Cn 2 A : Khám phá Ơn Gọi và kiên trì trong sứ vụ

Khám phá Ơn Gọi và kiên trì trong sứ vụ
Ga 1:29-34

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đaminh chuyển ngữ

Cn 2 A : Khám phá Ơn Gọi và kiên trì trong sứ vụThưa quý vị,

Đoạn sách trích từ Isaia hôm nay là bài thứ hai trong số bốn bài ca về Người Tôi Trung nằm trong các chương 40-55. Bài ca này viết cho Israen trong thời gian bị lưu đày ở Babylon. Từ “ngươi” được sử dụng rất hàm hồ – có lẽ là cố ý. Vì thế, có lẽ một cách để lắng nghe thông điệp là như thể nhắm đến từng người chúng ta. Nhưng từ ‘ngươi” cũng nhằm nói đến nước Israen. Như gia bộc được Chúa chọn, nó đã không trung tín với giao ước của Chúa và đã chịu hậu quả. Quân Babylon đã tràn vào tàn phá đất nước và bắt dân trí thức và nhân tài đem đi đày. Chúng bỏ lại những người yếu nhược, thành bị phá hủy và đất ra  ô uế.

Nhưng khi con người từ bỏ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn không bỏ họ. Ngay cả khi dân tỏ ra bất xứng, Thiên Chúa vẫn đến với họ. Dường như không có gì có thể ngăn cản tình yêu mà Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta. Thiên Chúa đồng hành với chính cuộc lưu đày do chúng ta tạo nên, phục hồi lại lời hứa trung thành, đưa chúng ta ra khỏi nơi đất khách và chỉ cho đường về nhà – đồng hành với chúng ta trên suốt hành trình.

Israen sẽ được đưa về từ cuộc lưu đày, nhưng niềm trăn trở của Thiên Chúa không dừng lại ở đó. Người tôi bộc  còn được giao một sứ mệnh, vì Chúa còn có một kế hoạch lớn hơn cho dân, họ sẽ là “ánh sáng cho muôn dân.” Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người, toàn thể thế giới khỏi cảnh lưu dày và tù tội. Tất cả mọi người chứ không chỉ Israen trong kế hoạch của Thiên Chúa. (Trong thư Thánh Phaolô sẽ  công bố, với sự kinh ngạc, về kế hoạch cứu độ Chúa dành cho dân ngoại ).

Trong “Lời thề trung thành”, chúng ta mô tả mình như “một đất nước của Thiên Chúa”. Nếu nhìn vận mệnh của thề giới theo lối của Isaia, chúng ta sẽ có trách nhiệm không chỉ với dân tộc mình nhưng còn với toàn thế giới. Mối ưu tư của chúng ta vượt xa những gì tốt đẹp cho riêng chúng ta. Như những người tôi bộc được chọn và nhìn bằng ánh mắt của Chúa, chúng ta phải đến với những người bị giam hãm trong sự tối tăm của nghèo đói, bệnh tật, chán nản, chiến tranh, … dù họ là ai và ở đâu.

Như một quốc gia, chúng ta còn lâu mới có thể được xem như người tôi bộc của lòng thương xót và bình an của Chúa trong thế giới. Trong Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cùng Chúa cho đất nước của chúng ta được lắng nghe Lời Chúa và được biến đổi nhờ những gì chúng ta nghe, hầu chúng ta có thể trở nên ánh sáng cho những người đang sống trong bóng tối, trong đất nước của chúng ta cũng như trên toàn thế giới và hành tinh này.

Những Kitô hữu tiên khởi chú ý đến Bài Ca Người Tôi Trung của Isaia và họ thấy mình là dân được gọi ra khỏi cảnh nô lệ nhờ Đức Giêsu, người tôi trung của Chúa. Đức Giêsu là dấu chỉ của lòng trắc ẩn và công bình của Thiên Chúa cho tất cả mọi dân tộc – “để ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Chính những Kitô hữu cũng thấy mình trong vai trò ngôn sứ là tôi trung của Thiên Chúa, được kêu gọi và đòi hỏi phải trở nên ánh sáng; là dấu chỉ của Thiên Chúa tới với tất cả những ai đang ngồi trong bất kỳ hình thức tăm tối nào.

Chẳng phải chúng ta, những Kitô hữu hiện đại cũng có cùng sứ mệnh đó sao? Trong Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên “ánh sáng cho muôn dân” để ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta được nhận biết “tới cùng cõi đất”. Được kêu gọi trở nên “ánh sáng cho muôn dân” không chỉ nhấn mạnh hành động truyền giáo của chúng ta như một giáo hội. Nếu chúng ta là ánh sáng thì chúng ta chiếu tỏa bất kỳ khi nào. Như một cộng đoàn đức tin, chúng ta là ai và chúng ta giao tiếp với nhau như thế nào, sẽ là sứ điệp cho dân ngoại, kêu gọi họ ra khỏi bóng tối để bước vào một cộng đoàn tín hữu yêu thương. Nếu chúng ta trung thành với ơn gọi của mình, sống như thánh Phaolô mô tả chúng ta trong bài đọc hôm nay, là những người “được hiến thánh trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh…,” và chúng ta sẽ trở thành tôi trung như Isaia đã hình dung, một “ánh sáng cho muôn dân”.

Bài Tin mừng hôm nay làm một cú đảo lộn. Mãi cho đến bây giờ, chúng ta vẫn xem Gioan như vị tiền hô của Đức Giêsu. Giờ đây, qua sự chứng thực của Gioan Tẩy Giả, bài Tin mừng đã đưa chúng ta từ Gioan đến với Đức Giêsu. Nhưng trước khi chuyển qua Đức Giêsu, chúng ta hãy nán lại với Gioan thêm chút nữa.

