HÃY TỈNH THỨC
Mt. 24,37-44
Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh GV chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Ngày Lễ Tạ Ơn vừa kết thúc vào thứ Năm vừa qua. Quả là một ngày lễ tuyệt vời ! Tôi đoan chắc nhiều gia đình đã thưởng thức món súp gà tây trong những ngày qua. Chắc chắn chúng ta cũng dùng món Sandwich kẹp gà tây với nước sốt trứng cá. Rất nhiều người coi Lễ Tạ Ơn là ngày nghỉ ưa thích : thực đơn khá thú vị, mỗi gia đình mỗi khác. Những món ăn truyền thống khơi nên những kỷ niệm về thời thơ ấu – “món ăn ngon”. Có nhiều cảnh tượng quen thuộc về trái bí ngô, bài trí giản dị và ở bán cầu Bắc còn có những chiếc lá thu. Chẳng cần vội vã mua quà làm gì, vì đây là thời gian dành cho gia đình và bạn hữu. Lễ Tạ Ơn không có bầu khí rộn ràng của mùa Giáng Sinh như chúng ta thấy ngoài kia, bên ngoài nhà thờ.
Sau cảm giác ấm áp của ngày Lễ Tạ Ơn, hôm nay, khi bước vào trong nhà thờ, chúng ta có thể thấy hơi sửng sốt. Ở nơi phượng tự của chúng ta, việc bố trí đã được giản thiểu đáng kể : không có những chiếc lá thu rực rỡ ánh hồng cũng chẳng thấy trưng hoa. Không phải là màu vàng và màu đỏ tươi của mùa thu, nhưng chỉ có màu xanh thẫm và màu tím. Những gì hiện ra trước mắt chúng ta là một bàn thờ hoàn toàn mộc mạc với cung thánh trống không. Ngay tại trong nhà thờ này, Lễ Tạ Ơn rõ ràng đã không còn nữa ! Những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy cho chúng ta biết là mình đang ở trong một mùa khác, khắc khổ hơn và ít hào nhoáng hơn. Dường như chẳng có vẻ gì là “cảm giác hạnh phúc” phải không ? Nếu chúng ta hãy còn nghi ngờ, thì quả là không hẳn như vậy.
Quí vị có nghe nói về những biểu tượng trong bài Tin Mừng hôm nay nói về lụt lội và con người mất sự cảnh giác hay không? Những người thợ trên cánh đồng đang xay lúa thì được đưa đi giữa lúc đang làm công việc thường ngày. Cùng với hình ảnh của Tin mừng, lời khuyên của thánh Phao-lô đưa ra những cảnh báo thảm khốc và ảm đạm, nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, loại bỏ những việc làm đen tối và ăn ở ngay thẳng “như người đang sống giữa ban ngày”.
Vâng, đây không phải là ngày nghỉ Lễ Tạ Ơn cuối tuần trong nhà thờ và Giáng Sinh thì chưa đến. Chúng ta hãy còn những bốn tuần trước khi nghe câu chuyện Giáng Sinh, dù chúng ta đã thấy đồ trang trí Giáng Sinh nơi các cửa hiệu và bên hông các gian hàng dược phẩm, tạp hóa bày đầy kẹo Giáng Sinh. Chúng ta đã phát chán khi nghe bài “Đêm An Bình” (Silent Night) được phát trong các thang máy của cửa hàng bách hoá hay chưa? Ngoài kia, cái gì cũng có nhưng lại thiếu “sự yên lặng”. Quả thực, âm thanh thì muốn điếc lỗ tai và tiếng ồn ngày càng tăng, càng lớn.
Khi ở nhà, ở công sở hay bất cứ nơi đâu, chúng ta đã thực sự bước vào điều mà nhiều người gọi là “Mối Âu Lo Lễ Hội”. Chúng ta lo lắng vì không biết nên mời ai tới dự bữa tối Giáng Sinh và mua thứ gì để làm quà. Đâu là quà nào mới nhất mà mọi đứa trẻ “phải có” ? Đâu là vật dụng hoặc món trang sức thời trang nhất mà người bạn đời của mình đang để ý trong các chương trình quảng cáo ? Tất cả những lo âu này ngày một nhiều do sự bùng nổ của các chương trình quảng cáo – chẳng ai thoát khỏi chúng. Thật dễ hiểu tại sao mà mùa này có nhiều người tự vẫn, bạo hành gia đình tăng, nhiều người bị rối loạn tim mạch hơn bất kỳ mùa nào khác. Chúng ta còn bỏ sót điều gì, hay còn quên ai nữa không?
Với tất cả những điều đang xảy ra ngoài kia, thì việc thực hiện một cuộc trốn thoát ra như không thể được. Quả là không tệ khi đến nhà thờ để nghỉ ngơi; để có cơ hội tận hưởng một không gian giản dị với những bài thánh ca êm đềm, để trấn tĩnh và nhìn sâu vào cõi lòng mình, cũng như ý nghĩa của mùa này. Chưa phải là những bài thánh ca như : “Trang trí đại sảnh bằng cây Noel” (Deck the Halls with boughs of Holly) hay một giai điệu khác như bài “Tiếng Chuông Ngân” (Jingle Bell) hay “Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph” (Rudolph the Red Nose Reindeer).
Thật may, chúng ta đang ở trong mùa Vọng. Đây là mùa chúng ta nghỉ ngơi và trong giờ phút thờ phượng này, hãy cảm nhận tâm tình ít mãnh liệt hơn, bước chầm chậm rồi dừng lại để ngắm nhìn và lắng nghe cuộc đời của mình. Và cuối cùng sẽ thấy đây chưa phải là thời gian ảm đạm. Đây không phải là liều thuốc giảm đau, nhưng là một mùa vui. Đây là giây phút hiếm hoi giúp tinh thần sáng suốt, là dịp để thư giãn, như Lời Chúa hôm nay khuyên nhủ chúng ta: “Đây là mùa để… Tỉnh thức”.
