Cn II mùa Vọng : Hãy Sám Hối
Mt 3: 1-12
Fr Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh Gv chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Giáo hội mà thánh Phaolô đã viết thư Rôma gửi cho thì bao gồm một số cộng đoàn khác nhau. Không có cơ quan chuyên quyền đối với họ và vì bản chất của một thành phố quốc tế thuộc Rôma, người công giáo rất đa dạng: Gốc Dothái và dân ngoại trở lại, dân từ các đế chế xung quanh, thuộc những trường phái chính trị khác nhau, các tầng lớp khác nhau, … Thế nên chẳng có gì lạ khi thánh Phaolô diễn tả lời cầu nguyện như sau: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau trong Đức Ki-tô Giê-su …”
Trong giáo hội Rôma, cũng có những xung đột về vấn nạn tôn giáo – vấn đề ăn uống và tuân giữ ngày Sabbat. Trong phần trước của đoạn thư trích đọc hôm nay, thánh Phaolô đã nài xin: “đừng xét đoán nhau nữa” (14:13) nhưng nên “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (14:19)
Có vẻ như những tín hữu Rôma chưa đủ khố khổ dưới sự áp bức của đế chế Rôma, mà họ còn phải đối diện với những xung đột nội bộ, đe dọa sự tồn vong của họ. Nên chẳng có gì lạ khi hôm nay, chúng ta nghe thánh Phaolô nhắc lại hai lần từ “kiên nhẫn và an ủi”! Những Kitô hữu đang phải chiến đấu như thế này thực sự cần cả hai điều này.
Chúng ta thường hay lãng mạn hóa Giáo hội thời sơ khai, vẽ lên cộng đoàn của họ với những gam màu lý tưởng. Cứ như thể là họ, không như chúng ta, đã thực sự thực hành niềm tin Kitô giáo. Chúng ta nghĩ rằng vì họ sống quá gần với thời Đức Giêsu, họ có lẽ đã trung thực hơn và mẫu mực hơn trong niềm tin của mình. Phải chăng đó chẳng là kiểu an ủi rẻ tiền khi biết rằng vẫn có nhiều “vấn nạn” trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, cũng những những vấn nạn đối với chúng ta ngày nay chăng? Chúng ta, giống như họ, phải chiến đấu với những áp lực từ bên ngoài, và ở một vài nơi khác trên thế giới, là những bách hại, ngược đãi. Như họ, chúng ta cũng có những chia rẽ và xung đột vì sự khác biệt về chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo và phụng tự.
Thế nên, lời nguyện của thánh Phaolô, cho cộng đoàn Rôma được “kiên nhẫn và an ủi”, thì cũng là lời cầu ngài dành cho cộng đoàn tín hũu ngày nay. Có lẽ chúng ta nên chuyển hướng lời mà thánh Phaolô khuyên nhủ những độc giả đầu tiên của ngài qua Sách Thánh. (Ngài dĩ nhiên cũng đã ám chỉ đến Sách Thánh Hipri, nhưng chúng ta cũng thêm vào Sách Thánh Kitô giáo của chúng ta.) Trong Sách Thánh chúng ta được ban cho “sự kiên nhẫn và an ủi” và những bài học quý giá để chúng ta có thể kiên vững. Kiên vững trong sự thiếu thốn? Vâng, trong những điều khác nữa, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hiếu khách– và vì thế, dù cho có những sự khác biệt trong cộng đoàn, chúng ta vẫn kiên vững trong lòng mến khách.
Thánh Phaolô đã xem Sách Thánh như là nguồn của sự đồng tâm nhất trí mà chúng ta có. Ngài cũng nhắc đến mẫu gương của Đức Giêsu. Ngài nhắc nhở những Kitô hữu Rôma rằng họ, Dothái và Dân ngoại, đã được Đức Giêsu đón nhận. Thì đến lượt họ cũng phải đón nhận vào cộng đoàn của mình tất cả mọi người, bất kể những khác biệt của họ trong xã hội.
