Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình
Sứ điệp ĐTC cho ngày Hòa bình Thế giới 01.01.2011
Vatican – Ngày 16/12 vừa qua, văn phòng báo chí Tòa thánh đã công bố Sứ điệp Hòa Bình cho ngày 01.01.2011, của Đức Biển Đức XVI. Chúng tôi xin gởi đến quý độc giả bài giới thiệu của ĐHY Turkson về sứ điệp này
1. Dẫn nhập
Sứ điệp gồm có lời ĐTC chúc mừng Năm Mới, và nhắc đến cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô tại Irak. Trong phần chính của sứ điệp, ĐTC trình bày ý nghĩa tự do tôn giáo và những thể thức khác nhau qua đó tự do này dẫn đến hòa bình và những kinh nghiệm về hòa bình, và sau cùng là kết luận suy tư về hòa bình như một hồng ân của Thiên Chúa và đồng thời cũng là công trình của những người nam nữ thiện chí, và trước tiên là của các tín hữu.
ĐHY Turkson nhận xét rằng Tự do tôn giáo là đề tài sứ điệp của ĐTC cho ngày Hòa Bình thế giới sắp tới, không những vì đề tài này ở trọng tâm đạo lý xã hội Công Giáo, nhưng còn vì cuộc sống tự do tôn giáo – như một ơn gọi cơ bản của con người, một nhân quyền bất khả nhượng và phổ quát, và là một chìa khóa hòa bình – tự do ấy tiếp tục bị đe dọa:
– trước tiên từ phía trào lưu tục hóa quá khích, tỏ ra bất bao dung đối với Thiên Chúa và mọi hình thức biểu lộ tôn giáo
– tiếp đến là từ phía trào lưu cực đoan về tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo và áp đặt các đạo của nhà nước;
– ngoài ra, tự do tôn giáo cũng bị đe dọa vì sự nảy sinh trào lưu duy tương đối về văn hóa và tôn giáo ngày càng lan tràn và mạnh mẽ ngày nay.
Chính sự hoàn cầu hóa – vốn làm gia tăng sự lệ thuộc nhau và những hình thức quan hệ mới, sự đi lại dễ dàng hơn của con người, sự đối chiếu giữa các nền văn hóa và tôn giáo, – cũng bị lợi dụng, nhất là trong lãnh vực tôn giáo, để đạt tới hậu quả đối ngược là làm cho nền văn hóa của nhân loại trở nên nghèo nàn hơn và xúi giục thái độ bất bao dung, phủ nhận và chối bỏ quyền tự do tôn giáo.
Trong Sứ điệp, ĐTC coi việc bảo vệ tự do tôn giáo trong thế giới đa văn hóa, đa tôn giáo và bị tục hóa ngày nay như một trong những cách thức để bảo vệ hòa bình thế giới.
2. Bối cảnh
Sang đến bối cảnh Sứ điệp của ĐTC, ĐHY Turkson nhắc lại rằng một trong những nghĩa vụ quan trọng được đề ra cho thế giới chúng ta sau thế chiến thứ hai là việc soạn thảo, chấp nhận và công bố Tuyên ngôn Quốc Tế nhân quyền năm 1948. Bối cảnh khiến LHQ đề ra tuyên ngôn này chính là các ý thức hệ độc tài, những bất công và kinh hoàng do chiến tranh. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là một đại hiến chương về sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau, công lý, hòa bình, công ích của nhân loại. Điều số 18 của Tuyên ngôn khẳng định tự do tôn giáo như sau: ”Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và tự do biểu lộ một cách biệt lập hoặc chung, công khai hoặc riêng tư, tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình qua việc phụng tự, giảng dạy, thực hành và tuân giữ các lễ nghi”.
ĐGH Biển Đức 16 đã ca ngợi Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền vì đã ”cho phép các nền văn hóa khác nhau, các hệ thống pháp lý và kiễu mẫu định chế đồng quy chung quanh một nòng cốt cơ bản của các gia trị, và các quyền, nhưng ĐTC cũng tỏ ra lo âu vì càng ngày càng có những tổ chức phủ nhận tính chất phổ quát của các quyền ấy nhân danh những quan điểm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí cả tôn giáo nữa.
Sứ điệp của ĐTC nhắc đến vụ Lautsi được đưa ra trước tòa án nhân quyền Âu Châu nhắm chống treo thánh giá tại các trường công lập ở Italia, vụ bà Asia Bibi ở Pakistan bị kết án tử hình về tội gọi là phạm thượng chống Hồi giáo, hoặc trường hợp các tín hữu Kitô bị kỳ thị ở miền nam Sudan, tại Trung Đông, hoặc có những bác sĩ không được giấy phép hành nghề vì không muốn phá thai, hoặc trường hợp những nước đang trên đường phát triển từ chối không những viện trợ có kèm theo những điều kiện đi ngược với xác tín tôn giáo và luân lý của họ, v.v..
Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa bình thế giới 2011 được gửi đến những người thiện chí. Văn kiện này nằm trong bối cảnh vừa nói và ngài nhắc đến những vụ phủ nhận quyền phổ quát về tự do tôn giáo dựa trên một sự lèo lái về văn hóa, chính trị và tôn giáo, kể cả từ phía những quốc gia đã phê chuẩn Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Sự phủ nhận này làm lu mờ sự thật về con người, coi rẻ phẩm giá con người, làm thương tổn sự tôn trọng các quyền của người khác, và xét cho cùng, thái độ ấy đe dọa hòa bình thế giới.
3. Các đề tài
Tiếp tục bài giới thiệu Sứ điệp hòa bình của ĐTC, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình nói đến các đề tài chính của Sứ điệp.
– Trước tiên là bản chất tự do tôn giáo. Tự do này là một con đường dẫn tới hòa bình vì nó ăn rễ sâu nơi nơi phẩm giá con người, vốn có một ơn gọi siêu việt. Tự do tôn giáo diễn tả khả năng và ước muốn của mỗi người tìm cách thể hiện hoàn toàn bản thân trong tương quan cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tự do tôn giáo diễn tả sự tìm kiếm một ý nghĩa trong cuộc sống và khám phá các giá trị cũng như các nguyên tắc làm cho cuộc sống được tràn đầy ý nghĩa, hoặc một mình hoặc chung với cộng đoàn. Xét cho cùng, tự do tôn giáo diễn tả khả năng của con người trong việc tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa và về chính mình, xét vì con người kiến tạo một xã hội trần thế báo trước xã hội quốc, xã hội công bằng, hòa bình và hạnh phúc.
– Đề tài thứ hai là quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo được coi như một quyền con người không phải vì Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ đã khẳng định. Tự do tôn giáo không phải là một quyền do Nhà nước ban phát. Nền tảng của nó không phải do sự thiết định của con người. Cùng với các quyền khác, tự do tôn giáo xuất phát từ luật luân lý tự nhiên và từ phẩm giá còn người, vốn là thành phần công trình sáng tạo của Thiên Chúa, như Đức Gioan 23 và đạo lý kế tiếp của Giáo Hội đã dạy. Và như ĐTC Biển Đức 16 đã nhắc đến trong sứ điệp Hòa bình năm 2011, Nhà nước và các tổ chức công cộng khác cần phải nhìn nhận quyền tự do tôn giáo như một điều nội tại đối với con người, như một yếu tố không thể thiếu được để bảo vệ sự toàn vẹn của con người và hòa bình.
– Đề tài thứ ba được ĐTC đề cập đến trong sứ điệp là: tự do tôn giáo và nghĩa vụ của chính quyền. Mặc dù tự do tôn giáo không cần nhà nước để được thiết lập, và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng qui định điều này là: quyền tự do tôn giáo không phải là một quyền vô giới hạn. Để bảo đảm cho tự do tôn giáo phục vụ hòa bình và không bị lạm dụng như trong vụ mục sư Jim Jones và nhóm của ông ở Guyanna, Sứ điệp của ĐTC viết ”giới hạn đúng đắn trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo phải được xác định trong mọi hoàn cảnh xã hội một cách khôn ngoan về chính trị, theo những đòi hỏi của công ích” (n.10).
– Một vấn đề khác được bàn tới trong sứ điệp là tự do tôn giáo và sự tìm kiếm chân lý. Tự do tôn giáo là tự do không bị cưỡng bách và tự do đối với sự thật, như ĐTC đã nhắc trong số 3 của Sứ điệp: chân lý tôn giáo được hướng về sự tìm kiếm Thiên Chúa đấng Tạo Hóa. Chính sự thật tuyệt đối về Thiên Chúa, ước muốn của tâm hồn con người, khơi dậy nơi họ lời đáp trả bằng cách tự do gắn bó với chân lý ấy. Tự do tôn giáo nói về quyền của con người được diễn tả khả năng đón nhận Thiên Chúa: tự do của con người đáp lại chân lý về bản chất của mình trong tư cách đã được Thiên Chúa dựng nên và được tạo thành để sốngvới thiên Chúa, không bị cưỡng bách hay cản trở. Chính nhờ đó con người tìm được niềm an bình của mình và trở thành một dụng cụ thòa bình.
– Tự do tôn giáo và căn tính. Trong đoạn số 11 của Sứ điệp ĐTC nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo không có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều như nhau. Tự do ấy cũng không phải là động lực đưa tới thái độ duy tương đối về tôn giáo hoặc dửng dưng. Tự do tôn giáo có thể dung hợp với sự bảo vệ căn tính tôn giáo của mình chống lại sự duy tương đối, tôn giáo hỗn hợp và thái độ tôn giáo cực đoan: đó là những hình thức lạm dụng tự do tôn giáo.
