Con Heo Đất Của Cô
Một tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi, có bao nhiêu lo lắng và lo toan. Ai cũng thúc giục bản thân mình phải tự cố gắng. Chính lúc đó em bị tai nạn giao thông rất nặng, tay chân bị gãy tưởng như không sống được. Cả một chặng đường lận đận em đi từ bệnh viện này qua bệnh viện khác. Em được chuyển từ Bệnh viện thành phố Hà Tĩnh ra Bệnh viện Quân khu 4 và chuyển thẳng ra Bệnh viện Hà Nội.
Nằm Bệnh viện Hà Nội hơn một tháng.Tất cả ước mơ đều tan biến, mọi hi vọng về cuộc đời sụp đổ trước mắt em. Cha mẹ gục ngã hoàn toàn, cuộc sống gia đình em cả tháng chìm trong nước mắt. Em học khối A. Lúc còn khỏe em luôn cố gắng học để đạt được ước mơ và thoát khỏi cảnh nghèo khổ, đơn giản vì gia đình em quá nghèo. Cha mẹ em làm việc quần quật suốt năm cũng không đủ nuôi mấy chị em, bố lại thường xuyên bị những vết thương cũ hoành hành. Khi biết em gặp chuyện như vậy, các thầy cô đã động viên và giúp đỡ gia đình em rất nhiều.
Sau hơn một năm ở nhà, một hôm cô dắt em trở lại trường. Học ở đây đã ba năm mà sao em thấy nó xa lạ quá, trống vắng quá. Em đã khóc nhưng cô đưa đôi tay ấm áp nắm chặt tay em và nói: “Cố gắng lên đi em, cô và các bạn luôn ở bên em”. Giọng cô thật dịu dàng, như hơi ấm xua tan cơn gió lạnh lẽo trong người em. Những ngày đầu quay lại trường thật là khó, bạn cũ không còn ai, những gì đã học em quên hết, em cảm thấy chán lắm cô ơi! Em muốn nghỉ học vì cảm thấy thua kém, em sợ các bạn cười em. Cô đứng trước em và nói rằng: “Nhân ngày xưa của cô đâu, đứa học trò đầy nghị lực của cô đâu?”. Lúc đó em lặng người, không lấy chuyện thua kém bạn bè làm chán nữa mà xem nó như là một động lực.
Ông trời có thể lấy đi sự thông minh nhưng không thể lấy đi sự cần mẫn ở mỗi con người. Ngoài giờ dạy trên lớp cô còn tổ chức dạy thêm ở trường buổi tối. Cô kêu em đi học không lấy tiền và kèm cặp sát sao các bài học cho em nữa. Còn nhớ những hôm trời mưa sợ em ướt sẽ bị đau, cô lấy áo mưa của mình cho em mặc. Cô nhẹ nhàng nói em còn yếu lắm, mặc áo đi không lại bị đau nữa. Sau những ngày tháng vất vả tìm lại kiến thức, cuối cùng em cũng đã vượt qua được hai kỳ thi quan trọng. Quả là một kỳ tích!
Ngày nhận giấy báo nhập học, em vui mừng phát khóc, cứ lẩm bẩm đọc đi đọc lại từng chữ. Em không tin nổi cánh cửa đại học mở ra trước mắt. Em đạp xe thật nhanh đến báo với cô: Em đã đỗ đại học rồi cô ơi! Biết tin cô vui lòng lắm. Nhưng niềm vui của cô và gia đình em chưa dứt thì phải nhường chỗ cho bao nhiêu nỗi lo. Gia đình em làm nông nghèo, bố ốm đau quanh năm đi làm không được là bao, anh trai học bách khoa năm 4, mẹ làm lụng vất vả cũng không đủ miếng ăn.
Hôm trước ngày nhập học một tuần cô gọi em lên trường. Hôm đó là lễ tập trung trường đầu năm, có mặt đông đảo các bạn học sinh. Cô bảo em ngồi lên dãy ghế của cô. Cô cầm trên tay con heo đất đi từng hàng, từng hàng xin học sinh từng ngàn, từng ngàn để lấy tiền giúp em phần nào đó để đi học. Một cô giáo dạy học sinh và chính vì giúp học sinh của mình mà cô có thể đi xin. Cô làm một việc mà khó thầy cô nào có thể làm được. Giữa toàn trường cô nêu gương học tập của em. Cô xúc động trong nước mắt nói rằng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cô làm vậy, cô cũng ngại lắm nhưng cô cần sự ủng hộ của học sinh, cô tha thiết mong các bạn hãy hiểu và ủng hộ cô… Mỗi buổi dạy thêm cô cũng để con heo đất ở bàn mình với hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của ai đó. Không phải thầy cô nào cũng có thể làm được như vậy, phải thật sự yêu thương và đồng cảm với học sinh thì mới làm được điều đó.
Ngày em lên đường nhập học, cô đến nhà trao cho em con heo đất cùng bao lời nhắn nhủ. Cô ra về trong nước mắt mà không muốn cho em biết. Nhưng em biết đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Đối với em, dù cuộc đời có thế nào, dù thời gian có trôi đi thì hình ảnh cô cùng con heo đất sẽ ở mãi trong lòng người học trò nghèo này.
Nguyễn Thị Hường