Lời Tri Ân Hạt Gạo

 

Lời Tri Ân Hạt Gạo

Nhiều lập luận cứ xoay quanh chiếc phao nông nghiệp cho nền kinh tế bơi qua khủng hoảng. Con có một lối đi về với mẹ ngay trong ý nghĩ, trên chiếc ghế ngồi của hội thảo. Con thấy mẹ áo đẫm mồ hôi, lưng phơi giữa cái nắng gắt gay của mùa gặt để thu hoạch lúa. Lúa ấy được chuyển về đâu?

Rất dễ tính được khối lượng của những hạt gạo khi đặt lên bàn cân. Nhưng, khó có thể đong đếm mồ hôi, công sức của mẹ- một người nông dân đã vắt vẻo cuộc đời trong mưa và nắng để cấy cày nuôi con.

Con xa quê để lập thân phố thị, trọn đời nhớ mẹ. Không chỉ bởi máu chảy ruột mềm. Không chỉ là hơi ấm yêu thương. Không chỉ là một chốn về bình yên có khói lam chiều làm nên trạng thái sống đạm bạc, bình dị. Đó còn là sự soi mình vào cần lao để con khôn lớn theo tuổi tác.

Đã có những sai lầm trong đường đời mà con đang phải nhìn thẳng vào sự thật đó để khắc phục. Trẻ thường có vấp ngã. Nhiều lần, con thở dài và buông bỏ ý niệm về việc sắp xếp đời mình, đơn giản như một chiếc tủ ngăn nắp chẳng hạn. Lạ chưa, mẹ chưa một lần trách móc hay dằn vặt con. Mẹ cũng không khuyên bảo con là phải bắt đầu từ đâu, cần làm những gì. Mẹ im lặng gửi cho con những “ấn phẩm” khác nhau của gạo.

Lời Tri Ân Hạt Gạo

Khói lam chiều khiến lòng người nao nao nhớ quê nhà. Ảnh: chudu24.com

Đầu tiên là một bì gạo có đôi hạt sạn do vét cạn chiếc hộp đựng lúa đúng dịp giáp hạt. Gạo ấy nấu lên thành hạt cơm sần sùi, nhạt thếch, thiếu thơm dẻo nhưng con nuốt vào dạ mà hiểu hết mẹ dạy: “Hãy can đảm gạt sạn, tiêu hóa nỗi bất an như ăn một hạt gạo không trắng ngần khi bụng con đói”. Nhiều đêm dài con tắt bóng đèn điện, lấy đêm tối để suy ngẫm về nghĩa của từ “can đảm”. Bất chợt, nước mắt lã chã…Thương những hạt gạo không đẹp mà mẹ đã dành cho con.

Lần khác, mẹ gửi cho con bột gạo nếp. Thơm và dẻo. Mịn màng và gợi hứng thú chế biến. Bàn tay con theo đuổi theo chút lãng mạn như trong phim Hàn: một trái tim đang yêu học làm đầu bếp sành sỏi để chế biến những bữa ăn ngon, đẹp mắt cho người mình yêu. Bếp lửa cháy vừa đủ để món bánh thơm lừng nơi góc bếp.

Con hình như đang bước đi giữa dịu dàng, đằm thắm và đảm đang, khéo léo. Nến thắp lên bên bàn ăn, hoa hồng cười nụ, món bánh được làm từ công sức lao động của mẹ đã tạo nên xúc cảm lãng mạn, lịch lãm khi thưởng thức. Điều đó không thể có ở KFC, không thể có ở nồi lẩu thập cẩm, không thể có ở trong thức uống trộn ga. Điều giản dị và được hạnh phúc trong điều giản dị là một sự truyền dẫn từ căn tính của mẹ cho con.

Thỉnh thoảng, con còn thi vị hóa một gam bột nếp. Tại sao? Những va đập của bất cứ tình huống nào của cuộc sống mỗi ngày đều có thể dồn con vào cảm giác bế tắc. Không một ý nghĩ sáng suốt, tự thấy trong mình một cá nhân đơn độc, nghèo nàn, nhàm chán. Bế tắc dẫn lối cho nỗi cô đơn tìm đến, yếu đuối tìm về.

Bắt kịp hình ảnh bột nếp, lúc đó, con hiểu ra cái chìa khóa: có bột gột nên hồ. Vận động tự nhiên, con khơi thêm thứ bột của tâm hồn mình, bắt đầu từ hát một vài ca từ trong sáng, ngắm một con chuồn chuồn kim, đọc thêm một quyển sách bỏ túi…Dòng nhật ký của con có đoạn mở ra một lời tri ân mẹ, biết ơn hạt gạo, biết ơn đất. Khám phá ra thứ năng lượng như gió trời, nước nguồn ấy, con như một đứa trẻ mãi mãi muốn chôn rau cắt rốn nhiều ý nghĩ với mảnh đất mà con nâng niu gọi là quê mẹ.

Công việc của con thường ghé vào hội thảo, hội nghi, tọa đàm. Lắng đôi tai nghe các chuyên gia phân tích các sự kiện liên quan nhiều đến các quyết sách, các dự báo, các phản biện đa chiều…

Một lần, có mặt trong một cuộc hội thảo về ngành nông nghiệp, người ta bàn về chủ đề vai trò của nông nghiệp trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những báo cáo của các diễn giả phương Tây có nhấn mạnh đến vai trò các miền lúa nước, trong đó có Việt Nam, có chất lượng của hạt gạo, có lợi thế cạnh tranh của gạo nhà mình…

Nhiều lập luận cứ xoay quanh chiếc phao nông nghiệp cho nền kinh tế bơi qua khủng hoảng. Con có một lối đi về với mẹ ngay trong ý nghĩ, trên chiếc ghế ngồi của hội thảo. Con thấy mẹ áo đẫm mồ hôi, lưng phơi giữa cái nắng gắt gay của mùa gặt để thu hoạch lúa. Lúa ấy được chuyển về đâu?

Rõ rồi, đó là vào từng cái dạ dày của mỗi thành viên của gia đình, trong đó mẹ  có chia sẻ gạo mới cho con. Bao nhiêu bữa cơm vội vàng ở phố con đã nấu từ hạt gạo ở quê? Bao nhiêu lần đói lòng, con đang tựa nương vào sự dẻo dai sức vóc của mẹ? Lởn vởn trong tâm trí con vẫn là hạt gạo đã qua sương sa, nắng đốt của mẹ. Để rồi, đã có lúc con chới với trong cách lựa chọn từ ngữ để diễn đạt giữa ý chung và tình riêng.

Hạt gạo là bữa cơm con ăn. Thời gian như một phép cộng, tuổi già của mẹ là xót xa của con. Con lớn lên giữa cuộc đời có hạt gạo của mẹ như một thứ an ninh tâm hồn. Cần lắm, mẹ ơi!

Trần Minh Anh

 

 

.

Để lại một bình luận