Ai chưa từng cảm nghiệm được món quà tuyệt vời của sự hiếu khách? Ai chưa từng biết, hay mong ước đến cảm giác ấm áp và an toàn khi được người khác đón vào nhà họ, vào nơi làm việc mới, hay được chào đón vào một ngôi trường mới? Ngoài ra, điều gì khiến một người hay gia đình công giáo mới tới định cư lại không đến nhà thờ gần đó trong khi quyết định xem nên nhập vào xứ nào? Lý do trước hết để quyết định xem có nên nhập vào một giáo xứ hay không thường là cộng đoàn ở đó có tiếp đón khách khứa chu đáo hay không.
Chúng ta trở lại bài Tin mừng hôm nay. Nếu thời Đức Giêsu có chương trình MTV, tôi dám chắc thánh Gioan Tẩy Giả phải là ngôi sao! Ngài có một thứ mà những người Palestine hồi thế kỷ đầu tiên gán cho một ngôi sao nhạc pop. Ngài mặc: áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da. Ngài dùng thức ăn kỳ lạ: châu chấu và mật ong rừng. Ngài cũng xuất hiện ngay trước mắt mọi người.
Gioan rất gây sự chú ý của người khác: đá tung tóe nước ở sông Giođan, chỉ tay vào mặt những kẻ tội lỗi, làm rung động những kẻ an nhàn, kêu gọi những nhà lãnh đạo tôn giáo, “Nòi rắn độc kia!” Ngài là người gây chú ý vì ngài có điều lớnlao để nói: “Hãy sám hối…”
Gần đây tôi cũng có một cảm nghiệm mà có lẽ trong quý vị một số cũng từng trải qua. Hôm đó tôi đang lái xe vào buổi sáng sớm, khi trời vẫn còn tối, và sau khoảng 4 giờ lái xe, tôi buồn ngủ. Tôi nhận ra rằng tôi đang chạy với tốc độ hơn 100km/h và ngủ gục! Nhưng may thay, không có xe cộ khác và cũng không bị bắn tốc độ. Tôi tấp xe vào lề đường và chợp mắt một lát. Quý vị không thể nào lái xe với tốc độ hơn 100km/h mà không hoàn toàn tỉnh táo!
Cuộc sống có vẻ như thế đúng không? Chúng ta đang chạy với tốc độ trên 100km/h mà không hề kiểm soát. Có thể chúng ta chưa tông vào đâu đó – nhưng đó phải chăng là cách ta đi qua cuộc sống này ? Chúng ta đang bỏ lỡ điều gì trên hành trình của mình? Chúng ta đang quan tâm đến ai và đến điều gì ? Phải chăng chúng ta đã xem nhẹ những điều quan trọng trong cuộc sống; mất ý thức về những điều ưu tiên; bỏ lỡ những nhân vật quan trọng và những phần quan trọng nhất trong cuộc sống? Đặc biệt là vào thời khắc này trong năm, cắm đầu chạy về phía trước cách tự nhiên, gục đầu xuống lầm lũi đi qua mùa này.
Những gì chúng ta cần là một lời thức tỉnh – và chúng ta thường nhận được. Đôi khi nó thẳng thắn và trực tiếp như nơi Gioan Tẩy Giả. Người bạn đời có thể can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách nhẹ nhàng hay chẳng được dịu dàng chi mấy, cho chúng ta một lời thức tỉnh. Anh (chị) ấy nhắc chúng ta rằng chúng ta đang chạy quá nhanh trên đường đời của mình, và đang lạc mất cuộc sống, đánh mất gia đình và con cái. Người bạn đối chất với chúng ta vì chúng ta đã thất hứa hoặc đã lợi dụng họ. Hoặc, một đứa trẻ nói với chúng ta: “Sao mà ba/mẹ chẳng bao giờ rảnh để chơi với con vậy?” Đó là lời của Gioan Tẩy Giả nói với chúng ta dưới hình thức ngôn từ hiện đại. Chính Gioan Tẩy Giả, nhân danh Thiên Chúa, nói với chúng ta cách này hay cách khác, “Hãy ăn năn sám hối,” “Sửa lối cho thẳng !” Dù là lời êm tai hay khó nghe, chúng ta nên sáng suốt lắng nghe và thực hiện những gì thánh Gioan nói với chúng ta hôm nay “Hãy sám hối !”