Cộng đoàn phụng vụ chúng ta có nhiều tước hiệu ưa thích dành cho Chúa Giê-su, đặc biệt là trong mùa Vọng này. Chúng ta gọi Ngài là Thái Tử Hoà bình, là Đấng Cứu Thế, là Đấng Messia, là Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta… Tôi chắc rằng mỗi người cũng có những danh hiệu ưa thích của riêng mình dành cho Người: “Bạn”, “Thầy thuốc”, “Đấng an ủi”… Nhưng tôi cho rằng không ai trong chúng ta dám gọi Ngài đúng như Ngài tự gọi mình trong bài Tin Mừng hôm nay. Cách Ngài nói về mình làm mọi người sửng sốt. Ngài nói rằng khi Ngài trở lại, Ngài sẽ đến như kẻ trộm giữa đêm khuya– thình lình, không ngờ tới.
Đây chẳng phải là cách rất tự tôn về chính Người đó sao? Chắc chắn là chúng ta không mở rộng vòng tay để đón những kẻ trộm. Thực tế, chúng ta bảo vệ mình khỏi bọn họ: chúng ta cài chặt then cửa, đặt những chấn song ở tầng hầm và những cửa sổ tầng trệt; gắn chuông chống trộm trong xe hơi và nhà ở; treo những thông cáo trên các cửa sổ để báo có hệ thống an toàn… Đến như kẻ trộm: quả là một hình ảnh rất lạ mà Đức Giêsu sử dụng để cảnh báo về sự trở cách bất ngờ của Người trong cuộc đời chúng ta!
Trong khi hình ảnh Đức Giêsu như một kẻ trộm không phải là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta, nhưng phải chăng Người vẫn còn là kẻ trộm? Ngài muốn lẻn vào những nơi phức tạp và bước vào chốn ẩn khuất trong cuộc đời chúng ta. Ngài đúng là một tên trộm, nhưng là trộm lành. Ngài lấy đi những thứ không cần thiết mà chúng ta đem theo bên mình, những thứ đè nặng lên cuộc đời chúng ta như: tội lỗi, sự hối tiếc, hận thù, đố kỵ, hay tinh thần nguội lạnh… Nhưng Ngài để lại những thứ có giá trị – tuỳ theo nhu cầu chúng ta thực sự cần trong cuộc sống.
Đâu là điều chúng ta cần trong mùa Vọng này: lòng tin tưởng sâu xa hơn trong sự đợi chờ; kiên trì làm những việc thiện; dọi ánh sáng vào nơi tăm tối; canh tân niềm tin của chúng ta; chữa lành Giáo hội; đem bình an vào những nơi ưu phiền….?
Mùa Vọng là thời gian để tỉnh thức, sẵn sàng cho kẻ trộm bước vào cuộc đời ta cách mới mẻ. Ngài là kẻ trộm mà chúng ta cần phải luôn để mắt đến và lắng tai nghe để có thể nhận ra những dấu hiệu của kẻ trộm khi Ngài bước đến. Chúng ta cầu xin luôn được cảnh giác trong mùa Vọng này. Khi chúng ta nhận ra mình đang tự do tiến đến chân lý và rồi chúng ta chọn để trở nên ngày một lương thiện hơn, đó chính là những việc Ngài làm – tên trộm lành đã đến rồi đó.
Kẻ trộm lành đã đến khi chúng ta vô tình hay khó chịu với người khác nhưng ta nghe lòng mình nói : “tôi xin lỗi”; Khi chúng ta nhận ra người khác không cần phải bày tỏ lòng yêu mến chúng ta trong mùa Giáng Sinh này bằng những món quà đắt đỏ; Khi những nhu cầu của người nghèo chạm đến cõi lòng chúng ta và chúng ta tìm cách đáp lại nhu cầu của họ; Khi chúng ta bị cuốn hút vào việc cầu nguyện cách say mê hơn – thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó. Khi Lời Chúa trở nên sống động hơn trong những thánh lễ này và chúng ta có một cảm nghiệm mới mẻ về sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó.
Đức Giêsu đến bất ngờ trong cuộc đời của những người bình dị, những người vẫn đang ăn uống, kết hôn hay lao động. Họ không phải là những người xấu; họ là những người như chúng ta, bận tâm với những điều quan trọng, với những công việc thường ngày. Chìa khoá để khám phá ra dụ ngôn hôm nay là kẻ trộm yêu chúng ta và muốn yêu chúng ta hơn thế nữa nên Ngài đến khơi dậy nơi chúng ta, để chúng ta vượt qua những gì nhàm chán hằng ngày. Ngài muốn chúng ta lưu tâm đến mùa Vọng này và cất khỏi chúng ta tính tự mãn. Ngài là kẻ trộm đến khi chúng ta mất cảnh giác, khi những công việc thường ngày đã khiến chúng ta tê liệt, mệt nhoài.
Trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng này chúng ta cầu xin một tinh thần tỉnh thức để nhận ra Đức Giêsu khi Ngài đến trong cuộc đời chúng ta, một cách mới mẻ và bất ngờ. Chúng ta cầu xin cho công việc thường ngày không làm chúng ta uể oải khi Ngài đến, hay khiến chúng ta chỉ nhìn vào những nơi chúng ta thường mong đợi ngài xuất hiện.