ĐTC cũng nêu bật chiều kích cộng đoàn của tự do tôn giáo. Tự do này diễn tả tính chất cá nhân đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn (n.6). Tự do tôn giáo không chỉ thu hẹp vào việc tự do phụng tự. Nó cũng có một chiều kích công cộng, điều này cho phép các tín hữu được góp phần xây dựng trật tự xã hội. Ở đây chúng ta nhắc đến 4 người đã kiến thiết Liên hiệp Âu Châu đó là Adenauer người Đức, De Gasperi người Ý, Schuman và Monet người Pháp,, các trung tâm huấn luyện và văn hóa của Giáo Hội, rất nhiều dự án phát triển, trợ giúp y tế, giáo dục của Giáo Hội tại các xứ truyền giáo, v.v.
*
Như ĐTC Biển Đức 16 đã khẳng định, đạo lý xã hội của Công Giáo được đề ra là để đòi quyền công dân cho Giáo Hội Công Giáo. Phủ nhận quyền được tuyên xưng tôn giáo của mình nơi công cộng và quyền đưa chân lý đức tin để nâng đỡ đời sống xã hội sẽ đưa tới những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển đích thực. Đồng thời, việc không nhìn nhận sự đóng góp cho xã hội, dựa trên chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt đối chắc chắn sẽ dành ưu tiên cho lối tiếp cận cá nhân chủ nghĩa và làm băng hoại sự thống nhất của nhân vị.
Việc thực thi quyền tự do tôn giáo như con đường dẫn đến hòa bình bao hàm việc nhìn nhận sự hòa hợp cần phải có giữa hai lãnh vực và hình thức cuộc sống: riêng tư và công cộng, cá nhân và cộng đoàn. Một tín hữu Công Giáo không phải chỉ là một chủ thể có quyền tự do tôn giáo, nhưng còn là thành phần của một tập thể. Vì thế, khi tùng phục tập thể ấy không phải là mất tự do. Nó trở thành biểu hiệu sự trung thành với tập thể và sự trung thành chính là sự phát triển tự do.
– Vấn đề Tự do tôn giáo và Nhà Nước. Sứ điệp của ĐTC khẳng định rằng mặc dù tự do tôn giáo không do nhà nước tạo nên, nhưng Nhà nước phải nhìn nhận tự do tôn giáo như là điều nội tại đối với con người cũng như nhìn nhận những hình thức diễn tả tự do tôn giáo ấy một cách công cộng và cộng đoàn. Sự nhìn nhận tự do tôn giáo và tôn trọng phẩm giá nội tại của mỗi người cũng bao hàm nguyên tắc Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cộng đoàn, xã hội và quốc gia. ”Mỗi nhà nước có nghĩa vụ đầu tiên phải bảo vệ dân chúng của mình chốn glại những vi phạm trầm trọng và liên tục đối với các quyền con người… Nếu Nhà nước không có khả năng bảo vệ như thế, thì cộng đồng quốc tế phải can thiệp bằng những phương tiện pháp luật đã được Hiến chương LHQ trù liệu và qua các văn kiện quốc tế khác”.
– Tự do tôn giáo được thúc đẩy do tình liên đới chứ không phải do sự hỗ tương (réprocité). Những lời kêu gọi của Giáo Hội cho tự do tôn giáo không nhắm đòi hỏi đặc tính hỗ tương của một cộng đoàn tín hữu. Đúng ra, những lời kêu gọi tự do tôn giáo dựa trên phẩm giá của con người, Chúng ta tôn trọng các quyền của người khác vì đó là điều đúng đắn phải làm, chứ không phải để được một sự tương đương hay để vì một ân huệ nhận được. Đồng thời khi những người khác chịu bị bách hại tín ngưỡng và bị cấm cản không được thực hành tôn giáo, chúng ta cảm thông và liên đới với họ.
4. Trong phần kết luận, ĐTC nói đến tự do tôn giáo và nghĩa vụ truyền giáo. Nghĩa vụ Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ của ngài ra đi rao giảng tin Mừng cho thế giới đưa chúng ta đến chỗ cứu xét quan hệ giữa tự do và chân lý trong việc thực thi tự do tôn giáo. Như thánh Augustino đã nhận xét, không có gì mà linh hồn mong ước mạnh mẽ hơn là chân lý. Và tự do đích thực mong muốn chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa. Toàn thể việc loan báo Tin Mừng, là một cố gắng khơi dậy tự do, tự do tôn giáo của con người, để họ mong ước và đón nhận chân lý Tin Mừng. Chân lý Phúc Âm có đặc tính duy nhất vì là chân lý cứu độ (Mt 16,15-16). Chân lý này khác với các chân lý khác vốn là thành quả hoạt động tri thức của con người.
Vì thế, nghĩa vụ truyền giảng Tin Mừng không trái ngược và không chống lại ý nghĩa của tự do tôn giáo. Đúng hơn việc rao giảng Tin Mừng khơi dậy tự do tôn giáo của mỗi người và hướng dẫn tới chân lý cứu độ, với hy vọng rằng con người, trong tự do tôn giáo của họ, mong ước và đón nhận chân lý cứu độ. Khi đón nhận như thế, mọi tự do tôn giáo được hưởng an bình được ban cho mọi người Chúa thương !
G. Trần Đức Anh OP