Nếu chúng ta chăm chú nghe tiếng gọi thức tỉnh chúng ta, thái độ trước hết của chúng ta sẽ là rất hối hận. Hối hận về điều gì? Có thể chúng ta đã sống thiển cận, tìm kiếm hạnh phúc nhầm nơi. Chúng ta cho rằng những gì làm cho chúng ta hạnh phúc trong mùa này hệ tại ở nơi những thiết bị nhanh nhất, mới nhất, thông minh nhất và trong những kiểu thời trang mốt nhất. Cuộc khảo sát mới đây cho thấy rằng, các bậc cha mẹ càng ít dành thời gian ở với con cái thì càng mua nhiều đồ chơi cho chúng. Xã hội của chúng ta đòi hỏi ngày càng nhiều, nhưng chúng ta dường như luôn thấy thiếu. Chúng ta dồn quá nhiều tâm sức vào những chuyện không đâu. Chúng ta đang mất kiểm soát và đi quá nhanh trên con đường sai lầm.
Vì thế, chúng ta phải chân nhận, với tất cả sự hối hận, rằng sự mưu cầu về hạnh phúc của chúng ta đã khiến chúng ta thất vọng. Chúng ta nhận ra những giọng nói khác khiến chúng ta hạnh phúc, chúng đã lừa chúng ta và chúng ta đang chờ đợi. Chúng ta đến đây làm việc thờ phượng hằng tuần. Không phải vì chúng ta chỉ giữ những quy định tôn giáo, đúng không? Cũng chẳng phải chúng ta quan tâm đến sự đảm bảo cho sự sống đời sau, đúng không?Nhưng là vì đời này và khám phá ra ý nghĩa, sự cân bằng và chừng mực cũng như quan tâm đến chính chúng ta và gia đình.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng đầy gay gắt, ông đã cuốn hút sự chú ý của đám đông. Ông được lòng dân vì họ cần sự trợ giúp – một tiếng nói rõ ràng và lành mạnh. Họ và chúng ta ngày nay, nghe được lời hứa của Gioan: đấng đang đến mang theo lửa sưởi ấm cho những ai tinh thần đang giá lạnh bởi buồn chán, đơn điệu và trở nên yếm thế. Chúng ta cũng nghe được lời hứa của ngài về Thánh Thần, vì tinh thần của chúng ta bị sưng phồng vì sự vượt mức, chúng ta cần được canh tân lại thần khí. Đó là những gì chúng ta không thể tự mình đạt được.
Thần Khí đổi mới là một quà tặng mà Mùa Vọng mang lại cho chúng ta hôm nay. Ân huệ này chúng ta không thể mua bằng tiền hay trả bằng thẻ VISA, không thể bị chiếm hoặc sở hữu bằng sự giàu sang hay quyền thế, cũng không phải là độc quyền của bất kỳ sự tinh túy tôn giáo nào. Thần Khí là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Đó là thần khí đổi mới và lửa thanh luyện.
Tiếng nói phía sau giọng nói của Gioan là tiếng nói của Thiên Chúa. Đó là một tiếng nói yêu thương và quan tâm, mong muốn chúng ta hoàn thiện. Thiên Chúa muốn một thứ gì đó đặc biệt trong Mùa Vọng và Giáng Sinh này cho mỗi người chúng ta cũng như cho cộng đoàn chúng ta.
Ân ban này bắt đầu ngay ở đây, như mọi tuần, khi chúng ta cùng nhau quy tụ. Đó ân huệ của Lời, mà thánh Phaolô tái khẳng định với chúng ta hôm nay rằng, ân huệ này giúp chúng ta nên kiên nhẫn và yên ủi chúng ta – dẫu chúng ta có khác biệt hay đa dạng như thế nào đi nữa – như cộng đoàn Rôma thuở giáo hội sơ khai. Chúng ta cũng đón nhận hồng ân của Thánh Thể, như lương thực chia sẻ với những người khác, bất kể những khác biệt của chúng ta. Vì thế, những gì thánh Phaolô cầu nguyện cho giáo đoàn Rôma cũng là cho Giáo hội hôm nay: chúng ta được nên mạnh trong sự đồng tâm nhất trí, như họ nhờ qua Lời Chúa và Bí Tích.