Hành trình đức tin và sám hối
Khi nghe đoạn Tin Mừng Chúa kêu gọi Dakêu (Lc 19, 1) trong mùa vọng, lòng tự hỏi: Cứ mỗi lần đi dự lễ, ngước nhìn lên thánh giá và đón nhận Thánh Thể là mỗi lần Chúa đã nói với chính mình: “Này con, hôm nay Ta ở lại nhà con”. (Zacchaeus, come down. Hurry, because I am to stay at your house today).
Vậy mà chưa bao giờ tôi nghĩ ra một câu nào đáp lại lời ấy và nếu đã suy nghĩ, liệu rằng có dám nói những câu tương tự như Dakêu “Thưa Ngài, này đây là phân nửa tài sản của con, con cho người nghèo”. Vậy tôi là một học trò như thế nào trước mặt Chúa?
Liên quan đến các tiêu chí để nhận diện thế nào là một học sinh giỏi hay kém, cổ nhân đã dạy “học một biết mười là học sinh giỏi, học một biết một là trung bình, học mười biết một là học sinh kém”. Một thầy giáo khác thì có định nghĩa nhẹ nhàng hơn cho rằng “không lặp lại một lỗi đến lần thứ 2 là biểu hiện của một học trò giỏi”
1. Hành trình đức tin của một con người sẽ có nhiều ngã nhưng một hành trình tăng trưởng đúng phải là một hành trình từ lúc chưa có đức tin đến lúc có đức tin, từ lúc có đức tin đến việc hình thành đức tin mạnh mẽ Dakêu, Thánh Phaolo là các điển hình của hành trình này. Đức tin mạnh mẽ là đức tin không cần học lại lần thứ 2.
2. Một hành trình đức tin không nên mong muốn là từ chỗ có đức tin đến thời điểm mất đức tin hay từ chỗ có đức tin mạnh mẽ đến chỗ có đức tin yếu đuối. Và qui trình đức tin này cứ lòng vòng qua lại các giá trị: chưa có, có, có mạnh mẽ . Đức tin yếu đuối là đức tin mà người học phải được học lặp đi lặp lại rất nhiều lần và các giá trị nhận được khi tăng khi giảm thất thường.
Một trong những ý nghĩa quan trọng của mùa vọng là kêu gọi lòng sám hối của mỗi cá nhân để đón Chúa đến lần thứ 2 theo một nghĩa sâu xa, nghĩa là thời điểm mà chúng ta từ bỏ cuộc sống trần thế để bước tiếp một cuộc sống đời sau. Thật ra tinh thần sám hối không chỉ diễn ra trong mùa vọng mà cả trong mùa chay, thậm chí đó là một tinh thần phải diễn ra từng phút giây trong cuộc sống mỗi Kitô hữu.
3. Cũng giống như hành trình của đức tin, một hành trình sám hối được mong muốn là từ chỗ phạm tội đến lúc nhận ra để sám hối, sau đó cá nhân sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Người có hành trình đức tin mạnh mẽ sẽ chọn cách sám hối như thế này.
4. Một hành trình sám hối không như mong muốn là phạm tội rồi sám hối, sau đó lại tiếp tục phạm lỗi. Nó hình thành một vòng lặp không lối thoát.
Tới đây chúng ta tự hỏi, Chúa Giêsu mong muốn chúng ta chọn một hành trình sám hối như thế nào ? Đoạn Tin mừng (Gioan 8, 11) khi Chúa Giêsu tha tội cho người nữ ngoại tình, Ngài nói : “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. (Go away, and from this moment sin no more).
Rõ ràng Ngài mong muốn một sự dứt khoát với tội lỗi sau khi nhận ơn tha thứ.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn hiểu rằng, Ngài đang ngắm nhìn và vui buồn cùng với hành trình tăng trưởng đức tin của chúng con. Mùa vọng 2010, xin Ngài dạy cho chúng con mỗi khi nhận ơn tha thứ từ Ngài qua sự sám hối, chúng con đừng bao giờ lặp lại các tội lỗi ấy. Nguyện xin ban cho chúng con luôn cố gắng để đừng bao giờ là học trò kém của Ngài.
Gia Tuấn Anh
12/2010