Lễ Hiển Linh : Tôi đã thấy…
Mỗi mùa Giáng Sinh về. Điều dễ nhận thấy nhất đó là mọi người nô nức trang hoàng nhà cửa bằng những biểu tượng liên quan tới Noel. Với người đời; họ trưng bày ông già Noel, người tuyết hoặc cây thông v.v…
Với những người tin Chúa; trưng bày hang Belem như một sự kiện không thể tách rời với Lễ Giáng Sinh. Sự hiện diện một Hang đá tại các Giáo đường cũng như tại đa số các gia đình Công Giáo như một truyền thống đẹp. Một truyền thống được dựa vào Thánh Kinh.
“…Nguồn gốc sự trưng bày hang Belem được cho là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi. Năm 1223 ở Greccio; để chuẩn bị thuyết giảng về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong thân phận khó khăn nghèo hèn; thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa…” (trích đoạn trong bài giảng của Lm Nguyễn Hữu Thy )
Ngày nay, nhiều người đã cách-điệu-hóa hang Belem. Có hang Belem chỉ có tượng Đức Maria và Hài Nhi. Có khi chỉ có độc nhất vô nhị tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Dù muốn giản dị như thế nào đi nữa; có một hình ảnh chẳng những không thể thiếu mà còn được trưng bày rất nhiều; đó là hình ảnh các ngôi sao.
Một ngôi sao rất lớn được đặt trên đỉnh nhà thờ với các chùm sao nhỏ tỏa dài xuống. Có thể nói là có cả một rừng sao. Phải chăng chính vì thế mà người ta còn gọi Mùa Giáng Sinh là mùa-sao-sáng !!! Và phải chăng; cũng chính vì thế mà nhạc phẩm “Mùa sao sáng” đã ra đời với những ca từ bất hủ : “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời… Một mùa đông giá hang Belem Chúa sinh ra đời. Bầu trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng Ngôi cao…” (Tác giả : Nguyễn-văn-Đông).
…..
Vâng.. Không phải tự nhiên lại đem một-ngôi-sao-rất-lớn-đặt-trên-đỉnh-nhà-thờ ! Nó chính là biểu tượng của một ngôi sao đã xuất hiện cách đây hơn hai ngàn năm có lẻ.
Đó là một vì-sao-lạ ! Nhưng lại không xa lạ đối với các nhà chiêm tinh. Từ phương Đông; họ đã nhìn thấy vì sao xuất hiện. Họ đoan chắc rằng; dấu chỉ đó chính là điềm báo “Đức Vua dân Do Thái mới sinh…”
Điềm báo đó đã được loan truyền khiến cho Vua Herode bối rối…. Các thượng tế và các kinh sư không khỏi bàng hoàng…
Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… như một trái boom tấn đánh thức cả kinh thành Giêrusalem.
Belem, miềm Giu-đê sao ! Không lẽ hôm nay lời ngôn sứ đã ứng nghiệm ! Thật đáng tiếc ! Có vẻ như các thượng tế và các kinh sư không mặn mà lắm cho việc truy tìm “vị lãnh tụ” mà các ngôn sứ đã loan báo rằng : “Tại Belem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép : Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).
Không thấy có hành động nào cho thấy nhóm thượng tế và kinh sư sẵn sàng làm người hướng đạo cho các nhà chiêm tinh.
Chỉ nhờ niềm tin vào lời ngôn sứ; các nhà chiêm tinh mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… đi theo hướng “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông”. Bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem với những lời hứa hão huyền của bạo chúa Herode.
Họ lên đường trong niềm tin tưởng rằng “vì sao lạ” chính là người dẫn đường. Và quả thật niềm tin của họ được đặt đúng chỗ. Ngôi sao lạ “đã dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. … Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”…
Một chút tâm tình…
Thật là ngây thơ khi cho rằng cuộc hành trình đi tìm “Đức Vua dân Do Thái” của các nhà chiêm tinh như là một chuyến du lịch về một địa danh lịch sử.
Đã có những cạm bẫy được giăng ra. Đã có những âm mưu chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để cũng đến bái lạy Người” !!!
Ngôn sứ Isaia có nói : “Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is 60,…1).
Và quả thật; các nhà chiêm tinh đã vượt qua “bóng tối bao trùm mặt đất” bởi chính họ đã nhận ra “Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa” qua dấu chỉ là một vì-sao-của-Người.
Nhờ niềm tin; các nhà chiêm tinh đã nhìn theo “vì sao” như “ánh bình minh của (họ) mà tiến bước” (Is 60… 3).
Nhờ vâng phục; các nhà chiêm tinh đã thoát khỏi quỷ kế của cáo-già-Herode… Họ đã “đi lối khác mà về xứ của mình” (Mt 2,12).
Một phút suy tư…
Đời sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng chính là một cuộc hành trình. Không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp Giêsu Cứu Chúa của đời ta.
Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng : Chúng ta chỉ là những lữ khách trần gian. Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Cuộc lữ hành về “Belem Thiên Quốc” của chúng ta cũng sẽ phải gặp những Herode-thời-@; họ cũng làm ra vẻ lịch lãm “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận Hài Nhi” nhưng thâm tâm họ vẫn ra sức tiêu diệt những mần sống chưa kịp thành người !!!
Vẫn còn đó những ngôn sứ; nhưng họ chỉ là những ngôn sứ giả. Họ mang danh Giêsu nhưng luôn chống lại Giêsu bằng những lời cắt xét Thánh Kinh. Họ đã vẽ ra một Thiên Đường nhưng không phải là một Thiên Đường của tình yêu. Ngược lại, thiên đường của họ chỉ dẫn con người đi vào thung lũng âm u, nghi ngờ, chia rẽ; bè phái !!!
Chúng ta sẽ ra sao nếu không dựa vào Lời Chúa – như mấy nhà chiêm tinh – để tiến bước trên đường lữ thứ trần gian !!!
Các nhà chiêm tinh đã không cô đơn. Họ đã có ánh sáng của vì sao đồng hành. Hành trình về “Belem Thiên Quốc” của chúng ta hôm nay cũng vậy; chúng ta cũng sẽ khôn cô độc; nếu chúng ta có Lời của Ngài !!!
Hãy nhớ vua David đã nói : “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).
Một khi đã có ánh-sáng-Đức-Kitô. Đó chính là lúc chúng ta có thể cùng các nhà chiêm tinh xưa mà cất tiếng nói với muôn dân rằng : Tôi đã thấy Giêsu Cứu Chúa của tôi.
petrus.tran