có vẻ nghèo nàn và thuộc tầng lớp lao động. Trong thời buổi căng thẳng về tài chính này, có lẽ họ đang rất thiếu thốn và dĩ nhiên, cho rằng thắng một số tiền lớn như thế quả là một “ân huệ Chúa ban”.
Nhưng liệu trúng số có phải là một dấu chỉ của ân sủng của Chúa ban? Liệu tất cả những sự giàu có ấy khiến họ hạnh phúc? Chắc chắn họ sẽ có cảm giác rất tuyệt. Nhưng xét thấy những người trúng số trước đó, cuộc sống của họ bị tiêu tùng vì bỗng nhiên trở nên giàu có và nổi tiếng, hạnh phúc đích thực và dài lâu, không dĩ nhiên đến cùng với mẻ thắng lớn. Nó cũng chẳng đến cùng với việc thắng giải Bowling, giải Academy hay học bổng của một trường đại học. Đó không phải là một tin cho hầu hết chúng ta, phải không?
Các Mối Phúc có lẽ đã là sự đảm bảo và an ủi đối với những Kitô hữu đầu tiên. Hầu hết xuất thân từ tầng lớp không quan trọng trong xã hội. Kitô giáo thu hút những người nghèo, tầng lớp lao động và nô lệ. Họ biết rằng thế giới bên ngoài coi thường họ, thậm chí khinh ghét họ. Khi họp nhau cử hành phụng vụ, có lẽ họ đã ít nhiều nghi ngờ về giá trị của bản thân họ cũng như tương lai của cộng đoàn đức tin của họ.
Việc nghe Các Mối Phúc về ân sủng của Thiên Chúa có thể là một trò hề đối với thế giới bên ngoài. Với họ, một ân huệ có thể là trúng số hay thắng giải Bowling. Nhưng với các tín hữu, được linh hứng từ Các Mối Phúc, có một cái nhìn khác. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta và cùng với chúng ta sống những gì Các Mối Phúc mời gọi. Ngay cả khi chúng ta đã cố gắng, thất bại và lại cố lần nữa thì chúng ta nghe vẫn được sự bảo đảm của thầy Giêsu, “Anh em thật có phúc.”