Cn III mùa Vọng : Làm gì để đón Chúa ?

 

LÀM GÌ ĐỂ ĐÓN CHÚA
Mt 11: 2-11

Lm. Jude Siciliano, OP (Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP)

Cn III mùa Vọng : Làm gì để đón Chúa ?Thường thường mỗi khi chúng ta gặp một người đau khổ chúng ta hay khuyên “thôi, rồi mọi sự sẽ không sao đâu”. Người đau khổ hiểu sự thông cảm của chúng ta, nhưng cũng hiểu là chúng ta không thể làm gì giúp làm vơi đi sự đau khổ của họ. Và ngay chính chúng ta cũng biết như vậy.

Babylon là một cường quốc đang lưu đày dân Israel. Nếu có ai nói “thôi, rồi mọi sự sẽ không sao đâu” thì làm sao dân Israel tin được.

Nhưng ngôn sứ Isaia không tự ông ta nói với dân Israel. Ông ta nói vì danh Chúa, và lời hứa ông ta nói có Thiên Chúa làm hậu thuẫn. Ngôn sứ Isaia dùng những hình ảnh của sách Xuất Hành để nhắc nhở dân Chúa. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên họ, đã đưa họ ra khỏi sự lưu đày ở Ai Cập, và đã chọn họ làm dân riêng của Ngài. Và đây, một lần nữa, Thiên Chúa cũng sẽ làm như vậy, một lần Xuất Hành thứ hai. Thiên Chúa, Đấng giải cứu, sẽ đến cứu họ ra khỏi áp bức tù đày. Mặc dù họ không mấy hy vọng nơi Thiên Chúa, họ sẽ nhận thấy Thiên Chúa thật tình yêu thương họ.

Dân Israel đang sống mòn mỏi, vì thế nên Thiên Chúa sẽ giúp họ xuất hành một cách dễ dàng. Sa mạc sẽ trổ sinh hoa cỏ. Dân Chúa sẽ được thêm sức mạnh: những bàn tay rã rời sẽ được thêm sức, và sự quỳ luỵ dẽ bị triệt tiêu Ngoài sự tăng cường sức khoẻ thân xác, Thiên Chúa còn cho họ thêm sức mạnh về tinh thần và thêm can đảm. Thử hỏi làm sao những người lưu đày đó lại không phấn khởi được. Thiên Chúa toàn năng của họ sẽ đi theo họ. Ngôn sứ loan báo Thiên Chúa sẽ đến, đừng sợ hãi!

Ngôn sứ đang hứa là có sự giải thoát cho dân Chúa. Hãy để ý, lời hứa của ngôn sứ không những ám chỉ sự giải thoát về phần hồn mà thôi. Sự giải thoát này gồm tất cả vũ trụ: nên sa mạc sẽ thay đổi, sức mạnh thân xác con người sẽ được tăng cường toàn vẹn. Mắt người mù sẽ được mở, tai người điếc sẽ được nghe, và người câm sẽ reo hò.

Đường đi ra khỏi chốn ngục tù đày là một quan lộ thánh, một đại lộ, không quanh co, đưa họ ngay về quê hương. Chúng ta có thể tưởng tượng những người lưu đlu7utha hồ nhảy múa reo hò trên quan lộ lớn Thiên Chúa đã làm ra cho họ. Trông như một cuộc diễn hành với Thiên Chúa dẫn đầu, đưa họ về đến quê hương mới và bằng an trong tương lai.

Chúng ta gọi Chủ Nhật hôm nay là “Gaudete” là “Vui mừng”. Lời dẫn đầu vào thánh lễ là “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến” (Pl 4:4-5). Chúng ta có thể bị chán nản nếu chúng ta bị bỏ rơi trong tội lỗi và tù đày. Lúc đó chúng ta không thể làm gì được cho mình ? Nhưng chúng ta vui mừng, “Chủ nhật vui mừng”, vì “Chúa đã gần đến”. Hoặc theo ngôn sứ Isaia nói: “Này đây Thiên Chúa của các ngươi đến để trả oán”. Ngài sẽ đem đến sự công chính. Và đó là hy vọng cho chúng ta, giúp chúng ta tiếp tục (hay bắt đầu) cố gắng xây dựng công bằng trong xã hội chung quanh chúng ta. Chúng ta không cậy vào sức mạnh của chúng ta, vì “này đây Thiên Chúa của các ngươi đã đến”.

Khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả đến để hỏi Chúa Giesu “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi phải đợi ai khác?”, Chúa Giêsu đã dùng lời nói của ngôn sứ Isaia để trả lời. Ngài không nói lại lời ngôn sứ, nhưng Ngài chỉ ra những dấu chỉ để chứng thật Ngài là ai. Dân chúng thời đó và ngày nay không cần nghe những lời khuyên trong lúc họ bị tù đày hay đau khổ: họ chỉ cần dấu chỉ thật sự là lời Thiên Chúa hứa qua miệng ngôn sứ sẽ thành sự thật.

Một điều làm tôi phấn khởi mỗi khi đi giảng phòng ở giáo xứ là tôi được gặp những người cố gắng sống như họ là dấu chỉ nước Chúa đã đến trong thế gian này. Có lẻ họ không nghĩ là họ sống như vậy. Ở một giáo xứ tôi gặp một phụ nữ một mình nuôi con, lại còn phải săn sóc một người anh yếu đau đã được ngũ tuần. Một luật sư cố gắng bênh vực những người di cư bất hợp pháp mà không đòi tiền thù lao nhiều. Một cha mẹ sai con đem thức ăn cho người nghèo. Và còn biết bao người nữa, hàng ngày vẫn sống như người Samaritano nhân hậu trong dụ ngôn Chúa Giêsu dạy.

Họ cũng giống như Chúa Giêsu, là dấu chỉ về ngày ngôn sứ Isaia hứa là sẽ bắt đầu: mắt người mù được mở, tai người điếc được nghe, người què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ hò reo. Trong khi lời hứa của ngôn sứ chưa được thực hiện, Chúa Giêsu đã đến dẫn đưa chúng ta trên “quan lộ thánh” đi về quê thật là nhà Chúa. Trên đường đi, Thánh thần Thiên Chúa cùng đi với chúng ta và chúng ta đã thấy những dấu chỉ sự cứu thoát đã bắt đầu. Chúng ta đã có lời hứa qua Chúa Giêsu là chúng ta sẽ vào thành thánh, “tiến đến sion trong tiếng hò rao”, và “niềm vui vĩnh cửu đội trên đầu”. “vĩnh biệt phiền sầu than van”.

Chúng ta có tin vào những lời hứa có Chúa làm hậu thuẫn không? Trong lúc đi trên “quan lộ” đời sống chúng ta, chúng ta không cảm thấy “thánh thiện”, trái lại, chúng ta cảm thấy những ổ gà và những nứt rạn trên những đường phố như một đường tại khu phố ở Chicago sau khi một mùa đông khắc nghiệt?

Môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu dấu chị thật sự để chứng minh Ngài là Đấng phải đến, là Đấng mà Gioan đã tiền hô. Chúng ta, những thành phần của thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, là những dấu chỉ để đem lời hứa của ngôn sứ và của Chúa Giêsu vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy chứng minh là lời hứa đó đáng được tin cậy, và có thể được thực hiện, chứ không phải là những lời khuyên trống rỗng đâu.

Cũng như Chúa Giêsu đã trung thành với sứ vụ của Ngài, Chúa Thánh Linh sẽ làm chúng ta nên những chứng nhân của đức tin. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta có thể đem đến một cuộc cách mạng về suy nghĩ, xét đoán với một cách bất bạo lực. Chúng ta có thể yêu thương phục vụ kẻ khác, ngay cả đến lúc phải chịu khổ hay chịu chết vì phục vụ. Chúng ta có thể đối đầu với tà thần ở thế gian này và đem đến sự chữa lành và lòng kiên nhẫn trong niềm hy vọng, và ngay cả những khi kẻ khác không trông thấy dấu chỉ cụ thể chúng ta là môn đệ, hay là chúng ta bị thất bại.

Chúng ta là một kẻ được cứu độ, hãy cầu xin cho được trở nên dấu chỉ trung thành ở giữa thế gian mà những người đang bị giam hãm đang mong đợi được thực hiện trong Chúa Giêsu Kito. Chúng ta cố gắng sống theo gương Chúa Giêsu để có thể nói với kẻ khác giống câu trả lời của Chúa Giêsu để chứng minh Ngài: “hãy nói (với kẻ khác) những điều bạn đã nghe và thấy, mắt người mù được mở, …”

Kẻ khác không bao giờ tin chúng ta cho đến khi họ trông thấy các dấu chỉ thật sự là Chúa Giêsu đang sống trong thế gian: cho đến khi họ trông thấy chúng ta dẫn dắt người mù; hay chúng ta nói lên tiếng nói của người nghèo. Để trả lời câu hỏi “Có phải Chúa Giêsu là Đấng phải đến không?”, thì đời sống chúng ta phải chứng minh là “đúng vậy”.


Để lại một bình luận