Hãy tưởng tượng xem Gioan Tẩy Giả đã trải qua những gì trong sứ vụ của ngài. Khởi đầu là việc ông nhận được lời mời gọi đi loan báo một Đấng đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông, Đấng mà hôm nay Gioan tuyên bố là “Chiên Thiên Chúa”. Đây chính là Đấng xóa tội trần gian. Trước hết, Gioan không hề biết đấng sắp đến là ai. Ông phải chờ mạc khải thêm, như ông chứng thực hôm nay, “Trước đây, tôi đã không biết người…”

Thực ra, hai lần Gioan chân nhận, “tôi đã không biết ngài”. Gioan phải chờ xem Thánh Thần hiện xuống “như chim bồ câu” và ngự lại nơi Đức Giêsu. Khi những sự ấy xảy ra, thì Gioan cuối cùng đã nhận ra đấng ông hằng mong đợi và chuẩn bị cho dân đón nhận – đấng sẽ “làm phép rửa bằng Thánh Thần”.

Gioan đã phải dò dẫm làm việc trong một thời gian. Ông nhận được tiếng gọi đầu tiên của mình, và phải chờ đợi. Nhưng không phải là ông ngồi im chờ đợi và không thèm làm gì. Ông đã bận rộn và luôn hành động trong ơn gọi của mình, tin tưởng rằng khi thời gian hoàn tất sứ vụ của mình đến, Thiên Chúa sẽ cho ông biết mình phải làm gì tiếp theo. Gioan nhắc chúng ta nhớ về Ba Vua. Họ nhận được thông điệp khi họ vừa nhìn thấy ánh sao trên trời. Họ đáp lại, ra đi, theo thông điệp của ánh sao. Nhưng cũng giống như Gioan, họ phải dò dẫm đi một hồi trước khi đạt đến đích và nhận ra Đức Giêsu.

Khi được rửa tội, tất cả chúng ta đều liên đới trong sứ vụ. Một số trong chúng ta lãnh tác vụ chính thức trong giáo hội, những người khác đáp ứng những nhu cầu xung quanh. Mỗi chúng ta đều nghe thấy lời mời gọi cho sứ vụ. Cuộc đời của chúng ta được ghi dấu bởi sứ vụ này và bởi những người cần đến chúng ta. Nhưng theo nhiều cách khác nhau, giống như Gioan và Ba Vua, chúng ta cũng làm việc trong tăm tố, không chỉ trong cảnh tăm tối của thế giới chúng ta, nhưng cả trong sự tăm tối của ơn gọi của chúng ta. Chúng ta dồn tất cả sức lực vào những gì chúng ta biết mình phải thực hiện, nhưng chúng ta vẫn không ngừng thắc mắc: Tôi còn phải tiếp tục sứ vụ này bao lâu nữa? Sứ vụ này có thích hợp với khả năng của tôi hay không? Tại sao những gì tôi thực hiện trong sứ vụ của mình lại không được biết đến cách chính thức hơn? Tôi nghĩ về điều này sau bao năm thi hành sứ vụ tôi có lẽ đã va chạm hơn. Nhìn lại phía sau, liệu tôi có nhận được ơn gọi hay không, hay đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi, một sự hão huyền?

Tôi cho rằng những câu hỏi này chẳng xa lạ gì với Tẩy Giả. Ông thực sự rất nhạy bén về việc được kêu gọi. Nhưng rồi, ông phải làm việc cho mãi đến khi nhận được dấu chỉ tiếp theo; dấu chỉ chỉ ra thân phận Đức Giêsu. Như Ba Vua và như một số trong chúng ta, ông lên đường mà không hề biết kết quả chung cuộc của công việc mình làm. Nhưng ông chắc rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ rời bỏ ông, nhưng luôn ở đó chờ ông, vào lúc thích hợp, để mặc khải bước tiếp theo cho ông.

Có một kết cục đang chờ đợi chúng ta, khi mà chúng ta thấy Thiên Chúa diện đối diện và sẽ không còn tối tăm nào nữa. Với điều này, chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng. Cho đến lúc đó, chúng ta tiếp tục sứ vụ của mình nhân danh Chúa. Chúng ta vẫn trung thành với cộng đoàn đức tin của mình, đặc biệt là khi chúng ta cùng quy tụ nhau để cử hành Thánh Thể. Chúng ta cũng tìm kiếm Đức Chúa trong những lần cầu nguyện thường xuyên của mình.

Nếu như chúng ta thực hiện những thay đổi đáng kể, như việc Ba Vua khăn gói lên đường bắt đầu tìm kiếm, hoặc như sự hoàn thành sứ vụ của Gioan, chúng ta sẻ cần đến sự hướng dẫn trong sứ vụ của mình. Rồi, chúng ta sẽ để mình chăm chú lắng nghe hơn nữa trong thinh lặng cầu nguyện; đọc có suy gẫm và thậm chí tìm kiếm sự tư vấn của những người khôn ngoan để giúp chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Tôi biết ơn những ai giúp tôi biết nhận ra giây phút quan trọng và biến đổi trong cuộc đời tôi. Tri ân những ai đã ở đó và giúp tôi nói lên rằng: “Tôi thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống…” Ai là những người như thế đối với quý vị ? Hãy cùng nhau tạ ơn.


Để lại một bình luận